4. Bài thứ tư
25/06/2016 - 15:23
Lượt xem: 56
Bài Thứ Tư
PHẦN CHÁNH TÔNG (tiếp theo)
13. PHẬT NÓI CÔNG ĐỨC TRÌ KINH NÀY NHIỀU HƠN BỐ THÍ THẤT BẢO
Phật hỏi:”Tu Bồ Đề ! Nếu có người đựng đầy bảy báu trong đại thế giới (một nghìn triệu thế giới nhỏ) đem bố thí (tài thí), thì phúc đức nhiều không?”. Tu Bồ Đề thưa:” Bạch Thế Tôn! Nhiều lắm”.
Phật dạy: “Tu Bồ Đề! Nếu có người thọ trì đọc tụng kinh này, hoặc vì người giảng nói trọn quyển hoặc nửa quyển, cho đến tối thiểu là bốn câu kệ, thì công đức (pháp thí) của người này nhiều hơn người trước. Tại sao vậy? Vì tất cả Phật và Pháp đều từ kinh này mà ra”.
Phật dạy tiếp: “Tu Bồ Đề! Gọi là “Phật, Pháp”, thực ra cũng không phải “Phật, Pháp”, chỉ tạm gọi là “Phật, Pháp”.
Lược giải
Đây là lần thứ hai, Phật nói về công đức thọ trì đọc tụng kinh này, nhiều hơn người bố thí thất bảo.
Đoạn này nên chia làm ba phần để giải thích.
1. So sánh phúc đức giữa tài thí và pháp thí
Ngọc ngà châu báu là vật rất quý, đã ít có và khó kiếm, nên không ai có nhiều được. Nhưng nếu người nào có nhiều châu báu, đựng đầy một nghìn triệu thế giới nhỏ (đại thế giới) đem ra bố thí, tất nhiên phúc đức nhiều lắm.
Nhưng, nếu có người thọ trì kinh này hoặc giảng nói cho người nghe, từ một quyển, nửa quyển, hoặc một tờ cho đến tối thiểu là bốn câu kệ, thì công đức của người sau, lại nhiều hơn người trước. Tại sao vậy? Vì bố thí tiền tài, dù có nhiều bao nhiêu cũng chỉ giúp về phần vật chất, làm cho người giàu có sung sướng nhấtthời mà thôi. Còn bố thí về giáo pháp là giúp về phần tinh thần, làm cho người hiểu biết giáo lý tu hành, thoát ly sinh tử luân hồi, kiến tính thành Phật, rồi trở lại độ chúng sinh đều được giải thoát. Bởi thế nên bố thí pháp (tinh thần) tuy ít, nhưng phúc đức nhiều hơn bố thí tài (vật chất).
2. Phật và Pháp đều từ kinh này sinh.
Kinh này là kinh “Kim Cương Bát Nhã”, tức là kinh nói về “Trí tuệ Phật”. Trí tuệ này phá núi vô minh phiền não, nhưng không bị hư hoại, nên gọi là “Kim Cương”.
Nhờ Trí tuệ Kim Cương Bát Nhã phá hết vô minh, nên mới minh tâm kiến tính thành Phật, nên nói:”Kinh này sinh ra chư Phật”. Và sau khi thành Phật rồi, cũng nhờ có Trí tuệ Bát Nhã mới nói ra giáo pháp, nên nói “kinh này sinh ra Pháp”.
3. Phá cái chấp “thật có Phật, Pháp”.
Đúng theo “tính Bát Nhã Chân không”, thì nói năng không trúng, suy nghĩ chẳng nhằm, nên không có thể kêu gọi là gì được cả. Nhưng sở dĩ gọi “Phật, Pháp”, là một danh từ, đặt ra để gọi tạm mà thôi; thật ra cũng không phải là “Phật, Pháp”. Nếu còn chấp “thật có Phật, Pháp” thì không đúng với “Tính Bát Nhã chân không”, nên Phật dạy:” Gọi là Phật Pháp, thực ra cũng không phải Phật Pháp, chỉ tạm gọi là Phật Pháp”.
GIẢI DANH TỪ
Bảy món báu: Vàng, bạc, ngọc lưu ly, ngọc xà cừ, ngọc mã não, ngọc san hô và ngọc hổ phách.
Đại thế giới: Tức là Đại thiên thế giới. Thế giới chúng ta ở đây là một thế giới nhỏ; 1.000 thế giới nhỏ, gọi là “Tiểu thiên thế giới”; 1.000 Tiểu thiên thế giới, gọi là “Trung thiên thế giới”; 1.000 Trung thiên thế giới, gọi là “Đại thiên thế giới”. Một Đại thiên thế giới là một nghìn triệu thế giới nhỏ. Thế giới Ta bà là một Đại thiên thế giới.
Chú thích
Kệ: Một bài kệ là 4 câu, hoặc nhiều câu, như thơ tứ cú, bát cú v.v…ở nước ta.
Thọ trì: Lĩnh thọ và hành trì.
***
14. BỐN QUẢ THANH VĂN, KHÔNG NÊN CHẤP MÌNH CÓ CHỨNG QUẢ
Phật hỏi: “Tu Bồ Đề! Nếu vị Tu đà hoàn tự nghĩ rằng:”Tôi đã đặng quả Tu đà hoàn”, nghĩ như thế có được không?”
Tu Bồ Đề thưa: “Bạch Thế Tôn! Không thể được. Tại sao vậy? Vị Tu đà hoàn, phải không còn có thấy mình có chứng quả Tu đà hoàn (Tàu dịch Nhập lưu), thế mới thật là chứng quả Tu đà hoàn”.
Phật hỏi: “Tu Bồ Đề! Nếu vị Tư đà hàm tự nghĩ rằng: “Tôi đã đặng quả Tư đà hàm”; nghĩ như thế có được không?”.
Tu Bồ Đề thưa: “Bạch Thế Tôn! Không thể được. Tại sao vậy? Vị Tư đà hàm, phải không còn có thấy mình có chứng quả Tư đà hàm (Tàu dịch Nhất lai), thế mới thật là chứng quả Tư đà hàm”.
Phật hỏi: “Tu Bồ Đề! Nếu vị A na hàm tự nghĩ rằng:”Tôi đã đặng quả A na hàm”; nghĩ như thế có đặng không?”.
Tu Bồ Đề thưa: “Bạch Thế Tôn! Không thể được. Tại sao vậy? Vị A na hàm, phải không còn có thấy mình có chứng quả A na hàm (Tàu dịch là Bất lai), thế mới thật là chứng quả A na hàm”.
Phật hỏi: “Tu Bồ Đề! Nếu vị A la hán tự nghĩ rằng: “Tôi đã đặng quả A la hán”; nghĩ như vậy có đặng không?”.
Tu Bồ Đề thưa: “Bạch Thế Tôn! Không thể được. Tại sao vậy? Vị A la hán, phải không còn có thấy mình có chứng quả A la hán, thế mới thật là chứng quả A la hán. Nếu còn thấy mình chứng quả A la hán tức là còn trụ chấp (dính mắc) về bốn tướng: ngã, nhân, chúng sinh và tu hành giả, thì không phải thật chứng A la hán.
Bạch Thế Tôn! Cũng như con đây, vì con không còn chấp mình có tu chứng, nên mới được Như Lai chứng nhận: “Tu Bồ Đề đã đặng pháp Tam muội vô tránh; Tu Bồ Đề là người ưa tu hạnh tịch tịnh (A lan na); Tu Bồ Đề là vị A la hán ly dục thứ nhất. Trong chúng, Tu Bồ Đề là hơn hết”.
Bạch Thế Tôn! Nếu con nghĩ (chấp rằng: “Con đã đặng quả A la hán, con là vị A la hán ly dục thứ nhất v.v…thì Đức Như Lai không chứng nhận và không khen ngợi con như vậy”.
Lược giải
Đoạn này Phật dùng Trí tuệ Bát Nhã, phá trừ cái chấp của bốn quả Thanh văn, tự thấy mình có chứng quả.
Trong kinh Tứ thập nhị chương có chép:
“Tu vô tu tu, chứng vô chứng chứng v.v…”
Nghĩa là: Tu mà không còn chấp mình tu, thế mới thật là tu. Chứng quả, mà không chấp mình chứng quả, thế mới thật là chứng quả v.v….
Nếu người tu chứng, đúng theo tinh thần của “Kim Cương Bát Nhã”, nghĩa là không còn các vọng chấp ngã và pháp hay bốn tướng, thì mới thật tu và thật chứng.
Trái lại, nếu còn chấp ngã, pháp hay bốn tướng (ngã, nhân v.v..) tức là không nhập được “Kim Cương Bát Nhã”, thì không phải thật tu và thật chứng.
Bởi thế nên bốn quả Thanh văn, nếu còn tự thấy mình có chứng quả Tu đà hoàn, Tư đà hàm, A na hàm, A la hán, tức là còn chấp ngã (ta chứng đặng) và chấp pháp (quả vị để chứng) thì không nhập được “Kim Cương Bát Nhã”, nên không phải là Tu đà hoàn, Tư đà hàm, A na hàm, A la hán.
Ông Tu Bồ Đề, tự đem mình ra làm thí dụ điển hình. Đại ý ông nói: Nếu ông chấp rằng:”Tôi đã đặng pháp Tam muội và đặng quả A la hán v.v…” tức nhiên ông còn chấp ngã (quả A la hán) chấp pháp (Tam muội), chưa nhập được Kim Cương Bát Nhã, thì Phật đâu có ấn chứng cho ông là vị A la hán ly dục thứ nhất v.v….
Ngài Phó Đại sĩ nói bài tụng giải thích rằng:
Nguyên văn (dịch âm):
Vô sinh tức vô diệt
Vô ngã phục vô nhân
Vĩnh trừ phiền não chướng
Trường từ hậu hữu thân
Cảnh vong tâm diệc diệt
Vô phục khởi tham sân
Vô bi không hữu trí
Hốt nhiên độc nhậm chân.
Dịch nghĩa:
Không sinh cũng không diệt
Không ngã cũng không nhân
Dứt trừ phiền não chướng
Không còn có thân sau
Tâm cảnh đều vắng lặng
Do đâu khởi tham sân
Không bi cũng không trí
Thế mới nhập Chân như.
ĐẠI Ý
Nếu không còn các vọng chấp nhân, ngã, sinh, diệt v.v…thì các phiền não không do đâu mà sinh ra. Phiền não không sinh, tức không tạo nghiệp, nên không bị sinh tử luân hồi. Vì tâm và cảnh đã vắng lặng thì do đâu khởi tâm, sân, si. Cho đến bi và trí cũng không chấp, nên chân tâm hay chân như tự hiện bày.
Tóm lại, vì không còn các vô minh vọng chấp: nhân, ngã, tâm, cảnh, sinh, diệt v.v…nên mới chứng đặng chân tâm thanh tịnh. Như thế mới thật tu và thật chứng.
GIẢI DANH TỪ
Tu đà hoàn: trong bốn quả Thanh văn của Tiểu thừa, Tu đà hoàn là quả Thánh nhỏ nhất. Tu đà hoàn là dịch âm tiếng Phạn, Trung hoa dịch là “Dự lưu” hoặc “Nhập lưu”, nghĩa là mới dự vào dòng Thánh nhân.
Tu đà hàm: Quả Thánh thứ hai trong bốn quả Thanh văn. Trung Hoa dịch âm của tiếng Phạn, dịch nghĩa là “Nhất vãng lai”; nghĩa là còn một lần qua cõi nhân, thiên để tu hành đoạn hoặc, rồi mới chứng đặng quả A la hán.
A na hàm: Quả Thánh thứ ba trong bốn quả. Trung Hoa dịch âm tiếng Phạn, dịch nghĩa “Bất lai”; nghĩa là không còn trở lại thọ sinh trong Dục giới nữa.
A la hán: Quả Thánh thứ tư trong bốn quả. Trung Hoa dịch âm tiếng Phạn, nếu dịch nghĩa, có ba:
a. Vô sinh: Không còn sinh trở lại ba cõi
b. Sát tặc: Đã giết hết các giặc phiền não.
c. Ứng cúng: Xứng đáng cho nhân thiên cúng dường.
Do tu nhân Tỳ kheo có 3 nghĩa, nên chứng quả A la hán cũng có 3 nghĩa:
Nhân Phá ác ….. Vô sinh Quả
Tỳ kheo Bố ma … Sát tặc A la hán
Khất sĩ …. Ứng cúng
Tam muội: Trung hoa dịch âm tiếng Phạn, dịch nghĩa là “Chính định”.
Tam muội vô tránh: Pháp chính định hơn hết.
A lan na: Trung hoa dịch âm tiếng Phạn, nghĩa là không ồn ào náo nhiệt, vắng vẻ thanh tịnh, giải thoát không bị trần luî.
***
15. PHẬT PHÁ CÁI CHẤP “NHƯ LAI CÓ ĐẮC PHÁP”
Phật hỏi: “Tu Bồ Đề! Về quá khứ đối với trước Phật Nhiên Đăng, ta có đắc pháp không?”.
Tu Bồ Đề thưa: “Bạch Thế Tôn! Đức Như Lai thật không có “đắc pháp” gì cả”.
Lược giải
Đoạn này Phật dùng Trí tuệ Bát Nhã phá trừ cái chấp “Như Lai thật có đắc pháp”.
Kinh chép: “Về quá khứ, vô lượng, vô số kiếp về trước, Đức Thích Ca đối trước Phật Nhiên Đăng, được Ngài truyền chánh pháp và thọ ký, tương lai sẽ được thành Phật, hiệu là Thích Ca Mâu Ni”.
Nhưng, nếu Như Lai còn chấp mình có “đắc pháp và được thọ ký” tức là Như Lai còn chấp ngã (ta được) chấp pháp (đắc pháp) thì không phải là Như Lai. Bởi thế nên ông Tu Bồ Đề thưa:”Bạch Thế Tôn ! Như Lai không có đắc pháp gì cả”.
Vì Như Lai không chấp mình có “đắc pháp” và “thọ ký”, nên không mắc vào bốn tướng ngã, nhân v.v… được nhập Kim Cương Bát Nhã. Như thế mới thật là “đắc pháp” và “được thọ ký”.
***
16. PHẬT PHÁ CHẤP “BỔ TÁT THẬT CÓ LÀM TRANG NGHIÊM CÕI PHẬT”
Phật hỏi: “Tu Bồ Đề! Bồ Tát có làm trang nghiêm cõi Phật không?”.
Tu Bồ Đề thưa: “Bạch Thế Tôn! Bồ Tát không làm trang nghiêm cõi Phật. Tại sao vậy? Bồ Tát làm trang nghiêm cõi Phật, mà không thấy (chấp) mình có trang nghiêm cõi Phật, như thế mới thật là trang nghiêm cõi Phật”.
Lược giải
Đoạn này phật dùng Trí tuệ Bát Nhã phá trừ cái chấp “Bồ Tát có làm trang nghiêm cõi Phật”.
Bồ Tát làm các Phật sự, giáo hoá chúng sinh, đó là trang nghiêm cõi Phật. Nhưng, nếu Bồ Tát còn chấp mình có làm Phật sự, giáo hoá chúng sinh, thì Bồ Tát còn tâm nhiễm ô vọng chấp ngã (ta giáo hoá) nhân (người được giáo hoá). Đem tâm nhiễm ô vọng chấp mà làm “trang nghiêm cõi Phật”, thì cõi Phật thành nhiễm ô, không thể “trang nghiêm cõi Phật thanh tịnh” được.
Trái lại, phải dùng tâm thanh tịnh (không còn các nhiễm ô vọng chấp, chấp ngã, chấp pháp v.v…) mà trang nghiêm cõi Phật, thì cõi Phật mới thanh tịnh trang nghiêm được.
Ngài Xuyên Thiền sư dạy:
Nguyên văn (dịch âm):
Chính nhân thuyết tà pháp, tà pháp tất qui chánh
Tà nhân thuyết Chánh pháp, chánh pháp tất qui tà
Giang Bắc thành chỉ, Giang Nam quít.
Xuân lai đô phóng nhất ban hoa.
Dịch nghĩa:
Người chính nói pháp tà, tà pháp trở về chính
Người tà nói pháp chính, pháp chính trở thành tà.
Cũng một cây, nhưng ở Giang bắc thì cây chỉ xát, Giang nam thì thành cây quít.
Xuân về đều trổ một thứ hoa.
ĐẠI Ý
Người đem tâm đời (danh, lợi, sân, si v.v…) mà làm việc Đạo (làm các phật sự) thì việc Đạo biến thành việc đời. Trái lại, người đem tâm Đạo (từ bi, hỷ xả v.v…)mà làm việc đời (tiếp xúc làm việc với chúng sinh) thì việc đời trở thành việc Đạo (tứ nhiếp pháp, ngũ minh v.v…) cũng như một thứ cây, nhưng nếu ở đất Giang Bắc thì thành cây chỉ xát, trái đặc ruột và chua, ăn không được; còn ở đất Giang Nam thì thành cây quít, trái ngọt.
Dù việc chính hay tà, việc đời hay đạo, đều có nhân và có quả, chẳng qua tốt hay xấu mà thôi. Cũng như cây chỉ xát hay cây quít, Xuân về đều trổ một thứ hoa và một thứ trái; nhưng trái quít thì ngọt, mà chỉ xát lại chua.
***
17. PHẬT DẠY: “ĐỪNG SINH VỌNG TÂM TRỤ CHẤP MỘT NƠI NÀO”
Phật dạy: “Tu Bồ Đề! Các vị Đại Bồ Tát phải giữ tâm thanh tịnh, chớ nên sinh vọng tâm trụ chấp nơi sắc trần, thanh trần, hương trần, vị trần, xúc trần và pháp trần. Tóm lại, Bồ Tát đừng khởi vọng tâm trụ chấp một nơi nào cả” (Ưng vô sở trụ nhi sinh kỳ tâm).
Lược giải
Hai đoạn trên phá cái chấp “Như Lai có đắc pháp” và “Bồ Tát có làm trang nghiêm cõi Phật”. Đoạn này tóm lại, Bồ Tát phải giữ tâm thanh tịnh, không nên sinh vọng tâm trụ chấp một nơi nào cả.
Tất cả sự vật trong vũ trụ, tuy vô cùng vô tận, nhưng không ngoài 18 giớilà 6 căn, 6 trần và 6 thức; căn và trần thuộc về vật chất, còn thức thuộc về tinh thần.
Phật dạy các vị Bồ Tát, phải giữ tâm thanh tịnh, không nên sinh vọng tâm dính mắc (trụ chấp) nơi sắc trần, thanh trần, hương trần, vị trần, xúc trần và pháp trần v.v…
Tóm lại, chỉ trong một câu, Phật dạy: “Đừng sinh vọng tâm dính mắc (trụ chấp) một nơi nào”.
Thuở xưa, ngài Tuệ Năng vừa nghe phú ông tụng kinh Kim Cương Bát Nhã vừa đến câu:
“Ưng vô sở trụ nhi sinh kỳ tâm
Đừng khởi vọng tâm trụ chấp một nơi nào".
Ngài liền tỏ ngộ lý Kim Cương Bát Nhã! Ngài hân hoan ca ngợi: “Hay quá! Kinh Kim Cương Bát Nhã hay quá !”(1)
“Đừng sinh vọng tâm trụ chấp một nơi nào”, tức là “đừng sinh vọng tâm chấp ngã, chấp pháp v.v…” không chấp ngã, pháp thì phiền não không sinh. Phiền não không sinh thì tâm dược thanh tịnh, không tạo nghiệp sinh tử luân hồi. Đó là phương pháp tu của Đại thừa Đốn giáo, rất giản di và mau chóng, để hàng
phục vọng tâm và an trụ chân tâm.
Sau khi đại ngộ lý kinh Bát Nhã, Tổ Tuệ năng đã minh tâm kiến tính, nên Ngài có dạy rằng:
Nguyên văn (dịch âm):
Hà kỳ tự tính bản tự thanh tịnh
Hà kỳ tự tính bổn bất sinh diệt
Hà kỳ tự tính bổn tự cụ túc
Hà kỳ tự tính bổn vô diêu động
Hà kỳ tự tính năng sinh vạn pháp.
Dịch nghĩa:
Ai ngờ tâm mình vốn tự thanh tịnh
Ai ngờ tâm mình vốn không sinh diệt
Ai ngờ tâm mình vốn tự đầy đủ
Ai ngờ tâm mình vốn không diêu động
Ai ngờ tâm mình hay sinh muôn pháp
Đức Ngũ Tổ đến lúc tuổi già, muốn chọn người để truyền Tổ vị, nên Ngài truyền dạy trong chúng, mỗi người phải làm một bài kệ, để trình bày sự tu chứng của mình, nếu người nào tỏ ngộ được lý Đạo, ngài sẽ truyền Tổ vị, làm Tổ thứ Sáu.
Ngài Thần Tú là bậc Thượng tọa, tài đức siêu quần, làm kệ rất hay, nhưng vì chưa tỏ ngộ được lý Kim Cương Bát Nhã, còn trụ chấp các tướng, có tu, có chứng v.v…nên bị Tổ Tuệ Năng quở rằng: “Còn đứng ngoài hàng rào”.
Bài kệ của Ngài Thần Tú:
Nguyên văn (dịch nghĩa):
Thân thị Bồ Đề thọ
Tâm như minh cảnh đài
Thời thời thường phất thức
Vật sử nhá trần ai.
Dịch nghĩa:
Thân là cây Bồ Đề (có tướng)
Tâm như đài gương sáng (có tướng)
Mỗi giờ thường lau quét (có tu)
Chớ cho dính bụi trần (có chứng).
Tổ Tuệ Năng, đã ngộ được lý Kim Cương Bát Nhã, không trụ chấp các tướng, nên được đức Ngũ Tổ truyền trao y bát và làm vị Tổ thứ sáu.
Bài kệ của Tổ Tuệ Năng:
Nguyên văn (dịch nghĩa):
Bồ Đề bản vô thọ
Tâm phi minh cảnh dài
Bổn lai vô nhấtvật
Hà xá nhá trần ai.
Dịch nghĩa:
Bồ Đề không phải cây (vô tướng)
Chân tâm không phải đài (vô tướng)
Xưa nay không một vật (vô tướng)
Chỗ nào dính bụi trần (vô tướng).
***
18. PHẬT PHÁ CÁI CHẤP “THÂN PHẬT CAO LỚN NHƯ NÚI TU DI”
Phật hỏi: “Tu Bồ Đề !báo thân của Phật như núi Tu di. Vậy Báo thân của Phật có cao lớn không?”.
Ông Tu Bồ Đề thưa: “Bạch Thế Tôn! Lớn lắm. Nhưng, Phật nói: “Không chấp thân cao lớn, mới thật là cao lớn”.
Lược giải
Đoạn này Phật dùng Trí tuệ Bát Nhã, phá trừ cái chấp “Báo thân Phật cao lớn”.
Từ trước đến đây, đã nhiều lần hỏi và đáp. Vì muốn phá các vọng chấp, để nhập với “Tính Bát Nhã chân không”, cho nên Phật hỏi. Và cũng vì muốn phá các vọng chấp, để nhập với “Tính Bát Nhã chân không” cho nên ông tu Bồ Đề đáp. Nếu chúng sinh chấp có, thì Ngài nói không; chúng sinh chấp không, thì Ngài nói có v.v…Dù nói có, nói không, nói lớn, nói nhỏ v.v…đều để phá các chấp của chúng sinh, đem về “Tính Bát Nhã chân không”.
Phật hỏi ông tu Bồ Đề: “Báo thân cùa Phật có cao lớn không?”.
Tu Bồ Đề đáp: “Báo thân của Phật cao lớn lắm”.
Nhưng sợ chúng sinh chấp “thân Phật cao lớn”, nên ông Tu Bồ Đề liền dẫn lời Phật nói để phá chấp: “Phật nói không chấp thân cao lớn, mới thật là cao lớn”. Nghĩa là: Phàm cái gì còn thấy nghe và suy nghĩ được, thì cái đó không phải tuyệt đối; phải siêu thoát ra ngoài sự thấy nghe và suy nghĩ, mới là tuyệt đối.
Đức Lão tử nói: “Đạo mà có thể nói được, thì không pghải là Đạo”.
Tóm lại, nếu còn “chấp thân cao lớn”, tất nhiên còn chấp ngã và chấp pháp, thì không nhập được Kim Cương Bát Nhã, nên chưa phải thân cao lớn.
GIẢI DANH TỪ
BÁO THÂN: Phật có 3 thân:
1. Pháp thân: tức là Pháp tính hay chân tâm, không có hình tướng
2. Báo thân: Thân do phúc báo tu hành, trải qua 3 vô số kiếp mới được. Kinh chép: Báo thân của Phật lớn bằng núi Tu di; duy có bậc Bồ Tát mới thấy được.
3. Ứng thân hay Hoá thân: Phật tuỳ các loại chúng sinh mà ứng hiện hay hoá hiện ra mỗi thân, để tế độ
- 56
Viết bình luận