6. Bài thứ sáu | Đại Bảo Tháp Mandala Tây Thiên | Đại Bảo Tháp | Đại Bảo Tháp Tây Thiên

6. Bài thứ sáu

Bài thứ sáu

GIẢI CÁC ĐIỀU NGHI


CHÁNH VĂN

Hỏi: Nếu chỉ có nội thức, không có ngoại cảnh làm duyên, thì nội thức làm sao sinh ra các món phân biệt?

Đáp: Nguyên văn chữ Hán:

Tụng viết

Do nhất thế chủng thức

Như thị như thị biến

Dĩ triển chuyển lực cố

Bỉ bỉ phân biệt sinh


Dịch nghĩa:

Luận chủ nói bài tụng để trả lời rằng: Do các chủng tử trong Tạng thức, trùng trùng biến ra các pháp. Vì sức phát triển sinh khởi của các pháp, nên sinh ra các món phân biệt.

Lược giải

Hỏi: Nếu không có ngoại cảnh làm duyên, chỉ có nội thức thì nội thức làm sao sinh ra các món phân biệt?

Đáp: Luận chủ trả lời: Do thức A lại da chứa đựng chủng tử của các pháp, các chủng tử ấy lại sinh ra các pháp hiện hành rồi mỗi pháp hiện hành lại sinh Kiến phần (năng phân biệt) và Tướng phần (bị phân biệt).

Câu “Như thị như thị biến”; nghĩa là từ khi sinh cho đến khi chín, sự biến đổi phát triển rất nhiều.

Câu “Dĩ triển chuyển lực cố”; nghĩa là tám thức hiện hành và các Tâm sở tương ưng, nào Tướng phần, nào Kiến phần v.v…đều có cái năng lực hổ trợ cho nhau, nên sinh ra các cảnh giới thế gian (bị phân biệt) và các món phân biệt (năng phân biệt).

CHÁNH VĂN

Hỏi: Nếu chỉ có nội thức, không có ngoại cảnh để làm trợ duyên, thì tại sao lại có chúng hữu tình sinh tử tương tục?

Đáp: Nguyên văn chữ Hán:

Tụng viết:

Do chư nghiệp tập khí

Nhị thủ tập khí câu

Tiền Dị thục ký tận

Phục sinh dư Dị thục


Dịch nghĩa:

Luận chủ nói bài tụng để trả lời rằng: Do tập khí (chủng tử) của các nghiệp và tập khí (chủng tử) của hai thủ (năng thủ, sở thủ) chung nhau làm duyên nên thân Dị thục (báo thân) đời này vừa hết, thì lại tiếp tục sinh ra các thân dị thục đời sau và đời sau nữa.

Lược giải

Hỏi: Nếu chỉ có nội thức, không có ngoại cảnh làm duyên, thì tại sao hiện nay thấy có các chúng hữu tình sinh tử tiếp nối luôn luôn?

Đáp: Do có các nghiệp làm duyên, nên chúng hữu tình sinh tử tương tục.

Chữ “Chư nghiệp”: Nghĩa là nghiệp lành, nghiệp dữ và nghiệp bất động (tu thiền định).

Chữ “Nhị thủ”: Kiến phần (năng thủ), Tướng phần (sở thủ) hoặc Danh (tâm) và Sắc (vật) hay Tâm vương và Tâm sở.

Chữ “Tập khí”: Tức là biệt danh của chủng tử. Như người viết chữ: khi chưa viết thì cái công năng tập quen (tập khí) đó, nó tiềm tàng núp ẩn trong tay, người không thấy được. Đến khi viết chữ, là do cái công năng tập luyện (khí phần) ngày trước đó, nên nay mới viết được. Bởi thế nên “chủng tử” (công năng tiềm tàng) cũng gọi là “tập khí”.

Báo thân của loài hữu tình, gọi là thân Dị thục. Khi thân Dị thục hiện tiền sắp diệt, thì chủng tử của các nghiệp làm sơ duyên và chủng tử của hai món thủ làm thân duyên, tương tục không dứt, nên làm cho sinh ra thân Dị thục đời sau. Bởi thế nên các chúng hữu tình, khi sắc thân này chết đi, thì lại sinh ra sắc thân khác. Do đó mà sinh tử nối luôn, không biết chừng nào cùng tận.

CHÁNH VĂN

Hỏi: Nếu chỉ có thức mà thôi, tại sao rất nhiều chỗ trong kinh Phật nói có ba tính?

Đáp: Phải biết ba tính đó cũng chẳng ngoài thức.

Hỏi: Tại sao vậy?

Đáp: Nguyên văn chữ Hán:

Tụng viết:

Do bỉ bỉ biến kế

Biến kế chủng chủng vật

Thử Biến kế sở chấp

Tự tính vô sở hữu

Y tha khởi tự tính

Phân biệt duyên sở sinh

Viên thành thật ư bỉ

Thường viễn ly tiền tính

Cố thử dữ y tha

Phi dị phi bất dị

Như vô thường đẳng tính

Phi bất kiến thử bỉ


Dịch nghĩa:

Luận chủ nói ba bài tụng để trả lời rằng: Do tính Biến kế sở chấp, vọng chấp tất cả các vật. Tính Biến kế sở chấp này, không thật có tự thể. Còn tính Y tha khởi là do các duyên phân biệt mà sinh. Tính Viên thành thật, là do trên tính Y tha khởi xa lìa tính Biến kế sở chấp mà hiện.

Bởi thế nên tính “Viên thành thật” đối với tính “Y tha khởi” cũng khác mà cũng không khác, vì không thể tách riêng được. Bởi thế nên, nếu không thấy được tính Viên thành thật, thì cũng không thể thấy được tính Y tha khởi. Cũng như tính vô thường v.v…đối với các pháp, cũng khác mà cũng không khác.

Lược giải

Hỏi: Nếu chỉ có thức mà thôi, thì tại sao trong các kinh rất nhiều chỗ, đức Thế Tôn nói có ba món tự tính: 1. Biến kế sở chấp tự tính. 2. Y tha khởi tự tính . 3. viên thành thật tự tính?

Đáp: Luận chủ trả lời rằng: “Ba món tự tính Phật nói đó, cũng không rời thức”. Song còn e người không tin, nên Luận chủ nói tiếp 3 bài tụng để giải thích nguyên do.

Tính Biến kế sở chấp này là do chúng sinh vọng chấp ức đạc mà có. Như bên Âu châu có nhà học giả thấy bộ xương khỉ giống bộ xương người, nhân đó họ nghi ngờ và ức đạc rằng: loài khỉ tiến hoá thành loài người; rồi đề xướng lên cái thuyết “Động vật tiến hóa” (Darwin). Từ đó về sau họ mới chủ trương rằng: “Tất cả vật trên thế gian, đều do tiến hoá thành”. Bởi thế nên bài tụng nói:”Vọng chấp tất cả vật”.

Vì vọng tưởng ức đạc, chớ chẳng phải thật có, dụ như lông rùa sừng thỏ, nên bài tụng nói: “Tính Biến kế Sở chấp không có thật thể” (thử Biến kế sở chấp, tự tính vô sở hữu).

Còn tính “Y tha khởi”, là do phân biệt các duyên trong thế gian mà sinh. Thí như người nhặm con mắt, xem hư không thấy có các hoa đốm, rồi khởi vọng tưởng phân biệt: hoa này đỏ hay trắng, tốt hay xấu, giống thật hoa hay không v.v…Họ không biết rằng: Trong hư không chẳng có hoa, do nhặm mắt nên thấy có hoa (Y tha khởi).

Trong tính “Y tha khởi” có nhiễm và tịnh; nếu lìa được phần nhiễm ô tức là tính Biến kế sở chấp, thì đặng phần thanh tịnh, gọi là tính “Viên thành thật”. Cũng như nước và sóng, nếu sóng xao động lặng, thì tính nước yên tịnh hiện ra.

Bởi thế nên “tính Viên thành thật” với “tính Y tha khởi”, không thể nói khác hay không khác, cũng như nước với sóng không hai mà cũng không một.

Câu “Như vô thuờng đẳng tính”; nghĩa là trong kinh nói: “Tất cả pháp vô thường, khổ và vô ngã v.v…’. Vô thường, khổ và vô ngã là tính chung của các pháp; còn các cảnh vật như núi sông cỏ cây v.v… là tướng riêng của các pháp. Vì tính, tướng không rời nhau, nên vô thường, khổ, vô ngã đối với các pháp, chẳng phải khác và chẳng phải một.

Câu “Phi bất kiến thử bỉ “; nghĩa là nếu không thấy được tính Viên thành thật đây, thì cũng không thấy được tính Y tha khởi kia.

Nghĩa này không những trong đạo Phật, ngay đến người thế tục, nếu không tu theo Phật pháp, để ngộ tính Viên thành thật, thì cũng không thể thấy được các pháp Y tha khởi của thế gian.

CHÁNH VĂN

Hỏi: Nếu đã có 3 tính, tại sao đức Thế Tôn lại nói: “Tất cả pháp đều không có tự tính?”

Đáp: Nguyên văn chữ Hán:

Tụng viết:

Tức y thử tam tính

Lập bỉ tam vô tính

Cố Phật mật ý thuyết

Nhất thế pháp vô tính

Sơ tức tướng vô tính

Thứ vô tự nhiên tính

Hậu do viễn ly tiền

Sở chấp ngã, pháp tính

Thử chư pháp thắng nghĩa

Diệt tức thị chân như

Thường như kỳ tính cố

Tức Duy thức thật tính.


Dịch nghĩa:

Luận chủ nói 3 bài tụng để trả lời rằng: Phật y cứ trên ba món tự tính này, mà mật ý nói: “Tất cả pháp đều không có tự tính”.

1. Biến kế sở chấp không tự tính, vì tướng hy vọng vậy.

2. Y tha khởi không có tự tính, vì do các duyên phân biệt sinh, không phải tự nhiên có.

3. Viên thành thật không có tự tính, do xa lìa tính Biến kế hư vọng chấp ngã chấp pháp mà hiện.

Đây là nghĩa thù thắng của các pháp, cũng gọi là “chân như”, vì tính nó “thường như” vậy; cũng tức “thật tính” của Duy thức.

Lược giải

Hỏi: Nếu có ba món tự tính, tại sao đức Thế Tôn lại nói: “Tất cả pháp đều không có tự tính”?

Đáp: Luận chủ nói 3 bài tụng để giải thích: “Phật y cứ trên ba món tự tính, rồi giả lập ba món vô tính”. Đã nói “Phật giả lập ba món vô tính” thì biết rằng chẳng phải thật vô. Sở dĩ Phật phương tiện mật ý nói như vậy, chẳng qua để đối trị cái chấp “ba tính” mà thôi, chớ không phải thật ý. Cũng như dùng ba món thuốc để đối trị ba bịnh.

Ba món vô tính là:

1. Tướng vô tính; nghĩa là tướng Biến kế sở chấp, hư vọng không thật có,

2. Tự nhiên vô tính; nghĩa là do các duyên sinh, không phải tự nhiên có; nên cũng gọi là “sinh vô tính”,

3. Thắng nghĩa vô tính; nghĩa là xa lìa cac vọng chấp ngã chấp pháp rồi, mới hiện ra tính này; nên gọi là “Thắng nghĩa vô tính”.

Thắng nghĩa vô tính, cũng tức là chân như, vì tính nó chân thật không vọng, thường như vậy; cũng gọi là “Thật tính của Duy thức”.

 


 

Viết bình luận

Chúc mừng năm mới
Copyright © 2015 daibaothapmandalataythien.org. All Rights Reserved.
Xã Đại Đình, huyện Tam Đảo, tỉnh Vĩnh Phúc. Email: daibaothapmandalataythien@gmail.com

Đăng ký nhận tin mới qua email
Số lượt truy cập: 6335102
Số người trực tuyến: