11. Bài thứ 11: Chương Viên Giác
Bài thứ 11
CHƯƠNG VIÊN GIÁC
1. NGÀI VIÊN GIÁC BỒ TÁT HỎI PHẬT
Khi ấy ngài Viên Giác Bồ tát ở trong đại chúng đứng dậy, đi quanh bên hữu của Phật 3 vòng, rồi lạy Phật và chắp tay quỳ thẳng bạch rằng:
- Bạch Ðức Đại Bi Thế Tôn! Ngài đã vì chúng con rộng nói các phương tiện để nhập Viên Giác thanh tịnh, khiến cho chúng sinh đời sau đặng lợi ích lớn.
Bạch Thế Tôn! Chúng con ngày nay đã được khai ngộ rồi. Nếu sau khi Phật nhập diệt, chúng sinh đời sau chưa được khai ngộ, thì làm sao an cư để tu tập cảnh giới Viên Giác thanh tịnh này? Và ba pháp quán thanh tịnh trong Viên Giác đây, phải tu pháp nào trước?
Cúi xin đức Ðại bi vì đại chúng và chúng sinh đời sau, bố thí cho chúng con được lợi ích lớn.
Ngài Viên Giác Bồ tát thưa thỉnh như vậy 3 lần, kính lạy dưới chân Phật rồi trở lui.
Lược giải:
Ðoạn này ngài Viên Giác Bồ tát hỏi Phật có hai câu:
1. Làm sao an cư tu Viên Giác thanh tịnh?
2. Ba môn quán thanh tịnh nên tu pháp nào trước?
"Viên Giác" là Giác viên mãn. Từ trước đến đây, Phật đã nhiều lần chỉ dạy phương pháp tu hành để phá trừ Vô minh và chứng nhập Viên Giác. Nhưng đứng về phương diện tu hành, không phải tu nhất thời mà chứng được Viên Giác: phải lần lượt như người lau gương, lau nhiều bụi mới sạch. Bụi càng sạch thì gương càng sáng; sáng, sạch đến chỗ hoàn toàn là dụ cho Viên Giác.
Xin nhắc lại, trước về Chương “Tịnh Chư Nghiệp Chướng” là dạy hành giả làm cho sạch các nghiệp chướng. Nhưng giác tính chưa được phổ biến. Ðến chương “Phổ Giác”, Bồ tát cầu Phật chỉ dạy phương pháp tu hành để cho giác tính được phổ biến, nhưng chưa Viên. Ðến chương “Viên Giác” là nói Giác tính Viên mãn. Chương này Bồ tát hỏi Phật về việc an cư và tu 3 pháp quán, toàn chú trọng về sự tướng tu trì. Cho biết: Sự chưa tròn là Lý chưa Viên. Lý Viên là nhờ Sự tròn. Thí như người tu đức Từ bi, nếu chưa phổ cập đến loài vi tế côn trùng (hộ mạng côn trùng) thì lòng Từ bi chưa tròn.
2. PHẬT KHEN NGÀI VIÊN GIÁC BỒ TÁT
Khi ấy đức Thế Tôn khen ngài Viên Giác Bồ tát và bảo rằng:
- Này Thiện nam, hay lắm và quý lắm! Ông thưa hỏi Như Lai những phương tiện tu hành, thế là ông bố thí cho chúng sinh lợi ích rất lớn. Vậy các ông nên lắng nghe, ta sẽ vì các ông mà chỉ giáo.
Khi ấy ngài Viên Giác Bồ tát và đại chúng đều yên lặng và hoan hỷ kính nghe lời Phật chỉ giáo.
3. PHẬT DẠY PHÁP AN CƯ
- Này Thiện nam! Khi Phật còn tại thế hoặc nhập diệt rồi, hay đời mạt pháp (1) nếu chúng sinh nào có đủ căn tính Ðại thừa, tin cái tâm Viên Giác của Phật, phát tâm tu hành; như ở Già Lam (chùa) thì phải lo xếp đặt chúng Tăng, hoặc có những duyên sự khác không thể chuyên tu tập được, thì tùy phận của hành giả, tư duy và quán sát các pháp môn mà ta đã dạy trước.
Nếu không cónhân duyên khác, thì hành giả phải lập đạo tràng và định thời kỳ tu tập. Nếu thời gian dài thì 120 ngày, vừa thì 100 ngày, ngắn thì 80 ngày.
Cách bài trí trong tịnh thất, phải treo tràng phan và đủ cả hương hoa. Như Phật còn tại thế thì nên chính suy nghĩ. Nếu Phật nhập diệt rồi thì an trí hình tượng Phật, mắt nhìn tâm tưởng nhớ, kính đồng như Phật còn hiện tại.
Lược giải:
Ðoạn này Phật dạy hai cách:
1. Người phát tâm tu hành, nếu vì bận rộn việc chùa hoặc các duyên sự khác, không thể nhập đạo tràng chuyên tu được, thì hành giả nên quán sát các pháp môn của Phật dạy, như trong Chương Phổ Nhãn v.v…
2. Nếu không có duyên sự gì bận rộn, thì hành giả nên lập đạo tràng và phân kỳ mà tu tập. Trường kỳ là 120 ngày, trung kỳ là 100 ngày, đoản kỳ là 80 ngày.
Nếu Phật còn tại thế, thì hành giả chỉ chính tâm nhớ nghĩ đức Phật, khỏi cần có hình tượng. Nếu Phật nhập diệt rồi, thì nên thờ tượng Phật để mắt nhìn, tâm tưởng, kính như Phật còn tại thế.
Chú thích:
(1) Chữ “Mạt pháp”. Giáo pháp của Phật có chia làm 3 thời kỳ:
1. Chính pháp 1000 năm.
2. Tượng pháp (mường tượng như chính pháp) 1000 năm.
3. Mạt pháp (rốt ngọn) 10.000 năm. Ví dụ năm 1992, Phật lịch 2536, thế là đã sang Mạt pháp 536 năm.
4. PHẬT DẠY 21 NGÀY ĐẦU, Ở TRONG TỊNH THẤT
- Trải qua 21 ngày đầu, hành giả kính lạy danh hiệu của các đức Phật trong 10 phương và chí thành sám hối. Nếu gặp cảnh giới tốt, thì hành giả tâm đuợc nhẹ nhàng thư thái (khinh an). Qua 21 ngày rồi, hành giả phải chuyên nhiếp vọng niệm.
Lược giải:
Người mới tu, giới đức chưa đủ, thân tâm chưa được thanh tịnh, nên không có năng lực tu định tuệ. Vì thế nên lúc ban đầu phải lập đạo tràng. Hành giả trải qua 21 ngày đầu lễ Phật và sám hối. Cũng như cái chén cần rửa cho sạch mới có thể đựng Ðề hồ được. Hành giả phải nhất tâm thật hành như vậy, thì thân mới được thanh tịnh. Trong 21 ngày, hoặc căn lành phát hiện, hay có cảm ứng: Hành giả thấy được điềm lành, thời thân tâm sẽ được khoan khoái.
“Cảnh giới tốt”: Như ở trong chiêm bao thấy Phật, hoặc khi làm lễ sám hối thấy hào quang v.v...
5. PHẬT DẠY AN CƯ 3 THÁNG THEO BỒ TÁT THỪA
- Này Thiện nam! Nếu gặp đầu mùa Hạ 3 tháng an cư, thì hành giả phải an trụ nơi hạnh thanh tịnh của Bồ tát, tâm lìa tư tưởng của Thanh văn, không nhờ đồ chúng.
Ðến ngày an cư, hành giả phải đối trước Phật phát nguyện như vầy: “Con là Tỳ kheo (tên gì) hoặc Tỳ kheo ni, Ưu bà tắc hay Ưu bà di, nguyện tu theo hạnh tịnh diệt của Bồ tát thừa, trụ trì nơi thật tướng, lấy đại Viên Giác làm Già lam (chùa). Thân tâm con an cư nơi “Bình đẳng tính trí” hay “Tự tính Niết bàn”, không có hệ thuộc xứ sở.
Con nay chẳng y theo Thanh văn, con kính thỉnh mười phương chư Phật và các vị Bồ tát cùng với con đồng làm pháp an cư 3 tháng. Con vì một nhân duyên lớn là tu Bồ tát hạnh, cầu chứng quả Vô thượng Diệu Giác, nên không hệ phược đồ chúng.
Tu như thế mãn 3 thời kỳ rồi, tùy ý hành giả ra vào vô ngại. Ðây gọi là Bồ tát thị hiện an cư.
Lược giải:
Ðoạn này chia làm 3 phần:
1. Phật dạy hành giả lập thời kỳ tu tập như vậy chưa đủ mà phải an cư 3 tháng, bắt đầu từ rằm tháng tư đến rằm tháng bảy âm lịch. Người phát tâm Bồ đề tu theo Viên Giác, thì phải an cư theo Bồ tát hạnh. Nghĩa là không cần phải tập chúng an cư theo luật Tiểu thừa, mà tâm của hành giả phải luôn luôn an trụ nơi hạnh thanh tịnh của Bồ tát. Bởi thế nên trên nguyên văn kinh nói: “Tâm rời tư tưởng của Thanh văn, không nhờ đồ chúng”.
2. Ðến ngày an cư, hành giả phải đối trước Phật bạch như vầy:
“Con tên... thọ giới Tỳ kheo hay Tỳ kheo ni, Ưu bà tắc (Thiện nam) hay Ưu bà di (Tín nữ); nay y theo pháp Đại thừa, tu theo hạnh tịch diệt của Bồ tát, lấy Viên Giác làm chùa, thân tâm con thường an trụ nơi “Tự tính Niết bàn” hay “Bình đẳng tính trí”.
3. Hành giả đối trước Phật phát nguyện rằng:
“Con nay vì muốn tu hạnh Viên Giác, nên không theo luật an cư của Thanh văn (Tiểu thừa) không tập chúng tăng an cư, mà con chỉ cầu thỉnh 10 phương chư Phật và Bồ tát cùng với con làm pháp an cư trong 3 tháng”. Hành giả an cư như thế 3 tháng, sau khi mãn thời kỳ rồi, tùy ý đi tới lui không ngại.
Chữ “Tịch diệt”: Diệt các phiền não, tâm được tịch tịnh, tức là nói: y theo tâm chân như không sinh diệt mà tu.
Chữ “Thật tướng”: Tướng chân thật, tướng này không sinh không diệt, không cấu không tịnh, không tăng không giảm, không bị thời gian thay đổi, không gian chuyển dời, tức là chỉ cho “Chân như thật tướng”, cũng là cái biệt danh “Viên Giác”.
“Viên Giác làm chùa”: Tiểu thừa an cư thì lấy sự tướng là cảnh chùa (Già lam) của mình ở, làm nơi tu hành, Bồ tát an cư thì lấy lý tính là Viên Giác làm chùa của mình ở tu, nên nói: “Lấy Viên Giác làm chùa”.
“Bình đẳng tính trí”: Hành giả đã an cư nơi thật tướng, tức là tính Viên Giác, nên 6 căn ở thân không tạo nghiệp, 6 thức không rong ruổi theo 6 trần.
Lúc bấy giờ 5 thức trước, chuyển lại làm “Thành sở tác trí”; thức thứ 6 chuyển thành “Diệu quan sát trí”.
Khi hành giả chưa an trụ nơi Viên Giác, thì thức thứ 7 này chấp ngã, nhân, bỉ thử. Ðến khi hành giả an trụ nơi Viên Giác, thì thức thứ 7 chuyển thành “Bình đẳng tính trí”. Lúc bấy giờ thức thứ 8 không còn bị thức thứ 7 chấp làm “Ngã” nữa, nên thức thứ 8 chuyển thành “Ðại viên cảnh trí”.
Chữ “Niết bàn tự tính”: Cũng gọi là “Tánh tịnh Niết bàn”, tức là biệt danh của Chân như hay Viên Giác.
Chữ “Không hệ thuộc xứ sở”: Tiểu thừa an cư phải có cảnh chùa để làm đạo tràng xứ sở. Ðến như Bồ tát thì chỉ lấy “Niết bàn tự tính” làm Đạo tràng, nên nói: “không hệ thuộc xứ sở”.
Chữ “Vô thượng Diệu giác”: Quả vị Phật sáng suốt (Giác) mầu nhiệm (Diệu) không có quả vị nào trên (Vô thượng).
6. KHI THẤY THẮNG CẢNH, HÀNH GIẢ CHỚ NÊN CHẤP TRƯỚC
- Này Thiện nam! Như chúng sinh đời mạt pháp muốn tu hành để cầu đạo Bồ tát, trong khi vào tu 3 thời kỳ này, nếu thấy có các thắng cảnh hiện ra, mà không đúng như hành giả đã nghe thấy, thì quyết không nên chấp thủ.
Lược giải:
Ðoạn này Phật dạy hành giả khi tu, nếu thấy hiện ra cảnh giới thù thắng, không nên luyến trước.
Hành giả khi dụng công tu hành, cố nhiên sẽ có cảnh giới thù thắng lạ thường hiện ra. Song, nếu sinh tâm chấp trước, không phân biệt chính tà, thì hành giả dễ mắc lưới Ma. Cho nên hành giả phải thấy các cảnh giới ấy đúng như sự nghe học của mình, nghĩa là lời Phật dạy, hoặc Thiện Tri thức bảo hay trong kinh sách dạy như thế nào, thì khi các cảnh ấy hiện ra phải đúng như thế ấy, mới gọi là chân chính. Trái lại là Ngũ Ấm Ma hiện (nên xem đoạn Ngũ Ấm Ma, trong kinh Lăng Nghiêm).
Phàm người tu hành, không ai chẳng nhân nghe hiểu rồi sinh lòng tin, nhân có tin mới tu, nhân tu mới có chứng, chứng là kết quả của nghe, tin và tu. Thế nên tin, hiểu, tu và chứng trước sau phải hiệp nhau. Nếu chỗ chứng (cảnh giới hiện ra) không hiệp với sự nghe, thì bất luận hiện ra cảnh giới thiện hay ác, cũng đều là Ma cả.
7. TU CHỈ (XA MA THA)
- Này Thiện nam! Như có các chúng sinh tu pháp “Chỉ” (Xa ma tha) trước giữ chỗ chí tịnh (rất yên lặng) không khởi vọng niệm nhớ nghĩ; do yên lặng tột bậc, nên trí giác hiện ra. Như vậy từ khi mới bắt đầu tịnh và ở một thân, cho đến khắp cả một thế giới đều tịnh. Cũng thế, “Trí giác” bắt đầu hiện ra ở một thân cho đến khắp cả một thế giới đều “Giác”.
- Này Thiện nam! Khi “Trí giác” đã hiện khắp một thế giới, thì trong thế giới ấy nếu có một chúng sinh nào, móng lên một niệm, lúc bấy giờ hành giả đều biết cả. Cho đến trăm ngàn thế giới cũng thế.
Các cảnh giới ấy, nếu không phải đúng như sự nghe của hành giả, thì quyết chẳng nên chấp thủ.
Lược giải:
Ðại ý đoạn này Phật dạy hành giả khi tu Ðịnh, đến chỗ tột bậc, nên trí giác (huệ) phát sinh. Bởi từ một thân tịnh cho đến một thế giới tịnh, nên trí giác phát ra cũng từ một thân cho đến khắp cả thế giới. Vì cả thế giới đều là “trí giác” của hành giả, nên có một chúng sinh nào vừa móng niệm, thì hành giả đều biết hết.
Song những cảnh giới đã hiện ra, phải đúng như sự thấy nghe mà hành giả đã từng nghe Thiện Tri thức hay trong kinh chỉ dạy, như thế cảnh thấy mới chính. Nếu trái lại là Ngũ Ấm Ma hiện.
Ngài Như Sơn nói: “Vì toàn cả thế giới đã thành “giác” nên chúng sinh toàn ở trong giác tính của hành giả. Bởi thế nên khi chúng sinh khởi ra một niệm gì, thì hành giả đều biết cả. Cũng như bóng đã hiện trong gương, nên gương chiếu không sót”.
Trong kinh Viên Giác lược sớ chép: Hành giả tin, hiểu, tu, và chứng tuy thứ lớp không đồng, nhưng phải không khác. Nghĩa là: “Hiểu là hiểu theo chỗ mình Tin, Tu là Tu theo chỗ mình hiểu. Chứng là chứng theo chỗ mình Tu. Nay những cảnh giới của hành giả chứng, nếu không phải đúng như chỗ hiểu, tin và tu, thì không nên chấp thủ”.
8. TU QUÁN (TAM MA BÁT ĐỀ)
- Này Thiện nam! Nếu chúng sinh tu pháp “Quán”, thì trước phải nhớ tưởng mười phương các đức Phật và các vị Bồ tát, rồi y theo các pháp môn của Phật dạy đó mà siêng năng cần khổ tuần tự tu hành, đặng thành tam muội và phát nguyện rộng lớn, tự huân tập thành chủng tử. Trong lúc tu, nếu có hiện ra những cảnh giới gì mà không đúng như chỗ nghe của hành giả, thì chớ nên chấp thủ.
Lược giải:
Phật dạy người tu “Quán”, trước phải nhớ tưởng các đức Phật và Bồ tát rồi y theo các pháp môn của Phật dạy mà siêng năng khổ hạnh tuần tự tu hành để thành tam muội. Và phải phát đại nguyện huân tập vào tâm thức của hành giả để thành chủng tử.
Trong khi tu, nếu có những cảnh giới gì hiện ra mà không đúng như chỗ của hành giả đã nghe thầy bạn dạy bảo, hay trong kinh luật chỉ giáo, thì không nên chấp thủ; vì đó là Ma hiện.
“Tam muội”: Xem đoạn giải thứ 2 trong Chương Phổ Hiền Bồ tát.
9. CHỈ QUÁN SONG TU (THIỀN NA)
- Này Thiện nam! Nếu có chúng sinh muốn tu Thiền na (Chỉ quán song tu) thì trước phải tu pháp môn sổ tức; trong tâm hành giả biết rõ được mỗi niệm khi sinh, trụ, dị và diệt; phân biệt được ranh giới và số mục của các niệm. Cho đến khắp cả bốn oai nghi (đi, đứng, nằm, ngồi). Hành giả cũng đều hiểu biết phân biệt được rõ ràng số mục các niệm. Lần lượt tăng tiến cho đến trong trăm ngàn thế giới, dù vật nhỏ như một hạt mưa, hành giả cũng đều biết hết; cũng như con mắt thấy các vật dụng. Trong khi tu nếu thấy có hiện ra cảnh giới gì không đúng như sự thấy nghe của hành giả, thì không nên chấp thủ.
Ðây là phương tiện đầu tiên tu hành của hành giả, tức là ba pháp quán. Nếu các chúng sinh tinh tấn siêng tu ba pháp quán này được hoàn toàn, tức là Như Lai xuất hiện ở thế gian vậy.
Lược giải:
Ngài Viên Giác Bồ tát hỏi Phật: Hành giả đối với 3 pháp quán, tu pháp nào trước? Phật dạy trước tu pháp “Chỉ”, giữa tu pháp “Quán”, sau “Chỉ, Quán song tu”.
Ðoạn này Phật dạy “Chỉ, Quán song tu”. Người tu pháp này, trước phải tu pháp Sổ tức (đếm hơi thở). Nhờ có điều hòa hơi thở, nên tâm được tịnh (Chỉ); nhờ tâm được tịnh nên những vọng niệm thô tế, khi sinh, trụ, dị và diệt, giới hạn của nó dài ngắn, lâu mau, nhiều hay ít, hành giả đều biết được hết (Quán).
Hành giả tịnh tọa, dụng tâm tu pháp quán như vậy, khi mới thành công, thời trong tất cả thời gian động tĩnh như đi, đứng, nằm, ngồi v.v... hành giả đều hiểu biết phân biệt được rõ ràng, mỗi niệm, khi sinh, trụ, dị và diệt, giới hạn dài ngắn hay lâu mau và ít nhiều v.v...
Ðến lúc thành công hoàn bị, thì trong trăm ngàn thế giới, có những vật gì, cho đến có bao nhiêu hạt mưa, hành giả cũng đều biết được hết. Không phải hành giả hiểu biết một cách lờ mờ, mà hiểu một cách rõ ràng; cũng như mắt xem thấy các sự vật thụ dụng vậy.
10. TÓM TẮT
- Này Thiện nam! Nếu chúng sinh đời mạt pháp, tâm muốn cầu đạo, nhưng vì nghiệp chướng đời trước nặng nề, căn tính ám độn, nên tu hành khó thành tựu, thì phải siêng năng sám hối; thường sinh tâm trông mong đoạn trừ các phiền não: thương, ghét, tật đố, dối nịnh v.v... và tìm cầu quả vị cao thượng thù thắng.
Ðối với 3 pháp quán thanh tịnh này, tùy hành giả tu một pháp. Nếu tu pháp quán này không thành tựu thì tu pháp quán khác, phải lần hồi cầu chứng, chớ nên thối tâm buông bỏ.
Lược giải:
Ðại ý đoạn này Phật dạy: Nếu chúng sinh đời sau căn tính ám độn, nghiệp chướng nặng nề, muốn cầu Phật đạo, nhưng không thành tựu, thì phải siêng năng sám hối, tâm thường trông mong đoạn các phiền não. Ðối với 3 pháp quán, nếu tu pháp này không thành tựu thì tu pháp khác, dốc lòng cầu chứng Ðạo, không nên thối tâm.
11. PHẬT NÓI BÀI KỆ TÓM LẠI CÁC NGHĨA TRÊN
Khi ấy đức Thế Tôn, muốn tóm lại các nghĩa này, nên nói bài kệ rằng:
Viên Giác ông nên biết:
Tất cả các chúng sinh
Muốn cầu đạo Vô thượng,
Phải lập ba thời kỳ:
Hai mươi mốt ngày đầu
Sám hối nghiệp vô thủy,
Vậy sau chính suy nghĩ;
Nếu phi cảnh đã nghe,
Thì chẳng nên chấp thủ.
Pháp “Chỉ” rất tịch tịnh,
Pháp “Quán” chính nhớ nghĩ,
Thiền na rõ đếm hơi,
Thế gọi là tịnh quán.
Người siêng năng tu tập,
Thế gọi Phật hiện thế.
Kẻ độn căn chẳng thành,
Thì phải siêng sám hối
Các tội từ vô thủy.
Các tội chướng tiêu rồi,
Cảnh Phật liền hiện trước.
Lược giải:
Ðại ý bài kệ này Phật dạy các chúng sinh muốn cầu đạo Vô thượng Bồ đề, thì phải phân ba thời kỳ tu tập. Khi vào tịnh thất, trong 21 ngày đầu, hành giả phải chí tâm sám hối các nghiệp chướng từ vô thủy, sau rồi chính tâm suy nghĩ.
Trong lúc tu, như có hiện ra cho cảnh giới gì, nếu không đúng với chỗ thấy nghe của hành giả, thì chớ nên chấp thủ.
Nếu hành giả siêng năng tu tập ba phép quán thanh tịnh là: Chỉ, Quán và Chỉ Quán song tu, thì gọi là Phật hiện thế.
Nếu người nào căn tính ám độn không thể tu ba pháp môn này được, thì nên siêng sám hối các tội từ vô thủy; khi các tội chướng tiêu diệt rồi, thì cảnh Phật liền hiện ra trước mặt
- 66
Viết bình luận