9. Bài thứ chín | Đại Bảo Tháp Mandala Tây Thiên | Đại Bảo Tháp | Đại Bảo Tháp Tây Thiên

9. Bài thứ chín

Bài Thứ Chín

CHƯƠNG THỨ BA

PHẦN GIẢI THÍCH NÓI VỀ Ý NGHĨA “BẤT GIÁC”

(Tiếp Theo)

 

K. NÓI VỀ BỐN MÓN HUÂN TẬP

(tiếp theo và hết)

CHÁNH VĂN

Nói về chân như (pháp thanh tịnh) huân tập. Chân như huân tập vô minh, có hai phần:

1. Thể tướng chân như huân tập

2. Diệu dụng chân như huân tập.

Nói về thể tướng chân như huân tập vô minh: tất cả chúng sinh từ vô thủy đến nay, đều saün có bản thể chân như (tính Phật) vaø có đủ các công dụng (diệu dụng chân như) không thể nghĩ bàn, sinh ra các cảnh giới. Do thể tướng và công dụng của chân như (tính Phật) thường huân tập vô minh, nó thúc đẩu chúng sinh chán khổ sinh tử, cầu vui Niết bàn, và tự tin mình có saün chân như (tính Phật) nên tự phát tâm tu hành để thành Phật.

Lược giải

Trong kinh chép: “Tất cả chúng sinh đều có tính Phật ” (khả năng thành Phật). Tính Phật này, cũng gọi là chân như, Pháp tính hay Chính nhân Phật tính v.v…Nhờ sẵn có tính Phật (giống Phật) nên chúng sinh tu hành mới được thành Phật.

Tính Phật này thanh tịnh vô lậu, và có diệu dụng không thể nghĩ bàn. Nó thường huân tập vô minh, làm cho chúng sinh tự tin mình có khả năng thành Phật, nên phát tâm tu hành, chán khổ sinh tử cầu vui Niết bàn. Nếu không nhờ tính Phật này thúc giục, thì chúng sinh không biết chừng nào mới phát tâm tu hành, cầu quả giải thoát.

CHÁNH VĂN

Hỏi: Nếu tất cả chúng sinh đều sẵn có Chân như (tính Phật) và đồng huân tập vô minh thì tất cả chúng sinh phải đồng thời tự tin minh có chân như (tính Phật), đồng thời phát tâm tu các pháp lành và đồng thời chứng quả Niết bàn; tại sao có vô cùng sai khác: kẻ tin người không, kẻ tu trước, người tu sau, có kẻ đã nhập Niết bàn, còn người chưa nhập?

Lược giải

Do trước nói: “Tất cả chúng sinh đều sẵn có tính Phật, và nhờ tính Phật này huân tập vô minh, nên làm cho chúng sinh nhàm cảnh khổ sinh tử, ưa vui Niết bàn v.v..” nên mới có câu hỏi này. Trong câu hỏi này có hai điều nghi:

ĐIều nghi thứ nhất: chúng sinh đã sẵn có tính chân như, bình đẳng nhu nhau, tại sao lại có vô số những sự sai khác, không bình đẳng, như kẻ đần độn, người thông minh, kẻ chính người tà, kẻ tin người không v.v…

Điều nghi thứ hai: chúng sinh đã đồng nhờ chân như huân tập vào vô minh, nên phát tâm tu hành v.v…Vậy thì phải đồng thời phát tâm, đồng thời tự tin mình có tính Phật và đồng thời tu, đồng thời chứng v.v…tại sao có vô cùng những sự sai khác, không bình đẳng, như kẻ tu trước người tu sau, kẻ mau ngộ đạo người chậm chạp v.v…

CHÁNH VĂN

Đáp: Từ hồi nào đến giờ chân như vẫn một; song vô minh có vô lượng vô biên, tính chất khác nhau, dày mỏng không đồng.

Do vô minh này mà sinh ra các phiền não sai khác (Sở tri chướng) nhiều hơn số cát sông Hằng. Cũng do vô minh này mà sinh ra các phiền não sai khác, như ngã kiến, ái nhiễm v.v…(phiền não chướng).

Tóm lại, tất cả phiền não (phiền não chướng, sở tri chướng) đều do vô minh sinh khởi, hoặc trước hoặc sau vô cùng sai khác.

(Đoạn này đã nói “vô minh sai khác không đồng”, tiếp theo đây sẽ nói “ngoại duyên không phải một”).

Lại nữa, trong Phật pháp nói: “Tất cả các pháp đều do nhân duyên sinh; nhân duyên đầy đủ mới được thành tựu”.

Thí như chất lửa trong cây là “Chính nhân” của lửa. Song, nếu không có “trợ duyên” là người biết lấy lửa, và các phương tiện như bùi nhùi, (bổi) công người cọ sát v.v…thì lửa kia không thể tự phát sinh ra được.

Cũng vậy, chúng sinh tuy sẵn có tính Phật (chân như) là cái “nhân chánh” để thành Phật; song nếu không có “ngoại duyên” là gặp các đức Phật, Bồ Tát và Thiện tri thức v.v…dẫn dắt chỉ dạy cho phương pháp tu hành, thì hành giả cũng không thể tự mình đoạn trừ phiền não và tu chứng Niết bàn được.

Trái lại, nếu chỉ có “ngoại duyên” mà không có chân như là cái “nhân chính” để thành Phật, huân tập bên trong, thì hành giả cũng không thể tự mình chán khổ sinh tử, cầu vui rốt ráo Niết bàn được.

Bởi thế nên, phải có nội nhân và ngoại duyên đều đầy đủ; nghĩa là bên trong nhờ tính Phật (chân như) làm “chánh nhân” huân tập; bên ngoài nhờ đức từ bi và đại nguyện của Phật, Bồ Tát giúp hộ làm “trợ duyên”, thì hành giả mới chán khổ sinh tử, tin có cõi Niết bàn và phát tâm tu tập các pháp lành. Nhờ tu tập các pháp lành được thuần thục, nên hành giả mới gặp chư Phật Bồ Tát thị hiện, chỉ dạy những điều lợi lạc. Lúc bấy giờ hành giả mới tinh tấn tu hành, để đến đạo quả Niết bàn.

Lược giải

Tất cả chúng sinh đều có tính Phật (chân như) và đồng huân tập vô minh v.v…thì phải đồng phát tâm, đồng tu và đồng chứng như nhau. Song, có sự vô cùng sai khác, không đồng nhau như kẻ phát tâm tu hành, người huỷ bán, kẻ đã thành Phật, người còn trầm luân là vì hai nguyên nhân sau này:

1. Vô minh không đồng. Mỗi chúng sinh có rất nhiều lớp vô minh: có thứ vô minh thuộc về căn bản, có thứ vô minh thuộc về chi mạt; có thứ sâu dày, có thứ mỏng cạn, có thứ thô phù dễ trừ, có thứ tế nhị khó đoạn. Do các thứ vô minh này sinh ra hằng hà sa số phiền não. Nhưng trong số phiền não này, tóm lãi có hai chướng: phiền não chướng và sở tri chướng (cũng gọi là trần sa hoặc).

Vì đoạn trừ vô minh có khó dễ, mau chậm khác nhau, nên chúng sinh phát tâm tu hành và chứng quả không đồng thời.

2. Hoàn cảnh không đồng. Mỗi chúng sinh đều có mỗi hoàn cảnh khác nhau, hoàn cảnh tức là các duyên chung quanh.

Chứng được đạo quả vô thượng Bồ Đề, phải có đủ cả nhân và duyên. Nhân là chân như hay Phật tính, huân tập bên trong; Duyên là những hoàn cảnh giúp đỡ bên ngoài, như Phật, Bồ Tát và Thiện hữu tri thức dạy bảo dẫn dắt v.v…Nếu chỉ có Nhân mà thiếu Duyên, hoặc có Duyên mà thiếu Nhân, thì cũng không thành.

Thí như trong cây có sẵn chất lửa là “nhân chính”; song phải nhờ cát “trợ duyên” là hoàn cảnh bên ngoài, như người biết lấy lửa và bổi v.v…thì lửa ấy mới phát sinh được. Nếu thiếu một (Nhân hoặc Duyên) thì lửa không thể xuất hiện được.

Bởi hoàn cảnh của mỗi chúng sinh không đồng nhau, nên sự phát tâm tu hành và chứng quả không thống nhất. Đây là lý do thứ hai.

Phật tính có 3:

1. Chính nhân Phật tính: Chân như là cái nhân chính để thành Phật; dụ như chất lửa sẵn có trong cây.

2. Duyên nhân Phật tính: Phật, Bồ Tát, Thiện hữu tri thức và kinh sách v.v…là trợ duyên để thành Phật; dụ như người biết lấy lửa và bổi v.v…

3. Liễu nhân Phật tính: Chính nhân và trợ duyên đều đầy đủ, làm cho hành giả phát hiện được (liễu ngộ) tính Phật của mình; dụ như lửa trong cây đã phát cháy.

CHÁNH VĂN

Nói về diệu dụng chân như huân tập:

Đây là các trợ duyên bên ngoài của hành giả; có rất nhiều thứ trợ duyên, nhưng tóm lại có 2 loại:

1. Duyên sai biệt, 2. Duyên bình đẳng.

1. Duyên sai biệt: Từ khi mới phát tâm cầu đạo, cho đến thành Phật, trong khoảng thời gian ấy, hành giả hoàn toàn nhờ chư Phật và Bồ Tát gia hộ cho trên đường tu hành. Vì tâm đại bi, nên Phật và Bồ Tát hoặc hiện làm người thân thuộc, như cha mẹ (để dạy bảo hành giả) hoặc hiện làm Thiện hữu tri thức (để nhắc nhở), hoặc hiện làm người tôi tớ hầu hạ (để khuyên lơn), hoặc hiện làm kẻ oan gia (như Đề bà đạt da v.v.. để xúc khích) hoặc dùng Tứ nhiếp pháp (để cảm hoá), cho đến làm không biết bao nhiêu công hạnh, để huân tập cho hành giả; làm cho hành giả hoặc nhớ nghĩ công đức của các Ngài, hoặc thấy hình tướng, hoặc nghe thuyết pháp, mà được lợi ích và tăng trưởng căn lành.

Các duyên sai khác này, chia làm hai loại:

a) Duyên gần, làm cho hành giả mau đặng Bồ Đề (hiện tiền chứng đạo).

b) Duyên xa, làm cho hành giả về sau mới đặng tế độ (nhiều kiếp về sau mới đặng đạo).

Hai món duyên gần và xa này, lại chia làm hai loại nữa: Duyên làm cho hành giả được thọ đạo pháp và Duyên làm cho hành giả tăng trưởng đạo hạnh.

Lược giải

Đoạn này nói về diệu dụng chân như của chư Phật và Bồ Tát huân tập cho chúng sinh. Chư Phật và Bồ Tát đã chứng được bản thể chân như, nên tự nhiên có diệu dụng không thể nghĩ bàn.

Do lòng Đại bi và Đại nguyện của chư Phật và Bồ Tát, tuỳ theo trình độ của chúng sinh phát tâm cầu đạo, nên từ diệu dụng của chân như, ứng hiện ra các thân hình v.v… làm trợ duyên bên ngoài, để giúp cho chúng sinh được thành đạo quả. Nhưng các duyên này, có chia làm hai loại:

1. Duyên sai biệt: Do trình độ của chúng sinh không đồng, sự phát tâm của mỗi người mỗi khác, nên chư Phật và Bồ Tát thị hiện phải có sai khác (Duyên sai biệt).

2. Duyên bình đẳng: Do đồng thể đại bi, nên chư Phật và Bồ Tát phát nguyện độ sinh, bình đẳng làm lợi ích.

Đoạn này nói về “Duyên sai biệt”.

Chư Phật và Bồ Tát thị hiện rất nhiều phương tiện để độ sinh; nhưng không ngoài 5 việc như sau:

a) Vì muốn dùng từ ái, để dẫn dắt hành giả, nên hiện làm cha mẹ.

b) Vì muốn dùng việc hầu hạ, để gần gũi hành giả đặng khuyên lơn, nên hiện làm kẻ tôi tớ.

c) Vì muốn dùng việc cộng sự, để giúp cho hành giả, nên hiện làm Thiện hữu tri thức.

d) Vì muốn xúc khích hành giả trên đường tu hành, nên hiện làm kẻ oan gia (như Đề bà đạt da).

đ) Vì muốn cảm hoá người, nên dùng Tứ nhiếp pháp.

Tất cả những phương tiện này, đều do lòng từ bi của Phật và Bồ Tát mà khởi hiện, làm trợ duyên để huân tập cho hành giả tăng trưởng căn lành và được nhiều lợi ích.

Các duyên sai biệt này chia làm 2 loại:

(1) Duyên gần: nghĩa là hành giả sớm được tế độ. Như khi Phật còn tại thế, những chúng sinh được hoá độ.

(2) Duyên xa: nghĩa là hành giả chậm được tế độ. Như khi Phật Đại Thông Trí Thắng ra đời, đức Thích Ca làm đệ tử Ngài, cho đến thời kỳ này mới được thành Phật.

Tất cả những phương tiện này, đều giúp cho hành giả được lĩnh thọ đạo pháp và tăng trưởng đạo hạnh.

CHÁNH VĂN

2. Duyên bình đẳng: Tất cả chư Phật và Bồ Tát đều phát nguyện độ thoát tất cả chúng sinh. Do sức bi trí đồng thể tự nhiên huân tập, nên các Ngài thường hằng tuỳ thuận chúng sinh nào muốn thấy Phật nghe Pháp, thì đều bình đẳng hiện ra để hoá độ, không bỏ một chúng sinh nào. Bởi thế nên chúng sinh khi ở trong thiền định, đều được bình đẳng thấy Phật.

Lược giải

Chư Phật và Bồ Tát đã chứng đến chỗ đồng thể (Phật và chúng sinh đồng một bản thể) nên các Ngài tự thấy chúng sinh còn đau khổ, thì mình còn đau khổ; chúng sinh còn trầm luân, thì mình chưa giải thoát.

Bởi thế nên từ chỗ đồng thể ấy, các ngài khởi Đại bi, Đại trí và phát Đại nguyện. Như Ngài Địa tạng Bồ Tát thề rằng: “chúng sinh độ tận, phương chứng Bồ Đề. Địa ngục vị không, thệ bất thành Phật” (nghĩa là độ hết chúng sinh mới chứng Bồ Đề; nếu địa ngục còn tội nhân, thì tôi thề không thành Phật).

Đức A Nan thề rằng:”Ngũ trược ác thế thệ tiên nhập. Như nhất chúng sinh vị thành Phật, chung bất ư thử thủ Nê hoàn”. Nghĩa là: Trong đời tội ác 5 trược, tôi thề xung phong vào trước, để độ chúng sinh. Nếu còn một chúng sinh nào chưa thành Phật, thì tôi thề không chịu chứng quả Niết bàn.

Do sự thúc dục của đồng thể bi trí này, nên các Ngài thường hằng tuỳ thuận tất cả chúng sinh, bình đẳng hoá độ. Như Ngài Phổ hiền Bồ Tát thường hiện thân cho người thấy; đức Quán Thế Âm Bồ Tát thì ứng hiện 32 thân v.v…

Nếu chúng sinh nào tâm thanh tịnh, thì được thấy chư Phật và Bồ Tát (chúng sinh tâm nhược tịnh, Bồ Đề ảnh hiện trung).

Sự ứng hiện ấy rất tự nhiên và bình đẳng, cũng như ao nước nào trong, thì tự nhiên có trăng bình đẳng hiện vào.

Trên đã nói diệu dụng chân như của chư Phật, Bồ Tát, khi đã được hiển lộ rồi; còn chân như của chúng sinh chưa hiển lộ thì diệu dụng thế nào? Hãy xem đoạn dưới đây:

CHÁNH VĂN

Thể và Dụng của chân như huân tập, lại chia làm hai loại:

1. Chưa chứng nhập (tương ưng) chân như.

2. Đã chứng nhập chân như.

1. Chưa chứng nhập chân như: Chúng phàm phu, hàng Nhị thừa và các vị Bồ Tát mới phát tâm (Tam hiền), do ý và ý thức huân tập mà phát tâm, và chỉ nương nơi sức tin của mình (tin tính Phật ở nơi mình) mà tu hành; vì chưa chúng nhập (tương ưng) bản thể chân như, nên chưa được vô phân biệt tâm (vô phân biệt trí, tức là căn bản trí); vì chưa đặng diệu dụng của chân như, nên sự tu hành chưa được diệu dụng tự tại (sai biệt trí hay hậu đắc trí).

2. Đã chứng nhập chân như: Các vị Bồ Tát đã chứng Pháp thân (THập địa Bồ Tát), chỉ nương nơi Pháp tính (Pháp lực) tu hành (thuận tính khởi tu), tự nhiên huân tập vào chân như, nên diệt được vô minh. Các vị Bồ Tát này đã được vô phân biệt tâm (căn bản trí), vì đã chứng nhập được bản thể chân như; và đã được Sai biệt trí (Hậu đắc trí), vì đã được diệu dụng của chân như (dữ Phật trí dụng tương ưng).

Lược giải

Thể chân như không hai, song vì còn ở trong vỏ chúng sinh hay đã thoát ra ngoài, mà diệu dụng có rộng hẹp chẳng đồng; vì thế nên phân làm hai loại:

1. Người chưa chứng nhập được chân như: chân như còn bị các phiền não nhiễm ô triền phược (tại triền), chưa được hiển lộ; như vàng còn ở trong khoáng.

Chúng phàm phu, hàng Nhị thừa và các vị Bồ Tát còn ở địa vị tam hiền, đều từ vọng thức phân biệt mà phát tâm; do tự tin nơi mình có tính Phật mà tu hành. Vì chưa chứng nhập “thể” và “dụng” của chân như, nghĩa là chân như còn bị triền phược, chưa được hiển lộ, nên các vị này chưa được căn bản trí (vô phân biệt trí) và hậu đắc trí (sai biệt trí).

2. Người đã chứng nhập chân như: chân như đã được hiển lộ ra khỏi vỏ phiền não nhiễm ô triền phược; như vàng đã ra khỏi khoáng.

Các vị Bồ Tát từ Sơ địa cho đến Thất địa, mới nhập được bản thể chân như; từ Bát địa đến Phật mới được Diệu dụng của chân như. Các vị này, tuỳ theo tính chân như mà tu hành, nên diệt trừ được vô minh. Vì đã chứng nhập Thể và Dụng của chân như, nên các vị Bồ Tát này được hai món trí:

- Căn bản trí (Vô phân biệt trí) và

- Hậu đắc trí (Sai biệt trí).

Đã nói nhiễm và tịnh huân tập nhau rồi, dưới đây sẽ nói nhiễm và tịnh, cái nào có cùng tận, cái nào không cùng tận.

 

 

Viết bình luận

Chúc mừng năm mới
Copyright © 2015 daibaothapmandalataythien.org. All Rights Reserved.
Xã Đại Đình, huyện Tam Đảo, tỉnh Vĩnh Phúc. Email: daibaothapmandalataythien@gmail.com

Đăng ký nhận tin mới qua email
Số lượt truy cập: 6328117
Số người trực tuyến: