11. Bài thứ mười một
Bài Thứ Mười Một
CHƯƠNG THỨ BA
PHẦN GIẢI THÍCH NÓI VỀ Ý NGHĨA “BẤT GIÁC”
(Tiếp Theo)
CHÁNH VĂN
Nói về Dụng rộng lớn của tâm chân như:
Các đức Phật từ khi tu nhân (Bồ Tát đạo) đã phát tâm đại từ bi, tu các pháp Ba la mật, giáo hóa chúng sinh. Các Ngài lập lời thệ nguyện rộng lớn, độ thoát tất cả chúng sinh cho đến cùng tận đời vị lai, không hạn định bao nhiêu số kiếp.
Các Ngài xem tất cả chúng sinh như thân mình, và cũng không thấy (chấp) có tướng chúng sinh để độ. Tại sao vậy? Vì các Ngài đã chân thật hiểu biết: tất cả chúng sinh và mình không có sai khác, đồng một tâm chân như bình đẳng.
Các Ngài đã dùng Đại trí huệ diệt hết vô minh, nên chân như (Pháp thân) được hiện ra. Do chân như đã hiện, nên tự nhiên có các món diệu dụng không thể nghĩ bàn. Bởi diệu dụng từ thể chân như hiện ra, nên Dụng đồng với Thể chân như, đều biến khắp tất cả, và cũng đều không có hình tướng gì để thấy được.
Tại sao vậy? Vì các đức Phật chỉ có Pháp thân thanh tịnh, tức là Trí thân (tâm), không có hình sắc (cảnh giới) và cũng không có tạo tác. Song, tuỳ theo trình độ của chúng sinh, hoặc thấy hoặc nghe, đều được lợi ích, nên gọi là “Dụng lớn”.
Lược giải
Đoạn này nói về Dụng lớn của tâm chân như.
Các vị Bồ Tát, dùng đại trí tuệ, diệt trừ hết vô minh, chứng được Thể chân như (Pháp thân). Do các vị Bồ Tát đã chứng được chỗ đồng thể, nên tự xem mình cùng tất cả chúng sinh đồng một bản thể, không có riêng khác; nếu chúng sinh đau khổ, tức là mình đau khổ, chúng sinh còn trầm luân thì mình chưa được giải thoát.
Bởi thế nên Bồ Tát, tức nơi thể chân như bình đẳng, khởi ra “Đại dụng”: Phát atâm đại từ bi, lập lời thệ nguyện rộng lớn, tu các pháp Ba la mật (lục độ), hoá độ chúng sinh, cùng tận đời vị lai, không hạn định bao nhiêu số kiếp, và cũng không chấp có tướng chúng sinh để độ.
“Thể” và “Tướng” của chân như đều rộng lớn như thế, nên “Diệu dụng” của chân như cũng không thể nghĩ bàn: Không có hình tướng, không có công dụng và cũng không có tâm tạo tác; song tuỳ theo căn cơ của mỗi chúng sinh, cảm muốn như thế nào, thì ứng hiện ra như thế ấy (như đức Quan Âm Bồ Tát ứng hiện 32 thân v.v…) làm cho chúng sinh đều được lợi ích, nên được gọi là “Đại dụng”. Như hư không, tuỳ các đồ vật mà hiện đủ hình. Và cũng như trăng rằm, không cố ý (vô tâm) không dụng công (vô công dụng) mà tự nhiên chiếu khắp tất cả; tuỳ theo các ao hồ, nước trong hay đục mà trăng tỏ hay mờ.
CHÁNH VĂN
Diệu dụng của chân như tuỳ theo trình độ của chúng sinh mà thấy có hai phần:
1. Ứng thân 2. Báo thân
Chúng phàm phu và Nhị thừa, do Phân biệt sự thức (ý thức) nên thấy Ứng thân Phật. Họ chỉ thấy phần nào về sắc thân Phật, chứ không thể biết cùng tận, và chỉ chấp thân ấy từ ở ngoài đến, chứ không biết do tâm (chuyển thức) hiện ra.
Các vị Bồ Tát từ khi mới phát tâm, cho đến khi rốt ráo địa vị Bồ Tát, đều do nghiệp thức (A-đà-na) mà thấy báo thân Phật. Thân này có vô lượng sắc tướng, mỗi sắc tướng có vô lượng sự tốt đẹp.
Về quốc độ của thân này, cũng đủ vô lượng vật quý báu trang nghiêm; tùy sự thị hiện nơi nào đều không cùng tận, không có biên giới và cũng không hư hoại.
Tóm lại, thân thể (chính báo) và quốc độ (y báo), sở dĩ đều được thành tựu các công đức như thế, là do sự huân tập của các hạnh vô lậu, như các pháp Ba la mật v.v…và sự huân tập bất tư nghì (chân như huân tập bên trong). Vì được đầy đủ vô lượng tướng diệu lạc như thế nên gọi là (Báo thân).
Chúng phàm phu thì chỉ thấy sắc thân thô sơ của Phật. Còn lục đạo chúng sinh do tuỳ theo cái nghiệp của mỗi loài khác nhau, nên thấy thân Phật không đồng. Do tuỳ theo mỗi loài ứng hiện, không phải chính thân tướng tốt đẹp (báo thân), nên gọi là “ứng thân”.
Lược giải
Tuỳ theo trình độ của chúng sinh, mà diệu dụng chân như thành ra hai phần:
1. Ứng thân: Thân này chỉ tuỳ theo muôn ngàn hoàn cảnh sai biệt của lục đạo chúng sinh, mà hiện ra muôn ngàn hình thức không đồng: Loài nào thấy Phật loài nấy. Như hư không tuỳ theo các đồ vật vuông tròn v.v…mà ứng hiện ra đủ các hình tướng.
Chúng phàm phu và hàng Nhị thừa, vì còn ý thức phân biệt, và chấp theo trần cảnh bên ngoài, không ngộ lý Duy thức, nên thấy Phật ngoài tâm mình. Bởi thế nên chỉ thấy Ưng thân Phật, như thân Phật có 32 tướng tốt v.v…
2. Báo thân: Thân này là kết quả hai món huân tập:
a) Chân như huân tập, cũng gọi là Bất khả tư nghì huân.
b) Các pháp vô lậu thanh tịnh huân tập, tức là tu các pháp như Lục độ v.v…Vì thế nên Chính báo (thân thể) được vô số tướng tốt đẹp, mà Y báo (hoàn cảnh) cũng được vô cùng vật quý báo trang nghiêm.
Các vị Bồ Tát từ khi mới phát tâm cho đến lúc rốt ráo địa vị Bồ Tát, đều ngộ lý Duy tâm, nên thấy Báo thân Phật Duy tâm hiện ra, không phải ở ngoài đến. Nhưng cũng tuỳ theo trình độ của từng địa vị, mà sự thấy có Thô, tế khác nhau. Bồ Tát từ địa vị Thập tín, Thập trụ, Thập hạnh, Thập hồi hướng và Tứ gia hạnh, chỉ thấy về phần Thô của Báo thân Phật. Các vị Bồ Tát từ Sơ địa lên đến Đẳng giác thì thấy Báo thân Phật lần lần thù thắng và vi diệu.
CHÁNH VĂN
Lại nữa, các vị Bồ Tát mới phát tâm (Tam hiền) do thâm tín chân như, nên chỉ thấy được một phần nhỏ báo thân Phật. Các vị Bồ Tát này, tuy biết sắc thân Phật có nhiều tướng tốt trang nghiêm, duy tâm biến hiện, không rời chân như, không khứ không lai, xa lìa ranh giới, song các vị Bồ Tát này còn dùng tâm phân biệt (ý thức) nên chưa nhập được Pháp thân.
Nếu Bồ Tát đặng tâm thanh tịnh (lên Thánh địa) thì thấy báo thân Phật càng tốt đẹp và càng mầu nhiệm. Đến vị Bồ Tát tột bậc (Đẳng giác) thì thấy báo thân Phật mới hoàn toàn rốt ráo.
Nếu Bồ Tát lìa được nghiệp thức (A-đà-na) thì ngộ được pháp thân Phật, không có sắc tướng gì có thể thấy được; vì pháp thân của chư Phật, không có sắc tướng thế này thế nọ, không có tướng phần (bị phân biệt) và kiến phần (năng phân biệt) nên không thể thấy được.
Lược giải
Đoạn này tiếp theo đoạn trước, nói tuỳ theo trình độ của Bồ Tát, thấy thân Phật khác nhau.
Các vị Bồ Tát ở địa vị Tam hiền, tuy đã ngộ được lý Duy thức và thâm tín chân như, nhưng vì còn dùng ý thức phân biệt, nên chỉ thấy báo thân Phật được một ít thôi.
Các vị Bồ Tát đã ngộ nhập chân như, chứng được pháp thân thanh tịnh, bước lên Thánh vị (Thập địa); càng lên bậc trên chừng nào, thì lại càng thấy báo thân Phật tốt đẹp và mầu nhiệm chừng ấy. Đến địa vị cùng tận của Bồ Tát là vị Đẳng giác, mới thấy được rốt ráo Báo thân Phật.
Đến khi Bồ Tát phá trừ được Nghiệp thức (Vọng thức: A-lại-da chân vọng hoà hiệp) tức là phá trừ được vô minh rất vi tế (món Tế thứ nhất trong ba Tế); lúc bấy giờ mới hoàn toàn nhập Chân như, chứng Pháp thân thanh tịnh.
Pháp thân là bản thể của các pháp; vì không có sắc tướng, không có bỉ thử và không tâm cảnh v.v…nên không thể thấy được. Tất cả chư Phật và chúng sinh cũng đồng một bản thể này.
CHÁNH VĂN
Hỏi: Pháp thân của chư Phật đã không có các sắc tượng, tại sao lại hiện ra có các sắc tướng? (Ứng thân và Báo thân)
Đáp: Vì pháp thân là bản thể của sắc tướng, cho nên có thể hiện ra các sắc tướng (hoá thân báo thân). Do từ hồi nào đến giờ, Sắc (hiện tượng) Tâm (bản thể) không hai, nên bản thể của Sắc (sắc tính) tức là Tâm (tức trí).
Vì bản thể của Sắc vô hình (thuộc về tâm) nên gọi là “Trí thân”. Vì tướng của tâm (trí tính) tức là Sắc, nên gọi là “Pháp thân”.
Vì bản thể (tâm) đã biến khắp tất cả chỗ, nên hiện tượng là Sắc, cũng không có chừng ngằn. Tuỳ nơi tâm mà hiện ra mười phương thế giới, vô lượng Bồ Tát, vô lượng Báo thân, vô lượng món tranh nghiêm, mỗi mỗi sai khác, đều không có hạn lượng và đều không ngại nhau. Vì đây là diệu dụng đại tự tại của chân như, nên không thể dùng thức tâm phân biệt mà biết được.
Lược giải
Đoạn này Luận chủ đặt ra lời vấn đáp để giải thích sự nghi ngờ.
Hỏi: Pháp thân của chư Phật thanh tịnh, không có các hình tướng, tại sao lại hiện ra có các sắc tướng là Hoá thân và Báo thân?
Đại ý lời đáp: Do từ hồi nào đến giờ, trong Chân như Pháp thân, Sắc và Tâm không hai: Bản thể của Sắc tức là Tâm, Hiện tượng của Tâm tức là Sắc. Bởi thế nên Chân như Pháp thân tuy không có hình sắc, mà có thể hiện ra các hình tướng: Y báo và Chánh báo đầy đủ. Cũng như bản thể của điện, biến khắp tất cả không gian, tuy không có hình tướng, nhưng có thể hiện ra các sắc tướng, (hiện tượng) như sấm sét, chứp, nổ v.v…Trong Tâm kinh chép: “Sắc chẳng khác với Không, Không chẳng khác với Sắc” (Sắc bất dị Không, Không bất dị Sắc; Sắc tức thị Không, Không tức thị Sắc).
Vì Sắc tức là Tâm, nên các pháp tức là Chân như Pháp thân. Vì Tâm tức là Sắc, nên chân như pháp thân tuỳ duyên thành các pháp. Do bản thể đã biến khắp tất cả, nên hiện tượng các Sắc tướng, như mười phương thế giới, vô lượng Bồ Tát, vô lượng món trang nghiêm v.v….cũng biến khắp tất cả, không có hạn lượng; mặc dù các hình sắc đều khác nhau, nhưng không trở ngại nhau. Việc này là diệu dụng của Chân như Pháp thân, nên chúng phàm phu và hàng Nhị thừa, không thể dùng thức tâm của mình mà phân biệt được.
Do Chân như là bản thể của các Pháp, nên gọi là Pháp thân; và nó đủ tất cả trí, nên cũng gọi là Trí thân.
III. TRỞ VỀ TÂM CHÂN NHƯ
CHÁNH VĂN
Lại nữa, các pháp từ sinh diệt mà trở về Tâm chân như; nghĩa là suy xét kỹ càng: bên trong thì thân ngũ ấm (Sắc: Sắc ấm: Tâm: bốn ấm sau) bên ngoài thì cảnh giới (6 trần) rốt ráo vô niệm (tức là chân tâm). Song, vì chúng sinh bị vô minh làm mê, nên chân tâm (vô niệm) biến thành hữu niệm (có thân và cảnh v.v..), nhưng bản thể chân tâm không động (vô niệm).
Cũng như người lầm phương hướng, vì sự mê lầm nên chấp phương Đông làm phương Tây; thật ra phương hướng không thay đổi.
Bởi thế nên, người quán sát biết được Tâm vô niệm (không khởi vọng niệm) thì đặng tuỳ thuận vào Tâm chân như.
Lược giải
Luận này có 5 chương, trong chương thứ ba là Phần Giải thích, lại chia làm 3 phần:
1. Nói về nghĩa chính
2. Đối trị các chấp sai lầm.
3. Phân biệt hành tướng phát tâm đến Đạo.
Trong phần “Nói về nghĩa chính”, lại chia làm 3:
I. Nói về Tâm Chân như
II. Nói về Tâm Sinh diệt
III. Trở về Tâm Chân như (tức là quán sát các pháp, sinh tức vô sinh).
Đoạn văn trên đây nói về phần thứ ba là “Trở về Tâm Chân như”.
Hành giả hãy quán sát tất cả các pháp: Bên trong là thân ngũ ấm (Sắc và Tâm), bên ngoài là cảnh giới 6 trần (sắc, thanh, hương, vị, xúc, pháp) rốt ráo đều vô niệm (không vọng niệm, tức là Chân như). Vì các pháp không rời Thể Chân tâm (Tâm Chân như), nên Chân tâm đã vô niệm (không vọng), thì các pháp cũng vô niệm (không vọng).
Chân tâm vì không có hình tướng nên tìm khắp mười phương không thể thấy được nó. Song vì vô minh vọng động, nên Tâm biến ra các pháp hữu hình (hữu niệm) như thân và cảnh v.v…nhưng bản thể Chân tâm vẫn thanh tịnh không động vô niệm). Cũng như người bộ hành, vì lầm phương hướng nên chấp phương Đông làm phương tây, thật ra phương hướng không thay đổi.
Do vọng niệm sinh ra các pháp sinh diệt, nên dứt trừ vọng niệm (quán vô niệm) thì các pháp sinh diệt kia tự trở về Tâm Chân như (vô niệm). Cũng như vì gió nên có sóng động, nếu gió hết thì sóng kia tự trở lại với tính nước yên lặng.
Nếu vô niệm (không vọng niệm) thì toàn vọng là chân; nên quán vô niệm là con đường tu chứng duy nhất của các Phật Tổ.
Trong kinh Lăng nghiêm Phật dạy: “Bất tùy phân biệt” (Không theo trần cảnh khởi vọng niệm phân biệt, tức là quán vô niệm).
Tổ Đạt Ma khi từ Ấn độ mới đến Trung Hoa, đức Nhị tổ thỉnh cầu Ngài dạy phương pháp an tâm.
Tổ Đạt Ma trả lời: “Ông hãy đem tâm đến đây, ta sẽ an cho”.
Đức Nhị tổ thưa rằng: “Con tìm tâm không thể được”.
Tổ Đạt Ma dạy tiếp: “Ta đã an tâm cho ông rồi”. Đức Nhị tổ liền tỏ ngộ.
Đức Lục Tổ Huệ Năng dạy: “Bản lai vô nhất vật” (Từ xưa đến nay, không có một vật).
Đây là những bằng chứng Phật và Tổ đều dạy cái bí quyết tu hành mau được thành Phật là “Vô niệm” (không vọng niệm).
Bởi thế nên, cũng ở nơi Luận này, về đoạn trước đã nói: “Nếu lìa các vọng niệm thì đặng nhập chân như” (Nhược ly ư niệm, danh vi đắc nhập).
- 46
Viết bình luận