3. Bài thứ ba | Đại Bảo Tháp Mandala Tây Thiên | Đại Bảo Tháp | Đại Bảo Tháp Tây Thiên

3. Bài thứ ba

Bài Thứ Ba

CHƯƠNG THỨ BA

PHẦN GIẢI THÍCH


II. Tâm Sinh diệt (Thức A-lại-da)

CHÁNH VĂN

Do Như Lai tạng (chân) mà có “Tâm sinh diệt”; nghĩa là Chân (không sinh diệt) Vọng (sinh diệt) hoà hiệp, không phải “một” không phải “khác” gọi là thức A-lại-da (tâm sinh diệt). Thức này tóm thâu tất cả các pháp và xuất sinh tất cả các pháp. Thức này có hai nghĩa “Giác” và “Bất giác” (mê).

Lược giải

Đoạn trước nói chỉ có một tâm mà chia ra làm hai phương diện: Tâm Chân như và Tâm sinh diệt.

Đoạn này nói do Như Lai tạng mà có “Tâm sinh diệt” tức là thức A-lại-da. Vì thức A-lại-da là do chân vọng hoà hiệp, không phải một không phải khác, nên có hai nghĩa “Giác” và “Bất giác”. Thức này có công năng giữ gìn tất cả các pháp và sinh ra các pháp.

Trên đây nói thức A-lại-da có 2 nghĩa, không nên hiểu lầm thức A-lại-da có hai thứ “Giác” và “Bất giác” khác nhau; mà nên hiểu rằng: thức này có hai trạng thái, tuỳ nhiễm duyên thì trạng thái “Bất giác” hiện, tuỳ tịnh duyên thì trạng thái “GIác” hiện. Cũng như sáng với tối, chỉ là hiện tượng của thái hư mà thôi.

Chúng ta cũng nên phân biệt ba danh từ: Chân như, Như Lai tạng và thức A-lại-da là đồng hay khác, và liên quan với nhau như thế nào.

” Chân như” là chỉ cho cái “Tổng thể” của tâm; “Như Lai tạng” là chỉ cho cái “Tổng tướng” của tâm, “thức A-lại-da” là chỉ cho cái “Thể, Tướng và Dụng” về nhiễm và tịnh hoà hiệp của tâm.

Chân như, dụ như “tính” ướt của nước; Như Lai tạng, dụ như “nước” (hình tướng của nước); A-lại-da, dụ như “sóng”(dụng của nước). Trong sóng gồm có cả tính ướt và nước. Thế là thức A-lại-da (Tâm sinh diệt) gồm cả “Thể, Tướng và Dụng” về nhiễm và tịnh hoà hiệp của tâm.

Tại sao không nói “do Chân như, có Tâm Sinh diệt” mà chỉ nói “do Như Lai tạng có Tâm Sinh diệt”? Vì Chân như là “Thể” của nhất tâm; Như Lai tạng là “Tướng” của nhất tâm; Chân như thì thanh tịnh không động, còn Như Lai tạng tuy rằng cũng chân tịnh, nhưng còn bị phiền não che phủ, làm nhân cho động, nên chỉ nói “do Như Lai tạng có tâm sinh diệt là thức A-lại-da” mà không nói “do Chân như sinh ra thức A-lại-da” (Tâm Sinh diệt).

Tâm Sinh diệt này có hai phần:

1. Sinh diệt về phần lưu chuyển sinh tử,

2. Sinh diệt về phần hoàn tịnh (trở lại bản tính Niết bàn).

GIẢI DANH TỪ

Như Lai tạng, có hai nghĩa: 1. Như Lai tại triền, nghĩa là tính Phật (Như Lai) còn bị chứa trong vòng phiền não nhiễm ô. 2. Như Lai xuất triền, nghĩa là tính Phật (Như Lai) chứa đựng các pháp vô lậu thanh tịnh, đã ra khỏi phiền não nhiễm ô.

Song, trong kinh luận nói đến Như Lai tạng, là phần nhiều dùng cái nghĩa “Như Lai tại triền” (tính Phật bị chứa trong phiền não).

Câu “Chân vọng hoà hiệp, không phải một và không phải khác”:

“Chân” là bản thể, còn “Vọng” là hiện tượng; bản thể và hiện tượng không rời nhau, nên nói “hoà hiệp”. Vì bản thể không phải là hiện tượng, nên nói “không phải một”; vì hiện tượng và bản thể không rời nhau, nên nói “không phải khác”.

Trong đây nói chữ “Hoà hiệp”, không phải thật có hai vật riêng nhau, như sữa với nước hoà hiệp lại, mà chính là bản thể với hiện tượng không rời nhau, nên tạm gọi là “hoà hiệp”.

A-lại-da: Trong luận này, chữ “thức A-lại-da”, chúng ta phải hiểu tức là “thức A-đà-na” mới khỏi ngại. Căn cứ theo luận Duy thức, khi đến quả A la hán hay Bát địa, thì thức A-lại-da không còn (A la hán vị xả); vì hai vị này đã trừ ngã chấp, nên thức này không còn là A-lại-da, mà chỉ gọi là thức A đà na (thức trì chủng).

Còn trong luận này, thì nói: Từ phàm phu cho đến quả Phật, đều có thức A-lại-da, vì nó duy trì cả thánh và phàm. Vì thế nên chữ “A-lại-da”ở luận Khởi tín này, tức là thức “A đà na” trong luận Duy thức vậy. Trong luận Duy thức chép: “Thức A-đà-na có công năng duy trì chủng tử của các pháp nhiễm tịnh, thánh phàm …”

NÓI VỀ NGHĨA “GIÁC”: có 5 tên

CHÁNH VĂN

“Giác” là chỉ cho bản thể chân tâm lìa các vọng niệm, nó khắp giáp tất cả, rộng lớn như hư không; cũng gọi là “Pháp thân bình đẳng của Như Lai”. Pháp thân này, tất cả chúng sinh saün có, nên gọi là “Bản giác” (tính Phật sẵn có).

Vì đối với “Thủy giác” nên gọi là “Bản giác”; song Thủy giác tức là Bản giác. Nghĩa là từ Bản giác mà có Bất giác (mê); do Bất giác nên có Thủy giác (mới giác ngộ); giác ngộ chưa hoàn toàn thì gọi là Phần giác (giác ngộ từng phần); giác ngộ được hoàn toàn thì gọi là Cứu cánh giác.

Lược giải

Đoạn này nói về nghĩa “Giác” (sáng suốt) tức là tính Phật sẵn có ở chúng sinh. Tính Phật này ở nơi chúng sinh thì gọi là “Như Lai tạng” (Như Lai bị phiền não che giấu); còn ở nơi Phật thì gọi là “Pháp thân thanh tịnh”.

Tính Phật tuy luân chuyển trong sáu đường, mà không bao giờ mất, vẫn vắng lặng thường còn và viên mãn. Chẳng qua chúng sinh vì bị mây vô minh che phủ, nên trăng Phật tính này chẳng hiện được.

Tất cả chúng sinh từ hồi nào đến giờ, vì không rời vọng niệm, nên tuy trọn ngày ở trong tính Phật mà chẳng tự biết; nếu khi rời vọng niệm rồi, thì tính Phật này sáng soi, rỗng suốt khắp giáp tất cả như thái hư. Lúc bấy giờ chỉ còn tính Phật thuần chân, gọi là “Pháp thân bình đẳng của Như Lai”.

Vì căn cứ theo tính Phật sẵn có của chúng sinh, nên gọi là “Bản giác”. Bởi thế nên Khế kinh nói:

“Tất cả chúng sinh đã thành Phật từ lâu”, và nói:

“Ta thành ngôi Chính giác trong tâm của chúng sinh”.

Song “Giác” có nhiều tên: Bản giác, Bất giác, Thủy giác, Phần giác và Cứu cánh giác. Vì theo mỗi khía cạnh mà chia ra làm 5 tên, chớ không phải thật có 5 cái “Giác” khác nhau.

GIẢI DANH TỪ

Pháp thân bình đẳng: Dùng pháp giới tính làm thân, nên gọi là “Pháp thân”. Vì Pháp thân này, ở tại phàm không bớt, ở nơi thánh không thêm, nên gọi là “Bình đẳng”.

Bản giác: Sẵn có giác ngộ, tức là chỉ cho tính Phật sẵn có của chúng sinh.

Bất giác: Không giác ngộ (mê). Chúng sinh tuy có sẵn tính Phật, nhưng không tự giác ngộ.

Thủy giác: Mới giác ngộ. Nhờ sự tu học, nên hành giả mới giác ngộ được tính Phật.

Phần giác: Giác ngộ từng phần. Hành giả tu hành trải qua từng bậc, được sự giác ngộ từng phần.

Cứu cánh giác: Giác ngộ rốt ráo (tức là Phật).

THỂ GIÁC CÓ 4 LỚP, TỪ THÔ ĐẾN TẾ

CHÁNH VĂN

Hỏi: Nghĩa là thế nào?

Đáp: Có 4 lớp như sau:

a) Giác ngộ “niệm DIỆT”

Chúng phàm phu (Tiều thừa thì hữu học, Đại thừa thì Thập tín) giác ngộ vọng niệm trước đã khởi ác, nên ngăn dứt vọng niệm sau, không cho sinh khởi ác nữa (niệm diệt). Vì chúng phàm phu in như đã giác ngộ, nhưng thật ra chưa giác ngộ, nên gọi là “Bất giác”.

b) Giác ngộ “niệm DỊ” (hoại)

Hàng sơ phát tâm Bồ Tát (Tam hiền) và Nhị thừa (vô học), dùng trí huệ quán sát, giác ngộ được “niệm Dị” (dị tướng vô minh) và không còn tướng “niệm Dị”. Hai vị này vì đã xả được tướng phân biệt chấp trước về phần thô trọng, nên gọi là “Tương tự giác” (tương tự như đã giác ngộ).

c) Giác ngộ “niệm TRỤ”

Hàng Thập địa Bồ Tát (Bồ Tát đã chứng Pháp thân) giác ngộ được “niệm Trụ” (trụ tướng vô minh) và không còn tướng “niệm Trụ”. Vị này vì đã lìa được tướng phân biệt về thô niệm, nên gọi là “Tuỳ phần giác” (Giác ngộ từng phần).

d) Giác ngộ “niệm SINH”

Hàng Đẳng giác Bồ Tát (Địa tận Bồ Tát) do các phương tiện tu hành đã đầy đủ, nhất niệm hợp với chân tâm, nên giác ngộ được tâm sơ khởi (sinh tướng vô minh) và không còn tướng sơ khởi. Vì vị này đã xa lìa vọng niệm vi tế (vi tế vô minh) ngộ nhập chân tâm thường trụ , nên gọi là “Cứu cánh giác” (Giác ngộ rốt ráo).

Bởi thế nên trong kinh chép:”Nếu chúng sinh nào quán “vô niệm” (không vọng niệm) thì chúng sinh đó đã hướng về trí Phật”.

Lược giải

Đoạn này Bồ Tát Mã Minh dùng bốn danh từ: Niệm sinh, Niệm trụ, Niệm dị, Niệm diệt để nói lên vô minh có thô tế, sâu cạn và chỉ rõ người tu hành ở địa vị nào mới diệt được thứ vô minh nào.

Trong đoạn này nói “chúng phàm phu”, thật ra không phải hoàn toàn là phàm phu, mà chính là chỉ cho: bên Đại thừa thì hàng Thập tín, còn Tiểu thừa thì ba quả trước, thuộc về hữu học. Vì các vị này chưa được dự vào hạng Hiền (Tam hiền) và Thánh (Thập thánh) nên bị gọi là Phàm phu.

Chúng phàm phu này giác ngộ được niệm diệt tức là phá trừ “Diệt tướng vô minh” (vô minh thô sơ bên ngoài). Nếu so với Lục thô, thì “Niệm diệt” này thuộc về hai món thô sau là: Khởi nghiệp tướng và Nghiệp hệ khổ tướng (sẽ giải ở bài thứ năm). Vì sự phá trừ vô minh này không thấm vào đâu, và đối với việc giác ngộ chân tâm còn xa xôi lắm, nên gọi họ là “Bất giác” (chưa giác ngộ).

Hàng Nhị thừa và Bồ Tát ở vị Tam hiền (Thập trụ, Thập hạnh và Thập hồi hướng) giác ngộ được “Niệm dị”, tức là phá trừ “Dị tướng vô minh” (vô minh thô). Nếu so với Lục thô thì “Niệm dị” này thuộc về hai món thô bực trung là: Chấp thủ tướng và Kế danh tự tướng (sẽ giải ở bài thứ năm). Vì các vị này tương tợ như giác ngộ được chân tâm và chứng được pháp thân thanh tịnh, nhưng chưa phải thật ngộ và thật chứng, nên gọi họ là “Tương tợ giác”.

Hỏi: Thế nào là giác ngộ “Niệm dị” và không còn tướng “Niệm dị”?

Đáp: Bồ Tát sơ phát tâm dùng trí huệ quán sát Ngã (thân tâm) và Pháp (vũ trụ) đều do nhân duyên sinh, nên đoạn trừ hai món vọng chấp phân biệt thật ngã và thật pháp về phần thô, đó là “Giác ngộ niệm dị”. Đến khi Bồ Tát không còn thấy có tướng Ngã, tướng Pháp, thế gọi là “không còn tướng niệm dị”.

Hỏi: Sao gọi là “Phân biệt chấp trước về phần thô trọng”?

Đáp: Ngã chấp và Pháp chấp có chia ra làm hai phần: 1. Thô trọng, tức là phân biệt Ngã chấp và Pháp chấp, phần này dễ trừ. 2. Vi tế, tức là cu sinh Ngã chấp và Pháp chấp, phần này khó trừ.

***

Hàng Thập địa Bồ Tát vì đã chứng pháp thân thanh tịnh, nên cũng gọi là “Pháp thân Bồ Tát”. Các vị Bồ Tát này giác ngộ được “Niệm trụ”, tức là phá trừ “trụ tướng vô minh” (tế vô minh). Nếu so với Lục thô ở bài sau, thì thuộc về hai món thô đầu là: Trí tướng và Tương tục tướng.

Bồ Tát phá một phần vô minh thì chứng được một phần Pháp thân, gọi là lên Sơ địa; phá hai phần vô minh thì chứng hai phần Pháp thân, gọi là lên Nhị địa; cho đến phá mười phần vô minh, thì chứng được mười phần Pháp thân, gọi là lên Thập địa Bồ Tát. Vì Bồ Tát phá vô minh từng phần và giác ngộ từng phần, nên gọi là “tuỳ phần giác”.

Các vị Bồ Tát này, vì tâm niệm còn trụ ở năng sở đối đãi, chưa dứt trừ được, nên gọi là “Trụ tướng vô minh”. Đến khi Bồ Tát nhập Chân như, quán, chỉ nhất tâm chính niệm Chân như, không còn tướng năng sở đối đãi, nên gọi “Không còn tướng niệm trụ”. Như thế là lìa được tướng phân biệt về thô niệm (vô minh thô).

Sở dĩ gọi “Thô” là vì không tế nhị bằng “Sinh tướng vô minh” (vô minh rất vi tế); kỳ thật đây cũng là một thứ vô minh vi tế, rất khó trừ.

Tóm lại, từ phàm phu (Thập tín) cho đến địa vị Pháp thân Bồ Tát (Thập địa), về sự phá trừ vô minh của mỗi bực có thô và tế khác nhau: 1. Chúng phàm phu đối với cảnh, chấp có và thấy vọng niệm diệt rồi, đè nén không cho sinh khởi. 2. Hàng Nhị thừa và Tam hiền Bồ Tát, thì quán ngã pháp đều không, nhưng còn cái “Niệm không”. 3. Đến bực Thập địa Bồ Tát, thì cái “Tâm niệm chấp không” cũng không còn; nghĩa là không còn cái “Năng Niệm”.

Nói rằng bậc Đẳng giác Bồ Tát, giác ngộ được “niệm sinh” tức là nói vị Bồ Tát này phá trừ được “Sinh tướng vô minh” (vô minh rất vi tế). Nghĩa là các vị Bồ Tát tu hành, đến lúc chân cùng hoặc tận, tột bực Thập địa, chứng lên vị Đẳng giác, khi ấy Bồ Tát dùng trí Kim Cang đoạn trừ “sinh tướng vô minh” (giác ngộ được niệm sinh) xa lìa các vọng hoặc rất vi tế, và nhất niệm hiệp với tâm thể Chân như, nên không còn “tướng sơ khởi”; khi đó Bồ Tát chúng lên quả Diệu giác (Phật) gọi là “Cứu cánh giác”.

***

Hỏi: Phải chăng trong một niệm, có sinh, trụ, dị, diệt; chúng phàm phu giác ngộ khi “Niệm diệt”; Nhị thừa giác ngộ khi “Niệm dị”; Thập địa Bồ Tát giác ngộ khi “Niệm trụ”; Đẳng giác Bồ Tát giác ngộ khi “Niệm sinh”?

Đáp: Hiểu như vậy không được đúng lắm; đây nói sinh, trụ, dị, diệt là chỉ cho vọng niệm có phần thô và tế. Chúng phàm phu chỉ giác ngộ vọng niệm về phần thô bên ngoài gọi là “Niệm diệt”. Nhị thừa giác ngộ vọng niệm về phần tế hơn gọi là “Niệm dị”. Thập địa Bồ Tát giác ngộ vọng niệm lại tế hơn nữa, gọi là “Niệm trụ”. Đến bậc Đẳng giác Bồ Tát, giác ngộ vọng niệm lại rất vi tế, gọi là “Niệm sinh”.

Thí như mặt nước bằng phẳng là dụ tâm thể thanh tịnh vô niệm. Mặt nước vừa dợn động, là dụ “Niệm sinh”. Sóng nổi lă tăn là dụ “Niệm trụ”. Sóng nhấp nhô, dụ “Niệm dị”. Sóng nổi ba đào là dụ “Niệm diệt”.

Chúng tôi đem 4 niệm trong bài này, phối hiệp với tam tế lục thô ở bài sau, để quý vị dễ hiểu.

Niệm sinh

1. Vô minh nghiệp tướng

Niệm trụ

2. Năng kiến tướng Tam tế

3. Cảnh giới tướng

1. Trí tướng

2. Tương tục tướng

Niệm dị

3. Chấp thủ tướng

4. Kế danh tự tướng Lục thô

Niệm diệt

5. Khởi nghiệp tướng

6. Nghiệp hệ khổ tướng

***

Hỏi: Làm sao để được trí Phật?

Đáp: Trí Phật thanh tịnh không các vọng niệm, muốn được trí Phật, hành giả phải “vô niệm”. Trong kinh Lăng già quyển hai có chép: “Nếu chúng sinh nào quán vô niệm, thì chúng sinh ấy sẽ hướng về trí Phật”.

Ngài ĐứcThanh giải rằng: “Vô niệm là con đường tắt để thành Phật…” và “…không những Bồ Tát tu hành đoạn trừ phiền não, đến vô niệm mà gọi là “Cứu cánh giác”; tức như chúng sinh nào, ngày đêm quán vô niệm, thì chúng sinh ấy mỗi niệm đã hướng về trí Phật”.

Trong luận này nói hai chữ “vô niệm” đồng với bốn chữ “bất tuỳ phân biệt” trong kinh Lăng Nghiêm chữ “vô niệm” nghĩa là không khởi vọng niệm. Nếu vọng niệm không khởi, thì tâm được định, do tâm định nên mới phát sinh ra trí tuệ thanh tịnh của Phật.

Chữ “Bất tuỳ phân biệt”, nghĩa là không theo trần cảnh khởi phân biệt. Không khởi phân biệt thì vọng niệm chẳng sinh; vọng niệm chẳng sinh thì chân tâm tự hiện ra.

Bởi thế nên luận nầy nói chữ “Vô niệm”, Kinh Lăng Nghiêm nói “bất tuỳ phân biệt”; hai danh từ tuy khác, song đồng một ý nghĩa và đồng một con đường tắt, để đi đến quả Phật.

VỌNG NIỆM HẾT (VÔ NIỆM) THÌ CHÂN TÂM HIỆN

CHÁNH VĂN

Lại nữa, thật ra Tâm không có tướng sơ khởi, mà nói rằng “biết được tướng sơ khởi của tâm”, đó tức là được “vô niệm”. Tất cả chúng sinh từ hồi nào đến giờ, vì chưa từng xa lìa vọng niệm tương tục (chưa được vô niệm), nên không được gọi là “Giác”, mà chỉ gọi là “Vô thủy vô minh”.

Nếu người được vô niệm (ngộ chân tâm) thì các tướng sinh, trụ, dị, diệt của tâm đều hết, chỉ còn một tâm thể vô niệm (chân tâm0. Bởi thế nên Thủy giác không khác với Bản giác. Vì vọng niệm nên bốn tướng: Sinh, Trụ, Dị và Diệt đồng thời nương nhau mà có, và đều không tự lập; khi vọng niệm hết, thời bốn tướng không còn, chỉ một tính giác (chân tâm) xưa nay bình đẳng.

Lược giải

Tất cả chúng sinh từ hồi nào đến giờ, do một niệm mê nên bốn tướng: sinh, trụ, dị, diệt nhất thời nương nhau khởi hiện, không có trước sau. Vì vọng niệm tương tục mãi, làm cho chúng sinh không ngộ được chân tâm (vô niệm) của mình, nên gọi là “vô thủy vô minh”. Bởi thế nên có chia ra Bản giác và Thủy giác.

Trái lại, bậc Đẳng giác Bồ Tát, đã diệt hết vọng niệm, ngộ được chân tâm thường trú của mình, nên bốn tướng không còn, mà chỉ còn một tính sáng suốt bình đẳng không vọng niệm, gọi là “Cứu cánh giác”. Bởi vậy nên “Thủy giác” cũng tức là “Bản giác”.

GIẢI DANH TỪ

“Tướng sơ khởi” tức là chân tâm, mà chân tâm thì vô tướng và vô niệm. Người được vô niệm tức là ngộ chân tâm; phải ngộ được chân tâm mới gọi là “Cứu cánh giác”.

“Bản giác” tức là tâm tính xưa nay vốn thanh tịnh sáng suốt, trái với vô minh bất giác (mê).

“Thủy giác” là mới giác ngộ. Hành giả dùng quán trí trừ các vọng niệm, mới vừa giác ngộ tâm thể không có bổn tướng, nên gọi là “Thủy giác”.

Nên biết, những danh từ trên đây đều giả lập: “Bản giác” là đối với “Thủy giác” mà lập, “Thủy giác” nhân “Bất giác” mà có, “Bất giác” lại nhân “Bản giác” mà sinh. Do đối đãi nhau nên giả lập ra có nhiều tên, thật ra chỉ có tính giác mà thôi.

(Đoạn này nói về “Thủy giác”, đoạn sau nói đến “Bản giác”).

 


 

Viết bình luận

Chúc mừng năm mới
Copyright © 2015 daibaothapmandalataythien.org. All Rights Reserved.
Xã Đại Đình, huyện Tam Đảo, tỉnh Vĩnh Phúc. Email: daibaothapmandalataythien@gmail.com

Đăng ký nhận tin mới qua email
Số lượt truy cập: 6225216
Số người trực tuyến: