11. Bài thứ mười một: Tâm bất tương ưng hành Pháp
Bài thứ mười một
TÂM BẤT TƯƠNG ƯNG HÀNH PHÁP
(Có 24 món)
o0o
Tâm bất tương ưng hành pháp, gọi tắt là “Bất tương ưng hành”. Chữ “Hành pháp” là những pháp thuộc về “Hành uẩn”. Hành uẩn là một trong năm uẩn.
Chữ “Hành” là sinh diệt dời đổi; chữ “Uẩn” là chứa nhóm. Hành uẩn có 2 loại:
- Tương ưng hành uẩn, tức là các tâm sở (51 món). Chữ “Tương ưng” là ưng thuận với Tâm Vương.
- Bất Tương ưng hành uẩn, tức là 24 món “Bất tương ưng hành” sau đây; 24 món này không tương ưng với tâm, chúng chỉ y ba phần: Tâm Vương, tâm sở và sắc pháp mà giả thành lập. (Tam, phần vị sai biệt cố).
1. Đắc: Được, trái với mất. Thí như “Tôi được đồng xu”, cố nhiên phải có đồng xu là “sắc pháp”, và nhãn thức để thấy, ý thức để phân biệt là tâm pháp, cùng với các tâm sở chung khởi là tâm sở pháp; phải đủ cả ba phần như thế, mới thành nghĩa “được”.
2. Mạng căn: Thân mạng. Do nghiệp đời trước kéo dẫn, làm cho thần thức thọ thân, sống trong một thời gian hoặc lâu hay mau, gọi là “mạng căn”.
3. Chúng đồng phận: Cũng như chữ “đồng loại”. Các loại chúng sinh hoặc hữu tình hay vô tình, loài nào đồng với loài nấy. Như loài người đồng với người; loài vật đồng với vật.
4. Di sinh tính: Những loài sinh ra khác với Thánh nhân, tức là phàm phu; chỗ khác gọi “Phi đắc”: Chúng phàm phu không được Thánh quả. Bởi thế nên gọi “Di sinh tính” hay “Phi đắc” đều được cả.
5. Vô tưởng định: Định này diệt hết các Tâm vương và Tâm sở của 6 thức trước. Song đây chỉ gọi “Vô tưởng” là vì “tưởng” làm chủ động vậy.
6. Diệt tận định: Định này không những diệt hết các Tâm vương và Tâm sở của 6 thức trước, mà diệt luôn cả phần tạp nhiễm của Tâm vương, Tâm sở về thức thứ Bảy.
Vô tưởng định là định của phàm phu; còn Diệt tận định là định của Thánh nhân.
7. Vô tưởng báo: Người ở cõi Dục tu Vô tưởng định, sau khi mạng chung, đặng báo thân ở cõi trời Vô tưởng.
8. Danh thân: Tên hay danh từ. Có danh từ đơn và danh từ kép.
9. Cú thân: Câu. Do ráp nhiều tiếng thành câu; câu có ngắn và dài.
10. Văn thân: Chữ. Chữ là chỗ y chỉ của danh từ và câu.
11. Sinh: Sinh ra. Nghĩa là từ hồi nào đến giờ không có, nay mới có.
12. Trụ: Ở. Những vật đã sinh ra rồi, còn lưu lại trong một thời gian , chưa diệt.
13. Lão: Già, suy yếu gần chết.
14. Vô thường: Không thường, biệt danh của chết.
15. Lưu chuyển: Xoay vần, nhân quả trước sau nối nhau không dứt.
16. Định vị: Nhân quả lành, dữ khác nhau, không nhộn nhạo.
17. Tương ưng: Ưng thuận với nhau. Như nhân nào quả nấy, cân xứng với nhau.
Hỏi: Cả 24 món, đều gọi là “Bất tương ưng hành” tại sao món thứ 17 này lại gọi là “Tương ưng”?
Đáp: Nói “Bất tương ưng” là để phân biệt 24 món này, không phải là tương ưng Tâm sở. Còn về món thứ 17 này mà gọi là “Tương ưng”, là do Sắc, Tâm và Tâm sở hoà hợp mà nói, nên không đồng với “Tương ưng Tâm sở” trước).
18. Thế tốc: Các pháp hữu vi xoay vần mau lẹ như chong chóng.
19. Thứ đệ: Thứ lớp, trật tự không có nhộn nhạo.
20. Thời: Thời gian: quá khứ, hiện tại và vị lai.
21. Phương: Không gian: Đông, tây, Nam, Bắc, tứ duy, thượng hạ.
22. Số: Số lượng. Như: một, hai, ba, bốn cho đến trăm, ngàn v.v…
23. Hoà hợp tính: Các duyên hoà hợp không có trái nhau.
24. Bất hoà hợp tính: Những pháp chống trái, không hoà hợp với nhau.
Nói tóm lại, từ trước đến đây đã kể 94 pháp: 8 món Tâm vương, 51 món Tâm sở, 11 món Sắc pháp, 24 món Bất tương ưng hành, đều thuộc về pháp hữu vi có sinh diệt biến đổi. Sáu pháp sau đây thuộc về vô vi.
Chữ “Hữu vi” là những gì có tạo tác, có sinh diệt, không thường còn. “Vô vi” là những gì không tạo tác, không sinh diệt, không tăng giảm, vắng lặng thường còn.
***
VÔ VI PHÁP
(CÓ 6 MÓN)
Pháp Vô vi không sinh diệt, không biến đổi, không phải như các pháp hữu vi là Tâm vương, Tâm sở, Sắc pháp, Bất tương ưng hành có sinh diệt biến đổi. Do các pháp hữu vi (94 món) diệt rồi, thì pháp vô vi mới hiện bày (Tứ, sở hiển thị cố).
Thật ra, vô vi không phải có 6 pháp, song vì theo từng khía cạnh của nó để giải thích, nên đặt ra 6 tên.
1. Hư không vô vi: Chân như hay Pháp tính, không thể dùng ý thức suy nghĩ hay lời nói luận bàn được. Nó phi sắc, phi tâm, không sinh diệt, không cấu tịnh, không tăng giảm nên gọi là “Vô vi”.
Bởi nó không ngã, không pháp, rời các cấu nhiễm, rỗng rang như hư không, nên gọi là “Hư không vô vi”. Đây là theo thí dụ mà đặt tên.
2. Trạch diệt vô vi: Do dùng trí huệ vô lậu, lựa chọn diệt trừ hết các nhiễm ô, nên chơn như vô vi mới hiện. Vì thế nên gọi là “Trạch diệt vô vi”.
3. Phi trạch diệt vô vi: Vô vi không cần lựa chọn diệt trừ các phiền não. Có hai nghĩa:
a) Tính chân như vốn thanh tịnh, không phải do lựa chọn diệt trừ các phiền não nhiễm ô mới có, nên gọi là “Phi trạch diệt”.
b) Các pháp hữu vi tạp nhiễm, vì thiếu duyên không sinh khởi, nên pháp vô vi được hiện. Bởi thế nên gọi “Phi trạch diệt”.
4. Bất động diệt vô vi: Đệ tứ thiền đã lìa được ba định dưới, ra khỏi tam tai (đao binh tai, hỏa tai, thuỷ tai) không còn bị mừng, giận, thương, ghét …làm chao động nơi tâm, nên gọi là “Bất động diệt”.
5. Thọ tưởng diệt vô vi: Khi được Diệt tận định, diệt trừ hết “thọ” và “tưởng” tâm sở nên gọi là “Thọ tưởng diệt vô vi”.
6. Chân như vô vi: Không phải Vọng, gọi là Chân (không biến kế sở chấp); không phải điên đảo gọi là Như (không y tha khởi), tức là thật tính của các pháp (Viên thành thật).
Trong luận Đại Thừa Trăm Pháp này, ngoại nhân hỏi hai câu:
– Tất cả pháp là gì?
– Thế nào là không thật (vô ngã)?
***
PHẦN THỨ HAI
NÓI “KHÔNG THẬT” (VÔ NGÃ)
Chính văn
Nói “không thật” (vô ngã), tóm có 2 loại:
– Nhân (người ) không thật.
– Pháp (vật) không thật.
Người đời chấp tất cả các pháp có thật, tức là chấp Ngã (Thật). Chấp Thật (Ngã) có hai:
1. Nhân (người) thật.
2. Pháp (vật) thật.
Chấp thân này thật có, gọi là Nhân thật. Chấp núi sông tất cả các cảnh vật bên ngòai thật có, gọi là Pháp thật.
Do chấp thật có (ngã) nên sinh ra tham, sân, si rồi tạo ra các nghiệp, sinh tử luân hồi trong lục đạo. Bởi thế nên Phật nói:
“Tất cả Pháp không thật”.
Nói “Tất cả pháp” tức là bao trùm cả loài hữu tình và vô tình. Loài hữu tình không thật có là “Nhân không thật”. Loài vô tình như hoàn cảnh, sự vật không thật có, là “Pháp không thật”.
- 376
Viết bình luận