12. Trí Tuệ Ba La Mật
Trí Tuệ Ba La Mật
A. Mở Đề
Trong đạo Phật, hai tiếng vô minh được nhắc nhở đến luôn, vì chính vô minh là nguồn gốc của đau khổ trong luân hồi sinh tử. Phật thường dạy: "Cái khổ của lạc đà, của lừa ngựa chở nặng mãn kiếp, cái khổ trôi lăn trong tam giới chưa gọi là khổ. Ngu si không trí huệ tin tưởng sai lạc, không biết hướng đi, cái ấy mới thật là khổ".
Ngài còn dạy một cách mạnh mẽ, dứt khoát hơn: "Si là gốc của tội lỗi, Trí tuệ là gốc của muôn hạnh lành". Chúng ta là Phật tử chúng ta không muốn gây tội lỗi để chịu quả khổ đau, chúng ta chỉ mong làm được các hạnh lành để hưởng phúc quả và được giải thoát. Vậy tất nhiên chúng ta phải tu tuệ, thì Trí tuệ Ba la mật.
B. Chánh Đề
I. Định Nghĩa
Trí tuệ là gì? "Trí" phiên âm chữ phạn là Phã na; "Tuệ" phiên âm chữ Phạn là Bát nhã. "Trí" có nghĩa là quyết đoán; "Tuệ" có nghĩa là giản trạch, Từ điển Phật học Trung Hoa định nghĩa như sau: "Trí là biết Tục đế và Tuệ là thông hiểu Chân đế".
Cũng có thể nói: Trí là thể tách sáng suốt trong sạch, Tuệ là cái Diệu dụng xét soi tự tại. Trí tuệ Ba la mật là thể tách sáng suốt có khả năng soi sáng sự vật một cách thấu đáo tinh tường đến nơi đến chốn, không thể sai lầm được.
II. Các Loại Trí Tuệ
Trí tuệ như định nghĩa trên là trí tuệ của đạo Phật, chứ không phải trí tuệ phổ thông, thường dùng trong các sự học hỏi hiểu biết, suy luận hằng ngày trong đời.
Theo triết học Phật Giáo, khả năng nhận thức có hai loại: Hiện lượng và tỷ lượng.
1. Hiện lượng: Là sự nhận biết trực tiếp không cần qua trung gian suy luận. Hiện lượng lại chia làm hai:
- Chân hiện lượng, là nhận thức trực tiếp mà đúng.
- Tựa hiện lượng, là nhận thức trực tiếp mà sai.
2. Tỷ lượng: Là sự nhận biết qua trung gian suy luận. Tỷ lượng cũng có hai thứ:
- Chân tỷ lượng, là lối hiểu biết bằng suy luận đúng đắn.
- Tựa tỷ lượng, là lối hiểu biết mà suy luận mà sai lầm.
Hiện lượng của địa vị phàm phu rất kém cỏi và phần nhiều là tựa hiện lượng. Tỷ lượng của địa vị phàm phu lại còn kém cỏi hơn nữa và phần nhiều là tựa tỷ lượng. Đứng về phương diện tính chất, Đạo Phật chia trí tuệ ra làm hai loại lớn là " Căn bản trí" và " Hậu đắc trí".
1. Căn bản trí: Căn bản trí, là giác tính minh diệu mà mỗi chúng sinh vốn đã có sẵn, nhưng vì bị phiền não che lấp, nên chưa phát chiếu ra được.Có thể so sánh căn bản trí như là một chất kim khí quí báu (vàng, bạc) đang ở trong trạng thái khoáng chất, nằm lẫn lộn với đá (phiền não vô minh)
2. Hậu đắc trí: Hậu đắc trí, là trí huệ có được nhờ công phu tu tập như trì giới, thiền định v.v...Có thể so sánh Hậu đắc trí như chất kim khí (vàng, bạc) được lọc từ khoáng chất ra và không còn lẫn lộn với đất đá, bụi bặm nữa (phiền não, vô minh).
Theo Duy thức học, sau khi đạt đến địa vị Giác ngộ, nghĩa là có được "Hậu đắc trí", thì tám thức chuyển thành bốn trí:
- Thức thứ tám, A lại da có tác dụng là chấp trí sinh mạng và chủng tử, được đạt đến địa vị vô lậu và biến thành "Đại viên cảnh trí" (trí sáng như bức gương lớn và tròn đầy, tượng trưng cho biển cả chơn như).
- Thức thứ bảy, Mạt na có tác dụng là chấp ngã, biến thành "bình đẳng tính trí" (trí có năg lực nhận thức cách bình đẳng, vô ngã của vạn pháp).
- Thức thứ sáu, Ý thức có tác dụng là phân biệt, biến thành "Diệu quan sát trí" (trí có năng lực quan sát thâm diệu).
- Năm thứ cuối (nhãn thức, nhĩ thức, tỵ thức, thiệt thức, thân thức) biến thành "Thành sở tác trí" (trí có năng lực nhận thức cùng khắp và thần diệu)
III. Làm Thế Nào Để Có Được Trí Tuệ?
Muốn có được trí tuệ, đức Phật chế ra nhiều pháp tu. Trong số nhiều pháp tu ấy thì "Văn, Tư, Tu" và "Giới, Định, Huệ" là những pháp thường được nhắc nhở và thực hành nhiều nhất.
Văn, Tư, Tu: là ba pháp tu để có được trí tuệ:
- Văn huệ: là huệ do tai nghe âm thanh, mắt thấy âm tự của Phật, hay qua các kinh điển mà hiểu được nghĩa lý.
- Tư huệ: là huệ do trí suy nghĩ, tìm tòi, rõ được nghĩa lý, hiểu được sự thật.
- Tu huệ: là huệ do tu hành thể nghiệm và thể nhập chân lý, mà giacs ngộ, chứng được sự thật.
Văn, tư, tu rất tương quan mật thiết với nhau, hành giả cần phải chuyên tu cả ba thứ, không thể bỏ qua một thứ nào mà thành tựu được. Hãy nghe Phật dạy:
"Văn huệ, tư huệ, tu huệ, ba môn khuyết một không được. Nếu ai nghe mà không suy nghĩ, thì như làm ruộng mà không gieo mạ; nếu suy nghĩ mà không tu, thì như làm ruộng mà không tát nước, bừa cỏ, rốt cuộc không có kết quả. Ba huệ được đầy đủ thì chứng quả Tam thừa?" (Sa Di thập giới).
Giới - Định - Tuệ
- Giới: là lời răn dạy của Phật )xem lại bài Trì giới Ba la mật).
- Định: là thiền định, giữ cho tâm ý không loạn động, để suy nghiệm đến những vấn đề căn bản của Đạo (xem lại bài Thiền Định Ba la mật).
- Tuệ: là sự phát chiếu của Trí, sau khi đã tẩy sạch phiền não và vô minh.
Giới, Định, Tuệ tương quan mật thiết với nhau: Do trì giới mà thân tâm không loạn động. Do thân tâm không loạn động mà tâm trí được Định. Tâm trí khi đã định thì Trí Tuệ phát chiếu.
Ngược lại, Trí tuệ phát chiếu thì tâm dễ Định, Tâm đã Định thì Trì giới không khó khăn.
Tóm lại: Giới, Định, Tuệ, đều tương duyên tương quan mật thiết với nhau, một cái tăng thì hai cái kia cũng tăng.
IV. Công Năng Của Trí Tuệ
Như chúng ta đã thấy trong phần chia loại, trí tuệ khi đã đạt đến địa vị Giác ngộ (tám thức chuyển thành bốn trí) thì công năng, diệu dụng của nó rộng lớn vô cùng, không thể nói hết. Tuy thế, để có một quan niệm tương đối rõ ràng, chúng ta có thể nêu lên ba công năng chính của trí tuệ như sau:
1. Dứt trừ phiền não: Phiền não là do mê lầm phát sinh. Khi trí tuệ đã có thì mê lầm phải mất, như khi ánh sáng phát ra thì bóng tối tất phải tan biến. Mê lầm đã mất thì phiền não tất không còn phát sinh nữa.
2. Chiếu sáng sự vật: Sự vật bị vô minh che khuất, như màn sương sớm che phủ cảnh vật, nay trí tuệ phát chiếu vào sự vật, chẳng khác gì khi ánh sáng mặt trời lên, thì màn sương ất phải tan biến, lúc bấy giờ thực tướng thực tính của sự vật được lộ bày như thật.
3. Thể nhập chân lý: Khi bị vô minh phủ lấp, ngăn che thì người ta với người, ta với vật tưởng như riêng biệt, sai khác. Nay nhờ trí tuệ soi sáng, thấy rõ được tâm cảnh đều chân không, nên thể nhập được chân lý, giác ngộ hoàn toàn.
C. Kết Luận
Gíá trị và công năng của trí tuệ lớn lao không thể nói hết. Nó là cứu cánh của người Phật tử. Cứu cánh ấy, chúng ta phải cố đạt cho được.
Trước khi nhập Niết Bàn, đức Phật cũng đã thiết tha khuyên các Đệ tử phải trau dồi trí tuệ như sau:
" Trí tuệ là chiếc thuyền kiên cố chở khỏi biển già, đau, chết; là ngọn đèn lớn chói sáng vô minh hắc ám, là liều thuốc hay chữa hết thảy bệnh tật, là chiếc búa sắt chặt gãy cây phiền não. Vậy các người phải lấy sự nghe, sự suy nghĩ, sự tu tập mà tự tăng ích cho trí tuệ mình". (Kinh Di Giáo).
Những lời nhắn nhủ thống thiết của đức Bản sư, chúng ta không thể không ghi nhớ và thực hành được.Vả chăng, trong sáu độ Ba la mật mà chúng ta đã học, mục đích cũng chỉ để dẫn đến độ thứ sáu là Trí tuệ, cái mức độ cuối cùng của đạo Giác ngộ và giải thoát.
Cầu mong tất cả quý vị Phật tử có được trí Tuệ để tự độ và tự tha đến bên kia bờ giải thoát.
Tổng Kết Về Lục Ba La Mật
Đạo Phật là đạo từ bi, mà cũng là đạo giác ngộ. Từ bi thuộc về phúc, giác ngộ thuộc về huệ. Phúc và Huệ là hai cánh làm cho con chim đại bàng là hành giả làm bay thẳng đến bờ giải thoát. Do đó, trong kinh thường nói: "Phúc, Tuệ song tu mới thành ngôi chính giác". Trong sáu pháp Ba la mật, bố thí và nhẫn nhục thuộc về tu phúc; thiền định và trí huệ thuộc về tu tuệ; còn trì giới và tinh tấn là hai chất liệu có công dụng kiểm soát và đốc thúc cho việc tu phúc và tuệ được thành tự hoàn toàn.
Nếu chúng ta đem so sánh một cách mộc mạc và đơn giản sáu pháp Ba la mật với chiếc thuyền Bát nhã đưa người từ bờ mê đến bến giác, thì: Từ bi là thức ăn, nhẫn nhục là nước uống, tinh tấn là cánh buồm và chèo, trì giới là bánh lái, thiền định là la bàn và trí tuệ là đèn đuốc. Sáu thứ ấy đều cần thiết cho người thủy thủ sẽ gặp khó khăn trong công cuộc hành trình vạn dặm của mình.
Đứng về một khía cạnh khác để nhận xét giá trị của lục độ, chúng ta sẽ thấy như thế này: Bố thí và nhẫn nhục thuộc về bi, thiền định và trí huệ thuộc về Trí, còn trì giới và tinh tấn thuộc về Dũng. Một Phật tử hoàn toàn phải có đủ ba phương tiện Bi, Trí, Dũng mới mong điđến bờ giác ngộ một cách thông suốt và nhanh chóng.
Vậy mong quí vị Phật tử tại gia cũng như xuất gia, trong khi học và hành sáu pháp Ba la mật, đừng nên xem thường một pháp nào. Có như thế mới đủ phương tiện nà năng lực để tự đọ và độ tha, đến nơi cùng tột và đúng với ý nghĩa Ba la mật.
- 3138
Viết bình luận