10. Cõi Tịnh Độ | Đại Bảo Tháp Mandala Tây Thiên | Đại Bảo Tháp | Đại Bảo Tháp Tây Thiên

10. Cõi Tịnh Độ

Cõi Tịnh Độ
 
A. Mở Đề

Trong vũ trụ có vô lượng thế giới. Như đức Phật ngày xưa đã dạy và các nhà khoa học ngày nay đã xác nhận, trong vũ trụ này có hằng hà sa số thế giới. Mỗi đêm, chúng ta ngước mặt lên nhìn trời, bao nhiêu ngôi sao lấp lánh hay lu mờ xa tít, hiện ra trước mắt ta đây là bao nhiêu thế giới. Ngay một dãy ngân hà với những đám trắng lờ mờ như mây bạc đó, cũng đã chứa đựng hàng triệu thế giới rồi. Huống hồ trong vũ trụ, đâu phải chỉ một dãy ngân hà mà có mấy ngàn dãy như thế. Cái phần chúng ta thấy được mỗi đêm, mặc dù không thể đếm hết, chỉ mới là phần rất nhỏ so với vũ trụ mênh mông mà ta không thể thấy được.
 
Trong kinh thường dạy: phương Đông có vô số thế giới như cát sông Hằng, mà phương Tây, phương Nam, phương Bắc cũng như thế (Kinh Di Đà). Nhưng chỉ có thế giới Cực Lạc (Tịnh Độ) là vui hơn cả.

Trong bao nhiêu thế giới ấy, có thế giới ô uế, có thế giới thanh tịnh, có thế giới đau khổ, có thế giới an vui, có thế giới mới thành hình, có thế giới sắp tiêu diệt, có thế giới thiên về vật chất, có thế giới trọng về tinh thần.

Theo lời đức Phật Thích Ca dạy, thì trong vô lượng thế giới ấy, chỉ có thế giới Cực lạc hay Tịnh độ của đức Phật A Di Đà là vui hơn cả.

Hôm nay chúng tôi xin trình bày về thế giới Cực Lạc ấy, theo như lời đức Phật Thích Ca đã dạy.

B. Chánh Đề
 
I. Danh Hiệu Và Cảnh Trí Cõi Cực Lạc Hay Tịnh Độ

Một hôm nhìn thấy Đức Phật Thích Ca, dung mạo khác lạ, vô cùng hoan hỷ, Ngài A Nan mới hỏi Phật:

- Hôm nay tại sao dung mạo của Phật lại khác hơn ngày thường?

Phật dạy rằng:

- Ta cảm nhớ đức Phật A Di Đà, muốn nhắc đến nhân địa của Ngài, để chỉ dạy cho chúng sinh pháp môn tu Tịnh Độ. Ngài dạy rằng: từ cõi Ta Bà này hướng về phía Tây, hơn mười muôn ức cõi, có một thế giới gọi là Cực Lạc hay Tịnh Độ. Ở nước đo có đức Phật, hiệu là A Di Đà, Ngài thường thuyết pháp. Cảnh giới ở nước thanh tịnh ấy, vô cùng đẹp đẽ, sáng lạng vui tươi, phong cảnh toàn cõi như là một vườn hoa vĩ đại với những hàng cây ngay ngắn, những tường hoa, những dây leo rủ xuống như màu gấm, như lụa là; có những hồ nước chứa đầy những thứ nước có tám công đức. Đáy hồ lát bằng cát vàng; trong hồ có những hoa sen lớn bằng bánh xe, đủ màu sắc, hương tỏa thơm ngát, và có hào quang đẹp đẽ: hễ hoa màu xanh, thì phát ra hào quang xanh; hoa màu trắng, thì phát ra hào quang trắng; hoa màu hồng, thì phát ra hào quang hồng... Đường xá cầu cống, đèn đài, điện các ở cõi Tịnh độ đều làm bằng ngọc vàng châu báu, vô cùng quý giá.
 
Chim chóc ở đây là những thứ chim báu, như bạch hạc, khổng tước, anh vỏ, xá lợi, ca lăng, tần già v.v... Những thứ chim này, ngày đêm sáu thời, hót ra những thứ tiếng pháp vi diệu, hòa lẫn trong những điệu nhạc thiêng, làm cho ai nghe đến, cũng liền phát tâm hoan hỷ niệm Phật. Các loài chim do đức Phật A Di Đà biến hóa ra để thuyết pháp cho chúng sinh nghe. Chẳng những chim biết nói pháp, mà cho đến nước chảy, gió thổi cây reo đều là những lời thuyết pháp vi diệu, ai nghe cũng đều phát tâm niệm Phật, niệm Pháp, niệm Tăng. Ở đấy, không bao giờ có bóng tối, vì nhờ hào quang của Phật phát ra, sáng chói luôn luôn. Cảnh giới trang nghiêm, huy hoàng, xinh đẹp như thế là do sức đại nguyện của đức Phật A Di Đà, các bậc Bồ Tát và Thánh chúng, toàn là bậc Thượng thiện gây nên.
 
Trong hoàn cảnh thuận tiện, vui tươi như thế nên tất cả mọi người ở đấy, ai cũng tinh tấn tu hành và dễ được thành đạo nghiệp.

II. Những Điều Kiện Để Vãng Sinh Về Cõi Tịnh Độ
 
Muốn được sinh về cõi Tịnh độ, trước tiên cần phải đủ ba điều kiện sau đây:

1. Đức tin chắc chắn:

Trong Kinh Hoa Nghiêm có nói: "Tin là mẹ các công đức. Tin có thể thành tựu quả bồ đề". Lòng tin có ba khía cạnh:

a) Tin Phật là đáng sáng suốt từ bi cứu khổ mọi loài. Vì muốn cứu độ chúng sinh mau hết khổ sanh tử, nên Ngài mới chỉ bày cảnh Tịnh độ của Phật A Di Đà là một cảnh có thật.

b) Tin giáo pháp của Phật nói ra là đúng đắn chân thật, dạy chúng ta phải nhất tâm niệm Phật, cầu vãng sinh về cảnh giới của Phật A Di Đà. Chúng ta tin chắc theo giáo pháp của Ngài mà tu hành thì sẽ được thành công.

c) Tin ở nơi sức mạnh của mình. Nếu ta thật tâm tin chắc ta là Phật sẽ thành, nhất tâm trì niệm danh hiệu Phật, quyết chắc sẽ được vãng sinh cõi Tịnh Độ.

2. Lập nguyện vững vàng:
 
Nguyện là ý muốn tốt đẹp, lập nguyện vững vàng nghĩa là thiết tha mong muốn, lập chí nguyện không thối chuyển, quyết sinh về Cực Lạc, dù có gặp bao trở ngại gian lao, khổ sở. Phải có tấm lòng thiết tha, không giờ phút nào xao lãng ý muốn được về gần Phật A Di Đà, như con đi xa thiết tha được về gặp mẹ.
 
Trong mọi công việc lớn lao, chí nguyện là quan trọng. Không có chí nguyện, thì không có gì thành tựu được cả. một nhà văn đã viết rất đúng: "Đường đi khó, không khó vì ngăn sông cách núi, mà khó vì lòng người ngại núi e sông". Người có chí nguyện, như thuyền có lái, như ngựa có cương. Từ việc đời cho đến việc đạo, muốn thành công, điều cần yếu là lập chí nguyện cho vững vàng.
 
3. Thực hành theo đúng chí nguyện:
 
Đã lập chí nguyện rồi, phải thực hành theo đúng chí nguyện. Thực hành ở đây là luôn luôn trì niệm danh hiệu Phật A Di Đà, niệm luôn luôn trong khi đi đứng, nằm ngồi, cho đến "nhất tâm bất loạn".
 
Tóm lại, điều kiện tiên quyết để vãng sinh về thế giới Cực Lạc của Phật A Di Đà, không có gì khó khăn, cũng không có gì bó buộc lắm, mà trái lại, bất luận ai, sang hèn, giàu nghèo, trí thức hay thiếu học đều có thể có được. Đó là: Có đức tin mạnh mẽ, lập nguyện vững vàng, thực hành theo đúng chí nguyện. Có đủ ba yếu tố Tín, Hạnh, Nguyện, là có thể bước lên đường đi đến cõi Cực Lạc. Cuộc hành trình ấy có thể chậm có thể mau, có thể khó khăn có thể dễ dàng, nhưng ai đã có đủ ba điều kiện ấy, thì thế nào cũng đến đích, Đức Phật A Di Đà lúc nào cũng sẵng sàng chờ đợi để đón tiếp chúng ta, như mẹ chờ con đi xa về. Nhưng nếu mẹ chờ con mà con không nhớ mẹ, không muốn quay về, thì mặc dù có gần nhau đi nữa, cũng chẳng khác gì hai người xoay lưng lại với nhau mà đi, một người đi về phương Nam, một người đi về phương Bác, càng đi càng xa, không thể gặp nhau được nữa. Trái lại, nếu con nhớ mẹ, một lòng muốn gặp mẹ, trong lúc mẹ cũng đang nhớ và chờ đợi con thì, cũng như hai người hướng về nhau mà đi, một người ở phương Tây đi về phương Đông, một người ở phương Đông đi về phương Tây, mặc dù có cách xa muôn trùng, thế nào cũng sẽ gặp nhau.
 
Ta tin có Phật A Di Đà, ta quyết tâm thực hiện chí nguyện ấy, thì mặc dù cõi Cực Lạc cách xa mười muôn ức cõi, khi lâm chung, ta cũng sẽ được đức Phật A Di Đà và Thánh chúng hiện ra để tiếp độ ta về cõi ấy.
 
III. Pháp Tu Về Cực Lạc (Tịnh Độ)
 
Phương pháp tu về Cực Lạc có nhiều lối, nhưng không ngoài các pháp niệm Phật. Đây lược kể bốn pháp niệm Phật:

1. Trì danh niệm Phật:
Trì danh niệm Phật tức là giữ một lòng nhớ nghĩ danh hiệu Phật, là niệm "Nam mô A Di Đà Phật ". Khi đi, đứng, nằm, ngồi, ăn, uống cũng niệm. Niệm từ buổi mai khi mới thưc dậy, cho đến buổi tối, trước khi đi ngủ. Niệm suốt cả ngày không xen hở. Khi gần đi ngủ, ngồi xếp bằng bán già hay kiết già, chắp tay mà nguyện rằng:
 
"Con tin lời của đức Phật A Di Đà, giữ một lòng niệm danh hiệu Ngài, nguyện đời này, bao nhiêu tội chướng thảy đều tiêu sạch, đến khi lâm chung được Phật và các vị Bồ Tát, đến tiếp dẫn chúng con về Cực lạc.
 
2. Thầm cứu niệm Phật:
 
Pháp niệm Phật tương tự pháp trì danh, nhưng mà có khác nghĩa, làm môi miệng không động, niệm không ra tiếng, mà trong tư tưởng có niệm Phật. Khi niệm có tiếng thì xét tiếng ấy từ đâu mà sinh ra. Đến khi hết niệm không nghe nữa, thì xét tiếng ấy coi nó đi vào chỗ nào. Xét cho biết chỗ sinh ra, chỗ trở về là đã được một phần công phu khá cao rồi, cứ giữ như thế mà niệm, đừng cho tán loạn, thì chắc có ngày minh tâm kiến tính.

3. Quán tưởng niệm Phật:
 
Là quán tưởng hình dung đức Phật ở trước mắt ta, mình cao một trượng sáu thước, đứng trên hoa sen, và quán thân ta cũng ngồi trên hoa sen, chắp tay hầu Phật. Phật thấy ta, ta thấy Phật. Quán như thế lâu ngày, đi, đứng, nằm, ngồi, nhắm mắt, mở mắt đều thấy Phật, tức là pháp quán đã thuần thục.

4. Thật tướng niệm Phật:
 
Thật tướng niệm Phật là niệm Phật hợp với chân tâm. Vì tất cả các pháp đều do tâm biến hiện, bởi tâm biến hiện, nên tướng nó đều là hư vọng (phàm sở tướng, giai thị hư vọng), duy có chân tâm là chân thật, không sinh, không diệt; không chứ, không lai, xưa nay thanh tịnh bình đẳng như như, không hư vọng, không biến diệt, cho nên mới gọi là thật tướng.
 
Ba pháp niệm Phật trước thuộc về Sự, có tánh cách tiệm tu và tiệm quán. Đến pháp thứ tư này, là thuộc về Lý tính, cao siêu hơn cả. Niệm Phật đến đây, mới hoàn toàn rốt ráo, mới ngộ tính mình là Phật A Di Đà, tâm mình là cảnh Tịnh Độ.
 
Nhưng chúng ta phải luôn luôn nhớ rằng: nhờ có Sự mới hiển ra Lý. Trước hết cũng do Trì danh niệm Phật, Quán tưởng niệm Phật v.v... nhờ lối dụng công tu ba pháp trước, đến lúc thuần thục không còn thấy có mình là người niệm Phật và Phật là một vị mình niệm, chỉ còn có một chân tánh vừa yên lặng, vừa chiếu soi không năng, không sở, không bỉ, không thử, không hữu, không vô. Chỗ này chính như trong Kinh tứ Thập Nhị Chương, Phật nói: "Niệm đến chỗ vô niệm"; hay trong kinh A Di Đà nói: "Được nhất tâm bất loạn".
 
IV. Sự Quan Hệ Của Niệm Phật Trong Lúc Lâm Chung
 
Theo quan niệm sai lầm của phần đông, thì khi ông bà cha mẹ chết, con cháu phải khóc cho nhiều mới là có hiếu. Nhiều gia đình lại còn thuê người đến "khóc mướn" để cho "rậm đám". Theo đạo Phật thì trái lại, lúc ông bà cha mẹ chết, mà con cháu khóc lóc nhiều, làm ồn, rối loạn tâm thần người sắp chết là con cháu bất hiếu. Thật thế, phút quan trọng ấy cần để cho người sắp lâm chung được yên tĩnh, đừng làm cho họ động tâm, cảm xúc quá mà khó lìa bỏ cõi đời.
 
Một điều quan trọng nữa là, khi gần lâm chung, biết rằng không thể sống được, các trần duyên nên buông bỏ, đừng luyến tiếc của cải, nhà cửa đẹp, con cháu ngoan. Lòng quyến luyến ấy làm cho người sắp từ trần khó vãng sinh. Trong sách có ví dụ: như con cò bị con ngao kẹp miệng lại, mặc dù có đủ cánh quạt mạnh, mà không thể bay lên được.
 
Nên nhớ rằng trong các nghiệp nhân, cận tử nghiệp (nghiệp trước khi lâm chung) là có một lực rất lớn trong sự đầu thai. Nếu còn tâm niệm tham lam luyến tiếc, thì bị luân hồi trở lại, để giữ gìn của cải, và kết duyên làm tình nghĩa ái ân nữa, mãi mãi sanh tử luân hồi không dứt.
 
Vậy trong phút lâm chung, người đương sự cần có tâm hồn thanh thoát, không luyến tiếc đau khổ, mà trái lại, phải thiết tha cầu sinh Tịnh độ. Còn những người thân thuộc thì phải tránh sự khóc lóc, níu kéo người sắp từ trần và phải hộ niệm hết sức thành tâm, để vong linh người lâm chung được nhẹ nhàng siêu thoát.
 
V. Dẫn Chứng
 
Pháp môn niệm Phật, chắc chắn được kết quả mỹ mãn như ý muốn. Kinh Di Đà, kinh Thập Lục Quán, kinh Hoa Nghiêm, kinh Phương Đẳng v.v... đều tán thán pháp môn niệm Phật.
 
Các vị Bồ Tát cũng đều tu pháp môn niệm Phật. Như Ngài Văn Thù Bồ Tát, trong bài kệ phát nguyện, có nói: "Nguyện ngã lâm dục mạng chung thời, tận trừ nhất thế chư chướng ngại, diện kiến bỉ Phật A Di Đà, tức đắc vãng sinh An Lạc quốc" (Nghĩa là: Nguyện khi tôi lâm chung, dứt trừ các điều ngăn ngại, thấy đức A Di Đà trước mắt, liền được vãng sinh về cõi An Lạc).
 
Ngài Phổ Hiền, Ngài Mã Minh, Ngài Long Thọ, Ngài Vô Trước, Ngài Thiên Thân bên tướng tôn, Ngài trí Giả Đại sư bên Thiên Thai tôn, Ngài Hiền Thủ bên Hiền thủ tôn, và con nhiều vị Tổ sư khác cũng chuyên niệm Phật cầu vãng sinh Cực Lạc quốc.
 
Pháp môn niệm Phật có sự linh nghiệm rõ ràng. Như ở Trung Hoa, Ngài Huệ Viễn lập hội Liên Xã, chuyên tu pháp môn niệm Phật, ba lần thấy Phật, khi lâm chung, biết trước ngày giờ vãng sinh. Tại Việt Nam, Ngài Nhất Định chùa Từ Hiếu, Ngài Tường Vân (ở Huế), Ngài Hòa Thượng Tế Xuyến (ở Hà Nam) đều biết trước ba ngày thị tịch. Chẳng những các Ngài xuất gia, mà bên hàng cư sĩ như ông chủ Thời (Gia Định), ông Phó Kinh ở Nam Định (Bắc Việt) v.v... cũng biết trước ba ngày sẽ lâm chung.

Pháp niệm Phật còn có nhiều linh nghiệm lạ thường khác nữa, không thể kể xiết được.

VII. Lợi Ích Của Niệm Phật Trong Đời Sống Hiện Tiền

Niệm Phật có nhiều lợi ích, không những đời sau được vãng sinh cõi Phật, là lợi ích chính, mà hiện tại cũng có nhiều lợi ích thiết thực.

1. Niệm Phật sẽ trừ được niệm chúng sinh:

Niệm chúng sinh tức là nhớ nghĩ đến những điều xấu xa như tham, giận, kiêu căng... Do những điều nhớ nghĩa ấy mà lời nói hay việc làm đều vương mang tội lỗi. Nếu ta niệm Phật, thì tâm trí không còn nhớ nghĩ đến những điều xấu xa, miệng và thân không tạo ra nghiệp ác nghĩa là ta diệt được niệm chúng sanh. Một giờ niệm Phật, là một giờ bớt niệm chúng sinh; một ngày, một tháng, một năm, một đời chuyên niệm Phật, làm một ngày, một tháng, một năm, một đời tránh được niệm chúng sinh, tránh được điều ác, và làm được việc lành.

2. Niệm Phật sẽ trừ được tâm buồn phiền:
 
Trong những lúc buồn phiền đau khổ, như khi gặp cảnh con cái biệt ly, vợ chồng xa cách, nhà cửa tiêu tan v.v... nếu ta niệm Phật, thì buồn phiền đau khổ sẽ tiêu tan. Vì sao vậy? Vì một khi ta nhớ nghĩa đến Phật A Di Đà, đến cảnh giới của Ngài, thì không còn bận tâm nghĩ đến những nỗi niềm riêng của ta nữa. Niệm Phật đổi được niệm phiền não là thế. Nếu niệm Phật tăng thì niệm phiền não phải giảm. Cho nên Cổ đức có nói:
 
"Một câu niệm Phật giải oan khiên".
 
Tóm lại, sáu chữ Nam mô A Di Đà Phật, có lợi ích rất nhiều và thiết thực là làm tiêu tan được phiền não nghiệp chướng. Nếu người không tin có nước Cực Lạc, có Phật A Di Đà mà niệm Phật, cũng vẫn có lợi ích nhiều.

VIII. Quyết Nghi

1. Có người hỏi rằng: Phật có vô số, vì sao chỉ niệm Phật A Di Đà?

Trả lời: Tất cả chư Phật đều đồng một thể tánh chân như bình đẳng. Niệm Phật A Di Đà tức là niệm tất cả chư Phật. Ví như trong một căn phòng rộng, quanh tường có treo trăm cái gương, ta chỉ đứng soi vào một tấm gương, mà cả trăm tấm gương đều phản chiếu hình ảnh ta.

2. Lại có người hỏi: Phật đã có khắp nơi, thì cảnh Phật cũng có khắp nơi. Tại sao không niệm Đông phương Phật, Nam phương Phật, mà chỉ cầu về Tây phương Cực Lạc?
 
Trả lời: Đúng là cõi Phật ở đâu cũng có, muốn cầu về cõi nào cũng được, nhưng chúng ta chỉ cầu về Tây phương Phật, vì hai lý do:

a) Cảnh Cực lạc Tây phương là cảnh mà nhờ đức Phật Thích Ca giới thiệu, chúng ta biết rõ hơn cả. Đến một cảnh giới mà ta đã có ý niệm bao giờ cũng hơn là đến một nơi ta còn xa lạ, không rõ biết gì cả.
 
b) Ta chuyên tưởng niệm một cảnh giới nhất định, thì tâm sẽ được duy nhất. Nếu hôm nay niệm cảnh giới này, hôm sau niệm cảnh giới khác, thì tâm sẽ tán loạn, ý niệm không được tập trung. Cũng như nhiều ngả thì dễ lạc. Bắn tên phải nhắm vào một đích nhất định, mới hy vọng trúng. Tu pháp môn niệm Phật cốt nhất là được "nhất tâm bất loạn".
 
C. Kết Luận
 
Pháp môn niệm Phật là một pháp môn dễ tu hành hơn cả. Niệm Phật không phải hao công, nhọc sức, khó khăn. Người trí thức, kẻ đi buôn, người làm ruộng, kẻ thợ thuyền, bất luận ở đâu và lúc nào, đều có thể niệm được cả. Pháp môn niệm Phật đã dễ tu mà lại có kết quả chắc thật, viên mãn là vãng sanh về Tây phương Cực lạc.
 
Song muốn có kết quả, điều kiện tiên quyết là phải có: Tín, Hạnh, Nguyện đầy đủ; phải có sự; lý viên dung, không nên chấp sự bỏ lý, hay chấp lý bỏ sự. Cốt yếu là phải niệm đến nhất tâm bất loạn, cầu sanh về Cực lạc, không còn khổ: sanh, già, bệnh, chết nữa. Chúng ta đã trót sinh ra ở cõi đời này, ai lại không biết có thân là khổ, dù có vui đi nữa, cũng chỉ vui trong chốc lát, mà cái khổ lại đeo đuổi theo luôn, như hai bánh xe lăn theo sau chân con bò. Vậy chúng ta nên chuyên cầu niệm Phật, để sớm được giải thoát. Sách có câu:
 
"Mạc đãi lão lai phương niệm Phật.
Cô phần đa thị thiếu niên nhân".

Nghĩa là: chớ đợi đến già mới niệm Phật; trong nghĩa địa, thiếu chi mồ của hàng thiếu niên. Vì vậy, trong giờ phút còn mạnh khỏe, chúng ta phải chuyên cần niệm Phật. Biết vô thường còn kiên tâm chờ đợi chúng ta cho đến ngày mai chăng?

 

Viết bình luận

Chúc mừng năm mới
Copyright © 2015 daibaothapmandalataythien.org. All Rights Reserved.
Xã Đại Đình, huyện Tam Đảo, tỉnh Vĩnh Phúc. Email: daibaothapmandalataythien@gmail.com

Đăng ký nhận tin mới qua email
Số lượt truy cập: 6327954
Số người trực tuyến: