9. Bài thứ chín | Đại Bảo Tháp Mandala Tây Thiên | Đại Bảo Tháp | Đại Bảo Tháp Tây Thiên

9. Bài thứ chín

Bài thứ chín


I. PHẬT DẠY: CHÂN TÂM PHI TẤT CẢ TƯỚNG

Phật dạy:

- Chân tâm này phi tâm (thức) phi đất, nước, gió, lửa và phi hư không.

(Ðoạn này nói: Chân tâm phi ngũ uẩn. Thọ, tưởng, hành, thức thuộc về tâm; còn đất, nước, gió, lửa thuộc về sắc).

Nó phi nhãn, nhĩ, tỵ, thiệt, thân, ý; phi sắc, thanh, hương, vị, xúc, pháp; phi nhãn thức giới cho đến phi ý thức giới.

(Ðoạn này nói: Chân tâm phi lục nhập, thập nhị xứ và thập bát giới. Nói phi ấm, giới, nhập tức là nói phi cảnh giới lục phàm).

Chân tâm phi minh vô minh và minh vô minh tận, cho đến phi lão tử và phi lão tử tận.

(Ðoạn này nói: phi 12 nhân duyên, cả lưu chuyển và hoàn diệt là cảnh giới của Duyên giác)

Phi khổ, tập, diệt, đạo; phi trí và phi đắc.

(Ðoạn này nói: phi tứ đế là cảnh giới của Thanh văn)

Phi bố thí, trì giới, tinh tấn, nhẫn nhục, thiền định và trí huệ.

(Ðoạn này nói: phi lục độ là cảnh giới của Bồ tát).

Cho đến phi Như Lai, Ứng Cúng, Chính Biến Tri... (mười hiệu) phi Ðại Niết bàn và phi bốn đức của Niết bàn: thường, lạc, ngã, tịnh.

(Ðoạn này nói: phi cảnh giới Phật. Từ Thanh văn, Duyên giác, Bồ tát và Phật gọi là tứ thánh).

Tóm lại, chân tâm phi tất cả các pháp thế gian (6 cõi phàm) và xuất thế gian (4 quả thánh) vậy.

Lược giải:

Ðã là chân tâm thì không còn vọng. Vì không còn vọng nên không có đối đãi: ngộ mê, thánh phàm, chúng sinh và Phật, hữu vi hay vô vi, v.v... vì nó  tuyệt tính, ly tướng.

II. PHẬT DẠY: CHÂN TÂM TỨC TẤT CẢ PHÁP

Phật dạy:

- Chân tâm này, cũng tức tất cả pháp; tức là tâm; tức là đất, nước, gió, lửa và hư không; tức là nhãn, nhĩ, tỉ, thiệt, thân, ý; tức là sắc, Thanh, hương, vị, xúc, pháp; tức là nhãn thức giới cho đến ý thức giới; tức Tứ đế; tức Thập nhị nhân duyên; tức là Lục độ; tức là Phật và bốn đức Niết bàn. Nói tóm lại, chân tâm tức là tất cả pháp thế gian và xuất thế gian.

Lược giải:

Tâm đã sinh ra tất cả pháp, thì tâm là tất cả pháp. Cũng như bột đã làm ra các thứ bánh, thì bột đó tức là bánh.

III. ÐẾN MỘT TỪNG NỮA LÀ CHÂN TÂM KHÔNG THỂ NÓI “PHI” VÀ “TỨC”

- Phú Lâu Na, cái chân tâm này lại rời tất cả “tức” và “phi”, mà cũng là “tức” và “phi tức”.

Chân tâm như thế, thì từ kẻ phàm phu cho đến các vị thánh: Thanh văn, Duyên giác, làm sao lấy tâm trí suy nghĩ cho đến đạo vô thượng Bồ đề của Như Lai, hay dùng lời nói luận bàn của thế gian mà ngộ nhập chỗ tri kiến của Phật cho được?

Lược giải:

Ðây là chỗ tuyệt đối, không thể nói năng, suy nghĩ và kêu gọi là gì được. Túng cùng chỉ gọi “Chân tâm” thôi. Bởi thế nên Phật đóng cửa thất tại nước Ma Kiệt; ông Duy Ma ngậm miệng ở thành Tỳ Gia, cũng vì lý đạo quá cao siêu và nhiệm mầu, nên không thể nói ra được vậy.

IV. PHẬT LẤY CÂY ĐÀN ĐỂ TỶ DỤ

- Tỷ dụ như cây đàn cầm hay đàn tỳ bà, v.v... tuy sẵn có tiếng hay, nhưng phải nhờ ngón tay hay của người biết khảy (nhạc sĩ) mới có thể phát ra tiếng hay được.

Lược giải:

Thí dụ này rõ ràng và thực tế lắm. Người đàn hay khảy ra tiếng hay, người đàn vừa khảy ra tiếng vừa, người đàn dở khảy ra tiếng dở, song đều có tiếng cả. Dụ như chân tâm của chúng ta tùy duyên biến hiện các pháp; nếu khéo dùng thì hiện ra Phật, còn vừa vừa thì thành Bồ tát, Thanh văn, vụng lắm thì thành tam đồ lục đạo, đều có biến hiện cả.

***

- Ta cùng với các ông cũng đồng một bản thể chân tâm thanh tịnh này và viên mãn khắp giáp tất cả. Song ta làm việc gì và lúc nào cũng đều chân cả. Còn các ông tâm vừa mống lên, thì phiền não trần lao đã khởi trước.

Bởi các ông không siêng năng cầu đạo vô thượng, chỉ ưa mến quả Tiểu thừa, mới vừa chứng được chút ít lại cho là đầy đủ.

V. ÔNG PHÚ LÂU NA HỎI PHẬT: CHÂN TÂM NHÂN ĐÂU CÓ VỌNG

Ông Phú Lâu Na thưa:

- Bạch Thế Tôn, con cùng với Phật đã đồng một chân tâm viên mãn không khác. Nhưng con bị vọng tưởng từ vô thủy, nên nhiều kiếp phải chịu sinh tử luân hồi, nay tuy chứng đặng quả Thánh, mà chưa cứu cánh (còn ở về Tiểu thừa).

Còn đức Thế Tôn thì tất cả các vọng đã hoàn toàn diệt, Ngài đã chứng chân tâm thường trụ rồi, được tự tại giải thoát. Vậy con xin kính hỏi đức Thế Tôn: Tất cả chúng sinh vì sao có vọng, tự che lấy chân tâm mà phải chịu trầm luân?

VI. PHẬT DẠY: ĐÃ LÀ VỌNG THÌ KHÔNG CÓ SỞ NHÂN, NHƯ ÔNG DIỄN NHÃ ÐẠT ÐA

Phật dạy:

- Này Phú Lâu Na, ông tuy trừ nghi, mà các mê lầm chưa hết. Tôi nay dùng việc thật tế và hiện tiền trong thế gian để chỉ dạy ông: Vừa rồi đây, ông có nghe câu chuyện chàng Diễn Nhã Ðạt Ða tại thành Thất La không? Một buổi sáng nọ chàng lấy gương soi mặt, thấy cái đầu trong gương (bóng) có mặt mày đáng thương. Chàng trở lại giận trách “cái đầu thiệt của mình đây sao không thấy được mặt mày của mình; hay là ma quỷ?”. Rồi bỗng nhiên chàng nổi cuồng vùng chạy... Theo ý ông, người này nhân cái gì mà bỗng nhiên nổi cuồng vụt chạy?

Ông Phú Lâu Na thưa:

- Người ấy tự tâm họ cuồng, chớ không có nhân cái chi cả.

Phật dạy:

- Cũng vậy đó, ông Phú Lâu Na. Ðã nói là “vọng” thì đâu có sở nhân, còn có sở nhân thì không phải là vọng. Các vọng tưởng tự nó nhân nhau liên tiếp phát sinh; từ đời này đã mê rồi chất chứa thêm cái mê, cho đến nhiều kiếp. Ta đã nhiều lần chỉ dạy, mà các ông hãy còn chưa ngộ trở lại.

Này Phú Lâu Na, cái “mê” như vậy đó, nhân mê tự có? Nếu người biết được cái “mê” ấy không nguyên nhân, thì cái “mê vọng” đó không còn gá nương vào đâu nữa. Lúc bấy giờ dầu muốn cho nó sinh còn không thể được, huống chi muốn diệt.

Các ông nên biết: Người đặng đạo Bồ đề rồi (ngộ chân tâm), cũng như người thức giấc mộng, mà muốn nói lại việc chiêm bao; mặc dầu trong tâm nhớ biết rõ ràng, nhưng không làm sao chỉ các vật trong chiêm bao ra được, vì nó không thật có, vả lại nó cũng không có nguyên nhân nữa. Cũng như chàng Diễn Nhã Ðạt Ða, tự sợ cái đầu của mình, rồi nổi cuồng vụt chạy, chớ không có sở nhân gì cả.

Nếu cái “cuồng” kia thoạt nhiên hết, thì cái “đầu” vẫn y nguyên. Dù cho khi chưa hết cuồng thì cái đầu ấy cũng không mất. Này Phú Lâu Na, các “mê vọng” như vậy đó, chớ có nhân cái gì đâu!

Lược giải:

Cái đầu là dụ cho “chân tâm”. Tự nổi cuồng là dụ cho các “vọng tưởng” tự sinh. Hết cuồng rồi thì cái đầu vẫn y nguyên, dầu đương cuồng cái đầu cũng không mất, là dụ cho ngộ rồi thì chân tâm tự hiện, dầu chưa ngộ, chân tâm cũng không mất.

VII. NẾU CÁC “VỌNG DUYÊN” DỨT, TÂM “CUỒNG VỌNG” TIÊU THÌ CHÂN TÂM HIỆN BÀY

- Này Phú Lâu Na, các ông khi đối với trần cảnh (thế giới, chúng sinh, nghiệp quả) chỉ đừng có khởi vọng niệm phân biệt, thì tham, sân, si (ba duyên) không khởi. Ba duyên không khởi, thời ba nhân sát, đạo, dâm chẳng sinh. Lúc bấy giờ anh khùng Diễn Nhã Ðạt Ða (mê) ở trong tâm các ông tự hết, mà hết tức là Bồ đề (sáng suốt). Khi ấy chân tâm của ông thanh tịnh sáng suốt tự hiện bày, khắp cả pháp giới, không cần phải cực nhọc khó khăn tu chứng, hay xin cầu nơi ai cả.

Lược giải:

Bởi đối cảnh khởi tâm phân biệt, nên sinh ra tham, sân, si. Vì tham, sân, si mới có sát, đạo, dâm. Do sát, đạo, dâm nên phải chịu sinh tử luân hồi.

Tỷ dụ như người khi đối với nữ sắc v.v... chỉ thấy qua, không khởi vọng niệm phân biệt thì chẳng có hại chi. Ðến lúc khởi tâm phân biệt đây là xấu, thì tâm ghét giận nổi lên. Còn phân biệt kia là đẹp thì tâm tham muốn sinh ra. Tham, sân đã sinh thì si cũng theo đó mà khởi.

Còn khi đối cảnh, mà tâm không khởi phân biệt, thời vọng niệm chẳng sinh, vọng niệm không sinh, thì chân tâm tự hiện.

Thật là một pháp tu trực chỉ mau thành Phật nhứt, mà cũng là khó nhứt. Chúng ta suốt đời chỉ tu theo bốn chữ Phật dạy:“Bất tùy phân biệt” (đối cảnh không khởi phân biệt) cũng chưa chắc đã tu xong.

***

- Tỷ dụ như kẻ cùng tử, trong túi áo có sẵn hột châu như ý, nhưng không hay biết, nên chịu nghèo hèn vất vả phải đi làm thuê mướn ở các phương xa, kiếm ăn qua ngày tháng, song hột châu ấy không mất. Ðến khi gặp người tri thức (quen) chỉ cho biết: “Anh đã sẵn có hột châu vô giá trong túi áo kia”. Lúc bấy giờ anh muốn gì được nấy, giàu có vô cùng. Chừng ấy anh mới hối ngộ rằng: hột thần châu này chính mình đã sẵn có, không phải do nơi người mà được.

Lược giải:

Lời tỷ dụ này rất hay, Phật chỉ rõ chúng sinh đều sẵn có Phật tính (chân tâm). Nhưng vì không ngộ được, nên phải nhiều kiếp làm chúng sinh khổ sở, mà Phật tính thì vẫn không mất. Ðến khi ngộ được chân tâm, chứng thành quả Phật, phước trí đầy đủ rồi mới biết rằng: chân tâm này chính mình sẵn có, không phải do nơi người mà được.

VIII. A NAN NGHI “TÂM BỒ ĐỀ” DO NHÂN DUYÊN SINH

Khi đó A Nan đứng dậy lạy Phật, chắp tay bạch rằng:

- Ðức Thế Tôn nói: “Ba duyên tham, sân, si dứt rồi, thời ba nhân sát, đạo, dâm không sinh. Lúc bấy giờ anh khùng Diễn Nhã Ðạt Ða trong tâm ông tự hết, mà hết tức là Bồ đề, không phải do nơi người mà đặng”.

- Bạch Thế Tôn, như thế thì tâm Bồ đề rõ ràng là do nhân duyên sinh rồi. Tại sao đức Như Lai lại bác thuyết nhân duyên sinh?

Không những riêng chúng con là hàng Thanh văn tuổi trẻ hữu học, do nhân duyên mà tâm được khai ngộ; chính như trong hội này, những vị đã đặng Vô lậu, như ông Ðại Mục Kiền Liên, ông Xá Lợi Phất và ông Tu Bồ Đề từ dòng Phạm Chí ngoại đạo, cũng do nghe Phật nói nhân duyên, mà tâm được khai ngộ.

Nay Phật nói: “Tâm Bồ đề không từ nơi nhân duyên sinh”. Như thế thì chúng ngoại đạo Câu Xá Ly kia nói về thuyết “tự nhiên” cũng thành đúng lý hay sao? Xin Phật duỗi lòng đại bi, vạch mở chỗ mê mờ cho chúng con.

Lược giải:

Ông A Nan trước đã nghi nhân duyên và tự nhiên, đều bị Phật phá rồi, nay ông lại còn nghi nhân duyên và tự nhiên nữa. Bởi vì lưới nghi chồng chập nhiều đời, vả lại hàng Thanh văn pháp chấp khó trừ. Cũng như cây chuối, lột được bẹ này, lại bày ra bẹ khác. Lột cho hết bẹ thì lõm chuối mới bày. Phá nghi cho hết, thì “chân tâm” mới hiện.

IX. PHẬT ĐỊNH NGHĨA CHỮ NHÂN DUYÊN TỰ NHIÊN VÀ BÁC

Phật dạy rằng:

- Này A Nan, như chàng Diễn Nhã Ðạt Ða kia, vì nhân duyên soi gương, cho nên chàng mới sinh ra cuồng. Ðến khi hết cuồng thì tính không cuồng (tỉnh) tự nhiên sinh ra; có phải cái lý nhân duyên và tự nhiên cùng tột như thế chăng?

Này A Nan, chàng Diễn Nhã Ðạt Ða kia, nếu cái đầu của chàng đã là tự nhiên, thì lúc nào cũng vẫn tự nhiên, vậy do nhân duyên gì nổi cuồng sợ chạy?

Nếu cái đầu là tự nhiên, vì nhân duyên soi gương cho nên mới cuồng, vậy cái đầu cũng vẫn tự nhiên, sao chẳng vì nhân duyên soi gương mà mất đi. Phải biết: Cái đầu vẫn không biến đổi hay mất đi, còn “cuồng sợ” tự nó vọng sinh. Vậy thì cần gì phải có nhân duyên soi gương mới sinh ra cuồng?

Lược giải:

Ðoạn này đại ý nói: Nếu nói “chân tâm tự nhiên” thì lúc nào nó cũng vẫn tự nhiên, vậy do nhân duyên gì mà nổi vọng.  Nếu nói “do nhân duyên nên nổi vọng” sao chẳng do nhân duyên mà chân tâm kia mất. Vậy thì biết, chân tâm không biến đổi, cái “cuồng vọng” tự nó vọng sinh, không cần gì phải có nhân duyên.

***

- Còn nói “cái cuồng đó tự nhiên sẵn có”, vậy thì khi chưa cuồng nó núp ở chỗ nào?

Cái đầu đã tự nhiên không có cuồng vọng, vậy vì sao nổi cuồng vụt chạy?

Nếu như người ngộ được “cái đầu mình sẵn có”, biết được cái “cuồng” tự nó vọng sinh, thì thuyết nhân duyên và tự nhiên đều là nói chơi cả.

X. PHẬT PHÁ CHẤP NHÂN DUYÊN ĐỂ DẪN VÀO “VÔ CÔNG DỤNG”

- Thế nên Ta nói:  “Ba duyên: tham, sân, si đoạn hết, tức là tâm Bồ đề”. Nếu cái “vọng tâm sinh diệt kia diệt, mà tâm Bồ đề sinh”, như thế cũng còn ở trong vòng sinh diệt. Phải diệt và sinh đều hết, mới được vô công dụng đạo (chỗ cứu cánh).

Lược giải:

Ðoạn này Phật phá chấp nhân duyên để dẫn nhập đạo vô công dụng.

XI. PHẬT PHÁ CHẤP TỰ NHIÊN ĐỂ THÀNH VÔ HÍ LUẬN

- Nếu ông chấp “vọng tâm sinh diệt kia diệt rồi, thì tâm Bồ đề tự nhiên sinh”; như thế cũng còn ở trong vòng sinh diệt, chưa phải thật là tự nhiên. Phải không còn sinh và diệt, mới thật là tự nhiên.

Ông nên hiểu thêm: không phải tự nhiên sinh, không phải nhân duyên hòa hiệp khởi; ly (rời) cả tự nhiên và nhân duyên hòa hiệp, mà cái “ly” đó cũng không còn nữa, như thế mới phải là chỗ rốt ráo (vô hí luận).

Lược giải:

Ðoạn này là Phật chỉ đến chỗ cứu cánh tuyệt đối, nếu còn nói năng phân biệt, thì chưa phải là tuyệt đối.

XII. PHẬT QUỞ ÔNG A NAN HỌC NHIỀU KHÔNG TU, THÌ CHẲNG CÓ LỢI ÍCH GÌ

- A Nan! Ông đối với quả Bồ đề Niết bàn của Phật hãy còn cách xa lắm! Nếu ông không siêng năng, trải qua nhiều kiếp chịu cực nhọc tu hành, thì dầu cho có nhớ hết nghĩa lý nhiệm mầu trong mười hai bộ kinh của mười phương các đức Phật, nhiều như số cát sông Hằng, cũng chỉ giúp thêm cho ông việc nói giỏi mà thôi, chớ không lợi chi cho ông cả.

Ông nay luận bàn về thuyết nhân duyên và tự nhiên rất là thông suốt. Người đời khen ông là bậc học rộng nghe nhiều. Nếu trong nhiều kiếp ông chỉ chứa chất cái học suông này mà không tu, thì không bao giờ khỏi được cái nạn Ma Ðăng Già kia vậy.

Nếu cái học và nghe suông của ông đó có lợi thì cần gì phải nhờ đến thần chú Lăng Nghiêm của ta, để làm cho nàng Ma Ðăng Già kia nguồn tình khô cạn, lửa dục tiêu tan, lại tinh tấn tu hành, trong đạo pháp của ta, nàng chứng được quả thánh thứ Ba (A Na Hàm). Khi đó ông mới được giải thoát.

XIII. SO SÁNH ĐỂ KHUYẾN KHÍCH TU HÀNH

- A Nan! Ông tuy nhiều kiếp ghi nhớ các nghĩa lý nhiệm mầu của Như Lai, nhưng không bằng một ngày tu tập nghiệp vô lậu, xa lìa hai cái khổ thương ghét (tham, sân) ở thế gian.

Bằng chứng rõ ràng, như nàng Ma Ðăng Già nguyên trước kia là kẻ dâm nữ, do nhờ thần chú của ta, mà nguồn tình khô cạn, lửa dục tiêu tan, lại xuất gia tu hành làm Tỳ kheo ni.

Còn bà Gia Du Ðà La là mẹ của La Hầu La, vì biết được nhân đời trước, do tham ái mà nhiều đời phải chịu khổ, nên một niệm tu theo nghiệp lành vô lậu, mà được ra khỏi tình ái ân triền phược và đặng thọ ký.

Kẻ phụ nhân tu hành còn được như thế, huống chi các ông là nam tử, đã học rộng nghe nhiều mà trở lại chấp chỗ thấy, nghe suông, chẳng biết tiến tu, sao tự khinh mình đến thế!

Lược giải:

Ðoạn này Phật quở trách rất là thống thiết! Nếu chỉ học nhiều mà không tu thì chẳng có lợi ích gì.  Chúng ta đọc đoạn này chớ nên nghĩ rằng: “Phật chỉ quở một mình ông A Nan”, mà chính Ngài quở trách chung tất cả chúng ta vậy.

LƯU Ý: Từ trước đến đây, Phật nói về phần lý, từ đây về sau, Phật mới chỉ về đường lối tu hành

 


 

Viết bình luận

Chúc mừng năm mới
Copyright © 2015 daibaothapmandalataythien.org. All Rights Reserved.
Xã Đại Đình, huyện Tam Đảo, tỉnh Vĩnh Phúc. Email: daibaothapmandalataythien@gmail.com

Đăng ký nhận tin mới qua email
Số lượt truy cập: 6407515
Số người trực tuyến: