10. Bài thứ mười
Bài Thứ 10
PHẦN CHÁNH TÔNG (tiếp theo)
64. PHẬT PHÁ CÁI CHẤP “NHƯ LAI CŨNG CÓ ĐI, ĐỨNG, NẰM, NGỒI”
Phật dạy: “Tu Bồ Đề! Nếu có người chấp: Như Lai cũng tới, lui, nằm, ngồi v.v… thì người đó không hiểu nghĩa Như Lai.
Tu Bồ Đề! Như Lai nghĩa là không từ đâu đến và cũng không đi về đâu, nên gọi là Như Lai”.
Lược giải
Đoạn này Phật dùng Trí tuệ Bát Nhã phá cái chấp “Như Lai cũng đi, đứng, nằm, ngồi v.v…”
Pháp thân của Phật như như bất động, không khứ không lai, không sinh không diệt. Phật chứng được pháp thân này, nên gọi là Như Lai.
***
65. PHẬT PHÁ CÁI CHẤP “THẬT CÓ VI TRẦN VÀ THẾ GIỚI”
Phật dạy: “Tu Bồ Đề! Nếu có người chẻ nhỏ Đại thiên thế giới (một nghìn triệu thế giới nhỏ) thành vi trần. Vậy số vi trần này nhiều không?”
Tu Bồ Đề thưa: “Bạch Thế Tôn! Nhiều lắm”.
Phật dạy: “Tu Bồ Đề! Như Lai nói các vi trần, không phải thật vi trần, chỉ giả gọi là vi trần. Nếu các vi trần thật có, thì Như Lai không gọi là vi trần (chỉ gọi cái tướng, do chẻ nhỏ thế giới mà thành).
Tu Bồ Đề! Như Lai nói thế giới, không phải thật thế giới, chỉ giả gọi thế giới. Nếu thế giới thật có, thi Như Lai không gọi là thế giới, mà chỉ gọi là cái tướng của tổng hợp của nhiều vi trần.
Tu Bồ Đề! Như Lai nói cái tướng tổng hợp (thế giới) không phải tướng tổng hợp, chỉ giả gọi là tướng tổng hợp.
Tu Bồ Đề! chúng phàm phu vì không biết đó là một cái tướng tổng hợp của nhiều vi trần, nên chấp là thật có thế giới, rồi sinh tâm tham lam luyến ái v.v…”.
Lược giải
Đoạn này Phật dùng Trí tuệ Bát Nhã phá cái chấp “thật có vi trần và thế giới”. Đây là lần thứ hai (lần thứ nhất ở đoạn 24) Phật phá cái chấp vi trần và thế giới.
Chẻ vật lớn nhất như thế giới, chẻ cho đến lúc không còn chẻ được nữa, thì tạm gọi đó là “vi trần” (bụi nhỏ). Rồi tổng hợp rất nhiều vi trần , đến mức cùng tột mà tạm thành. Cả hai vi trần và thế giới đều không thật thể, chỉ có giả danh mà thôi.
Tóm lại, tất cả muôn sự muôn vật trong vũ trụ, lớn như thế giới, nhỏ như vi trần, đều không thật thể, chỉ có giả danh mà thôi. Chúng sinh không biết, vọng chấp là thật, nên gặp cảnh thuận thì sinh tâm tham lam; còn gặp cảnh nghịch thì sân, si v.v…rồi tạo ra các nghiệp sinh tử luân hồi, từ đời này đến kiếp nọ, không biết bao giờ cùng tận.
Bởi thế nên Phật thuyế kinh Kim Cương Bát Nhã, mục đích để phá các vô minh vọng chấp thật ngã. Lhi mây vô minh vọng chấp hết rồi, thì trăng Phật tính (Trí tuệ Bát Nhã) hiện ra, chiếu khắp cả mười phương thế giới.
***
66. PHẬT PHÁ CHẤP NGÃ
Phật dạy: “Tu Bồ Đề! Nếu có người nói: “Phật cũng có ngã tướng, nhân tướng, chúng sinh tướng và thọ giả tướng”. Vậy, người này có hiểu được nghĩa của Như Lai nói không ?”.
Tu Bồ Đề thưa: “Bạch Thế Tôn! Người này không hiểu được nghĩa của Như Lai nói. Tại sao vậy? Vì Như Lai nói bốn tướng: ngã, nhân, chúng sinh và thọ giả, nhưng không phải thật có bốn tướng, chỉ giả gọi bốn tướng ngả, nhân, chúng sinh và thọ giả mà thôi”.
Lược giải
Đoạn này Phật dùng Trí tuệ Kim Cương Bát Nhã phá trứ cái “ngã chấp”.
Có người chấp: “Nếu không có “ngã”, tại sao Phật cũng nói có bốn tướng: ngã, nhân, chúng sinh và thọ giả?”. Vì chúng sinh chấp bốn tướng thật có, nên Phật cũng nói cái tên bốn tướng, để giải thích cho chúng sinh biết bốn tướng đó là giả, chứ không phải Phật chấp thật có bốn tướng như chúng sinh. Bởi thế nên Phật day: “Như Lai nói bốn tướng, nhưng không phải thật có bốn tướng, chỉ giả gọi bốn tướng”.
***
67. PHẬT PHÁ CHẤP PHÁP
Phật dạy: “Tu Bồ Đề! Người phát tâm Bồ Đề chẳng nên chấp các pháp thật có, mà phải thấy các pháp là giả, biết các pháp là giả, hiểu các pháp là giả và tin các pháp là giả.
Tu Bồ Đề! Như Lai nói “các pháp” không thật có “các pháp”, chỉ giả gọi là “các pháp”
Lược giải
Đoạn này Phật dùng Trí tuệ Kim Cương
Bát Nhã, phá trừ cái chấp pháp
Chúng sinh vì chấp thật có ta (ngã) nên suốt đời, chỉ lo cho ta ăn ngon, lo cho ta mặc đẹp, lo nhà cửa cho ta, lo tiền cho ta tiêu dùng, lo cho ta có dsinh vọng, quyền tước v.v… làm việc gì cũng vì ta. Rồi cái gì hợp với ta thì sinh tâm tham lam luyến ái, cái gì nghịch với ta thi sân, si, tật đố v.v…tạo đủ điều tội lỗi.
Không ngờ cái “ta”chẳng thật, do các duyên hòa hợp giả tạo. Khi các duyên tan rã rồi, thì có cái gì gọi là “ta”.
Ngoài sự chấp “ta”, chúng sinh còn chấp “pháp”; nghĩa là chấp muôn sự muôn vật thật có. Vì chất sự vật thật có vcà lâu dài, nên chúng sinh cả đời chịu khổ sở, vất vả để tìm cầu. Được rồi tham cầu nữa, không biết bao giờ đủ; không được thì sân hận, tạo không biết bao nhiêu tội lỗi. Do đó mà bị sinh tử luân hồi, không biết bao giờ cùng tận.
Không ngờ các pháp cũng đều hư giả, không thật, như bể cả biến làm ruộng dâu, ruộng dâu hoá làm bể cả, có cái gì chân thật và trường tồn. Bởi thế nên Phật dạy: “Người phát tâm Bồ Đề, không nên chấp các pháp thật có, m phải thấy các pháp là giả, hiểu các pháp là giả, và tin các pháp là giả”.
Hành giả thấy biết và tin các pháp là giả, mới ngăn chận được vọng tưởng tham, sân, si v.v… và mới trở về với chân tâm thanh tịnh của mình.
Cũng vì thế, nên toàn bộ kinh Kim Cương Bát Nhã, đều nhằm mục đích đả phá các vọng chấp ngã, pháp để chúng sinh trở về với bản tâm thanh tịnh hay Phật tính sáng suốt của mình.
Đó là phương pháp “hàng phục vọng tâm mà cũng là để an trụ chân tâm”.
***
68. PHẬT TÁN THÁN CÔNG ĐỨC THỌ TRÌ KINH KIM CƯƠNG BÁT NHÃ
Phật dạy: “Tu Bồ Đề! Nếu có người dùng 7 món báu, đựng đầy vô lượng vô số thế giới đem bố thí. Và, nếu có người phát tâm Bồ Đề thọ trì đọc tụng hoặc giảng dạy kinh này, trọn quyển hay nữa quyển, cho đến tối thiểu là bốn câu kệ, thì phúc đức của người này nhiều hơn người trước.
Tại sao người thọ trì đọc tụng kinh này, phúc đức nhiều hơn người trước? Vì người này chẳng chấp thủ các tướng (ngã, chấp), nhập được thể tính Kim Cương, như như bất động vậy”.
Lược giải
Đoạn này Phật tán thán công đức người thọ trì kinh này, nhiều hơn người bố thí vô số thất bảo. Đây là lần thứ 14, phật nói về công đức trì kinh.
Người thọ trì kinh này, sẽ phá trừ hết các vọng chấp ngã, pháp hay bốn tướng, ngộ nhập được Kim Cương Bát Nhã là tính như như bất động và sẽ thành Phật, rồi trở lại giáo hoá vô lượng vô số chúng sinh đều được giải thoát, nên phúc đức nhiều hơn người bố thí bảy báu.
***
69. PHẬT NÓI BÀI KỆ: QUÁN CÁC PHÁP HỮU VI ĐỀU HƯ GIẢ
Dịch âm (nguyên văn):
Nhất thế hữu vi pháp
Như mộng, huyễn, bào, ảnh
Như lộ diệc như điển
Ưng tác như thị quán.
Dịch nghĩa:
Phải quán như thế này:
Tất cả pháp hữu vi
Như mộng, huyễn, bọt, bóng
Như sương, như điện chớp.
Lược giải
Phật kết thúc thời kinh Bát Nhã bằng một bài kệ, quán các pháp hữu vi đều giả, để hàng phục vọng tâm và an trụ chân tâm.
Hành giả phải luôn luôn quán tất cả các pháp trong vũ trụ đều hư giả, như chiêm bao, như vật huyễn thuật, như bọt nước, như bóng tối, như sương mai và điện chớp.
Khi hành giả đã đi sâu vào pháp quán giả; nghĩa là thấy một cách chắc chắn “các pháp đều hư giả” như sáu món hư huyễn trên, thì hành giả không còn khởi vọng tâm chấp thủ ngã pháp hay bốn tướng.
Khi các vô minh vọng chấp không còn thì chân tâm thanh tịnh hiện ra, hay nói cách khác là tính Kim Cương Bát Nhã như như bất động hiện ra. Lúc bấy giờ, hành giả liền chứng được quả Bồ Đề, không cần phải gian lao khổ hạnh, nhiều kiếp tu hành hay phải tìm đâu xa lạ.
Tóm lại, đây là một phương pháp tu mau chóng, đặc biệt của kinh Kim Cương Bát Nhã, để “hàng phục vọng tâm và an trụ chân tâm”.
***
PHẦN LƯU THÔNG
PHẦN TRUYỀN BÁ LƯU THÔNG
Khi Phật nói kinh này rồi, ông Trưởng lão Tu Bồ Đề, các vị Tỳ kheo, Tỳ kheo Ni, thiện nam, tín nữ, trời, người và thần A Tu La, đều tin thọ và jhoan hỷ vâng làm.
Lược giải
Theo thông lệ, thì tất cả các kinh của Phật đều chia làm ba phần: Phần Tự (phần mở đề), phần Chánh tông (phần chánh đề) và phần Lưu thông (phần truyền bá lưu thông).
Đoạn này là phần Lưu thông, nói về các thính giả, sau khi nghe Phật nói kinh Kim Cương Bát Nhã rồi, tất cả đều lĩnh thọ tin theo và hoan hỷ vâng làm.
(Dịch xong, ngày 10 7 Ất Tý
Nhằm ngày 6/8/1965)
- 36
Viết bình luận