2. Bài thứ hai | Đại Bảo Tháp Mandala Tây Thiên | Đại Bảo Tháp | Đại Bảo Tháp Tây Thiên

2. Bài thứ hai

Bài thứ hai


CHÁNH VĂN

Hỏi: Trên đã lược nói cái “tên”, nhưng chưa nói rõ cái “tướng” của thức Năng biến; vậy cái “tướng” của thức Năng biến thứ nhất thế nào?

Đáp: Nguyên văn chữ Hán

Tụng viết:

Sơ A lại da thức

Dị thục, Nhất thế chủng.

Dịch nghĩa:

Luận chủ nói tụng (10 câu) đễ trả lời rằng: Thức Năng biến thứ nhất tên là A lại da, cũng gọi là Dị thục thức hay Nhất thế chủng thức.

Lược giải

Thức Năng biến thứ nhất có ba tướng:

I. Tự tướng (thể): tiếng Phạn gọi là “A lại da”, Tàu dịch là “Tàng”. Chữ Tàng có ba nghĩa:

1. Năng tàng: Thức này có công năng chứa tất cả chủng tử (hạt giống) của các Pháp thiện ác; cũng như cái kho có công năng chứa lúa.

2. Sở tàng: Thức này có chỗ để chứa chủng tử của các Pháp; cũng như cái kho là chỗ để chứa lúa.

3. Ngã ái chấp tàng: Thức này thường bị thức thứ Bảy ái luyến chấp làm ngã. Nó như người giữ kho, giữ gìn chẳng cho lúa mất (chấp tàng).

II. Quả tướng (quả): gọi là “Dị thục thức”. Chữ Dị thục có ba nghĩa:

1. Dị thời nhi thục: Khác thời mà chín. Dụ như trái xoài, từ khi sinh cho đến khi chín, thời gian khác nhau.

2. Dị loại nhi thục: Khác loài mà chín. Dụ như trái xoài, khi nhỏ tính chua, đến chín lại ngọt.

3. Biến dị nhi thục: Biến đổi khác chất mà chín. Dụ như trái xoài, khi nhỏ thì xanh, đến khi già chín biến đổi lại vàng.

Vì thức Dị thục này lãnh thọ thân quả báo, nên gọi là Dị thục quả. Tính chất của Dị thục quả là vô ký (không nhất định thiện hay ác); song về nghiệp nhân đời trước của nó, lại có thiện và ác.

Bởi lấy nghiệp nhân (thiện ác) đối với quả (vô ký) mà nói, nên có ba nghĩa: Khác thời gian chín (Dị thời nhi thục), khác loại mà chín (Dị loại nhi thục) và biến đổi chín (Biến dị nhi tục).

III. Nhân tướng (nhân): gọi là Nhất thế chủng tử. Tất cả các pháp hiện tượng (hiện hành) trong thế gian và xuất thế gian, đều có chủng tử (công năng tiềm tàng) của nó. Các chủng tử này đều chứa trong thức thứ Tám (tàng thức). Các chủng tử là “nhân” khởi hiện ra các Pháp là “quả”. Vì theo “nhân tướng” (chủng tử), nên gọi thức này là “Nhất thế chủng”.

Nguyên văn chữ Hán:

Bất khả tri chấp thọ

Xứ liễu thường dữ xúc

Tác ý thọ tưởng tư

Tương ưng duy xả thọ


Dịch nghĩa:

Không thể biết hành tướng năng duyên và công năng giữ gìn chủng tử, lãnh thọ thân thể và thế giới của thức này được. Thức này thường tương ưng với năm món biến hành là: xúc, tác ý, thọ, tưởng và tư. Song trong các thọ, nó chỉ tương ưng với xả thọ.

Lược giải

Hành tướng thức Năng biến thứ nhất rất là tế nhị! Bởi người đời tâm thô không thể biết được, nên nói “Bất khả tri”.

Những việc của thức này mà người đời không thể biết được, có hai phần:

1. Thức này giữ gìn chủng tử, thế giới, thân thể và làm cho thân thể sinh ra cảm giác, lãnh thọ; nghĩa là thức thứ Tám này biến hiện ra thế giới và chúng sinh rồi giữ gìn không cho mất; đây là điều khó biết thứ nhất.

2. Hành tướng năng duyên (liễu) của thức này, rất sâu xa và tế nhị, đây là điều khó biết thứ hai.

Tám thức, phân làm ba món năng biến, đều có quyền tự chủ, tự tại; cũng như vị Quốc Vương, nên gọi là Tâm vương. Song như vị Quốc vương phải có quần thần phụ tá, thì mới có thể giữ nước trị dân. Tâm vương cũng phải có bộ hạ tuỳ tùng để giúp đỡ mới hay tạo ra các nghiệp. Những bộ hạ tuỳ tùng ấy lệ thuộc Tâm vương, không được tự tại, nên gọi “Tâm sở”, hoặc gọi là “Tâm sở hữu”; nghĩa là cái sở hữu của Tâm vương.

Lại nữa, Tâm sở đã giúp Tâm vương tạo nghiệp, thì Tâm vương với Tâm sở phải ưng thuận với nhau nên gọi là tương ưng.

Hỏi: Có mấy Tâm sở tương ưng với thức này?

Đáp: Chỉ có năm món biến hành thường tương ưng với thức này là: Xúc, Tác ý, Thọ, Tưởng và Tư.

Xúc: Tiếp xúc. Như con mắt xem hoa, khi mới vừa tiếp xúc với hoa; đó là tác dụng của Xúc Tâm sở. Thí như hai người đồng đi một con đường; một người đi từ phương Đông đến phương Tây, một người đi từ phương Tây đến phương Đông; hai người gặp nhau một chỗ, gọi đó là xúc.

Một thí dụ nữa, như môn Kỷ hà học: trên cái hình tròn gạch qua một đường, chỗ đụng nhau một chỗ trên đường gạch, đó là xúc.

Tác ý: Mống khởi cái ý. Như khi muốn xem hoa, trước nhất mống khởi cái ý; đó là “Tác ý Tâm sở”. Rồi nó dẫn dắt nhãn thức xem hoa. Nếu không có tác dụng của Tâm sở này, thì dù có gặp hoa cũng không thấy.

Người đời có khi đi ngang qua vườn đầy hoa, mà không thấy hoa. Như thế là vì trong lúc đó, Tâm sở tác ý không có tương ưng với nhãn thức.

Thọ: Lãnh thọ. Như khi thấy hoa, có sự cảm thọ vui buồn .

Tưởng: Tưởng tượng. Như sau khi thấy hoa, rồi tưởng tượng hình tướng của hoa đỏ hay vàng, tốt hay xấu v.v…

Tư: Lo nghĩ, tạo tác. Như nhân thấy hoa, rồi lo nghĩa trồng hoa hay bẻ hoa v.v…

Lại nữa, “Thọ Tâm sở” có 3 loại:

1. Lạc thọ: Thọ vui. Khi gặp cảnh thuận, như được người khen ngợi, thì cảm thọ vui mừng.

2. Khổ thọ: Thọ khổ. Khi gặp cảnh nghịch, như bị người huỷ báng hạ nhục, thì cảm thọ buồn khổ.

3. Xả thọ: Thọ cảnh không vui buồn. Khi gặp cảnh bình thường không thuận nghịch, như trong lúc không được khen hay bị chê, thì cảm thọ không vui buồn.

Tóm lại, thức thứ Tám này, tương ưng với 5 món Tâm sở Biến hành và hành tướng của nó rất là tế nhị, không có hiện ra khổ và vui, nên chỉ tương ưng với xả thọ.

Nguyên văn chữ Hán:

Thị vô phú vô ký

Xúc đẳng diệc như thị


Dịch nghĩa:

Tính của thức này là vô phú vô ký, nên những Tâm sở tương ưng với nó, như Xúc, Tác ý v.v…cũng vô phú vô ký.

Lược giải

Tính của các pháp, tóm lại có 3 loại: 1. Tính thiện, 2. Tính ác, 3. Tính vô ký (không thiện không ác).

Tính vô ký lại chia làm 2 loại: 1. Vô phú vô ký, 2. Hữu phú vô ký. Thí như mặt gương, không phải thiện ác, dụ cho “tính vô ký”; khi bị bụi che lấp ánh sáng, dụ cho “tính hữu phú vô ký”. Đến lúc lau chùi sạch bụi; dụ cho “tính vô phú vô ký”.

Tóm lại, thức thứ Tám này không bị các phiền não ngăn che, nên thuộc về tính vô phú vô ký. Và những Tâm sở tương ưng với thức này, như Xúc, Tác ý v.v… cũng thuộc về tính vô phú vô ký.

Nguyên văn chữ Hán:

Hằng chuyển như bộc lưu


Dịch nghĩa:

Hằng chuyển biến như dòng nước chảy mạnh.

Lược giải

Ngoại đạo chấp các pháp thường còn không mất, như thế gọi là chấp “thường”; hoặc chấp chết rồi mất hẳn, như thế gọi là chấp “đoạn”.

Nhà Duy thức nói: Từ vô thủy đến nay, thức này hằng chuyển biến luôn, mỗi niệm sinh diệt tương tục không gián đoạn. Cũng như nước thác, từ trên núi cao đổ xuống, một dãy trắng xoá; ở xa trông như tấm vải trắng. Vì nó hằng luôn chảy, nên chẳng phải “đoạn diệt”. Song nó liên kết tiếp tục nhiều giọt, biến chuyển sinh diệt luôn, nên không phải “thường nhất”.

Nguyên văn chữ Hán: A la hán vị xả?

Dịch nghĩa: Đến quả vị A la hán mới xả bỏ thức này (Tàng thức).

Lược giải

Hỏi: Thức này, đã sinh diệt tương tục, là gốc của sinh tử luân hồi, vậy phải tu đến địa vị nào mới xả bỏ nó được?

Đáp: Người tu hành đoạn hết phiền não chướng, đến quả vị A la hán, mới xả bỏ được thức “A lại da”. Song chỉ xả bỏ cái “danh”, chớ không phải xả bỏ cái “thể” của thức này.

Hỏi: Tại sao không xả bỏ cái “thể” của thức này?

Đáp: Cái “thể” của thức này có hai phần: nhiễm và tịnh. Phần tịnh tức là “Trí”. Trong bài tụng nói “xả bỏ thức này”, tức là chuyển thức thành trí, chớ không phải xả bỏ. Nếu xả bỏ cái “thể” của thức này, thì thành ra đoạn diệt, thuộc về ngoại đạo. Trong Đạo Phật không có chủ trương đoạn diệt (mất hẳn).

 

 


 

Viết bình luận

Chúc mừng năm mới
Copyright © 2015 daibaothapmandalataythien.org. All Rights Reserved.
Xã Đại Đình, huyện Tam Đảo, tỉnh Vĩnh Phúc. Email: daibaothapmandalataythien@gmail.com

Đăng ký nhận tin mới qua email
Số lượt truy cập: 6333464
Số người trực tuyến: