9. Mười Tông Phái Phật Giáo Ở Trung Hoa (Duy thức Tông) | Đại Bảo Tháp Mandala Tây Thiên | Đại Bảo Tháp | Đại Bảo Tháp Tây Thiên

9. Mười Tông Phái Phật Giáo Ở Trung Hoa (Duy thức Tông)

Duy thức Tông
(Hay Pháp Tướng Tông)

 

I. Duyên Khởi Lập Tông

Tất cả chúng sinh đều vô thủy đến nay, vì chấp có thật ngã, thật pháp mà tạo ra các nghiệp, rồi bị các nghiệp dắt dẫn nên xoay vần mãi theo bánh xe sinh tử luân hồi.

Nếu con người hiểu rõ một cách chắc chắn rằng: tất cả các pháp trong vũ trụ, nhân và ngã đều không thật có, chỉ do thức biến hiện, như cảnh trong chiêm bao, mà không còn gây phiền não, tạo nghiệp chướng nữa, thì tất không còn bị ràng buộc, trong bánh xe sinh tử luân hồi.

Để phá trừ hai món chấp thật ngã và thật pháp, Đức Phật có rất nhiều phương pháp, có rất nhiều pháp thiền, mà Duy Thức Tông hay Pháp tướng tông là một pháp tu rất cần thiết, rất hiệu nghiệm để đi đến giải thoát.

II. Định Nghĩa

Tông này thuộc về Đại thừa, phân tích vũ trụ, vạn hữu đều do thức biến hiện.

Duy thức tông, hay Pháp tướng tông, như danh từ đã chỉ định, không nói về tâm tính chân như, mà chỉ nói về tướng của thức, tức cũng là tướng của pháp. Biết rằng từ chân vọng hòa hiệp biến thành hình tướng thức A-Lại-Da, rồi tư thức A-Lại-Da sinh ra các tướng tâm pháp .v.v...Tông này quán sát hành tướng của các pháp ấy, nên gọi là “Pháp tướng tôn”.

Đứng về phương diện nguyên nhân mà nghiên cứu, tông này chủ trương rằng vũ trụ vạn hữu, hay là tát cả các pháp đều do duy thức biến hiện, ngoài thức không còn một yếu tố nào khác nữa nên gọi là “Duy thức tôn”.

Vậy “Pháp-tướng tôn” hay “Duy thức tôn” cũng đều để gọi pháp môn mà tôn chỉ chỉ là nghiên cứu, quan sát hành tướng và nguyên nhân sinh khởi của vạn pháp. Nguyên nhân sinh khởi ấy là “Thức”.

III. Căn Cứ Các Kinh Sách Sau Đây Lập Ra Duy Thức Tông

Như tất cả các tông phái khác, Duy thức tông cũng căn cứ vào căn luận của Phật mà được thành lập ra. Đó là 6 bộ kinh và 11 bộ luận sau đây:

Sáu bộ kinh là:

1. Kinh Giải thâm mật

2. Kinh Hoa Nghiêm

3. Kinh Như Lai xuất hiện công đức trang nghiêm

4. Kinh A-tỳ-đạt-ma

5. Kinh Lăng Nghiêm

6. Kinh Hậu Nghiêm (hay Mật Nghiêm).

Mười một bộ luận là:

1. Luận Du già Sư địa

2.  Luận Hiển dương Thánh giáo

3. Luận Đại thừa Trang nghiêm

4. Luận Nhiếp Đại thừa

6. Luận Thập địa kinh

7. Luận Phân biệt Du già

8. Luận Quán Sở duyên duyên

9. Luận Duy thức Nhị thập tụng

10. Luận Biện trung biên

11. Luận Tạp luận

Vị sáng lập ra Duy thức chính là Bồ Tát Di Lặc. Đức Di Lặc sau khi tu chứng được Duy thức, đã theo lời thỉnh cầu của Ngài Vô Trước, nói Luận Du già Sư địa.

Hai vị có công lớn trong việc phát triển tông này ở Ấn Độ là hai anh em nhà Vô Trước và Ngài Thế Thân. Ngài Vô Trước dựa theo bộ “Du già Sư địa” làm ra bộ luận “Hiển dương Thánh giáo”, và “Nhiếp Đại thừa”. Ngài Thế Thân lại có công đức lớn lao hơn nữa, tóm tăt lại nghĩa lý Duy thức, làm ra bộ luận “Duy thức tam thập tụng”. Về sau, có mười vị Đại Luận sư, sớ giải bộ Duy thức tam thập tụng, làm thành mười bộ luận chính về Duy thức .

Đến đời Đường, Ngài Huyền Trang từ Trung Hoa sang Ấn Độ thỉnh kinh và tham cứu về Phật giáo. Môn học sở trường của Ngài là Duy thức. Sau khi trở về Trung Hoa, Ngài lượm lặt tinh hoa của 10 bộ đại luận nói trên, dịch thành Hán văn, dưới nhan đề là: “Thành Duy thức Luận”, gồm cả thảy 10 quyển. Ngài Khuy Cơ là đệ tử lớn của Ngài Huyền Trang sớ giải thêm rõ nghĩa lý bộ “Thành Duy thức Luận” làm ra thành 60 quyển, dưới nhan đề là “Thành Duy thức thuật ký”.

Tóm lại, ở Ấn Độ, vị có công lớn nhất trong sự phát huy Duy thức tông là Ngài Thế Thân. Còn ở Trung Hoa, vị có công lớn nhất trong việc truyền bá Duy thức tông là Ngài Huyền Trang.

Về phương diện sách vở dạy về Duy thức, từ xưa đến nay được các học giả xem là chính tông Duy thức, thì có ba bộ sau đây:

1. Đại thừa Bá pháp minh môn luận (tác giả là Ngài Thế Thân): Nội dung bộ luận này giải thích các danh từ chuyên môn của Duy thức, nói rõ 100 pháp và hai món vô ngã. Người học Duy thức nếu không học bộ luận này trước, thì không dễ gì hiểu được Duy thức (bộ luận này đã được dịch ra tiếng Việt và chúng tôi lấy nhan đề là: “Duy thức nhập môn”).

2. Duy thức tam thập tụng (cũng do Ngài Thế Thân tạo ra): Trong bộ luận này Ngài Thế Thân dùng 30 bài tụng để giải thích về nghĩa lý chính của Duy thức, luận này chia làm bốn phần:

a) Phần thứ nhất nói về ba thức năng biến:

-Thức năng biến thứ nhất là thức A-lại-da (thức tứ tám).

-Thức năng biến thứ hai là thức Mạt-na (thức thứ bảy).

-Thức năng biến thứ ba là sáu thức năng trước.

b) Phần thứ hai nói về các tâm sở:

- Biến hành (5 món)

- Biệt cảnh (5 món)

- Thiện (11 món)

- Căn bản phiền não (6 món)

- Tùy phiền não (20 món)

- Bất định (4 món).

c) Phần thứ ba giải đáp các nghi vấn:

- Làm sao biết được phận vi sinh khởi của các thức?

- Nếu không có ngoại cảnh, thì sao có sinh tử và các sự phân biệt?

- Nếu không có ngoại cảnh, thì sao có chúng hữu tình sinh tử?

- Nếu chỉ thức, tạo sao Phật lại nói có ba tính?

- Nếu có ba tính, tại sao Phật nói ba món vô tính?

d) Phần thứ tư nói về đệ tu Duy thức:

Từ khi phát tâm tu Duy thức cho đến khi chứng được Duy thức tính thành Phật, hành giả phải trải qua năm địa vị, thứ lớp như sau đây:

-Vị Tư lương (như lương thực của người đi đường).

-Vị gia hạnh (gia công tấn hàng).

-Vị thông đạt (thấu suốt đường lối).

-Vị tu tập (tu hành tập luyện).

- Vị cứu cánh (đến cùng tột địa vị tu chứng).

3. Bát thức qui củ tụng (tác giả là Ngài Huyền Trang): Nội dung của quyển này, Ngài Huyền Trang dùng 12 bài tụng để toát yếu lại nghĩa lý Duy thức, gồm có bốn phần:

a) Phần thứ nhất nói về năm thức đầu

b) Phần thứ hai nói về thức thứ sáu

c) Phần thứ ba nói về thức thứ bảy

d) Phần thứ tư nói về thức thứ tám.

Mỗi một phần có ba bài tụng, hai bài tụng đầu nói hành tướng các thức, khi hành giả còn ở địa vị phàm phu; bài tụng thứ ba nói hành tướng các thức, khi lên quả vị Thánh.

Tóm lại, ba bộ luận trên này, người muốn học Duy thức, khôngthể bỏ qua được.

IV. Chủ Trương Của Duy Thức Tông

Chủ trương của Duy thức tông là phá trừ vọng chấp ngã, pháp (biến kế sở chấp), bằng cách chỉ cho chúng sinh thấy tất cả các pháp đều nương nơi thức hiện ra (y tha khởi), và mục đích cuối cùng là đưa chúng sinh trở về với tính chân thật (viên thành thật). Thế giới hiện tượng này, vì mêmờ, chúng ta tưởng là chắc thật, nhưng theo chủ trương của Duy thức học, thì vũ trụ vạn hữu đều là Duy thức biến hiện. Cũng như sơn hà, đại địa trong cảnh chiêm bao, không có cảnh vật ấy.

Vậy, nếu chỉ cho chúng sinh thấy được một cách rõ ràng, vũ trụ vạn hữu do thức biến hiện ra như thế nào, thì chắc chắn chúng sinh sẽ không còn chấp thật ngã, thật pháp nữa. Cũng như khi biết cảnh vật trong chiêm bao là do tâm chiêm bao sinh ra thì không còn mê muội nơi cảnh chiêm bao nữa. Mà không còn chiêm bao tức đã thức tỉnh. Cũng thế, khi không còn chấp thật ngã, thật pháp nữa, tất sẽ thấy được cảnh chân thật của vũ trụ vạn hữu, (tính viên thành thật). Đó là chủ trương của Duy thức tông.

Nói một cách vắn tắt, chủ trương của Duy thức tông là quy vũ trụ vạn hữu trở về Duy thức tướng, rồi từ Duy thức tướng trở về Duy thức tính (tâm chân như hay tính viên giác).

V. Thành Phần Của Hiện Tượng Giới

(Vũ trụ vạn hữu gồm cả tâm và pháp).

Phân Loại Theo Duy Thức Tông

Hiện tượng giới, tức là vạn sự vạn vật trong vũ trụ (gồm cả tâm lẫn vật), tuy nhiên không thể kể xiết được, nhưng dưới nhãn quan của nhà Duy thức học, có thể phân ra thành năm loại; năm loại này lại chia thành 100 thành phần hay 100 pháp.

Năm loại lớn ấy là:

1. Tâm vương tức là “tướng” của thức, thuộc về tâm giới.

2. Tâm sở tức là “dụng” của thức, cũng thuộc về tâm giới.

3. Sắc pháp tức là “ảnh tượng” của thức, thuộc về sắc giới.

4. Bất tương ứng hành tức là “phận vị sai khác” của thức, không phải thuộc hẳn về tâm mà cũng không thuộc về sắc giới, nhưng gồm cả hai phần mà thành.

5. Vô vi tức là “tính” của thức, cũng gọi là “chân như”

Bốn loại trên: tâm vương, tâm sở, sắc pháp, bất tương ưng hành đều thuộc về “hữu vi”, tức là “tướng, có sinh diệt”.

Loại thứ năm, là pháp “vô vi”, không sinh diệt, không tạo tác, tức là “tính” của các pháp, hay chân như.

Năm loại trên đây, mỗi loại lại chia làm nhiều thành phần, có những tác dụng hành tướng riêng biệt, mà chúng ta cần nghiên cứu kỹ sau đây:

1. Tâm vương

Tâm vương gồm có tám món, mỗi món có những đặc tính, khả năng và nhiệm vụ riêng biệt, như mỗi ông vua làm chủ mỗi nước, nên gọi là tâm vương. Tám phần của tâm vương là:

a) Nhãn thức

b) Nhĩ thức

c) Tỵ thức

d) Nhận thức

đ) Thân thức

e) Ý thức

h) A-lại-da thức

Chúng ta có năm giác quan, mỗi giác quan có một sở năng, một cái biết riêng: khi ta nhìn một cái hoa, biết cái hoa ấy màu vàng hay đỏ v.v...cái biết ấy thuộc về con mắt, nên gọi là nhãn thức. Khi chúng ta nghe đàn, biết tiếng đàn ấy cao hay thấp, to hay nhỏ v.v...cái biết ấy thuộc về tai, nên gọi là nhĩ thức. Khi ta ngửi một mùi gì, biết được mùi ấy thơm hay hôi, cái biết ấy thuộc về mũi, nên gọi là tỵ thức. Khi chúng ta nếm một món ăn gì, biết được món ăn ấy mặn hay lạt, chua hay ngọt, cái biết ấy thuộc về lưỡi, nên gọi là thiệt thức. Khi chúng ta đụng vào một vật gì, biết vật ấy cứng hay mềm, nóng hay lạnh, cái biết ấy thuộc về thân thể, nên gọi là thân thức.

Năm cái biết trên này: Nhãn, Nhĩ, Tỵ, Thiệt và Thân thức, thuộc về năm giác quan bên ngoài nên chúng ta dễ nhận.

Ba cái biết sau này: Ý thức, Mạt-na-thức, A-lại-da-thức, thuộc về nội tâm, và theo thứ lớp, ẩn sâu vào trong, tế nhị hơn, nên khó nhận khó biết. Tuy thế, đối với nhà Duy thức học, người ta cũng có thể nhận biết được rành rẽ hành tướng, phân biệt được phạm vi hoạt động, sở trường, sở đoản và công năng của mỗi thứ.

Trước tiên, chúng ta nói đến thức thứ sáu hay "Ý thức".

Ý thức có hai phạm vi hoạt động:

- Khi nào ý thức hiệp với năm thức trước, tiếp xúc với cảnh, thì gọi là “Ngũ của ý thức”, hay là “Minh liễu ý thức". Trong lúc mắt thấy sắc, tai nghe tiếng v.v... mà không có ý thức phụ vào (để ý) thì mặc dù mắt vẫn thấy, tai vẫn nghe, nhưng thấy nghe không được rõ ràng. Sách Nho chép: "Tâm bất tại diên, thị nhi bất kiến, thính nhi bất văn" (nếu không chú ý, thì dù xem cũng chẳng thấy, lắng cũng chẳng nghe). Trái lại, khi có ý thức phụ vào, thấy nghe v.v... đều minh bạch.

- Khi nào ý thức làm việc một mình, không cùng hợp tác với năm thức trước, thì gọi là "Đơn độc ý thức" hay "Độc đầu ý thức". Như trong lúc năm thức trước không tiếp xúc với sắc, thanh, hương, vị và xúc, mà trong tâm trí vẫn lưu lại bóng dáng (pháp trần) của năm trần. Khi chúng ta nhớ tưởng lại, thì cảnh ngủ trần in như hiện rõ ràng ở trước, đó là công dụng của “Độc đầu ý thức". Thức thứ sáu này, khi tính toán, suy nghĩ việc gì, thiện hay ác, hay hay dở, cũng đều lanh lợi đảm đang hơn các thức khác, nên trong duy thức nói: “Công vi thủ, tội vi khôi" ( Có công thì nó đứng đầu, mà có tội nó cũng đứng đầu).

Thức thứ sáu, tuy sở trường là khôn ngoan lanh lợi, nhưng lại có sở đoản là bất thường, không phải lúc nào cũng hiện diện, mà lại có khi gián đoạn, ẩn phục, như trong lúc bị hụp thuốc mê, chết giả, ngủ say, hay nhập vô tưởng định v.v... Qua những giai đọan ấy, ý thức lại hiện trở lại.

Vậy trong lúc ý thức không hiện, nó núp ở đâu?

Theo Duy thức, khi đó, thức thứ sáu trở về gốc của nó là ý căn, tức là thức thứ bảy hay thức Mạt-na. Theo tâm lý học thì cũng có thể gọi là tiềm thức.

Thức thứ bảy này có hai công năng:

-Chấp ngã;

-Làm căn bản cho Ý thức thứ sáu.

Nó có công là đem các pháp hiện hành bên ngoài ''truyền'' vào tạng thức và đem các pháp chủng tử bên trong ''tống'' ra ngoài nên nó có tên là ''truyền tống thức''. Sự chấp ngã của thức này và của thức thứ Sáu, có thô và tế khác nhau. Khi nào để ý bảo thủ bản ngã, như khi ra trận bắn nhau với địch quân, khi đánh lộn, hay tìm một kế gì để sinh nhai, thì sự chấp ngã ấy thuộc về thức thứ Sáu. Thực ra không có lúc nào chúng ta không chấp ngã, sự chấp ngã vẫn thường trực trong chúng ta. Nhưng nó âm thầm, sâu kín, tiềm trực, nên chúng ta không nhận thấy được. Đến lúc bất ngờ, đột nhiên xảy ra một sự việc gì đó có nguy hại đến tính mạng ta, như bất thần có người rình rập, hay đi ra đường bị nhành cây gãy sắp rơi xuống đầu...trong những lúc ấy, tuy thức thứ Sáu không kịp để ý can thiệp, đối phó mà ta vẫn tự tránh né, bảo thủ cái ngã. Đó là sự chấp ngã của thức thứ bảy.

Ngoài bảy thức nói trên, còn có một thức thứ tám tế nhị, sâu kín mênh mông hơn nữa, đó là thức A-lại-da, Tàu dịch là tàng thức, nghĩa là thức ''Tích chứa''.

Từ nhỏ đến lớn chúng ta đọc rất nhiều sách, tếp xúc với nhiều sự vật, rồi thời gian cứ tuần tự trôi qua, chúng ta tưởng đã quên mất rồi. Thế mà không! Mỗi khi nghĩ dến thì danh từ, hình ảnh của những vật xưa cũ hiện ra rõ ràng như một cuốn phim quay lại ở trước mắt. Những danh từ hình ảnh ấy, vì sao mấy chục năm qua mà vẫn còn lại? Tất nhiên phải có một cái kho vô tận chứa lại, nên mới không mất vậy! Kho vô tận này trong Duy thức tôn gọi là tàng thức (thức chứa).

Để cho dễ nhớ hành tướng và công năng của tám thức nói trên, cổ nhân có làm bài kệ rằng:

Nguyên văn:

Bát cá đệ huynh, nhất cá si

Độc hữu nhất cá, tối linh tinh

Ngũ cá môn tiền tô mãi mại

Nhất cá gia trung tác chủ y.

Dịch nghĩa:

Anh em tám chú một người si (thức thứ bảy)

Một mình ý thức rất tinh ranh (thức thứ sáu)

Năm chàng ngoài cửa lo buôn bán (năm thức trước)

Làm chủ trong nhà, thức lại da (thức thứ tám).

2. Tâm sở

Tâm sở là tính sở hữu, phụ thuộc của Tâm vương, cũng như ông quan trong triều, phụ thuộc dưới quyền sai sử của ông vua, hay những nhân viên phụ thuộc dưới quyền sử dụng của vị Bộ trưởng. Tâm sở có tất cả 51 pháp, chia làm sáu loại như sau:

(1) Biến hành Tâm sở: Biến là phổ biến, hành là lưu hành; Biến hành Tâm sở nghĩa là những tâm sở có công năng phổ cập lưu chuyển khắp cả tám thức (tâm vương), với thức nào nó củng tương ưng được cả. Biến hành Tâm sở gồm có 5 pháp là: Xúc, Tác ý, Thọ, Tưởng và Tư.

(2) Biệt cảnh Tâm sở: Biệt là riêng biệt, Biệt cảnh Tâm sở là những tâm sở riêng mỗi cảnh khác nhau, như dục Tâm sở duyên riêng với cảnh mà mình ưa muốn; Huệ tâm sở riêng với cảnh mà mình quan sát... chứ không phải như Biến hành tâm sở. Biệt cảnh Tâm sở gồm có 5 pháp là: Dục, Thắng giải, Niệm, Định và Huệ.

(3) Thiện Tâm sở: Thiện Tâm sở là tâm sở lành và có công năng phát sinh những điều lành mà thôi. Thiện tâm sở gồm có 11 pháp là: Tín, Tàm, Quý, Vô tham, Vô sinh, Vô si, Tinh tấn, Khinh an, Bất phóng dật, Hành xã và Bất hại.

(4) Căn bản phiền não tâm sở: những tâm sở này gây phiền não, rối loạn cho chúng sinh. Đây là những phiền não làm cội gốc cho các phiền não phát sinh, nên gọi là căn bản phiền não. Căn bản phiền não bao gồm có sáu pháp là: Tham, Sân, Si, Mạn, Nghi, Ác kiến.

(5) Tùy phiền não tâm sở: Những tâm sở này nương tựa, phát sinh từ các phiền não căn bản tâm sở nói trên, nên gọi là tùy phiền não. Những tâm sở căn bản phiền não trên là góc mà những tâm sở phiền não này là ngọn. Tùy phiền não tâm sở gồm có 50 pháp là: Phẫn, Hậu, Phú, Não, Tật, Xan, Cuốn, Siển, Hại, Kiêu, Vô tàm, Vô quí, Trạo cử, Hôn trầm, Bất tín, Giải đãi, Phóng dật, Thất niệm, Tán loại, Bất chính triều.

(6) Bất định tâm sở: Bất định nghĩa là không nhất định; bất định tâm sở là những tâm sở không nhất định thiện hay ác; không đứng hẳn về một phía thiện hay ác; như các pháp nói trên. Bất định tâm sởn gồm có bốn pháp là: Hối, Miên,Trầm, Tư.

3. Sắc pháp

Sắc pháp tức là những pháp có thể hư nát và có tính cách chướng ngại. Sắc pháp là sự phối hợp của năm căn và sáu trần, cộng tất cả là 11 pháp:

Năm căn là: Nhãn, nhĩ, tỵ, thiệt, thân.

Sáu trần là: Sắc, thanh, hương, vị, xúc, và pháp trần.

4. Bất tương ưng hành pháp

Các pháp này không thuộc về sắc mà cũng không thuộc về tâm; nhưng chúng nó không thể rời sắc và tâm mà có được. Thí dụ như ''đắc'' (được) là một ''bất tương ưng pháp''. ''Được'' không thể là sắc mà cũng không thể nào là tâm. Nhưng khi nói ''được'', tức là hàm cái nghĩa ''được'' một cái gì, nhưng ''được'' một đồng bạc chẳng hạn, và phải có một yếu tố thứ hai là ''ai'' được. Đồng bạc thuộc về sắc, ''ai'' thuộc về tâm. Còn ''được'' không phải là sắc và tâm mới có. Đó là một thí dụ để chúng ta suy ngẫm về những pháp Bất tương ưng khác, như mạn căn, sinh, trụ, dị, diệt, phương, thế tốc .v.v… gồm tất cả là 14 pháp.

5. Vô vi pháp

Như đoạn trên đã có nói, pháp vi vô là pháp không sinh, không diệt, không tạo tác, không thay đổi, xa lìa tướng hư vọng, tức là thể tính của các pháp. Các pháp vô vi, đối với phàm phu thì khó có thể nói năng, nghĩ bàn, so sánh được. Tuy thế, để có một ý niệm về thể tính chân như, nhà chủ trương Duy thức dựa vào sắc tướng, danh tự để hình dung các pháp vô vi. Do đó, mà đặt sáu pháp vô vi sau đây:

a) Hư không vô vi: Muốn nói thể tính chân như, xa lìa các đều chướng ngại, giống như hư không.

b) Trạch diệt vô vi: Trạch là lựa chọn, Diệt là diệt trừ, nghĩa là nhờ các sự lựa chọn đứng đắn của Trí tuệ vô lậu mà diệt trừ được sự phiền não nhiễn trước, chứng ngộ cứu cánh.

c) Phi trạch diệt vô vi: trên thì nói nhờ sự lựa chọn, đứng đắn của trí tuệ mà diệt trừ được sự phiền não nhiễm trước. Nhưng nói thế không có nghĩa rằng pháp tính nhờ có sự diệt trừ phiền não mới có được. Pháp tính vốn đã có sẵn, xưa nay là vốn là thanh tịnh, không có nhiễm ô, không có sinh diệt, cho nên gọi là phi trạch diệt vô vi. Lại có nghĩa thứ hai là vì thiếu duyên, nên các phiền não nhiễm ô không hiện; vì thế mà pháp vô vi thanh tịnh tự hiện ra, không cần có sự trạch diệt.

d) Bất động diệt vô vi: khi đã xa lìa các phiền não, về cõi tịnh lự thứ ba, thuộc về sắc giới, dứt bỏ những sự vui buồn, thường tương ưng cùng xả thọ, không còn bị lay động bởi một sắc tướng gì nữa, nên gọi là “bất động diệt vô vi”.

e) Tưởng thọ diệt vô vi: Khi đã xa lìa được phiền não ở cõi thứ ba thuộc về vô sắc giới, các tâm sở “tưởng, thọ” đều tịch diệt, chân như hiện ra, nên gọi là “Tưởng thọ diệt vô vi”.

f) Chân như vô vi: Năm pháp vô vi trên này là hình dung các đức tính của chân như; pháp thứ sáu này là "Chân như vô vi", mới chỉ đích danh bản thể chân như.

Để người đọc dễ nhớ 100 pháp vừa kể trên này, cổ nhân có làm một bài kệ, tóm tắt như sau.

Nguyên văn:

Sắc pháp thập nhất, tâm pháp bát

Ngũ thập nhất cá tâm sở pháp

Nhị thập tứ chủng bất tương ưng

Sáu món vô vị, thành trăm pháp

Dịch nghĩa:

Sắc pháp mười một, tâm pháp tám

Năm mươi mốt món tâm sở pháp

Hai mươi bốn món bất tương ưng

Sáu món vô vi, thành trăm pháp.

VI. Phương Pháp tu hành

Như chúng ta đã biết vũ trụ vạn hữu tuy vô cùng phức tạp, nhưng nhà Duy thức học có thể sắp xếp thành 100 loại (bách pháp). Một trăm loại này, tuy hình tướng công năng có khác nhau, chung cục lại cũng đều Thức cả.

Vậy phương pháp tu hành của nhà duy thức học là làm thế nào để chứng ngộ cái lý nói rên, thể nhập với cái chân lý ấy. Để đạt được mục đích này nhà Duy thức học dạy phải thực hành 5 pháp quán sau đây, gọi là ''Ngũ trùng duy thức quán''. Với năm pháp quán này, hành giả đi từ thô đến tế, từ phức tạp đến tinh thuần, để cuối cùng chỉ còn thấy có thức tính, tức là tâm chân như.

1. Bỏ cái hư giả, lưu lại cái hư thật (khiển hư, tồn thật): Bỏ cái hư giả ức là các vọng chấp thật có ngã, có pháp do cái tính “biến kế chấp” tạo ra. Lưu lại cái chân thật, tức là cái tính “y tha khởi”' và “viên thành”. Nói một cách khác cho dễ hiểu, trong pháp quán này, hành giả phải quán ngã và pháp là không thật (hư) để phá trừ cái chấp thật có. Hành giả lại quán tính y tha, viên thành là thật có (thật) để phá trừ chấp không. Trong lối quán Duy thức tầng thứ nhất này, ''có'' và ''không'' đối đãi nhau, để bỏ'' biến kế chấp'' lưu lại ''y tha'' và ''viên thành''.

2. Bỏ cái nhộn nhạo, lưu lại cái thuần túy (xả lạm lưu thuần): Cái nhộn nhạo nói ở đây là tướng phần (nội cảnh); có thuần túy ở đây là kiến phần. Bỏ cái nhộn nhạo, lưu cái thuần túy, tức là bỏ phần ''tướng'' bị duyên (sở duyên) mà lưu lại cái phần ''kiến'' là phần năng duyên. Đây là quán thứ hai về lối duy thức, lấy tâm (năng) và cảnh (sở) đối đãi với nhau, và mục đích là bỏ cảnh (xả lạm) mà chỉ giử lại tâm (lưu thuần). Lối quán thứ nhất là bỏ vọng cảnh ngoài tâm; lối quán thứ hai này là bỏ cảnh nội tâm là tướng phần của thức.

3. Đem cái ngọn trở về gốc (nhiếp mạt quy bản): Cái ngọn ở đây tức là muốn nói tướng phần và kiến phần, còn gốc ở đây tức là tự chứng phần. Kiến phần là ''dụng'' đều y theo tuệ chứng phần mà khởi ra, nên gọi là ngọn; còn tự chứng phần là ''thể tính'' cho nên gọi là gốc. Lối quán Duy thức thứ ba này là đem ''dụng'' và ''thể'' đối đãi với nhau, mà mục đích là bỏ cái phần thuộc tương đối ít quan trọng là dụng (kiến phần), chỉ giữ lại cái phần căn bản là thể (tự chứng phần).

4. Giấu cái liệt làm hiển lộ cái thắng (ẩn liệt hiển thắng): Cái Liệt muốn nói ở đây tức là các tâm sở, cái Thắng tức là các tâm vương. Tâm sở phụ thuộc vào cái tâm vương nên gọi là liệt, hay kém; tâm vương là phần sai sử chủ động, nên gọi là thắng, hay hơn. Lối quán duy thức thứ tư này là đem 51 món tâm sở so sánh với 8 món tâm vương, và mục đích là dẹp bỏ các món tâm sở và làm hiển lộ 8 món tâm vương.

5. Bỏ thực tướng về thức tính (khiển tướng chứng tính): Bốn tầng quán Duy thức trên, tuy rốt ráo chỉ còn giử lại các món tâm vương, nhưng tâm vương cũng có sự tướng và lý tính. Lối quán thứ năm này là đem sự tướng đối đãi với lý tính, mà mục đích cuối cùng là bỏ sự tướng của thức (thức tướng) để trở về với lý tính của thức (thức tính), tức cũng là chứng nhập Pháp tính hay tâm Chân như (quý độc giả muốn hiểu rõ thêm, xin xem bài duy thức quán đại cương của Ngài Thái Hư Pháp sư).

Ngoài năm lớp quán Duy thức của cổ nhân mà chúng tôi vừa kể trên, còn có một lối tu nữa rất dễ dàng và thiết thực, hợp với đại chúng là chúng ta thường quan sát và kiểm điểm nội tâm của mình.

Chúng ta hãy độc kỹ về hai loại Phiền não tâm sở và Thiện tâm sở trong Duy thức, để nhìn rõ mặt mày tướng trạng, công dụng, tính tình và danh tự của chúng. Rồi hằng ngày chúng ta kiểm điểm ở nội tâm: Mỗi khi hiện lên một tâm niệm gì, chúng ta kiểm điểm và quan sát thật kỹ tâm niệm này thiện hay ác (phiền não). Nếu tâm niệm thiện thì chúng ta nuôi dưỡng cho nó phát triển thêm, còn nếu tâm niệm ác thì chúng ta mau mau lo diệt trừ đi. Chúng ta biết sửa đổi tâm niệm xấu (tu tâm) và nuôi dưỡng tính tốt (dưỡng tính) như thế phải thì chúng ta sẽ thành được Thánh hiền (xem quyển tu tâm và dưỡng tính).

VII. Hành Giả Phải Trải Qua Năm Địa Vị Trong Khi Tu Duy Thức

Người tu học pháp môn Duy thức, cũng như kẻ bộ hành, từ khi nảy sinh ra cái ý định muốn đi cho đến tới đích, phải trải qua năm giai đoạn hay năm địa vị như sau:

1. Vị tư lương: Tức là thời gian chuẩn bị như người sắp đi xa, phải chuẩn bị lương thực trước lúc lên đường.

Trong Duy thức Tam thập tụng:

Nguyên văn:

Nãi chí vị khởi thức

Cầu trụ Duy thức tính

Ư nhị thủ tùy miên

Du vị năng phục diệt

Nghĩa là: Từ khi chưa phát tâm cho đến khi phát tâm cầu an trụ Duy thức tính, trong thời gian đó, hai món thủ (ngã chấp, pháp chấp) hãy còn miên phục, hành giả chưa có thể chinh phục diệt trừ được.

2. Vị Gia hạnh: Hành giả gia công tấn hạnh, cũng như người định đi xa, sau khi đã chuẩn bị đủ hành lý cách bước lên đường.

Trong Duy thức tam thập tụng có chép.

Nguyên văn:

Hiện tiền lập thiểu vật

Vị thị duy thức tính

Dĩ hữu sở đắc cố

Phi thật trụ duy thức

Nghĩa là: Nếu hiện tiền còn thấy mình an trụ duy thức tính, dù nhỏ nhiệm bao nhiêu thì cũng chưa phải thật an trụ Duy thứ tính, vì còn có chỗ sở đắc vậy.

3. Vị Thông đạt: Hành giả thông suốt đường lối tu hành, cũng như người bộ người bộ hành nghiên cứu kỹ lưỡng con đường mình sắp đi, biết rõ đoạn nào tốt, đoạn nào xấu, đoạn nào nguy hiểm, đoạn nào không ...

Trong Duy thức tam thập tụng có chép:

Nguyên văn;

Vô đắc bất đắc nghị

Thị xuất thế gian trí

Xả nhị thô trọng cố

Tiện chứng đắc chuyển y.

Nghĩa là: cảnh giới "vô dắc" này không thể nghĩ bàn; đây là trí xuất thế gian vô lậu. Do đã xa lìa được hai món thô trọng (phiền não chướng và sở tri chướng), hành giả chứng được hai món chuyển y ( Bồ Đề và Niết bàn).

5. Vị cứu cánh: Quả vị rốt ráo của sự tu chướng, tức là quả Phật, cũng như người đi đường đã hòan toàn tới chỗ.

Trong Duy thức tam thập tụng có chép:

Nguyên văn:

Thử tức vô lậu giới

Bất tư nghị, thiện, thường

An lạc, giải thoát thân

Đại Mâu-nhiều danh pháp.

Nghĩa là: đây là cảnh giới vô lậu, cũng gọi là: a) Bất tư nghị, b) Thiện, c) Thường, d) An lạc, đ) Giải thoát thân, e) Đại Mâu nhiều, cũng gọi là pháp thân (Quý vị muốn rõ thêm, xem cuốn Duy thức học, tập V, tức là Duy thức tam thập tụng ).

VII. Kết Quả Tu Chứng

1. Hành giả: sau khi đã dày công tu luyện pháp mê vọng, năm thức trước của chúng tính là nhãn, nhĩ, tỵ, thiệt và thân thức, duyên với cảnh giới năm trần là sắc, thanh, hương, vị và xúc trần; nhờ thế mà chúng ta mới thấy được sắc, nghe được tiếng, ngửi được mùi, nếm được vị và cảm giác được cảnh giới chung quanh. Nhưng cái giá trị và tầm hoạt động cũng như công dụng của năm thức ấy rất nhỏ hẹp và thường hay sai lạc, nhận giả làm thật. Do đó, chúng ta tạo ra các nghiệp sinh tử luân hồi, quay cuồng trong lục đạo. Đối với người tu Duy thức khi đã thành tựu rồi, thì năm thức này chuyển ra thành cái trí “thành sở tác”, nghĩa là cái trí này có những công năng vô cùng rộng lớn như thị hiện thần thông biến hóa, hiện ra ba món hóa thân, đẻ tùy theo căn cơ của chúng sinh mà hóa dộ.

2. Diệu quán sát trí: khi đang còn ở trong mê thức thứ sáu chỉ biết so đo, tính toán trong phạm vi nhỏ hẹp, tầm hoạt động không thể bao quát cùng khắp được. Do đó nên nó thường hay sai lạc, lầm lẫn, và lôi kéo thân và miệng làm nhiều điều tội lỗi, tạo ra các nghiệp sinh tử luân hồi. Đến khi đã chứng được Duy thức quả rồi, thì cái thức thứ sáu này chuyển thành cái trí Diệu quan sát, nghĩa là cái trí quan sát rất là mầu nhiệm, có thể thấy được hằng sang thế giới; trong mỗi thế giới thấy được toàn thể chúng sinh, trong mỗi chúng sinh thấy được bao nhiêu tâm niệm v.v...Và nhờ sự quan sát huyền diệu rốt ráo như thế mà tùy theo nguyện vọng, tâm lý, làm lợi lạc cho chúng sinh.

3. Bình đẳng tính trí: Trong khi mê, thức thứ bảy chấp kiến phần của thức thứ tám là ngã. Khi đã chấp "ngã" tất nhiên chỉ biết có ngã là quan trọng nhất, và mọi ý nghĩ, mọi hành động, mọi lời nói gì cũng đều quy tụ chung quanh cái ngã. Điều gì thích hợp với cái ngã thì yêu thương, chiều chuộng, cưng dưỡng, điều gì trái với cái ngã thì khinh ghét, hắt hủi, chà đạp. Do đó, gây ra không biết bao nhiêu là bất công, bất bình đẳng làm xáo trộn, điêu đứng phá hủy cõi trần gian này. Đến khi chứng được Duy thức quả, thức thứ bảy này không còn chấp ngã nữa, mà chỉ thấy mình và người, cho đến lòai vật đều như nhau. Khi đã có được trí bình đẵng rồi thì sẽ dùng tâm từ bi hiện đủ phương tiện, để tùy theo căn cơ mỗi loài mà hóa độ, làm cho chúng sinh đều được giải thoát.

4. Đại viên cảnh trí: Khi còn mê mờ bị thức thứ Bảy chấp ngã và bị các chủng từ phiền não hữu lậu, nhiễm ô chi phối, nên thức thứ Tám không được sáng suốt thanh tịnh. Đến khi nhờ tu hành, chứng được Duy thức tính, thì thức thứ Tám này trở thành như một cái gương lớn được lau chùi sạch bụi bặm, có thể phản chiếu khắp cả mười phương thế giới, nên gọi là ''Đại viên cảnh trí''.

Bốn trí trên này, tuy có phân chia khác nhau, tùy theo công năng của mỗi thứ, nhưng rốt lại, có thể gồm hai trí sau đây là Căn bản trí và Hậu đắc trí.

a) Căn bản trí: Tức là trí thể, chư Phật có chúng sinh đều sẵn có. Trí này cũng gọi là Vô phân biệt trí.

b) Hậu đắc trí: Trí là trí dụng. Sau khi chứng quả Thánh, được Căn bản trí rồi mới được Hậu đắc trí. Trí này cũng gọi là Sai biệt trí; nghĩa là trí phân biệt các pháp do tính y tha khởi mà có sai khác.

Tóm lại, thành quả rốt ráo của người tu học Duy thức là chuyển đổi được tám thức thành bốn trí là: Thành sở tác trí, Diệu quán sát trí, Bình đẳng tính trí và Đại viên cảnh trí. Đứng về mặt thể và dụng mà xét thì bốn trí này chỉ gồm lại làm hai là: Căn bản trí và Hậu đắc trí. Khi đã được hai trí này hành giả đã chứng được Duy thức tính, ngộ nhập chân tâm, hoàn thành quả Phật.

IX. Lợi Ích Thiết Thực Trong Khi Học Và Tu Duy Thức

Kết quả thu hoạch được như trên, hành giả tất phải trải qua nhiều kiếp tu hành. Nhưng chúng ta đừng thấy con đường đi quá xa xôi, diệu vợi mà nản chí. Vả lại không phải đợi đến khi thu hoạch được kết quả cuối cùng mới nhận chân được sự lợi ích của pháp môn này. Ngay trong khi đang tu học, môn Duy thức này cũng đã đem lại cho chúng ta nhiều lợi ích thiết thực cho đời sống hiện tại rồi.

1. Chúng ta tự biết được mình một cách rõ ràng: Từ hồi nào đến giờ, chúng cho ta thân tâm này là của tính, tưởng rằng chúng ta đã hiểu rõ bản thân tính nhiều lắm. Nhưng nghĩ cho kỹ, chúng ta chỉ biết sơ sài về ta mà thôi. Về thân xác này, chúng ta chỉ thấy được những bộ phận ở bên ngoài như mặt, mũi, tay, chân v.v...Muốn biết các bộ phận bên trong, chúng ta tất phải học khoa phẫu thuật.

Về tâm tính chúng ta lại càng dốt hơn nữa. Nhiều khi chúng ta tưởng hiểu rõ nội tâm của mình, kỳ thật đã lầm nhiều lắm. Vậy muốn rõ biết tâm tính một cách rõ ràng, chúng ta hãy tu học Duy thức. Như phần trên đã nói. Duy thức học đã phân tích, chia chẻ một cách tường tận, tỉ mỉ, tâm lý của chúng ta, liệt kê ra thành nhiều loại; mỗi loại có tên riêng, hành tướng, công năng, phạm vi hoạt động khác nhau như thế nào. Học Duy thức, chúng ta thấy được phần nội tâm một cách rõ ràng như người cầm gương soi, thấy tất cả những gì ở trên mặt. Chúng ta sẽ biết rõ những tâm niệm xấu xa để diệt trừ (tu tâm), những tính tình tốt đẹp để bồi dưỡng (dưỡng tính). Do đó, chúng ta sẽ trở thành người hiền lương, đạo đức.

2. Chúng ta thấy được cái chính phủ nội tâm của chúng ta: Tâm lý của mỗi người mới xem qua thật vô cùng phức tạp; nhưng nếu suy nghiệm cho kỹ, chúng ta thấy vẫn có một tố chức gần giống như một liên bang; các Tâm vương khác như một vị Tổng thống của liên bang; các Tâm vương khác như các vị đứng đầu của tiểu bang; các tâm sở Biến hành như một vị Bộ trưởng; các Tâm sở Biệt cảnh như các vị Tỉnh trưởng, Quận trưởng; các Tâm sở Bất định như các vị dân biểu không đảng phái; các Tâm sở Thiện như các vị công thần liêm khiết hay các vị công chức tận tâm vì dân vì nước; các Tâm sở phiền não như những tham quan ô lại, hay cướp giật lưu manh v.v... còn các chủng tử (thiện, ác, vô ký) thì như toàn thể dân chúng trong liên bang.

Với một liên bang nội tâm như thế, nếu chúng ta biết sắp đặt điều hòa bộ máy chính quyền nội tâm cho vững vàng, thì tất nhiên liên bang ấy sẽ vững mạnh, hùng cường, và văn minh tiến bộ. Trái lại, nếu chúng ta không nắm vững được bộ máy hành chính nội tâm, thì liên bang ấy sẽ loạn lạc, đói khổ và không sớm thì muộn, sẽ rơi vào vực thẳm tối tăm.

Duy thức học giúp cho chúng ta thấy rõ chính phủ nội tâm của mình, để tự điều hòa cho được thạnh trị, thái bình.

3. Chúng ta trau giồi được một đức tính tốt đẹp là tính ''kiên nhẫn''

Học Duy thức, trước tiên chính là chúng ta học đức tính kiên nhẫn. Thật vậy, người không kiên nhẫn không thể học Duy thức đến nơi đến chốn được, vì môn học này chia chẻ tâm lý một cách tỷ mỷ, phiền toái; mỗi tâm niệm đều cũng nhiều danh từ chuyên môn,và được nghiên cứu kỹ lưỡng về tính chất, hành vi, tướng trạng...những người không chịu khó, tính tình hời hợt, nóng nảy, không thể nào thành công được trên đường tu học triều Duy thức. Cho nên chỉ những người kiên nhẫn mới thành công, hay ngược lại, muốn thành công thì phải luyện tập đức tính kiên nhẫn. Từ xưa đến nay, trong đạo hay ngoài đời, những người được thành công vĩ đại đều nhờ đức tính kiên nhẫn.

4. Chúng ta giữ thái độ bình tĩnh tự tại: Như các đoạn trước đã nêu rõ, mọi sự vật trong vũ trụ này đều do thức biến, chứ không chắc thật. Do đó, khi gặp điều may mắn, chúng ta không kiêu hãnh, ngạo mạn, cống cao; khi gặp cảnh đau buồn như tử biệt sinh ly...chúng ta bớt khổ não, kêu than, giữ được thái độ bình tĩnh và cũng cho biết được cõi đời là giả tạm, như mây bay, như gió thoảng, nên chúng ta không say đắm, tham lam, luyến tiếc, và nhờ thế, chúng ta bớt dần những nghiệp giữ, chóng được giải thóat.

5. Chúng ta nắm vững lòng tin

Học Duy thức, chúng ta thấy được giá trị cao siêu của nó, nên lại càng tin tưởng mạnh mẽ vào tôn giáo của chúng ta, một tôn giáo không phải dựa trên giáo điều độc đoán, mà dựa trên thực nghiệm, và lấy ngay nội tâm của con người làm nền tảng cho sự tu học của mình.

X. Kết Luận

Chúng tôi đã trình bày xong những điểm chính yếu của Duy thức tông hay Pháp tướng tông. tấĩt nhiên, với phạm vi những bài giảng này, chúng tôi không thể đi sâu vào chi tiết, trình bày một cách rộng rãi, đầy đủ hơn. Quý vị nào muốn nghiên cứu sâu xa về môn học này, xin hãy tìm trước tiên ba bộ sách chính tông của Duy thức là: Đại thừa Bá Phát minh môn luận (Duy thức nhập môn), Duy thức Tam Thập Tụng và Bát Thức Quy Củ tụng; sau đó sẽ nghiên cứu thêm những tập sách khác hiện đã xuất bản rất nhiều ở Việt Nam.

Tuy thế, sau khi xem qua nội dung bài này, quý vị có thể quyết định được con đường tu hành của quý vị rồi. Nếu quý vị thấy đây là một con đường tu hành thích hợp và thiết thực lợi ích đối với mình thì xin hãy hạ thủ công phu ngay, nghĩa là ngày đem quan sát kiểm thảo tâm thức của mình. Như quý vị đã biết, trong mỗi chúng ta đều có sáu đầu đảng giải quyết là sáu món Căn bản phiền não. Sáu đầu đảng này lại có hai mươi tên bộ hạ nguy hiểm là 20 Tùy phiền não. Chính bọn giặc cướp này, từ vô thủy đến nay phá hoại chúng ta vô cùng vô tận, làm cho chúng ta điêu đứng và trầm luân trong biển khổ sinh tử luân hồi. Nếu ngày nay biết được sự tàn phá của chúng, quyết tâm diệt trừ, không cho chúng hoành hành, chắc chắn cuộc đời chúng ta an cư lạc nghiệp (xong cuốn tu tâm).

Hơn nữa, bên cạnh những bọn giặc cướp ấy, chúng ta còn có những anh hùng nghĩa sĩ, chuyên làm các việc thiện là 11 món tâm sở thiện. Với những vị hảo hán này, chúng ta phải luôn luôn ân cần trọng đãi, khuyến khích cổ vũ để cho họ càng thêm hăng hái và mạnh mẽ làm các việc lành (xem quyển Dưỡng Tính).

Một khi các tâm niệm xấu xa hoàn toàn tiêu diệt, các đức hạnh tốt hoàn toàn đầy đủ, chúng ta sẽ thành Phật quả.

Cầu mong quý vị thành công!

 


 

Viết bình luận

Chúc mừng năm mới
Copyright © 2015 daibaothapmandalataythien.org. All Rights Reserved.
Xã Đại Đình, huyện Tam Đảo, tỉnh Vĩnh Phúc. Email: daibaothapmandalataythien@gmail.com

Đăng ký nhận tin mới qua email
Số lượt truy cập: 6407920
Số người trực tuyến: