2. Bài thứ hai | Đại Bảo Tháp Mandala Tây Thiên | Đại Bảo Tháp | Đại Bảo Tháp Tây Thiên

2. Bài thứ hai

Bài Thứ hai


A. NÓI RÕ NGHĨA CHÁNH

CHÁNH VĂN

Cái tâm này (chúng sinh tâm) có hai phần: I. Tâm chân như, II. Tâm sinh diệt. Hai tâm này không rời nhau và đều bao trùm tất cả pháp.

Lược giải

Chương này giải thích tâm chúng sinh là pháp Đại thừa. Pháp Đại thừa có hia phần: Chân như và Sinh diệt. Chân như là “thể” rộng lớn của tâm; Sinh diệt là “Tướng” và “Dụng” rộng lớn của tâm. Phải phân chia làm hai phương diện như vậy, mới rõ được Thể, Tướng và Dụng của tâm.

Nếu đứng về “Thể chân như”, thì suy nghĩ không trúng, luận bàn chẳng nhầm, lìa các văn tự, ly tất cả tướng; như thế làm sao có các pháp sai biệt được. Bởi thế nên phải nói đến Tướng và Dụng là “môn sinh diệt” mới rõ được hành tướng sai biệt của “Tâm chúng sinh”.

Chân như là “Thể”, còn Sinh diệt là “Tướng” và “Dụng”. Tướng và Dụng không rời Thể, Thể không rời Tướng và Dụng; cũng như nước không rời sóng, sóng không rời nước. Bởi Thể, Tướng và Dụng không rời nhau, nên mỗi một phần đều bao hàm được tất cả pháp.

Vì Thể và Dụng không rời nhau, nên đứng về phần Chân như mà luận, thì tuy “thanh tịnh bất biến”, mà vẫn tuỳ duyên sinh diệt; còn đứng về phần Sinh diệt mà xem, thì tuy “tuỳ duyên sai biệt” mà vẫn nhưnhư bất biến.

***

I. Tâm chân như

CHÁNH VĂN

Tâm Chân như là cái tâm tính bất sinh bất diệt. Thể và Tướng nó to lớn bao trùm tất cả các pháp (nhất pháp giới đại tổng tướng pháp môn thể).

Sở dĩ các pháp sai khác là do vọng niệm; nếu rời vọng niệm thì không còn các cảnh tướng sai khác. Bởi thế nên tất cả pháp từ hồi nào đến giờ, không thể dùng danh tự để kêu gọi, không thể dùng lời nói luận bàn, không thể dùng tâm suy nghĩ được, không có biến đổi và cũng không phá hoại vì nó rốt ráo bình đẳng, chỉ có một “Tâm Chân như” mà thôi.

Lược giải

Tâm Chân như này, tính không sinh diệt và bao trùm tất cả nhân quả, thánh phàm, y báo chánh báo …Bởi thế nên nguyên văn chữ Hán gọi là “nhất pháp giới đại tổng tướng pháp môn thể”.

Vì vọng niệm nên thấy có tất cả các pháp sai khác; cũng như vì mắt nhặm nên thấy có hoa đốm giữa hư không. Nếu như lìa vọng nirệm rồi, thì không có tất cả cảnh giới sai khác sai khác, mà chỉ còn một “Tâm Chân như”; cũng như mắt hết nhặm thì chỉ còn hư không một màu trong tịnh.

Bởi tất cả pháp là “Tâm Chân như”, nên không thể phá hoại, không thể dùng lời nói luận bàn, không thể dùng danh tự để kêu gọi và cũng không thể dùng tâm suy nghĩ được. Từ hồi nào đến giờ, nó rốt ráo bình đẳng, không có sai khác. Bởi thế nên trong Khế kinh chép:

“Thị pháp trụ pháp vị

Thế gian tướng thường trụ”

Nghỉa là: Pháp nào vẫn an trụ địa vị của pháp nầy; tướng thế gian là tướng thường trụ.

GIẢI DANH TỪ

Tâm Chân như: Vì tâm này không hư ngụy, nên gọi là “Chân”, không bị thời gian thay đổi, không gian chuyển dời, từ hồi nào đến giớ nó vẫn như thế, nên gọi là “Như”. Tâm Chân như cũng gọi là “Chân tâm” hay “Viên giác”.

Nhất pháp giới đại tổng tướng pháp môn thể: Câu này nghĩa lý rất sâu rộng, xin giải sơ lược: Tâm Chân như là Thể chung của “Nhất pháp giới”:

- Chữ “Nhất” là chỉ cho sự bình đẳng bất nhị, thuộc về lời nói ngăn chấp, chớ không phải lời nói tiêu biểu.

- Chữ “Giới” là chỉ cho “tâm Chân như” này, nó là “nhân” là “giống” là “bản năng” sinh ra tất cả các pháp, nên gọi là “nhất pháp giới”.

- Nhất pháp giới là toàn tính của vũ trụ. Ở nơi nhất pháp giới này, có thể phân ra tổng tướng (thể) và biệt tướng (muôn pháp sai khác).

Tâm Chân như là “Tổng tướng” (tướng chung) của tất cả pháp; vì thể tính nó bình đẳng song cũng tóm thâu tất cả tướng, nên gọi là “Đại”.

Chữ “Pháp” nghĩa là:”giữ gìn tự tính và làm cho người hiểu biết”. Chữ “môn” là nghĩa ra vào thông suốt. Tất cả chúng sinh có thể do pháp môn này tu hành, đến được mục đích cứu cánh; nếu rời “Đại tổng tướng pháp môn” này, thì không thể đạt đến quả vị Phật. Nói tóm lại:

Nhất pháp giới là “Thể” của tâm Chân như.

Đại tổng tướng là “Tướng” của tâm Chân như.

Pháp môn là “Dụng” của tâm Chân như.

CHÁNH VĂN

Tất cả những lời nói, đều do vọng niệm phân biệt mà sinh, chỉ do giả danh chớ không thật thể . Cho đến danh từ Chân như cũng không thực; chẳng qua là một danh từ túng cùng của lời nói, dùng để trừ bỏ các danh từ khác (vọng) mà thôi (nhân ngôn khiển ngôn). Song cái “Thể” của Chân như không thể trừ bỏ và cũng không thể dựng lập. Phải biết: Tất cả các pháp cũng không thể trừ bỏ vì đều là “Chân” vậy, và cũng không thể dựng lập, vì đều là “Như” vậy. Bởi tất cả các pháp đều là Chân như, nên không thể nói bàn và suy nghĩ được.

Lược giải

Tất cả những lời nói phô, đều do vọng niệm phân biệt; danh từ chỉ là hư giả, chớ không có thật thể. Cho đến cái danh từ Chân như cũng là hư giả mà thôi. Danh từ Chân như hay Phật là danh từ túng cùng trong các danh từ tạm đặt ra như thế để trừ các danh từ vọng nhiễm của thế gian. Cũng như ông thầy giáo, tạm dùng tiến gõ bảng để trừ tiếng ồn của học sinh (dĩ ngôn diệt ngôn). Đến khi tiếng ồn của học sinh hết, thì tiếng gõ bảng của thầy giáo cũng không còn. Cũng như khi vọng mất, chúng sinh hết, thì Chân như hay Phật cũng chẳng còn.

Song, chỉ bỏ cái danh từ (Chân như) hư giả, chớ thể tính chân như thì không thể bỏ hay lấy. Cho đến các pháp cũng không thể bỏ và lấy được. Vì các pháp đều là “Chân”, nên không thể bỏ, và “Như” nên không thể lấy. Bởi các pháp đều chân như, nên không thể dùng lời nói luận bàn hay tâm suy nghĩ đền được.

Tóm lại, vì vọng niệm phân biệt, nên thấy có các pháp sai biệt. Nếu vọng niệm phân biệt hết, thì tất cả các pháp không còn những tướng sai biệt, mà đều là Chân như. Bởi các pháp đều là chân như, nên nói năng không trúng, suy nghĩ chẳng nhầm và cũng không thể lấy hay bỏ được.

CHÁNH VĂN

Hỏi: Nếu “Chân như”, mà không thể dùng lời nói luận bàn hay tâm suy nghĩ, thì chúng sinh làm sao tuỳ thuận và ngộ nhận được?

Đáp: Nếu người nào biết tất cả pháp, tuy có nói bàn, mà không có “năng nói” và “sở nói”; tuy có suy nghĩ, mà không có “năng suy nghĩ” và sở “suy nghĩ”, thì người ấy được tuỳ thuận Chân như.

Còn người nào lìa các niệm (vọng niệm) thì người đó được nhập Chân như.

Lược giải

Đoạn này Luận chủ lập lời vấn đáp, để giải thích sự nghi ngờ của độc giả.

Hỏi: Nếu Chân như mà không thể dùng lời nói luận bàn và tâm suy nghĩ được thì, chúng sinh làm sao tuỳ thuận và ngộ nhập Chân như?

Đáp: Nếu người nào biết tất cả pháp, tuy có nói năng suy nghĩ, mà không chấp nơi nói năng suy nghĩ, thì người đó được tuỳ thuận Chân như. Tiến lên một từng nữa, nếu người nào lìa các vọng niệm, thì người ấy nhập được Chân như. Nghĩa là “Vọng” hết, thì “Chân” hiện. Đoạn này đồng một ý nghĩa với bốn chữ “bất tuỳ phân biệt” trong Kinh Lăng Nghiêm.

CHÁNH VĂN

Lại nữa, nếu căn cứ trên danh từ (ngôn thuyết) mà phân biệt, thì chữ Nhân như có 2 nghĩa:

1. THẬT KHÔNG (như thật không), tức là chỉ nói đến cái thể tính rốt ráo chân thật của Chân như. Nghĩa là: từ hồi nào đến giờ, Chân như không có các tâm niệm hư vọng, không có tất cả các tướng sai biệt, nói chung là thật không có các pháp tạp nhiễm.

Phải biết: Chân như phi tướng “có “, phi tướng “không”; phi tướng “chẳng phải có”, phi tướng “chẳng phải không”; phi tướng “cũng có và cũng không”; phi tướng “một”, phi tướng “khác”; phi tướng “chẳng phải một, chẳng phải khác”; phi tướng “cũng một cũng khác”.

Nói tóm lại, vì chân như không có tất cả các vọng niệm phân biệt của chúng sinh, nên gọi rằng “thật không”. Nếu khi vọng tâm phân biệt hết rồi thì cũng không còn cái gì gọi là”không” nữa.

Lược giải

Đứng về phương diện lý tính tuyệt đối, thì Chân như không thể kêu gọi là gì được (ly danh tự tướng), không thể dùng lời nói luận bàn (ly ngôn thuyết tướng) và cũng không thể dùng tâm suy nghĩ được (ly tâm duyên tướng). Song, nếu căn cứ trên văn tự lời nói mà luận, thì Chân như có hai nghĩa: 1. Thật không và 2. Thật có.

Đoạn này nói về nghĩa”thật không” (ly nhất thế tướng), tức là chỉ cho cái “thể Chân như”, từ hồi nào đến giờ, nó không có các vọng niệm, không có các nhiễm pháp và không có các tướng sai khác. Nó phi tất cả các tướng: Có, không, chẳng phải có, chẳng phải không, cho đến phi tướng đồng, tướng dị và tướng không đồng không dị…

Nói tóm lại là nó không có tất cả vọng niệm phân biệt của chúng sinh, và khi rời các vọng niệm rồi, thì cái gọi là “không” đó cũng không còn.

CHÁNH VĂN

2. THẬT CÓ (như thật bất không)

Tự thể Chân như, thật có đủ công đức vô lậu (tức nhất thế pháp). Bởi Chân như không có các vọng, nên tức là Chân tâm. Cái Chân tâm này thường còn không biến đổi và đầy đủ các pháp thanh tịnh; nên nói “thật có”(bất không).

Nhưng cái cảnh giới “thật có” này, cũng không có hình tướng gì để nắm lấy được, vì nó lìa cá vọng niệm, nên chỉ có người tu chứng mới biết được mà thôi.

Lược giải

Trong đoạn này nói: Chân như có hai nghĩa, tức là ý nói Chân như có hai thứ. _ Đoạn trên nói về phương diện “thể tính” của Chân như, thì không có các vọng niệm, không có các pháp nhiễm ô, tức là “ly nhất thế tướng”, nên nói “thật không”.

Đoạn này nói về phương diện “tướng dụng” của Chân như, thì đầy đủ vô lượng hằng sa công đức, thế là “tức nhất thế pháp”, nên nói “thật có”. Nhưng cảnh giới “thật có” này, không có hình tướng gì để chỉ bày ra được, vì đã lìa các vọng niệm phân biệt, nên chỉ có người chứng ngộ mới biết được thôi.

 


 

Viết bình luận

Chúc mừng năm mới
Copyright © 2015 daibaothapmandalataythien.org. All Rights Reserved.
Xã Đại Đình, huyện Tam Đảo, tỉnh Vĩnh Phúc. Email: daibaothapmandalataythien@gmail.com

Đăng ký nhận tin mới qua email
Số lượt truy cập: 6335056
Số người trực tuyến: