8. Bài thứ 8: Chương Biện Âm | Đại Bảo Tháp Mandala Tây Thiên | Đại Bảo Tháp | Đại Bảo Tháp Tây Thiên

8. Bài thứ 8: Chương Biện Âm

Bài thứ 8

CHƯƠNG BIỆN ÂM  


1. NGÀI BIỆN ÂM BỒ TÁT HỎI PHẬT

Khi đó Ngài Biện Âm Bồ tát ở trong đại chúng đứng dậy đi quanh bên hữu của Phật ba vòng, rồi lạy Phật và quỳ thẳng bạch rằng:

- Bạch đức Ðại Bi Thế Tôn, vừa rồi Ngài dạy ba pháp môn tu hành như thế, rất là hy hữu.

Nhưng các vị Bồ tát, khi muốn nhập Viên Giác, đối với ba pháp môn phương tiện này, có mấy cách tu tập?

Cúi xin đức Thế Tôn, vì cả đại chúng hiện tại và chúng sinh đời sau, phương tiện mở bày, khiến cho chúng con đều ngộ được tướng chân thật (Viên Giác).

Thưa thỉnh như vậy 3 lần, rồi ngài Biện Âm kính cẩn lạy Phật và trở lui.

Lược giải:

Vừa rồi ở chương Oai Ðức Tự Tại, Phật dạy có 3 pháp môn tu là “Chỉ, Quán và Chỉ Quán song tu”, rất rõ ràng.

Ðến chương này ngài Biện Âm Bồ tát lại hỏi thêm ba pháp môn phương tiện trên, có mấy cách tu. Nghĩa là mỗi người chỉ tu một pháp hay cả ba pháp?  Ba pháp này tu đồng thời hay có trước sau?  Phải theo thứ lớp tu hay vượt qua thứ lớp?

2. PHẬT KHEN NGÀI BIỆN ÂM BỒ TÁT

Khi đó đức Thế Tôn khen ngài Biện Âm Bồ tát và dạy rằng:

- Này Thiện nam, quý lắm! Ông vì đại chúng hiện tại và chúng sinh đời sau, thưa hỏi Như Lai có bao nhiêu cách tu tập. Ông nên chăm chú nghe, Như Lai sẽ vì các ông mà chỉ giáo.

Khi đó ngài Biện Âm Bồ tát, cùng với đại chúng đồng yên lặng và hoan hỷ nghe lời Phật dạy bảo.

3. PHẬT DẠY 25 PHÁP TU

- Này Thiện nam! Tính Viên Giác thanh tịnh của tất cả Như Lai, vốn không có pháp bị tu và người tu tập. Song vì các vị Bồ tát hiện tại và chúng sinh đời sau, chưa nhập được Viên Giác, còn phải phương tiện dùng huyễn pháp để tu tập; vì thế nên chia ra có 25 cách tu như sau:

Lược giải:

Ðại ý đoạn này nói: Đứng về tính “Viên Giác thanh tịnh” thì không có người tu và pháp để tu. Song vì chúng sinh chưa giác ngộ, còn phải dùng phương tiện tu tập, vì thế nên Phật chia ra có 25 pháp môn tu.

Tuy chia ra 25 pháp môn tu, nhưng vẫn y theo 3 pháp là “Chỉ, Quán và Chỉ Quán đồng thời tu” mà Phật đã dạy ở chương trước. Có khi tu chung hai pháp, ba pháp, mà có lúc lại riêng từng pháp một, hoặc tu trước, hoặc tu sau, tùy theo trình độ của chúng sinh xây qua trở lại thành 25 pháp; song tu pháp nào cũng đều chứng nhập được Viên Giác.

1. Riêng tu một pháp “Xa ma tha” (tu Định)

- Này Thiện nam! Nếu có Bồ tát giữ tâm rất vắng lặng, nhờ sức vắng lặng này, mà đoạn các phiền não, được vĩnh viễn thành tựu rốt ráo tính Viên Giác, thì vị Bồ tát ấy lúc bấy giờ chẳng rời chỗ ngồi mà vẫn nhập được Niết bàn, Bồ tát tu như thế, gọi là chỉ tu một pháp “Xa ma tha” (tu Chỉ).

Lược giải:

Ðoạn này nói Bồ tát riêng tu một pháp “Chỉ”. Bồ tát giữ gìn tâm trạng rất tịch tịnh, nên phiền não không sinh, đó là tu pháp “Chỉ”. Nhờ thế mà Bồ tát được rốt ráo thành tựu tính “Viên Giác”, đặng quả Niết bàn của Phật.

2. Riêng tu một pháp “Tam ma bát đề” (tu Tuệ)

- Này Thiện nam! Nếu có Bồ tát chỉ tu pháp quán “như huyễn”, và nhờ sức Phật gia hộ, nên Bồ tát ấy biến hóa ra được thế giới, thì mặc dù Bồ tát làm các diệu dụng độ sinh (tu quán), đầy đủ công hạnh mầu nhiệm của Bồ tát; nhưng vẫn không mất niệm tịch tịnh (Ðịnh) và tuệ yên lặng (Tuệ) của Ðà la ni (Viên Giác). Bồ tát tu như thế, gọi là riêng tu một pháp “Tam ma bát đề”.

Lược giải:

Ðoạn này nói Bồ tát riêng tu một pháp “Quán”. Bồ tát khi tu pháp quán như huyễn, và nhờ thần lực của Phật, nên biến hiện thế giới uế độ thành Tịnh độ, biến địa ngục trở thành Thiên cung, vì các pháp đều như huyễn như hóa. Tu như thế là tu “Quán”. Bồ tát mặc dù làm đủ công hạnh lợi tha, mà không rời bản thể thường tịch (Ðịnh) và thường chiếu (Tuệ) của tính Viên Giác.

Chữ “Ðà la ni” ở chương này, đồng với chữ “Đà la ni” trong chương Văn Thù, tức là biệt danh của tính Viên Giác. Như trong chương Văn Thù chép: “Có pháp Ðại Ðà la ni gọi là Viên Giác”

3. Riêng tu pháp “Thiền na” (Định, Tuệ đồng thời tu)

- Này Thiện nam! Nếu có Bồ tát chỉ diệt các huyễn, không chấp thủ tác dụng, riêng đoạn các phiền não, khi phiền não đoạn  hết rồi, thì chứng được thật tướng, Bồ tát tu như thế, gọi là riêng tu pháp “Thiền na” (Chỉ, Quán song tu).

Lược giải:

Ðoạn này nói Bồ tát đồng thời tu cả “Chỉ” và “Quán”. Bồ tát “chỉ diệt các huyễn”, tức là không dùng “Tam ma bát đề” như đã nói ở trước (không tu Quán như huyễn); “không chấp thủ tác dụng” tức là không tu “Xa ma tha” như đã nói ở trước (không tu Chỉ); “riêng đoạn phiền não” tức là tu “Thiền na” (Chỉ, Quán song tu). Khi đoạn hết phiền não thì Bồ tát chứng đặng thật tướng, tức là tu “Thiền na” mà nhập Viên Giác tính.

4. Trước tu “Định”, sau  tu “Tuệ”

- Này Thiện nam! Nếu có Bồ tát trước giữ gìn nơi rất tịnh (Chỉ) sau dùng tịnh tuệ (tuệ yên tịnh) chiếu soi các pháp như huyễn như hóa, lúc bấy giờ khởi ra hạnh Bồ tát. Bồ tát tu như thế, gọi là trước tu “Xa ma tha” (Chỉ), sau tu “Tam ma bát đề” (Quán)

Lược giải:

Ðoạn này nói Bồ tát trước tu “Chỉ” sau tu “Quán”. Bồ tát trước giữ tâm rất tịnh là tu “Chỉ”, rồi dùng trí tuệ yên tịnh mà chiếu soi các pháp như huyễn là tu “Quán”. Lúc bấy giờ Bồ tát trên thì cầu đạo Phật, dưới hóa độ chúng sinh, đó là thật hành Bồ tát hạnh.

5. Trước tu “Định”, sau “Định, Tuệ đồng thời tu”

- Này Thiện nam! Nếu có Bồ tát, dùng trí tuệ yên tịnh, chứng đặng thể tính rất tịnh, rồi đoạn các phiền não, vĩnh viễn ra khỏi sinh tử. Bồ tát tu như thế, gọi là trước tu “Xa ma tha” (Chỉ), sau tu “Thiền na” (Chỉ, Quán song tu)

Lược giải:

Ðoạn này nói Bồ tát trước tu “Chỉ” sau “Chỉ, Quán song tu”. Bồ tát dùng trí tuệ yên tịnh, chứng được tính rất tịnh là tu “Chỉ”, đoạn hết các phiền não, vĩnh viễn ra khỏi sinh tử luân hồi là “Chỉ, Quán song tu”.

6. Trước tu “Ðịnh”, thứ tu “Tuệ, sau “Ðịnh, Tuệ song tu”

- Này Thiện nam! Nếu có Bồ tát, dùng trí tuệ thanh tịnh, lấy sức huyễn hóa biến hiện ra các hình thức, để hóa độ chúng sinh; sau đoạn các phiền não, rồi nhập vào cảnh giới tịch diệt. Bồ tát tu như thế, gọi là trước tu “Xa ma tha” (Chỉ), thứ tu “Tam ma bát đề” (Quán), sau tu “Thiền na” (Chỉ, Quán song tu).

Lược giải:

Ðoạn này nói Bồ tát trước tu “Chỉ”, thứ tu “Quán”, sau “Chỉ, Quán song tu”. Bồ tát dùng trí tuệ thanh tịnh là tu “Chỉ”, lấy sức như  huyễn mà biến hiện ra nhiều hình thức để độ chúng sinh là tu “Quán”. Sau Bồ tát đoạn phiền não rồi vào tịch diệt là “Chỉ, Quán song tu”.

7. Trước tu “Ðịnh”, thứ “Ðịnh, Tuệ song tu”, sau tu “Tuệ”

- Này Thiện nam! Nếu có Bồ tát dùng sức rất tịnh, đoạn các phiền não rồi, sau khởi cái hạnh thanh tịnh mầu nhiệm của Bồ tát, để độ các chúng sinh. Bồ tát tu như thế, gọi là trước tu “Xa ma tha”, thứ tu “Thiền na”, sau tu “Tam ma bát đề”.

Lược giải:

Ðoạn này nói Bồ tát trước tu “Chỉ”, thứ “Chỉ, Quán song tu”, sau tu “Quán”. Bồ tát trước tu “Chỉ” được rất tịnh, rồi tiến tu “Thiền na” (Chỉ, Quán song tu) để đoạn phiền não. Khi phiền não hết rồi thì Bồ tát vào trần lao độ sinh, đặng diệu hạnh tự tại vô ngại, không còn lo sợ nhiễm trước.

8. Trước tu “Ðịnh”, sau đồng thời tu “Tuệ” và “Ðịnh, Tuệ song tu”

- Này Thiện nam! Nếu có Bồ tát dùng sức rất tịnh của tâm, đoạn trừ phiền não và dựng lập thế giới, hóa độ các chúng sinh. Bồ tát tu như thế, gọi là trước tu “Xa ma tha”, sau đồng thời tu “Tam ma bát đề” và “Thiền na”.

Lược giải:

Ðoạn này nói Bồ tát trước tu “Chỉ”, sau đồng thời tu “Quán” và “Chỉ, Quán song tu”. Bồ tát dùng sức rất tịnh là tu “Chỉ”, đoạn trừ các phiền não là tu “Thiền na”, dựng lập thế giới và hóa độ chúng sinh là tu “Quán”.

9. Trước đồng thời tu “Ðịnh” và “Tuệ”, sau “Ðịnh, Tuệ song tu”

- Này Thiện nam! Nếu có Bồ tát dùng sức rất tịnh, giúp cho việc biến hóa, sau đoạn các phiền não. Bồ tát tu như thế, gọi là trước đồng thời tu “Xa ma tha” và “Tam ma bát đề”, sau tu “Thiền na”.

Lược giải:

Ðoạn này nói Bồ tát trước đồng thời tu  “Chỉ” và “Quán” sau “Chỉ, Quán song tu”. Bồ tát dùng sức rất tịnh là tu “Chỉ”, giúp việc biến hóa là tu “Quán”, sau đoạn phiền não là “Chỉ, Quán song tu”.

10. Trước đồng thời tu “Ðịnh” và “Ðịnh, Tuệ song tu”, sau tu “Tuệ”

- Này Thiện nam! Nếu có Bồ tát dùng sức rất tịnh, giúp cho tịch diệt; sau rồi khởi tác dụng, biến hóa thế giới. Bồ tát tu như thế, gọi là trước đồng thời tu “Xa ma tha” và “Thiền na”, sau tu “Tam ma bát đề”.

Lược giải:

Ðoạn này nói Bồ tát trước đồng thời tu “Chỉ” và “Chỉ, Quán song tu”, sau tu “Quán”. Bồ tát dùng sức rất tịnh, để đoạn phiền não, mà vẫn giữ tịch diệt, tức là đồng thời tu “Chỉ” và tu “Thiền na”. Sau dùng diệu hạnh của Bồ tát ra thế giới hóa độ chúng sinh, tức là tu “Quán”. Từ pháp tu thứ tư, đến pháp tu thứ mười này, cộng là 7 pháp, đều là trước tu “Chỉ”.

11. Trước tu “Tuệ”, sau tu “Ðịnh”

- Này Thiện nam! Nếu có Bồ tát dùng sức biến hóa tùy thuận theo các chúng sinh để hóa độ, mà vẫn giữ tính rất tịnh. Bồ tát tu như thế, gọi là trước tu “Tam ma bát đề”, sau tu “Xa ma tha”.

Lược giải:

Ðoạn này nói Bồ tát trước tu “Quán”, sau tu “Chỉ”. Bồ tát dùng sức biến hóa, tùy thuận theo các chúng sinh để hóa độ là tu “Quán”, mà vẫn giữ tính rất tịnh là tu “Chỉ”.

12. Trước tu “Tuệ”, sau “Ðịnh, Tuệ song tu”

- Này Thiện nam! Nếu có Bồ tát, dùng sức biến hóa, hóa hiện ra các cảnh giới mà vẫn giữ tịch diệt (vắng lặng). Bồ tát tu như thế gọi là trước tu “Tam ma bát đề”, sau tu “Thiền na”.

Lược giải:

Ðoạn này nói Bồ tát tu trước “Quán” sau “Chỉ, Quán song tu”. Bồ tát dùng sức biến hóa là tu “Quán”, biến ra các cảnh giới, để hóa độ chúng sinh mà vẫn giữ tịch diệt, thế là “Chỉ, Quán song tu”.

13. Trước tu “Tuệ”, thứ tu “Ðịnh”, sau “Ðịnh, Tuệ song tu”

- Này Thiện nam! Nếu có Bồ tát dùng sức biến hóa, làm các Phật sự mà vẫn ở yên nơi tịch tịnh, đoạn các phiền não. Bồ tát tu như thế, gọi là trước tu “Tam ma bát đề”, thứ tu “Xa ma tha”, sau tu “Thiền na”.

Lược giải:

Ðoạn này nói Bồ tát trước tu “Quán”, thứ tu “Chỉ”, sau “Chỉ, Quán song tu”. Bồ tát dùng sức biến hóa làm các Phật sự là tu “Quán”, yên ở chỗ vắng lặng là tu “Chỉ”, đoạn phiền não là “Chỉ, Quán song tu”.

14. Trước tu “Tuệ”, thứ “Ðịnh, Tuệ đồng thời tu” sau tu “Ðịnh”

- Này Thiện nam! Nếu có Bồ tát dùng sức biến hóa, làm các việc không ngại, đoạn các phiền não và an trụ nơi rất tịnh. Bồ tát tu như thế gọi là trước tu “Tam ma bát đề”, thứ tu “Thiền na”, sau tu “Xa ma tha”.

Lược giải:

Ðoạn này nói Bồ tát trước tu “Quán”, thứ “Chỉ, Quán song tu”, sau tu “Chỉ”. Bồ tát dùng sức biến hóa làm các việc vô ngại là tu “Quán”, đoạn các phiền não là “Chỉ, Quán song tu”, an trụ nơi rất tịnh là tu “Chỉ”.

15. Trước tu “Tuệ”, sau đồng thời tu “Định” và “Định, Tuệ song tu”

- Này Thiện nam! Nếu có Bồ tát dùng sức biến hóa làm các phương tiện và tùy thuận hai pháp: rất tịnh (Chỉ) và tịch diệt (Thiền na). Bồ tát tu như thế, gọi là trước tu “Tam ma bát đề”, sau đồng thời tu “Xa ma tha” và “Thiền na”.

Lược giải:

Ðoạn này nói Bồ tát trước tu “Quán”, sau đồng thời tu “Chỉ” và “Chỉ, Quán song tu”. Bồ tát dùng sức biến hóa làm các phương tiện là tu “Quán”, tùy thuận tính rất tịnh là tu “Chỉ”, và tùy thuận tịch diệt là “Chỉ, Quán song tu”.

16. Trước đồng thời tu “Tuệ” và “Ðịnh”, sau tu “Thiền na” (Định, Tuệ song tu)

- Này Thiện nam! Nếu có Bồ tát dùng sức biến hóa, khởi ra các công dụng, giúp cho tính rất tịnh, sau đoạn các phiền não. Bồ tát tu như thế, gọi là trước đồng thời tu “Tam ma bát đề” và “Xa ma tha”, sau tu “Thiền na”.

Lược giải:

Ðoạn này nói Bồ tát trước đồng thời tu “Quán” và “Chỉ”, sau “Chỉ, Quán song tu”. Bồ tát dùng sức biến hóa, khởi ra các công dụng là tu “Quán”, giúp cho tính rất tịnh là tu “Chỉ”, sau đoạn các phiền não là “Chỉ, Quán song tu”.

17. Trước đồng thời tu “Tuệ” và “Ðịnh, Tuệ song tu”, sau tu “Ðịnh”

- Này Thiện nam! Nếu có Bồ tát dùng sức biến hóa, giúp với tịch diệt, sau an trụ nơi tính định thanh tịnh, không do tạo tác. Bồ tát tu như thế, gọi là trước đồng thời tu “Tam ma bát đề” và “Thiền na”, sau tu “Xa ma tha”.

Lược giải:

Ðoạn này nói Bồ tát trước đồng thời tu “Quán” và “Chỉ, Quán song tu”, sau tu “Chỉ”. Bồ tát dùng sức biến hóa là tu “Quán”, giúp với tịch diệt là “Chỉ, Quán song tu”, sau an trụ nơi tính định thanh tịnh sẵn có, không do tạo tác, là tu “Chỉ”.

Câu “Tính Ðịnh thanh tịnh không do tạo tác” là chỉ cho “Tự tính chân định” sẵn có và thanh tịnh, không do tạo tác mà thành, cũng không phải dụng công tu tập mà được, xưa nay nó vẫn thanh tịnh.

18. Trước “Ðịnh, Tuệ song tu”, sau tu “Định”

- Này Thiện nam! Nếu có Bồ tát dùng sức tịch diệt (vắng lặng) khởi hạnh rất tịnh, rồi an trụ nơi thanh tịnh. Bồ tát tu như thế, gọi là trước tu “Thiền na”, sau tu “Xa ma tha”.

Lược giải:

Ðoạn này nói Bồ tát trước “Chỉ, Quán song tu”, sau tu “Chỉ”. Bồ tát dùng sức tịch diệt, khởi tính rất tịnh là “Chỉ, Quán song tu”, rồi an trụ nơi thanh tịnh là tu “Chỉ”.

19. Trước “Ðịnh, Tuệ song tu”, sau tu “Tuệ”

- Này Thiện nam! Nếu có Bồ tát dùng sức tịch diệt, khởi ra tác dụng, tuy đối các cảnh, mà vẫn tùy thuận nơi tịch tịnh. Bồ tát tu như thế, gọi là trước tu “Thiền na”, sau tu “Tam ma bát đề”.

Lược giải:

Ðoạn này nói Bồ tát trước “Chỉ, Quán song tu”, sau tu “Quán”. Bồ tát dùng sức tịch diệt khởi ra tác dụng độ sinh là “Chỉ, Quán song tu”. Mặc dù Bồ tát làm các hạnh lợi sinh mà vẫn tùy thuận nơi tịch tịnh là tu “Quán”.

20. Trước “Ðịnh, Tuệ song tu”, thứ tu “Ðịnh”, sau tu “Tuệ”

- Này Thiện nam! Nếu có Bồ tát dùng sức tịch diệt, quán tự tính các chúng sinh, an trụ nơi Ðịnh, mà vẫn biến hóa các pháp để độ sinh. Bồ tát tu như thế, gọi là trước tu “Thiền na”, thứ tu “Xa ma tha”, sau tu “Tam ma bát đề”

Lược giải:

Ðoạn này nói Bồ tát trước “Chỉ, Quán song tu”, thứ tu “Chỉ”, sau tu “Quán”. Bồ tát dùng sức tịch diệt, quán tự tính các chúng sinh để hóa độ, là “Chỉ, Quán song tu”; an trụ nơi Ðịnh là tu “Chỉ”, biến hóa các pháp để độ sinh là tu “Quán”.

21. Trước “Ðịnh, Tuệ song tu”, thứ tu “Tuệ”, sau tu “Ðịnh”

- Này Thiện nam! Nếu có Bồ tát dùng sức tịch diệt của tự tính vô tác, để khởi ra tác dụng độ sinh, rồi y nơi cảnh giới thanh tịnh mà trở về nơi Ðịnh. Bồ tát tu như thế, thì gọi là trước tu “Thiền na”, thứ tu “Tam ma bát đề”, sau tu “Xa ma tha”.

Lược giải:

Ðoạn này nói Bồ tát trước “Chỉ, Quán song tu”, thứ tu “Quán”, sau tu “Chỉ”. Bồ tát dùng sức tịch diệt của tự tính vô tác, để khởi ra tác dụng độ sinh, là “Chỉ, Quán song tu”. Bồ tát y nơi cảnh giới thanh tịnh là tu “Quán”, sau trở về nơi Ðịnh là tu “Chỉ”.

Chữ “Tự tính vô tác”, nghĩa là: Tự tính sẵn có, không do tạo tác mà thành.

22. Trước tu “Thiền na” (Ðịnh, Tuệ song tu), sau đồng thời tu “Ðịnh” và “Tuệ”

- Này Thiện nam! Nếu có Bồ tát dùng sức tịch diệt, mỗì mỗi thanh tịnh, an trụ ở nơi Ðịnh, mà khởi ra các món biến hóa. Bồ tát tu như thế, gọi là trước tu “Thiền na”, đồng thời tu “Xa ma tha” và “Tam ma bát đề”.

Lược giải:

Ðoạn này nói Bồ tát trước “Chỉ, Quán song tu” sau đồng thời tu “Chỉ” và “Quán”. Bồ tát dùng sức tịch diệt, mỗi mỗi thanh tịnh là “Chỉ, Quán song tu” an trụ ở nơi Định là tu “Chỉ”, khởi ra các món biến hóa là tu “Quán”.

23. Trước đồng thời tu “Thiền na” và tu “Ðịnh”, sau tu “Tuệ”

- Này Thiện nam! Nếu có Bồ tát dùng sức tịch diệt, giúp cho tính rất tịnh, sau khởi ra việc biến hóa. Bồ tát tu như thế, gọi là đồng thời tu “Thiền na” và “Xa ma tha”, sau tu “Tam ma bát đề”.

Lược giải:

Ðoạn này nói Bồ tát trước đồng thời “Chỉ, Quán song tu” và tu “Chỉ”, sau tu “Quán”. Bồ tát dùng sức tịch diệt là “Chỉ, Quán song tu”, giúp cho tính tất tịnh là tu “Chỉ”, khởi ra các việc biến hóa là tu “Quán”.

24. Trước đồng thời tu “Thiền na” và “Tuệ”, sau tu “Ðịnh”

- Này Thiện nam! Nếu có Bồ tát dùng sức tịch diệt giúp việc biến hóa, sau khởi tính rất tịnh, ở cảnh giới trí tuệ trong sáng. Bồ tát như thế, gọi là đồng thời tu “Thiền na” và “Tam ma bát đề”, sau tu “Xa ma tha”.

Lược giải:

Ðoạn này nói Bồ tát trước đồng thời “Chỉ, Quán song tu” và tu “Quán”, sau tu “Chỉ”. Bồ tát dùng sức tịch diệt là “Chỉ, Quán song tu”, giúp việc biến hóa là tu “Quán”, sau khởi tính rất tịnh v.v… là tu “Chỉ”.

25. Bồ tát viên tu ba pháp

- Này Thiện nam! Nếu có Bồ tát dùng tuệ Viên Giác, viên hiệp các pháp, nào tính, tướng của các pháp đều không rời tính Viên Giác, Bồ tát như thế, gọi là viên tu ba pháp, tùy thuận tính Viên Giác thanh tịnh.

Lược giải:

Ðoạn này nói Bồ tát viên tu ba pháp.

Bồ tát cùng Viên Giác Tuệ, viên hiệp tất cả các pháp. Nào Ðịnh, Tuệ và Ðịnh Tuệ song tu, nào tính, tướng của các pháp, đều không rời tính Viên Giác.

4. TÓM LẠI

- Này Thiện nam! Ðây là 25 pháp tu của Bồ tát. Vậy các Bồ tát phải y theo đây mà tu hành.

Nếu các Bồ tát hiện tại và chúng sinh đời sau, muốn y theo 25 pháp môn này mà tu hành, thì phải giữ giới thanh tịnh, tâm suy nghĩ vắng lặng và phải trải qua 21 ngày thành tâm sám hối, rồi viết 25 pháp môn này vào mỗi miếng giấy, niêm phong lại kỹ, đem để trên bàn Phật và chí tâm cầu khẩn, rồi tùy tay hành giả rút một miếng giấy, khi mở ra xem thì hành giả sẽ biết trình độ của mình tu pháp Ðốn hay Tiệm. Song nếu hành giả một niệm nghi ngờ, thì chẳng thành tựu.

Lược giải:

Ðoạn này Phật kết thúc lại và dạy rằng: Ðây là 25 pháp tu của Bồ tát. Nếu có người muốn tu theo 25 pháp này, thì điều cần yếu là phải giữ giới cho thân tâm được thanh tịnh và chí thành cầu sám hối 21 ngày. Rồi hành giả viết tên 25 pháp tu này vào 25 miếng giấy, xếp gói riêng từ miếng, để chung lại trên bàn. Hành giả phải chí thành cầu nguyện, rồi tùy ý rút ra một thăm, sau khi giở ra xem, hành giả sẽ tự biết căn cơ của mình Ðốn hay Tiệm và phải y theo đó mà tu hành. Nhưng nếu hành giả có một niệm nghi ngờ thì chẳng thành tựu.

Tóm lại, 25 pháp tu này không ngoài Định, Tuệ và Ðịnh Tuệ song tu; chẳng qua tùy theo trình độ của hành giả có sâu cạn, cao thấp không đồng, nên có khi phải tu Ðịnh trước rồi Quán sau; có khi phải tu Quán trước rồi Ðịnh sau; lắm lúc phải tu đồng thời v.v... Vì tùy theo trình độ của hành giả, mà thay đổi trước sau, xoay qua trở lại nên thành ra 25 pháp. Vậy hành giả nên tùy theo trình độ của mình mà tu tập.

5. PHẬT NÓI BÀI KỆ TÓM LẠI CÁC NGHĨA TRÊN

Khi đó đức Thế Tôn muốn tóm lại nghĩa này, nên nói bài kệ rằng:

Biện Âm! Ông nên biết:

Các trí tuệ thanh tịnh

Của tất cả Bồ tát

Ðều do Thiền định sinh.

Thiền định là “Chỉ, Quán”

Và “Chỉ, Quán song tu”.

Ba pháp, phân Ðốn, Tiệm,

Thành ra hai mươi lăm.

Mười phương các Như Lai

Và hành giả ba đời

Ðều y pháp môn này

Mà đặng thành Bồ đề.

Chỉ trừ người Đốn ngộ,

Và những người không tin

Mới chẳng theo pháp này.

Còn tất cả Bồ tát

Và chúng sinh đời sau,

Phải như thế tu hành.

Nhờ Ðại bi của Phật,

Các ông nên siêng tu,

Sẽ mau chứng Niết bàn.


Lược giải:

Ðại ý bài kệ này nói: Trí tuệ thanh tịnh vô ngại của các Bồ tát, đều do Thiền định sinh. Thiền định là Chỉ, Quán và Chỉ Quán song tu. Bởi theo căn cơ của hành giả có Đốn và Tiệm không đồng, nên ba pháp này lại chia ra đến 25 pháp.

Chỉ trừ những bực Đốn ngộ và những người không tin, còn chư Phật và các vị Bồ tát cùng chúng sinh đời sau, đều tu theo các pháp môn này mà được thành Bồ đề.

Vậy hành giả nên y theo đây, siêng năng tu tập và nhờ lòng Ðại bi của Phật gia hộ, sẽ mau chứng Niết bàn

 


 

Viết bình luận

Chúc mừng năm mới
Copyright © 2015 daibaothapmandalataythien.org. All Rights Reserved.
Xã Đại Đình, huyện Tam Đảo, tỉnh Vĩnh Phúc. Email: daibaothapmandalataythien@gmail.com

Đăng ký nhận tin mới qua email
Số lượt truy cập: 6407801
Số người trực tuyến: