14. Bài thứ mười bốn | Đại Bảo Tháp Mandala Tây Thiên | Đại Bảo Tháp | Đại Bảo Tháp Tây Thiên

14. Bài thứ mười bốn

Bài Thứ Mười Bốn

CHƯƠNG THỨ BA

PHẦN GIẢI THÍCH

B. PHÂN BIỆT HÀNH TƯỚNG PHÁT TÂM ĐẾN ĐẠO (tiếp theo và hết)


II. NÓI VỀ HIỂU BIẾT VÀ LÀM

(Hạnh, hướng) mà phát tâm

CHÁNH VĂN

Phải biết, lối phát tâm này (biết và làm) có phần thắng hơn lối phát tâm trước (Tín phát tâm). Bồ Tát bắt đầu từ Chánh tín (Thập tín) đến đây (Hạnh và Hướng), trải qua gầm mãn một vô số kiếp thứ nhất, nên đối với Chân như, các vị này hiện đã hiểu ngộ rất thâm thuý và sự tu hành không còn chấp tướng nữa.

Bồ Tát biết tính Phật của mình (tâm minh) không có tham lam bỏn xẻn, nên tuỳ thuận theo tính Phật tu hạnh Bố thí Ba la mật (Bố thí rốt ráo). Bồ Tát biết tính Phật của mình không nhiễm ô, xa lìa các tội lỗi ngũ dục, nên tuỳ thuận theop tính Phật, tu pháp trì giới Ba la mật. Bồ Tát biết tính Phật của mình không khổ não, xa lìa các sân hận, nên thuận theo tính Phật, tu pháp Nhẫn nhục Ba la mật. Bồ Tát biết tính Phật của mình không có tướng thân tâm, xa lìa việc giải đãi, nên tuỳ thuận theo tính Phật, tu Tinh tấn Ba la mật.Bồ Tát biết tính Phật của mình thường định, không có tán loạn, nên tuỳ thuận theo tính Phật, tu pháp Thiền định Ba la mật. Bồ Tát biết tính Phật của mình sáng suốt, không có vô minh, nên tuỳ thuận theo tính Phật, tu Trí huệ Ba la mật.

Lược giải

Trong phần “Phân biệt hành tướng phát tâm đến Đạo”, có chia ra ba hạng:

1. Tín phát tâm, tức là viên mãn địa vị Thập tín mà phát tâm.

2. Biết và làm phát tâm, tức là ở địa vị Tam hiền (Trụ, Hạnh, Hướng) mà phát tâm.

3. Chứng nhập chân như phát tâm, tức là ở hàng Thập địa Bồ Tát mà phát tâm.

Đoạn này nói về hàng Tam hiền phát tâm.

Hành giả từ khi phát tâm tu hành, cho đến mãn địa vị Tam hiền, đây là đợt thứ nhất, phải trải qua một “vô số kiếp”. Sau khi mãn Tam hiền lên đến Thất địa, hành giả phải trải qua một “vô số kiếp” về đợt thứ hai. Từ Bát địa trở lên quả vị Phật, hành giả phải trải qua một “vô số kiếp” nữa, về đợt thứ ba.

Hành giả phải trải qua ba vô số kiếp như vậy, và trường kỳ kháng chiến với giặc phiền não nội tâm, bao giờ hoàn toàn thắng trận mới được thành Phật. Trong vô số kiếp thứ nhất, hành giả bị bại trận nhiều mà thắng ít. Đến vô số kiếp thứ hai, là giai đoạn giằng co, hành giả năm ăn năm thua. Bước qua vô số kiếp thứ ba thì hành giả thắng nhiều thua ít.

Vì hạng thứ hai là “Hiểu và Làm mà phát tâm” trước. Từ địa vị Thập tín đến địa vị Tam hiền, vì hành giả tu hành trải qua gần mãn một vô số kiếp, nên ngộ được chân tâm; nhưng chưa chứng nhập. Tuy nhiên, về việc tu hành, hành giả đã cởi mở rất nhiều những sự nặng nề về phần tu hữu hướng (chấp danh, trước tướng) và bắt đầu về vô tướng, để nhập chân tâm thanh tịnh.

Bồ Tát biết chân tâm mình từ bi, hỳ xả, không có tham lam bỏn xẻn, nên tu pháp bố thí Ba la mật, để trừ tâm bỏn xẻn (tu tâm) và nuôi dưỡng tính từ bi hỷ xả (dưỡng tính) để trở lại hiệp với chân tâm của mình.

Bồ Tát biết chân tâm mình thanh tịnh, không có các nhiễm ô tội lỗi, nên tu pháp trì giới Ba la mật, để trừ tâm nhiễm ô tội lỗi (tu tâm) và nuôi dưỡng đức tính thanh tịnh (dưỡng tính) để hợp với chân tâm của mình.

Bồ Tát biết chân tâm mình không có sân hận, nên tu pháp Nhẫn nhục Ba la mật, để đối trị tâm sân hận(tu tâm) và nuôi lớn đức tính vô sân (dưỡng tính) để hợp với chân tâm.

Bồ Tát biết chân tâm mình không phiền não giải đãi, nên tu pháp Tinh tấn Ba la mật, để trừ tâm giải đãi (tu tâm) và nuôi dưỡng đức tính siêng năng (dưỡng tính) để hợp với chân tâm.

Bồ Tát biết chân tâm mình thường định,không tán loạn, nên tu pháp Thiền định Ba la mật, để trừ tâm tán loạn (tu tâm) và nuôi dưỡng tính tịch tịnh (dưỡng tính) để hợp với chân tâm.

Bồ Tát biết chân tâm mình sáng suốt, không có si mê, nên tu pháp Trí huệ Ba la mật, để trừ tâm si mê (tu tâm) và nuôi dưỡng trí huệ (dưỡng tính) để hợp với chân tâm của mình.

Tóm lại, Bồ Tát biết tâm mình không có các điều xấu tệ, như tham lam bỏn xẻn, phá giới nhiễm ô, nóng nảy sân hận, biếng nhác trễ nãi, tán loạn và si mê v.v…mà trái lại, có đủ các đức tính tốt, như từ bi, hỷ xả, thanh tịnh, không sân si, tinh tấn, thường định và trí huệ v.v…nên tu pháp Lục độ, để diệt trừ Lục tệ, nuôi lớn các đức tính tốt ở nơi tâm mình. Khi các đức tính tốt (tính Phật) được hoàn toàn viên mãn, thì Bồ Tát sẽ thành Phật.

GIẢI DANH TỪ

Chữ “Ba la mật”, Tàu dịch là “Đáo bỉ ngạn” nghĩa là đến bờ bên kia, tức là bờ Giác. Song chữ “ba la mật” này cũng có nghĩa là “rốt ráo cùng tận”. Như nói “Bố thí ba la mật”, nghĩa là bố thí đến cùng tận. Chúng phàm phu khi bố thí, còn chấp Ta là người năng thí (làm ơn). Kia là kẻ thọ thí (chịu ơn); vì còn dính mắc nơi tướng, chấp có nhân có ngã, nên bố thí mà không được ba la mật. Trái lại, Bồ Tát khi bố thí, hợp với chân tâm thanh tịnh, không thấy có nhân có ngã: ta đây là người làm ơn (năng thí). Kia là kẻ thọ ơn (được thí). Nó là vật bị thí…Vì không dính mắc nơi tướng nên gọi là “Bố thí ba la mật”. Năm món “ba la mật” sau, ý nghĩa cũng như thế.

III. CHỨNG NHẬP CHÂN MÀ NHƯ PHÁT TÂM

CHÁNH VĂN

Bồ Tát từ Sơ địa cho đến Đẳng giác, đã chứng được Chân như, cũng gọi là Chứng pháp thân.

Các vị Bồ Tát khi đã chứng nhập Chân như thì từ trên tâm Chân như này, khởi ra đại dụng: như trong nhất niệm mà có thể đi hết cả mười phương thế giới, cúng dường chư Phật, thỉnh Phật chuyển pháp luân và mở đường dẫn dắt, làm lợi ích cho các chúng sinh, mà không cần đến ngôn ngữ. Hoặc vì để độ những chúng sinh căn tính thấp kém, lo sợ phải trải qua nhiếu kiếp tu hành mới thành đạo, nên Bồ Tát thị hiện mau thành quả Phật. Hoặc vì để độ những chúng sinh biếng nhác trễ nãi, nên Bồ Tát nói: “Ta tu hành trải qua vô lượng a tăng kỳ kiếp mới được thành Phật”. Các vị Bồ Tát mặc dù thị hiện ra vô số phương tiện như vậy, không thể nghĩ bàn được, song thật ra các vị này trình độ như nhau, và đều trải qua vô số kiếp tu hành, không có kẻ mau, người chậm, vị này hơn, vị kia kém. Các vị Bồ Tát tùy theo mỗi quốc độ, và trình độ thấy nghe, căn tính sai khác, dục vọng không đồng của mỗi chúng sinh mà thị hiện ra nhiều hạnh (Bồ Tát đa hạnh), phương tiện độ sinh không giống nhau.

Lược giải

Đoạn này nói “Chứng nhập chân như mà phát tâm”, tức là Bồ Tát chứng được thể chân như, rồi phát ra đại dụng của chân như.

Các vị Bồ Tát từ Sơ đại đến Đẳng giác, đã chứng được chân như, cũng gọi là chứng pháp thân thanh tịnh của Như Lai. Rồi từ nơi thể chân như này phát khởi ra diệu dụng không thể nghĩ bàn, như trong nhất niệm Bồ Tát có thể đi hết cả mười phương thế giới, cúng dường chư Phật, hoặc thỉnh Phật chuyển pháp luân. Và cũng từ nơi diệu dụng của chân như, mà Bồ Tát giáo hoá làm lợi ích cho chúng sinh, hoặc không dùng đến văn tự ngữ ngôn.

Có vị Bồ Tát vì muốn khuyến khích những chúng sinh thấp kém, lo sợ cho mình không thể đeo đuổi trải qua nhiều kiếp trường kỳ tu tập, nên thị hiện tu mau thành Phật, để cho chúng sinh ấy khỏi lo sợ; như nàng Long nữ trong Pháp hoa, ngài Quảng Ngạch trong kinh Niết bàn, ông Thiện Tài trong kinh Hoa Nghiêm.

Và có vị Bồ Tát, vì những chúng sinh giải đãi bê tha sự tu hành, nên thị hiện trải qua ba vô số kiếp tu hành, mới được thành Phật, để cho chúng sinh ấy, thấy con đường còn dài, phải siêng năng tu hành; như đức Thích Ca, trải qua ba vô số kiếp mới thành đạo.

Bồ Tát, tuỳ theo mỗi quốc độ khác nhau, trình độ thấy nghe của chúng sinh không đồng, mà thị hiện ra rất nhiều phương tiện, không thể nghĩ bàn. Bởi thế nên gọi “Bồ Tát đa hạnh”.

Nhưng sự thật, về trình độ của các vị Bồ Tát thì đồng nhau, sự phát tâm, chỗ chứng ngộ cũng đồng nhau, và đều trải qua ba vô số kiếp tu hành, không có sự mau chậm hay hơn kém nhau.

CHÁNH VĂN

Lại nữa, Nhị thừa phát tâm, có 3 tướng vi tế:

1. Chân tâm, tức là tâm vô phân biệt (thật trí).

2. Phương tiện tâm, tức là tâm tự nhiên làm lợi ích cho các chúng sinh (quyền trí).

3. Nghiệp thức tâm, tức là tâm sinh diệt rất vi tế.

Bồ Tát tu hành đến khi công đức thành tựu viên mãn rồi thì hiện thân cao lớn (báo thân) hơn các thế gian, ở trên cõi trời Sắc cứu cánh Bồ Tát do nhất niệm tương ưng (hiệp) với huệ, nên vô minh liền hết, gọi là “được nhất thế chủng trí”. Lúc bấy giờ Bồ Tát tự nhiên có diệu dụng không thể nghĩ bàn, hiện thân khắp mười phương thế giới làm cho lơi ích cho tất cả chúng sinh.

Lược giải

Các vị Bồ Tát phát tâm vừa nói trên, đều có 3 tướng vi tế như sau:

1. Được thật trí, tức là chân tâm vô phân biệt.

2. Được quyền trí, tức là Trí phương tiện phân biệt, để làm lợi ích cho các chúng sinh.

3. Dị thục thức, tức là nghiệp thức, sinh diệt rất vi tế.

Bồ Tát tuy được quyền trí và thật trí, nhưng chưa rốt ráo như Phật và vì còn Dị thục thức (Kim Cương đạo hâu Dị thục không) nên còn bị biến dịch sinh tử.

Bồ Tát tu hành, khi công đức được thành tựu viên mãn, đến phút tối hậu, phá sạch vô minh vi tế, nhất niệm hiệp với Bát Nhã huệ, thì được “Nhất thế chủng trí” gọi là “Chính biến giác”. Lúc bấy giờ Bồ Tát hiện thân Tự thọ dụng (Báo thân) cao lớn ngàn trượng, ở cõi Tự thọ dụng (tự thọ dụng độ), trên đỉnh trời Sắc giới, chờ đến thời kỳ, sẽ đi bổ xứ làm Phật, như đức Di Lặc hiện nay ở cõi trời Đâu Suất. Vị Bồ Tát này tự nhiên có diệu dụng, thị hiện mười phương thế giới, làm lợi ích cho các chúng sinh không thể nghĩ bàn.

Tóm lại, từ khi phát tâm tu hành, cầu quả Phật, đến khi được Nhất thế chủng trí, thành Chính biến giác là rốt ráo sự phát tâm vậy.

CHÁNH VĂN

Hỏi: Trong hư không, vô biên, có vô tận thế giới, trong mỗi thế giới có vô số chúng sinh; vì chúng sinh vô số, nên tâm niệm và hành vi cũng khác nhau vô cùng; nếu Bồ Tát đoạn vô minh, không còn tâm tưởng, thì lấy gì để biết tất cả pháp, mà gọi là “Nhất thế chủng trí”?

Đáp: Tất cả cảnh giới vốn là chân tâm thanh tịnh, không có gì khác. Song vì chúng sinh không như chân tâm thanh tịnh (xứng tính) Lại khởi ra các tưởng niệm phân biệt, vọng thấy có các cảnh giới sai khác, nên không thể biết được cảnh giới vô tướng thanh tịnh (chân tâm) biến khắp tất cả, của chư Phật.

Chân tâm này đã là bản thể hiện ra tất cả pháp và Bồ Tát vì đã chứng được bản thể của tất cả pháp, tất nhiên biết được tất cả pháp, nên gọi là “Nhất thế chủng trí”. Nhờ “Nhất thế chủng trí” này, mà Bồ Tát tuỳ thuận thep trình độ của các chúng sinh, lập ra các pháp phương tiện, giáo hoá vô số chúng sinh.

Lược giải

Đoạn này ngài Bồ Tát Mã Minh, lập lời vấn đáp, để giải thích những điều thắc mắc của độc giả.

Thấy đoạn trên nói: Do Bồ Tát trong nhất niệm tương ưng với Tuệ, nên vô minh liền hết, gọi là được “Nhất thế chủng trí”, nên độc giả thắc mắc: Do vô minh mà có tâm tưởng, nhờ tâm tưởng nên mới biết được các sự vật. Nếu vô minh hết, tâm tưởng không còn, thì lấy cái gì để biết tất cả sự vật, mà gọi là “được Nhất thế chủng trí”?

Bồ Tát giải đáp, đại ý: Tất cả các pháp nguyên là chân tâm (đó là định lý của Đại thừa). Nếu còn vô minh và tâm tưởng phân biệt, thì cố nhiên phải có năng sở bỉ thử, nên sự phân biệt bị cuộc hạn, tuy biết mà biết không cùng khắp, cái biết ấy chỉ là tưởng niệm mà thôi. Trái lại, nếu vô minh hết, tâm tưởng không còn, tức là hiệp với chân tâm, mà chân tâm là bản thể của các pháp, boiến khắp tất cả các pháp; cũng như trời đất non sông, mà bể cả đều bao hàm hết thảy. Bởi thế nên hành giả trừ vô minh, diệt hết loạn tưởng chứng nhập chân tâm, thì mới biết được các pháp một cách rốt ráo, gọi là được “Nhất thế trí”.

Từ chân tâm này phát ra đại trí dụng, biết rõ tất cả pháp, tuỳ theo căn cơ của vô số chúng sinh, dùng vô số phương tiện để dẫn dắt chúng sinh, gọi đó là được “Nhất thế chủng trí”. Chứng được Nhất thế trí và Nhất thế chủng trí, gọi là phát minh rốt ráo tâm Đại thừa, tức là thành Phật.

CHÁNH VĂN

Hỏi: Chư Phật đã nghiệp dụng tự nhiên thị hiện khắp tất cả chỗ, làm lợi ích cho các chúng sinh. Nếu chúng sinh nào thấy được thân Phật, hoặc nghe thuyết pháp, hoặc thấy thần thông biến hoá của Phật, thì đều được lợi ích; tại sao trong thế gian còn có nhiều người không thấy được Phật?

Đáp: Pháp thân của chư Phật bình đẳng và khắp tất cả chỗ, tự nhiên làm lợi ích cho các chúng sinh, không dụng tâm hay cố ý. Song cũng tuỳ theo tâm của chúng sinh mà tự thấy có hiện hay không. Tâm chúng sinh như cái gương, nếu gương bị bụi đóng, thì cảnh vật không hiện; còn tâm chúng sinh bị cấu nhiễm thì Pháp thân không hiện.

Lược giải

Tiếp theo đoạn vấn đáp trên, nghe nói:

“Phật có thần thông diệu dụng không thể nghĩ bàn, bình đẳng làm lợi ích cho tất cả chúng sinh, mà không dụng công hay cố ý”, nên độc giả nghi: Nếu như thế, tại sao có chúng sinh được tế độ, có chúng sinh không được tế độ.

Bồ Tát giải thích, đại ý: Phật tuy có Nhất thế chủng trí và đủ các phương tiện, thần thông diệu dụng, bình đẳng và tự nhiên làm lợi ích cho tất cả chúng sinh, không dụng công hay cố ý, không phân biệt chủng loại nào. Nhưng chúng sinh có tiếp nhận được hay không là do tâm của họ có thanh tịnh hay không. Như cái gương tuy sáng mà bị bụi bám vào, dù cảnh vật tuy sẵn có, cũng không thể hiện gì ra được. Cũng thế, chúng sinh tâm tính còn cấu nhiễm, thì chư Phật tuy có diệu dụng không thể nghĩ bàn, bình đẳng phổ độ, song họ cũng không thể thấy được Phật. Tuy không thấy Phật tế độ, nhưng Phật vẫn âm thầm gia hộ. Ví như kẻ mù sống dưới mặt trời, tuy họ không thấy được ánh sáng, nhưng mặt trời vẫn chiếu đến, và họ vẫn nhờ ánh sáng mà sống.

(HẾT PHẦN GIẢI THÍCH)

 


 

Viết bình luận

Chúc mừng năm mới
Copyright © 2015 daibaothapmandalataythien.org. All Rights Reserved.
Xã Đại Đình, huyện Tam Đảo, tỉnh Vĩnh Phúc. Email: daibaothapmandalataythien@gmail.com

Đăng ký nhận tin mới qua email
Số lượt truy cập: 6333541
Số người trực tuyến: