8. Bài thứ tám | Đại Bảo Tháp Mandala Tây Thiên | Đại Bảo Tháp | Đại Bảo Tháp Tây Thiên

8. Bài thứ tám

Bài thứ tám
 

I. ÔNG PHÚ LÂU NA HỎI PHẬT HAI CÂU QUAN TRỌNG

Lúc bấy giờ ông Phú Lâu Na Di Ða La Ni Tử đứng dậy lạy Phật, chắp tay cung kính và thưa rằng:

- Bạch Thế Tôn, trong hàng tứ chúng, Phật thường khen con thuyết pháp hơn hết; ở trong hội này con lại chứng được quả Vô lậu. Thế mà hôm nay con nghe Phật nói pháp nhiệm mầu cao thượng, hãy còn chưa hiểu. Cũng như người điếc đứng xa một trăm bước nghe tiếng muỗi kêu; thấy còn không được, huống chi lại nghe.

Bạch Thế Tôn:

1. Chân tâm này đã vốn thanh tịnh, tại sao lại thoạt sinh ra sơn hà đại địa và các chúng sinh?

2. Lại nữa, Phật nói “đất, nước, gió lửa, tính nó vắng lặng thường còn, viên dung khắp giáp pháp giới”. Bạch Thế Tôn, nếu nước khắp tất cả, thì lửa phải tắt; còn lửa biến khắp thời nước phải khô; tính lửa thì nóng, tính nước lại lạnh, hai thứ trái nhau, tại sao đồng cùng khắp cả hư không, mà nó không diệt nhau?

Lại nữa, đất thì có hình chất, còn hư không lại trống, tại sao hai thứ đều khắp giáp cả pháp giới, mà không có chướng ngại nhau? Cúi xin đức Như Lai vén mở ngút mây mờ cho chúng con.

Thưa hỏi xong, ông Phú Lâu Na kính cẩn trở lui, để chờ nghe lời Phật chỉ dạy.

Lược giải:

Ðoạn này ông Phú Lâu Na hỏi Phật hai điều:

1. Chân tâm đã thanh tịnh tại sao thoạt sinh ra có thế giới và chúng sinh?

2. Ðất, nước, gió, lửa, tính nó chống trái nhau, tại sao lại dung hòa được và biến khắp cả pháp giới?

Về câu hỏi trước thì trong kinh này Phật đã trả lời rõ rồi. Còn câu hỏi sau chúng ta cũng nên phân biệt cho rõ:  Phật nói nước, lửa, v.v... biến khắp cả pháp giới, đó là Phật chỉ về phần “bản thể” mà nói. Ông Phú Lâu Na nghi nước, lửa, v.v... trái nhau, làm sao đều biến khắp được. Thế là ông Phú Lâu Na đứng về phần “hiện tượng” mà hỏi.

Về phần hiện tượng thì có chướng ngại, còn bản thể thời không bao giờ chướng ngại.

II. PHẬT TRẢ LỜI CÂU HỎI THỨ NHẤT

Phật dạy:

- Này Phú Lâu Na, như lời ông hỏi: “Chân tâm đã vốn thanh tịnh, tại sao lại sinh ra sơn hà đại địa, thế giới và chúng sinh”.

Vậy ông có thường nghe ta nói: “Chân tâm nhiệm mầu vắng lặng mà thường sáng suốt chiếu soi” không? (Tính giác diệu minh, bản giác minh diệu)

Phú Lâu Na thưa:

- Bạch Thế Tôn, con có thường nghe Phật dạy như thế.

Phật hỏi:

- Vậy chân tâm này, ông cho nó tự có tính sáng suốt chiếu soi (phân biệt) hay là không có sáng suốt chiếu soi?

Phú Lâu Na thưa:

- Vì nó sẵn có tính sáng suốt chiếu soi (phân biệt) nên mới gọi là tâm. Nếu nó không có tính sáng suốt chiếu soi (phân biệt) thì không gọi là tâm, vì nó không phân biệt được cái gì cả.

Phật dạy:

- Như lời ông nói: “Nếu nó không sáng suốt chiếu soi (phân biệt) thì không phải là tâm, vì nó không phân biệt được cái gì cả”.  Vậy ông có hiểu chăng: nếu có chiếu soi phân biệt, thì không phải là chân (vì có năng phân biệt thì phải có bị phân biệt), còn không có chiếu soi phân biệt, thì chẳng phải là tâm. Nếu tâm mà không sáng suốt thì không phải là chân tâm thanh tịnh rồi.

Ông nên hiểu: Chân tâm vẫn sáng suốt, vì ông vọng chấp cái “sáng suốt phân biệt” làm tâm, nên thành ra có năng phân biệt (tâm) và bị phân biệt (cảnh).

Chân tâm của ông không phải cái “bị phân biệt”, nhưng vì ông khởi ra cái “năng phân biệt”, nên nó (chân tâm) trở lại thành  cái “bị phân biệt” (cảnh). Ðã vọng thành cái “bị phân biệt”, cố nhiên ở nơi ông phải vọng sinh ra cái “năng phân biệt”.

Thế là ở nơi chân tâm của ông vẫn thanh tịnh không có năng và sở, mà thoạt nhiên thành ra có năng và sở (vô đồng dị trung, xí nhiên thành dị)

Lược giải:

Ðại ý đoạn này Phật chỉ cái nguyên nhân từ chân tâm thanh tịnh, vì vọng động nổi lên nên sinh ra có thế giới và chúng sinh.

Chân tâm thanh tịnh mỗi người đều sẵn đủ. Nếu chấp nó “không có phân biệt” thì chẳng phải là tâm; còn chấp nó “có phân biệt” thì chẳng phải là chân.

Bởi ông Phú Lâu Na chấp cái “phân biệt chiếu soi” làm tâm, nên đã có cái phân biệt, cố nhiên phải có cái bị phân biệt. Thế là năng, sở vừa hiện, thì bỉ và thử rõ ràng.

Ðây là Phật chỉ cái hành tướng của vọng, từ nơi tâm của mọi người khởi lên một cách rõ ràng.

Một vọng niệm vừa nổi lên, thì có trăm ngàn vọng niệm khác tiếp tục theo sinh ra, cho đến vô cùng tận.  Nhân đó mà có hư không, thế giới và chúng sinh đồng thời hiện ra. Cũng như người đương thức (dụ chân tâm) bỗng chốc buồn ngủ nổi lên, (dụ vô minh vọng động) chiêm bao thấy có núi sông, nhà cửa các cảnh vật hiện ra (dụ hư không, thế giới và chúng sinh).

III. PHẬT CHỈ NGUYÊN NHÂN CHUNG SINH RA HƯ KHÔNG, THẾ GIỚI VÀ CHÚNG SINH

- Từ một thể chân tâm không khác, vì vọng niệm phân biệt, có năng sở, bi thử sai khác, nên hiện ra có hư không và thế giới. Nhân có hư không thế giới nên mới có chúng sinh. Ðã có thế giới và chúng sinh lăng xăng đối đãi nhau, nên khởi lên vô số vọng tưởng phân biệt: tốt, xấu, phải, chẳng, v.v... Vì thế mà sinh ra đủ các phiền não trần lao nhiễm ô. Cái có hình tướng và sinh diệt là thế giới, cái không hình tướng và yên tịnh là hư không; khác với hư không, thế giới là chúng sinh vậy.

IV. PHẬT CHỈ CHỈ NGUYÊN NHÂN RIÊNG VÀ TUẦN TỰ SINH RA VŨ TRỤ

1. Nguyên nhân sinh gió

- Từ nơi chân tâm, do vô minh vọng động mà có hư không. Hư không mờ mịt vì vô minh sinh. Trong “hư không” có chất động, vì là vọng. Bởi thế nên trong hư không có gió (phong luân) để duy trì thế giới.

2. Nguyên nhân sinh ra vàng ngọc

Nhân hư không sinh ra gió, và vì nơi tâm chúng sinh có tính cố chấp phân biệt, cho nên ứng hiện ra ngoài thế giới có những chất cứng chắc là vàng ngọc (vàng ngọc cứng chắc là vì tâm cố chấp sinh. Nó sáng ngời là do tâm phân biệt sinh). Ðây là nguyên nhân có chất kim khí để bảo trì thế giới.

3. Nguyên nhân sinh ra lửa

Trong tâm chúng sinh vì có tính cố chấp phân biệt, nên sinh ra chất cứng chắc là kim khí, và vì có vọng động mà thành ra gió. Rồi gió thổi kim khí, nó cọ xát mãi, nóng lên, nên nháng sinh ra ánh sáng là lửa.  Ðây là cái nguyên nhân có lửa để nấu đốt các vật.

4. Nguyên nhân sinh ra nước

Chất vàng ngọc vừa sáng ngời và đượm mát. Nhân lửa xông lên, nên có hơi nước rịn ra. Ðây là cái nguyên nhân có nước để bao bọc cả mười phương thế giới.

Lược giải:

Vì tâm vọng đọng nên biến hiện ra ngoài thế giới có gió. Vì tâm cố chấp, cho nên biến hiện ra ngoài thế giới có vàng ngọc. Vì tâm nóng nảy, nên biến hiện ra ngoài thế giới có lửa. Vì tâm tham ái, cho nên biến hiện ra ngoài thế giới có nước.

5. Nguyên nhân sinh ra cồn đảo và biển  

Vì tính lửa bốc lên, còn nước thì lại chảy xuống, nên có chỗ thấp ướt là sông biển, chỗ nổi lên cao là cồn đảo. Bởi lửa và nước dung hòa nhau, cho nên trong biển thỉnh thoảng bốc lên ánh sáng của lửa, trong cồn đảo lại có sông rạch thường chảy ra nước.

Lược giải:

Trong bộ Tông cảnh nói: “Vì tâm luyến ái nên ứng hiện ra ngoài thành sông biển. Vì tâm cố chấp nên ứng hiện ra ngoài thành cồn đảo, tâm khinh mạn thành ra gió, tâm nóng nảy, sân hận thành ra lửa. Bởi thấy sắc dục sinh tâm luyến ái, nên hiện ra ngoài thế giới: Trong cồn đảo có nước thường chảy. Ví trái với sự thương yêu thì nổi sân, nên hiện ra ngoài thế giới: trong biển có lửa phát lên. Tóm lại, bốn đại đều duy tâm biến hiện (dụ như chiêm bao, nếu ban ngày nghĩ tưởng cái gì, thì ban đêm hiện ra cảnh ấy).

6. Nguyên nhân sinh ra núi

Vì thế lực của nước yếu hơn lửa, nên bị lửa bốc lên kết thành núi cao. Bởi thế nên đập đá thì có lửa, còn đốt quá nóng, thì nó chảy ra nước.

Lược giải:

Vì tâm giận nhiều thương ít, nên ứng hiện ra ngoài thế giới có núi cao.

7. Nguyên nhân sinh ra cỏ cây

Vì thế lực của đất yếu hơn nước, cho nên bị nước rút lên làm cỏ cây. Bởi thế nên cỏ cây, nếu bị đốt thì thành tro (đất) còn ép thì nó lại ra nước.

Lược giải:

Vì tâm thương yêu nặng nề, tính cố chấp ít, nên ứng hiện ra ngoài thế giới thành cỏ cây.

***

Tóm lại, vì ở trong tâm chúng sinh, các vọng tưởng xen nhau phát sinh, nên ứng hiện ra ngoài thế giới có các cảnh vật. Bởi nhân duyên này mà thế giới nối nhau sinh mãi không dứt.

V. PHẬT CHỈ NGUYÊN NHÂN CÓ CHÚNG SINH (NHÂN SINH)

- Ông Phú Lâu Na, cái “hư vọng phân biệt” đó không có gì lạ, chỉ vì ông chấp cái “phân biệt chiếu soi” làm tâm. Ðã có phân biệt, tất nhiên phải có cái “bị phân biệt” đối đãi nhau. Vì thế nên cái “năng phân biệt” không vượt ngoài cảnh “bị phân biệt” được. Do nhân duyên này, nên nghe không ngoài tiếng, thấy không ngoài sắc, ngửi không ngoài mùi, nếm không ngoài vị, v.v... vọng thành 6 căn và 6 trần đối nhau, nên phân ra có: thấy, nghe, hay, biết.

Rồi theo nghiệp lực kéo dẫn, cho nên có những loài sinh con (như người và thú), loài sinh trứng (như chim và cá), loài sinh chỗ ẩm ướt (như vi trùng v.v...), loài hóa sinh (như trời và địa ngục)

Thần thức khi đầu thai, nhận thấy ánh sáng (lửa dục) của cha mẹ phát ra, rồi nó khởi cái “tưởng” chung chạ làm việc dục ấy. Nếu nó sẽ là trai thì ưa mẹ mà ghét cha, còn nó sẽ là gái thì thương cha mà ghét mẹ. Vì tình lưu luyến nơi ái dục không rời được, nên nó tự kết nạp tư tưởng của nó với tinh huyết của cha mẹ khi giao cấu đó, kết thành ra thai. Vì có nhân duyên với nhau và do đồng nghiệp kéo dẫn, nên kết thành thai nghén. Loài sinh thai, sinh trứng, sinh nơi ẩm thấp, hoặc hóa sinh đều tùy theo nghiệp của mỗi loài mà cảm ứng.

Loài sinh trứng là do nơi tưởng nhiều, loài sinh thai là do nơi tình nặng, loài thấp sinh là do hiệp với chỗ ẩm thấp, loài hóa sinh thì rời cảnh vật tự nó hóa hiện. Bốn loài biến đổi, tùy theo nghiệp lành hay dữ mà cảm thọ quả báo có thăng và trầm. Do nhân duyên ấy mà chúng sinh bỏ thân này thọ thân kia, nối nhau không dứt.

VI. PHẬT CHỈ NGUYÊN NHÂN CHÚNG SINH TIẾP TỤC SINH

1. Tham dục

- Này Phú Lâu Na, chúng sinh vì tình ân ái kết chặt, thương tưởng quyến luyến nhau không rời, cho nên trong thế gian, cha mẹ, con cháu tiếp tục sinh ra không cùng tột, gốc tại lòng tham dục vậy.

2. Tham sát

- Loài nào cũng thương yêu thân mạng, muốn cho mình được sống nên tham ăn những vật bổ dưỡng. Vì thế mà trong thế gian này, loài mạnh ăn thịt loài yếu, loài khôn giết loài dại. Bốn loài (noãn, thai, thấp, hóa) ăn nuốt lẫn nhau, gốc tại lòng tham sát hại.

3. Tham trộm cướp

- Bởi loài người ăn thịt loài vật, loại vật trở lại ăn thịt người. Người chết làm vật, vật chết làm người, các loài chúng sinh, sinh sinh tử tử, nối tiếp nhau. Các ác nghiệp đã tạo ra rồi, thì cùng nhau vay trả, cho đến nghìn đời không tột, gốc tại lòng tham lam trộm cướp.

Lược giải:

Loài vật, chúng nó không muốn cho người giết thân mạng nó, mà người lại ỷ sức mạnh giết hại để ăn, thế nên phạm tội cướp giật. Có vay cố nhiên phải có trả; nên giết hại không những phạm tội sát sinh, mà còn phạm cả tội cướp giật.

***

- Loài này cướp giật thân mạng loài kia, loài kia giết hại loài này; trả vay, vay trả lẫn nhau, đến trăm ngàn kiếp không ra khỏi sinh tử.

Trai mê sắc gái, gái thương tình trai, vì tình ân ái thương yêu lẫn nhau, nên trăm ngàn kiếp bị triền phược trong vòng luân hồi.

Tóm lại, vì ba nghiệp sát, đạo, dâm làm gốc, nên nghiệp (nhân) và quả nối nhau, không bao giờ cùng tận.

Này ông Phú Lâu Na, thế giới, chúng sinh và nghiệp quả ba món điên đảo tương tục này đều ở trong chân tâm, vì vô minh vọng động sinh ra “năng phân biệt” và “sở phân biệt” tương đối, nên vọng thấy có sơn hà đại địa, thế giới và chúng sinh, rồi tiếp tục sinh hóa, vô cùng hư vọng.

VII. PHÚ LÂU NA HỎI TIẾP: CHƯ PHẬT ÐÃ CHỨNG ÐƯỢC CHÂN TÂM THANH TỊNH RỒI, VẬY CHỪNG NÀO NỔI VỌNG TRỞ LẠI?

Ông Phú Lâu Na hỏi Phật:

- Bạch Thế Tôn, cái chân tâm của con đã cùng với Phật không khác, vốn thanh tịnh không tăng không giảm; bỗng nhiên vọng động nổi lên, sinh ra thế giới và chúng sinh. Vậy các đức Như Lai đã chứng được chân tâm ấy rồi, chừng nào vô minh vọng động nổi lên, sinh trở lại thế giới và chúng sinh nữa?

VIII. PHẬT DÙNG BA THÍ DỤ ÐỂ GIẢI THÍCH

1. Dụ như người lầm phương hướng để chỉ rõ ngộ rồi không mê trở lại

Phật dạy rằng:

- Này Phú Lâu Na, như người lầm phương hướng, tưởng phía Nam là phía Bắc. Ông nghĩ sao, cái “mê lầm” ấy nhân mê mà có, hay nhân ngộ mà sinh? Này Phú Lâu Na, không phải nhân ngộ, mà cũng không phải nhân mê. Vì sao? Cái mê không có căn nguyên, thì làm sao nói nhân mê mà có. Còn ngộ không thể sinh ra mê được thì sao lại nói nhân cái ngộ mà sinh.

Phú Lâu Na, người kia đương lúc đi lầm đường, nếu có người biết đường chỉ lại cho họ: đây là phía Nam, kia là phía Bắc v.v... Vậy từ đó về sau họ còn lầm lộn nữa không?

Phú Lâu Na thưa:

- Bạch Thế Tôn, người kia không còn lầm lộn nữa.

Phật dạy:

- Này Phú Lâu Na, mười phương các đức Như Lai cũng vậy, khi ngộ được chân tâm thành Phật rồi, thì không bao giờ mê trở lại làm chúng sinh nữa. Vì cái mê lầm không thật, rốt ráo chẳng có gốc rễ. Trước kia vốn không mê, nhưng in tuồng có cái mê trong cái ngộ (như đám mây che mặt nhật). Ðến khi giác ngộ được cái mê, thì cái mê kia tự diệt; cái “giác ngộ” ấy không sinh trở lại cái mê nữa.

2. Dụ như hoa đốm giữa hư không khi diệ rồi không còn sinh trở lại

- Lại nữa, cũng như người bị nhặm con mắt, thấy có hoa đốm lăng xăng giữa hư không. Ðến khi hết nhặm rồi thì hoa kia tự hết. Nếu người ấy còn nhìn lại chỗ các hoa đốm diệt ở nơi hư không kia để trông mong cho hoa sinh trở lại, nếu như thế ông thử nghĩ, người đó khôn hay dại?

Phú Lâu Na thưa:

- Hư không không có hoa đốm, mà vọng thấy có hoa đốm sinh diệt, thế đã là điên đảo rồi, huống nữa, trông mong nó sinh trở lại, thật người ấy điên đảo lắm, không còn nói dại hay khôn nữa được.

Phật nói:

- Ông đã hiểu như vậy, tại sao còn hỏi: “Như Lai đã ngộ được chân tâm thanh tịnh rồi, vậy chừng nào nổi vọng trở lại, sinh ra sơn hà đại địa nữa?”

3. Dụ như vàng và củi

- Cũng như vàng trong mỏ, khi đào lên đã lọc hết khoáng thành vàng ròng rồi, lúc bấy giờ không còn trở lại làm khoáng nữa. Và cũng như cây đốt thành tro, không thể trở lại thành cây nữa được.

Chư Phật cũng thế, khi chứng được Bồ đề Niết bàn rồi, không còn vọng động trở lại làm chúng sinh nữa.

IX. PHẬT TRẢ LỜI CÂU HỎI THỨ HAI

Phật nói:

- Phú Lâu Na, như lời ông hỏi: “Nước và lửa tại sao chẳng diệt nhau, trái lại được dung hòa cùng nhau và đều biến khắp cả vũ trụ? Hư không với đất tính chất không đồng, tại sao dung biến được?”

Này Phú Lâu Na! Tất cả các pháp xem về tướng (hiện tượng) của nó, nguyên là hư vọng, không thể chỉ bày cái gì thật là cái gì được. Nó đã hư vọng không thật mà ông lại còn hỏi “tại sao nó chẳng diệt nhau”.  Như thế chẳng khác nào người ngồi trông đợi cho cái hoa đốm giữa hư không kia kết đậu thành ra trái, thì làm sao mà kết đậu cho được!

Lược giải:

Như các hình chớp bóng chiếu trên miếng vải trắng, bởi nó không thật, nên không cái nào ngại cái nào cả.

***

- Còn xem về tính (bản thể) của các pháp, thì nguyên nó là chân. Duy có một thể chân tâm, nguyên không phải đất, nước, gió, lửa, thì sao lại chẳng dung hòa nhau được.

X. PHẬT CHỈ CHÂN TÂM TÙY DUYÊN BIẾN HIỆN

- Phú Lâu Na! Chân tâm của ông như thế, nếu ông phân biệt hư không thì có hư không hiện ra, phân biệt đất, nước, gió, lửa, thì đều có đất, nước, gió, lửa hiện ra.

Cũng như hai người đồng xem một mặt trăng dưới nước. Rồi một người đi qua phía đông và một người đi qua phía tây, thì hai người đều thấy có mặt trăng đi theo mình cả, không có chuẩn định.

Ông không thể hỏi: “Mặt trăng chỉ một, tại sao đi theo cả hai người”; hay là nói “hai người đi riêng đều thấy có hai mặt trăng, tại sao hiện nay chỉ thấy có một” (Khi hai người đứng chung một chỗ).

Phú Lâu Na! Ông nên biết: Vì các pháp hư huyễn, không thể lấy đâu làm bằng cứ được.

XI. CHÚNG SINH TRÁI VỚI CHÂN TÂM SÁNG SUỐT VÀ HIỆP THEO VỌNG TRẦN

- Phú Lâu Na! Các ông vì trái với chân tâm sáng suốt, mê muội hiệp theo vọng trần, nên chân tâm tùy duyên biến hiện ra có hư không thế giới, các thứ trần lao trong thế gian, cùng khắp cả pháp giới. Vì thế nên ông thấy có gió động, hư không lặng, mặt nhựt sáng, mây mờ, sắc tướng và hư không lấn nhau, nước và lửa diệt nhau, v.v...

XII. PHẬT HIỆP VỚI CHÂN TÂM SÁNG SUỐT

- Còn ta (Phật) thì trái với vọng trần, hiệp với chân tâm thường trụ bất sinh bất diệt, biến khắp cả pháp giới. Cho nên ta mới được tự tại vô ngại: Ở trong một hiện ra vô lượng, vô lượng hiệp làm một, trong nhỏ hiện lớn, trong lớn hiện nhỏ; không rời nơi đạo tràng mà hiện khắp cả mười phương thế giới. Thân ta bao trùm mười phương hư không vô tận. Trên đầu một mảy lông hiện ra các cõi nước; ngồi trong hạt bụi, mà chuyển đại pháp luân. Vì ta diệt hết vọng trần, trở lại với bản tâm thanh tịnh sáng suốt, nên mới được như vậy.

Lược giải:

Vì Phật đã ngộ chân tâm thanh tịnh, nên mới được tự tại vô ngại, không còn bị các vật lớn, nhỏ, nhiều, ít, v.v... làm chướng ngại.

Trái lại, chúng sinh vì mê chân tâm, hiệp theo vọng trần nên thấy có các vật lớn, nhỏ, rộng, hẹp chướng ngại.

Bởi tâm có chướng ngại (vọng phân biệt) nên thấy ngoài trần cảnh có chướng ngại. Nếu trong tâm hết chướng ngại (không vọng) thì không còn thấy có một vật gì làm chướng ngại cả.

Viết bình luận

Chúc mừng năm mới
Copyright © 2015 daibaothapmandalataythien.org. All Rights Reserved.
Xã Đại Đình, huyện Tam Đảo, tỉnh Vĩnh Phúc. Email: daibaothapmandalataythien@gmail.com

Đăng ký nhận tin mới qua email
Số lượt truy cập: 6167429
Số người trực tuyến: