5. Bài thứ năm | Đại Bảo Tháp Mandala Tây Thiên | Đại Bảo Tháp | Đại Bảo Tháp Tây Thiên

5. Bài thứ năm

Bài Thứ 5

CHƯƠNG THỨ BA

PHẦN GIẢI THÍCH NÓI VỀ NGHĨA “BẤT GIÁC”


CHÁNH VĂN

Do không thật biết pháp “Chân như” nên tâm bất giác (mê) nổi lên, liền khởi vọng niệm (sinh tướng vô minh). Song vọng niệm vì là không có thật thể, nên chẳng rời Bản giác.

Thí như người lầm phương hướng; vì có phương hướng nên mới lầm, nếu không phương hướng thì không có lầm.

Chúng sinh cũng thế, do có “Giác” nên mới có “Mê”; nếu không có “Giác” thì cũng không có “Mê” (Bất giác)

Song chúng sinh cũng nhờ có “Tâm vọng tưởng bất giác” này, nên mới biết phân biệt danh từ và nghĩa lý của các pháp. Và cũng nhờ thế mà chư Phật mới có thể vì chúng sinh nói ra “Chân giác” (tính Phật). Nếu lìa “Tâm bất giác” thì cũng không thể chỉ bày cái “Chân giác” được (dụ như lìa sóng không có nước).

Lược giải

Chúng sinh vì không ngộ được Phật tính (bản giác) nên gọi là mê (bất giác). Song cái “mê” này không có thật thể, chỉ lấy Phật tính làm thể, nên không rời Phật tính (bản giác) được. Cũng như người lầm đường, do có con đường nên mới có lầm, nếu không có con đường thì cũng không có sự lầm lạc. Bởi thế nên, nếu rời Phật tính (bàn giác) thì cũng không có cái mê (bất giác). Cũng như bỏ sóng, không có nước.

Sóng, cũng nhờ có cái mê vọng (bất giác) này, nên chúng sinh mới biết phân biệt các pháp chân vọng, thánh phàm và nhàm chán cảnh khổ sinh tử, ham mộ thú vui “Niết bàn”.

Và cũng nhờ chúng sinh có biết phân biệt, nên chư Phật mới có thể thuyết pháp giảng dạy, chỉ bày Phật tính (chân giác). Nếu không có tâm mê vọng bất giác phân biệt của chúng sinh, thì Phật cũng không làm sao chỉ bày Phật tính (chân giác) cho chúng sinh được.

Đọc qua đoạn văn này, chúng ta nên lưu ý đến câu: “Vì không ngộ được Phật tính, nên gọi là mê” hay đổi lại cách nói “Tại sao có dại?” vì chưa khôn vậy”. Vậy thì cái mê dại (vô minh) này, saün có từ hồi nào đến giờ, vì từ hồi nào đến giờ chúng sinh chưa từng ngộ được Phật tính.

Nói tóm lại, chân như với vô minh đồng thời có, không phải chân như có trước, vô minh có sau. Khi chân như (Phật tính) hiện, thì vô minh mất, cũng như khi “khôn” rồi, thì “dại” tự hết.

GIẢI DANH TỪ

“Bất giác”: không biết. Thật ra không phải là không biết; vẫn có biết, song cái “biết” ấy hư vọng, chẳng chân thật, nên cũng gọi là “vọng niệm” hay “vô minh” v.v..

“Không thật biết”: Chúng sinh vẫn biết được chân như hay Phật tính; song chỉ biết suông trên văn tự, do ý thức phân biệt hư dối mà thôi; chứ không biết đúng như thật.

(Đoạn này nói về căn bản vô minh (bất giác), tiếp sau đây sẽ nói đến chi mạt vô minh (tam tế, lục thô).

A. NÓI VỀ TAM TẾ

CHÁNH VĂN

Và, do “Bất giác” (căn bản vô minh) nên sinh ra ba tướng rất vi tế (tam tế: chi mạt vô minh); ba tướng vi tế này không rời “Bất giác”.

1. Tướng nghiệp vô minh (nghiệp tướng): vì “Bất giác” (hoặc) cho nên tâm động, gọi đó là “Nghiệp”. Bởi thế nghiệp (nhân) nên có “khổ”(quả) . Trái lại, nếu “Giác” (không có hoặc) thì tâm không động (nghiệp nhân) nên cũng không khổ (quả).

2. Tướng năng kiến (chuyển tướng tức là kiến phần): Vì có “Động” (nghiệp tướng) cho nên sinh ra “Năng phân biệt” (năng kiến). Nếu không “Động” thì không có “Năng phân biệt” (không có nghiệp tướng thì cũng không có chuyển tướng).

3. Tướng cảnh giới (hiện tướng tức là tướng phần): Vì có “Năng phân biệt” (kiến phần) nên cảnh bị phân biệt (tướng phần) vọng hiện ra. Bởi thế nên rời “Năng phân biệt” (kiến phần) thì cũng không có cảnh bị phân biệt (nghĩa là nếu không có chuyển tướng thì cũng không có hiện tướng).

Lược giải

Đoạn này nói: Vô minh sinh ra 3 tướng rất vi tế: Nghiệp, Chuyển và Hiện; bà tướng này không rời vô minh.

1. Vì vô minh (bất giác) cho nên tâm động tức là “Nghiệp”. Đó là tướng vi tế thứ nhất, gọi là “Tướng nghiệp vô minh”, cũng gọi là “Hoặc, Chuyển”; bên Duy thức tôn gọi là “Tự chứng phần” của thức A-lại-da.

Do “Hoặc” (vô minh) nên tạo “Nghiệp” (tâm động); bởi có “nghiệp” nên phải thọ “quả khổ”. Trái lại, nếu giác ngộ không mê hoặc (vô minh) thì không tạo nghiệp (vọng động); không tạo nghiệp nên chẳng có quả khổ.

Tất cả quả khổ, không ngoài hai món sinh tử: Phàm phu thì bị khổ “Phần đoạn sinh tử”; Tiểu thánh thì bị khổ “Biến dịch sinh tử”. Song hai món quả khổ này, đều do “động niệm” tức là hướng về trí Phật (không vọng niệm thì chân tâm hiện).

2. Vì tâm động (nghiệp tướng) cho nên mới có phân biệt. Đó là tướng vi tế thứ hai, gọi là “tướng năng kiến” (phần năng phân biệt), cũng gọi là “Chuyển tướng”; bên Duy thức tôn gọi là kiến phần của thức A-lại-da. Nếu tâm không vọng động, thì cũng không do đâu mà phát sinh ra phân biệt được. Nghĩa là: Nếu không có “nghiệp tướng”; thì cũng không có “chuyển tướng”; hay nói cách khác: nếu không có “Tự chứng phần” thì cũng không có “Kiến phần”.

3. Vì có tâm năng phân biệt, nên mới vọng hiện ra cảnh giới bị phân biệt. Đó là tướng vi tế thứ ba, gọi là “Tướng cảnh giới” (phần bị phân biệt) cũng gọi lá “Hiện tướng”; bên Duy thức tôn gọi là “Tướng phần” của thức A-lại-da. Bởi tâm và cảnh không rời nhau, nếu lìa tâm năng phân biệt thì không có cảnh giới bị phân biệt. Nghĩa là: rời “Chuyển tướng” thì không có “Hiện tướng”; hay nói cách khác: rời “Kiến phần” thì không có “Tướng phần”.

Từ thể tính chân tâm, không có năng sở (bỉ, thử); song vì mê nên tâm động (nghiệp tướng) mà sinh ra có năng phân biệt (chuyển tướng) và cảnh giới bị phân biệt (hiện tướng). Nếu giác cảnh giới bị phân biệt (hiện tướng). Nếu giác ngộ không mê, thì tâm không động, không sinh, và cảnh bị phân biệt chẳng hiện.

Đoạn này xin lưu ý độc giả: Trong luận này nói “Do nghiệp tướng sinh ra chuyển tướng, do chuyển tướng sinh ra hiện tướng”. Nói như thế, là lấy theo nghĩa “tương quan, tương sinh” mà nói. Kỳ thật ba tướng này, đồng thời sinh khởi; nghĩa là một pháp vừa động, thì tất cả pháp đều động, không phải có thứ lớp tuần tự như vậy.

Tóm lại, ba tướng “Nghiệp tướng, Chuyển tướng và Hiện tướng: này, ở các kinh khác, cũng thường gọi là “Hoặc, Nghiệp và Khổ”, hay trong Duy thức gọi là “Tự chứng phần, Kiến phần và Tướng phần của thức A-lại-da.

GIẢI DANH TỪ

Bất giác và vô minh: “Vô minh” là không sáng suốt, “Bất giác” là không giác ngộ. Bởi thế nên bất giác cũng tức là vô minh.

Tướng nghiệp vô minh: Vô minh vọng động thành ra tướ`ng nghiệp, gọi tắt là “Nghiệp tướng”; tức là “Tự chứng phần” của thức A-lại-da.

Tướng Năng kiến: Phần năng phân biệt, cũng gọi là “Chuyển tướng”; tức là “Kiến phần” của thức A-lại-da.

Tướng cảnh giới: Cảnh giới bị phân biệt, cũng gọi là “Hiện tướng”; tức là “Tướng phần” của thức A-lại-da.

Phần đoạn sinh tử: Sinh tử do sự biến đổi. Như vị Tu đà hoàn, khi chứng lên quả Tư đà hàm (sinh) thì xả vị Tu đà hoàn (tử); khi lên vị A na hàm, thì bỏ quả Tư đà hàm v.v…Thí như người Lính, khi lên Cai thì bỏ Lính, lên Đội thì bò Cai v.v…

Tự chứng phần: Duy thức tông nói: Mỗi người có 8 món Tâm vương và 51 món Tâm sở. Mỗi một Tâm vương hay Tâm sở đều có 4 phần: 1. Phần bị phân biệt (tướng phần), 2. Phần năng phân biệt (Kiến phần); Hai phần này thuộc về Dụng, ở bên ngoài. 3. Phần tự chứng và 4. Phần chứng tự chứng; hai phần này thuộc về thể, ở bên trong và làm chỗ nương cho hai phần ngoài.

Tương quan tương sinh: Liên quan với nhau và sinh cùng nhau, có cái này thì phải có cái kia.

B. NÓI VỀ LỤC THÔ

CHÁNH VĂN

Do đã có cảnh giới hiện ra (Hiện tướng) nên tiếp tục sinh sáu tướng sau này:

1. Tướng Trí (Trí tướng: Phân biệt): Do có cảnh giới hiện ra nên sinh tâm phân biệt (trí) thương, ghét

2. Tướng tương tục (Tương tục tướng: Vọng niệm tương tục): Do tâm phân biệt thương ghét, cho nên tiếp tục sinh ra các niệm khổ vui, mừng lo v.v…không dứt.

3. Tướng chấp thủ (chấp thủ tướng: chấp sự vật): Do các niệm tương tục phân biệt những cảnh khổ vui, cho nên tâm mới vướng mắc, chấp lấy nơi sự vật (cảnh).

4.Tướng chấp danh tự (kế danh tự tướng: chấp danh tự): Do phân biệt vọng chấp nơi sự vật, nên giả đặt ra những danh tự để kêu gọi.

5. Tướng khởi nghiệp (khởi nghiệp tướng: tướng tạo nghiệp): Do chấp theo danh tự tốt xấu đó, rồi tạo ra các nghiệp lành hay dữ.

6. Tướng nghiệp hệ khổ (Nghiệp hệ khổ tướng: Thọ quả khổ): Do tạo ra các nghiệp, nên bị các nghiệp kéo dẫn đi lãnh thọ quả khổ, không được tự tại.

Tóm lại, phải biết: Gốc từ vô minh (căn bản vô minh) sinh ra các pháp nhiễm ô (chi mạt vô minh) nên các pháp nhiễm ô đều là vô minh (bất giác).

Lược giải

Đoạn này nói về 6 món thô (lục thô). Do từ vô minh vọng động (Tự chứng phần của thức A lai da) khởi ra tâm (Kiến phần của thức A-lại-da) và cảnh (Tướng phần của thức A-lại-da) là ba món vi tế, rồi tiếp tục sinh khởi 6 món thô sau này:

1. Vì có cảnh giới (hiện tướng) nên tâm phân biệt tốt xấu, rồi sinh ra thương (tham) ghét (sân) v.v…gọi là “Tướng trí”, chữ “Trí” là biết phân biệt tốt xấu.

2. Do tâm biết phân biệt tốt xấu v.v…nên các niệm thương ghét, mừng giận, khổ vui v.v…tiếp tục sinh khởi không gián đoạn, gọi là “Tướng tương tục”.

3. Do các niệm thương ghét, mừng giận, khổ vui, nên sinh tâm chấp lấy: Cái gì vui thích thì tham luyến, còn buồn khổ thì sân hận, gọi là “Tướng chấp thủ”.

4. Do sinh tâm chấp cảnh, nên giả đặt ra những danh từ để kêu gọi, cái này đẹp, cái kia xấu v.v…gọi là “Tướng kế danh tự”.

5. Do có những danh tự kêu gọi đẹp xấu v.v…nên sinh tâm tham lam, giận ghét, và vì thế mà tạo ra cái nghiệp, gọi là “Tướng khởi nghiệp”.

6. Do tạo các nghiệp, nên bị nghiệp kéo dẫn sinh tử luân hồi trong 3 cõi, để thọ quả báo, không được tự tại, gọi là “Tướng nghiệp hệ khổ”.

Tóm lại, do “mê hoặc” nên “tạo nghiệp”; nhân “”tạo nghiệp” nên phải thọ “quả khổ” trở lại “mê hoặc” nữa; nhân “hoặc” lại tạo “nghiệp” tho “quả khổ”, mãi mãi không biết bao giờ cùng tận, như cái vòng tròn không mối, nên gọi là “Luân hồi”.

Bởi do vô minh vọng niệm sinh ra tất cả các pháp phiền não tạp nhiễm, nên các pháp đều là vô minh. Nếu người được “vô niệm” (không vọng niệm), thì tất cả các pháp phiền não sinh tử đều hết.

Trong 3 món Tế và 6 món Thô này, về phàm phu thì đủ cả; Tiểu thừa về 3 quả trước, thì đủ 3 món Tế và 4 món Thô trước; A la hán thì có 3 món Tế và 3 món Thô trước; hằng Pháp thân Bồ Tát (từ Bát địa trở lên) chỉ còn 3 món Tế.

Xin xem biểu đồ sau đây:

I. Phàm phu (có đủ 9 món)

3 món Tế

1. Nghiệp tướng (vọng động)

2. Chuyển tướng (trực giác)

3. Hiện tướng (cảnh)

6 món Thô

1. Trí tướng (phân biệt)

2. Tưng tục tướng (vọng niệm tương tục)

3. Chấp thủ tướng (chấp sự vật)

4. Kế danh tự tướng (chấp danh tự)

5. Khởi nghiệp tướng (tạo nghiệp)

6. Nghiệp hệ khổ tướng (thọ quả)

II. Tiểu thừa, 3 quả trước, có 7 món

3 món Tế

1. Nghiệp tướng

2. Chuyển tướng

3. Hiện tướng

4 món Thô

1. Trí tướng

2. Tương tục tướng

3. Chấp thủ tướng

4. Kế danh tự tướng

III. A la hán có 6 món

3 món Tế

1. Nghiệp tướng

2. Chuyển tướng

3. Hiện tướng

3 món Thô

1. Trí tướng

2. Tương tục tướng

3. Chấp thủ tướng

Pháp thân Bồ Tát chỉ có món Tế

1. Vô minh nghiệp tướng (nghiệp tướng)

2. Năng kiến tướng (chuyển tướng)

3. Cảnh giới tướng (hiện tướng)

C. NÓI VỀ HAI TƯỚNG

CHÁNH VĂN

Lại nửa, “Giác”(chân) với “Bất giác” (vọng) đều có 2 tướng: Đồng và Khác.

Thế nào là “Đồng”? Các sự nghiệp huyễn hoá của “Giác” (vô lậu) và “Bất giác” (vô minh) đều đồng một thể tính chân như. Thí như các món đồ gốm đều đồng một chất đất.

Bởi thế nên trong Khế kinh chép: “Tất cả chúng sinh, từ hồi nào đến giờ, vẫn thường ở trong Bồ Đề Niết bàn; không phải do tu mới có, do làm mới được; rốt ráo không có gì gọi là “chứng” cả, và cũng không hình tướng gì có thể thấy được.

Song, chúng sinh thấy sắc thân Phật, có 32 tướng tốt, có 80 vẻ đẹp v.v…là do tuỳ tâm vọng nhiễm của chúng sinh mà huyễn hiện, không phải tính chân như có các hình tướng ấy; vì tính chân như không có thấy được vậy.

Thế nào là khác? Do tuỳ tâm vọng nhiễm của chúng sinh mà hiện ra các huyễn tướng sai khác: hữu lậu (mê) và vô lậu (giác). Ví như các thứ đồ gốm, hình tướng khác nhau.

Lược giải

Đoạn này lấy hai mặt “đồng” và “bất giác”, để chỉ sự tương quan tương phản của hai thứ ấy. Đứng về bản thể của các pháp mà luận, thì “nhiễm” và “tịnh” đều là chân như. còn đứng về hiện tượng của các pháp mà nói, thì “nhiễm” và “tịnh” có sai khác.

Bởi “giác” và “bất giác” đều là Chân như, cũng như các thứ đồ gốm (fđồ kiểu hay đồ đá) đều bằng đất, nên nói tất cả chúng sinh từ hồi nào đền giờ, vẫn thường ở trong Chân như. Tính Chân như này không phải do tu mới được, hay làm mới có; rốt ráo không có sở đắc, và cũng không có hình tướng gì có thể chỉ bày được.

Song, chúng sinh thấy có Phật hiện thên độ sinh; đó là tự tâm của chúng sinh, tuỳ nghiệp huyễn hiện, chứ không phải tính Chân như có những hình tướng như thế.

Câu: “Tuỳ tâm vọng nhiễm của chung sinh mà hiện ra các huyễn tướng sai khác: hữu lậu (mê) và vô lậu (giác). Nghĩa là nói: Không phải ở đâu khác, mà chính chính ở tâm chúng sinh, có thể đổi các phiền não nhiễm ô, ra các công đức thanh tịnh. Khi tâm vọng động thì sinh ra vô lượng hằng sa pháp tạp nhiễm, khi tâm hết vọng động thì hiện ra vô lượng hằng sa công đức thanh tịnh. Tất cả đều tuỳ tâm của chúng sinh mà hiện ra các tướng nhiễm, tịnh. Các tướng này đều như huyễn.

Câu: “…Các sự nghiệp chuyển hoá của vô lậu (giác) và vô minh (mê), có nghĩa là: Tính giác đã có nghiệp dụng, hiện ra tất cả cảnh giới thù thắng vi diệu, không thể nghĩ bàn, thì vô minh cũng có nghiệp lực hiện ra Tam tế, Lục thô, tất cả sinh tử khổ vui, cũng không thể nghĩ bàn. Bởi thế nên Chân và vọng đều là huyễn cả. Khế kinh chép: “sinh tử và Niết bàn đều như mộng huyễn”.

QUYẾT NGHI

Hỏi: Chúng sinh đã vốn là Phật, tại sao không thấy chúng sinh có Báo thân và Hoá thân Phật?

Đáp: Khi nói chúng sinh vốn là Phật, là đứng về phương diện bản thể Phật tính mà nói, chứ không phải đứng về phương diện hiện tượng Phật tướng mà nói vậy. Về bản thể thì các chúng sinh đều có Phật tính, nhưng về hiện tượng thì chúng sinh có Báo thân và Hoá thân.

Hỏi: Chân như Phật tính đã không có sắc tướng, tại sao chư Phật chứng được, và có tướng Báo thân và Hoá thân?

Đáp: Sắc thân của chư Phật, chỉ tuỳ theo tâm của chúng sinh mà hiện ra, không phải trong thể tính chân như có những hình tướng ấy.

Đã nói về “Tâm sinh diệt” dưới đây sẽ nói “Tướng Nhân duyên sinh diệt”

 


 

Viết bình luận

Chúc mừng năm mới
Copyright © 2015 daibaothapmandalataythien.org. All Rights Reserved.
Xã Đại Đình, huyện Tam Đảo, tỉnh Vĩnh Phúc. Email: daibaothapmandalataythien@gmail.com

Đăng ký nhận tin mới qua email
Số lượt truy cập: 6327958
Số người trực tuyến: