3. Bài thứ ba: Tâm vương
BÀI THỨ BA
I. TÂM VƯƠNG
o0o
Tám món tâm này rất thù thắng, tự tại và tự chủ; cũng như vị Quốc vương, nên gọi là Tâm vương (nhất thế tối thắng cố).
NĂM THỨC TRƯỚC
(TIỀN NGŨ THỨC)
1. Nhãn thức: Cái biết của con mắt. Vì thức này nương Nhãn căn, khởi ra tác dụng phân biệt về sắc trần, nên gọi là “Nhãn thức”.
2. Nhĩ thức: Cái biết của lỗ tai. Vì thức này nương Nhĩ căn, khởi ra tác dụng phân biệt về thinh trần, nên gọi là “Nhĩ thức”.
3. Tỵ thức: Cái biết của mũi. Vì thức này nương Tỵ căn, khởi ra tác dụng phân biệt về hương trần, nên gọi là “Tỵ thức”.
4. Thiệt thức: Cái biết của lưỡi. Vì thức này nương Thiệt căn, khởi ra tác dụng phân biệt về vi trần, nên gọi là “Thiệt thức”.
5. Thân thức: Cái biết của thân. Vì thức này nương thân căn, khởi ra tác dụng phân biệt về xúc trần, nên gọi là “Thân thức”.
Trong 8 thức Tâm vương. Vì 5 thức này ở bên ngoài và trước, nên cũng gọi là “Tiền ngũ thức” (năm thức trước).
KHI Ở ĐỊA VỊ PHÀM PHU NĂM THỨC NÀY ĐỐI VỚI:
1. Ba cảnh: Năm thức này chỉ có”Tính cảnh”
2. Ba lượng: Năm thức này chỉ có ”Hiện lượng”
3. Ba tính: Năm thức này có đủ 3 tính: Thiện, Ác và Vô ký.
4. Năm thọ: Năm thức này chỉ có 3 thọ: Khổ, Lạc và Xả thọ.
5. Ba cõi: Ở cõi Dục thì năm thức này đủ cả, đến cõi Sắc chỉ cỏn thức: Nhãn, Nhĩ và Thân; vì hai thức Tỵ và Thiệt không hiện hành (Nhãn, Nhĩ, Thân tam Nhị địa cư).
6. Chín địa: Năm thức này chỉ ở trong hai địa: 1. Ngũ thú tạp cư địa, tức là cõi Dục thuộc về Sơ địa. 2. Ly sinh hỷ lạc địa, ở cõi Sắc, thuộc Sơ thiền gọi là Nhị địa.
7. Năm mươi mốt Tâm sở: Năm thức này chỉ tương ưng 34 tâm sở: 5 món biến hành, 5 món biệt cảnh, 11 món Thiện, 3 món Căn bản phiền não, 2 món Trung tuỳ và 8 món đại tuỳ.
8. Chín duyên: Nhãn thức đủ 9 duyên, Nhĩ thức chỉ còn 8 duyên (thiếu Minh), 3 thức Tỵ, Thiệt và Thân chỉ có 7 duyên (thiếu Minh và Không).
9. Thể: Thể của 5 thức này, chỉ có Tự tính phân biệt, không có Tuỳ niệm phân biệt và Kế đạt phân biệt.
10. Tướng: Thức với căn khó phân (ngu giả nan phân thức dữ căn).
11. Nghiệp dụng: Duyên trần cảnh. Song 2 thức: Nhãn và Nhĩ phải cách trần cảnh mới phân biệt được. Còn 3 thức: Tỵ, Thiệt và Thân phải hiệp với trần cảnh mới phân biệt được.
KHI LÊN THÁNH VỊ NĂM THỨC NÀY ĐỐI VỚI:
1. Quán hạnh (tu): Khi lên Thánh vị, thì 5 thức này chuyển thành “Hậu đắc trí”, và biến ra cái Tướng phần của 2 món chân như (Sinh không chân như và pháp không chân như) mà quán (duyên).
2. Đoạn hoặc và chuyển thành trí: Khi thức thứ 8 đã chuyển thành “Đại viên cảnh trí”, thì các căn được vô lậu; lúc bấy giờ 5 thức này cũng được vô lậu và chuyển làm “Thành sở tác trí”.
3. Chứng quả và diệu dụng: Khi chứng quả vị Phật thì 5 thức này chuyển làm “Thành sở tác trí”. Lúc bấy giờ nó có công dụng hoá hiện ra 3 loại thân để giáo hoá và dứt trừ các khổ sinh tử luân hồi cho chúng sinh.
BA LOẠI THÂN:
1. Thân Đại hoá tức là Thắng ứng thân. Thân này cao 1.000 trượng, để giáo hoá hàng Đại thừa Bồ Tát.
2. Thân Tiểu hoá tức là Liệt ứng thân. Thân này cao một trượng sáu thước, để giáo hoá hàng Tam hiền Bồ Tát cùng Nhị thừa và phàm phu.
3. Thân Tuỳ loại hoá. Thân này tuỳ theo loại chúng sinh mà hoá hiện.
***
Vì muốn cho người học dễ nhớ, nên trong Bát thức Qui củ, Ngài Huyền Trang Pháp sư có làm ba bài tụng tóm tắt lại 5 thức như sau. Hai bài tụng đầu là nói 5 thức này khi còn ở địa vị phàm phu, bài tụng thứ 3 là nói khi lên Thánh vị.
Bài tụng thứ nhất
Tính cảnh, Hiện lượng, thông tam tính
Nhãn, Nhĩ, Thân tam Nhị địa cư
Biến hành, Biệt cảnh, Thiện thập nhất
Trung nhị, Đại bát, Tham, Sân, Si
Dịch nghĩa:
Tính cảnh, Hiện lượng, thông ba tính
Nhãn, Nhĩ, Thân ba ở Nhị địa
Biến hành, Biệt cảnh, Thiệt mười một
Trung hai, Đại tám, Tham, Sân, Si
Lược giải:
Trong 3 Cảnh thì 5 thức này chỉ có “Tính cảnh”; trong 3 lượng nó chỉ có “Hiện lượng”; còn 3 tính thì nó đủ cả Thiện, Ác và Vô ký.
Ở cõi Dục là Sơ địa, thì đủ cả 5 thức. Lên cõi Sắc về Nhị địa, thì chỉ còn 3 thức là: Nhãn, Nhĩ và Thân.
Nói về Tâm sở, thì 5 thức này tương ưng với 34 món: 5 món Biến hành, 5 món Biệt cảnh, 11 món Thiện, 2 món Trung tuỳ, 8 món Đại tuỳ và 3 món Căn bản phiền não là: Tham, Sân, Si.
Bài tụng thứ hai
Ngũ thức đồng y Tịnh sắc căn
Cửu duyên, bát, thất hảo tương lân
Hiệp tam, ly nhị, quán trần thế
Ngu giả nan phân thức dữ căn
Dịch nghĩa:
Năm thức đồng nương Tịnh sắc căn
Chín, tám, bảy duyên ưa gần nhau
Ba hiệp, hai rời, duyên trần cảnh
Ngu giả khó phân Thức và Căn .
Lược giải:
Căn, có 2 loại:
1. Phù trần căn: Căn thô phù bên ngoài.
2. Tịnh sắc căn: căn thanh tịnh tinh tế ở bên trong; cũng gọi là “Thắng nghĩa căn”, vì căn này rất thù thắng.
Năm thức đều nương 5 căn Tịnh sắc và nhờ có các duyên mới sinh ra được. Như Nhãn thức nhờ 9 duyên, Nhĩ thức chỉ còn 8 duyên, Tỵ, Thiệt và Thân mỗi thức chỉ có 7 duyên.
Ba thức: Tỵ, Thiệt và Thân phải hiệp với trần cảnh mới duyên được; còn 2 thức là Nhãn và Nhĩ phải cách hở trần cảnh mới duyên được.
Chúng phàm phu và hàng Nhị thừa vì chấp pháp nặng nề, nên khó phân biệt cái nào là Thức và cái nào là Căn. Vì thế, mà cả hai đều bị gọi là “Ngu giả”.
Bài tụng thứ ba
Biến tướng quán không duy hậu đắc
Quả trung du tự bất thuyên chân
Viên minh sơ phát thành Vô lậu
Tam loại phân thân tức khổ luân.
Dịch nghĩa:
Trí Hậu đắc biến tướng không, quán (duyên)
Khi chứng quả còn chẳng nói chân
Viên minh vừa phát thành Vô lậu
Phân thân ba loại, dứt khổ luân.
Lược giải:
Năm thức này không có “Căn bản trí” mà chỉ có “Hậu đắc trí”. Khi duyên chân như thì nó chỉ biến lại tướng phần của hai món chân như (Sinh không chân như và Pháp không chân như) mà duyên, chớ không thể trực tiếp thân duyên được; vì nó không có “Căn bản trí” nên không thể thân duyên.
Khi chứng được Thánh quả, cũng không thể nói “Năm thức này thân duyên được chân như”, huống chi là trong lúc tu nhân.
Đến khi thức thứ Tám vừa chuyển thànhĐại viên cảnh trí (viên minh sơ phát) thì 5 thức này thành Vô lậu. Lúc bấy giờ, 5 thức này có công dụng hiện ra ba loại thân để hoá độ và dứt trừ các khổ sinh tử luân hồi cho chúng sinh.
Câu “Biến tướng không quán”: Biến lại tướng chân như mà duyên. Chữ “Tướng không” là tướng Ngã không và Pháp không tức là chân như (nhị không chân như). Chữ “Quán” là duyên. Nghĩa là: Trí Hậu đắc này chỉ biến lại tướng chân như mà duyên.
Chữ “Nói chân”: Nghĩa là nói thân duyên chân như.
- 337
Viết bình luận