10. Bài thứ mười | Đại Bảo Tháp Mandala Tây Thiên | Đại Bảo Tháp | Đại Bảo Tháp Tây Thiên

10. Bài thứ mười

Bài Thứ Mười

CHƯƠNG THỨ BA

PHẦN GIẢI THÍCH NÓI VỀ Ý NGHĨA “BẤT GIÁC”

(Tiếp Theo)

 

1) CHÂN NHƯ VÀ VÔ MINH, THỂ VÀ CHUNG

CHÁNH VĂN

Lại nữa, vô minh (pháp nhiễm ô) và chân như (pháp thanh tịnh) đều đã có sẵn từ vô thủy đến nay và huân tập chẳng dứt; song đến khi thành Phật rồi, thì vô minh bị dứt hết, còn chân như lại vô cùng tận trong dời vị lai, cho đến sau khi thành Phật cũng vẫn còn. Tại sao vậy? Vì chân như thường huân tập, nên vọng tâm (vô minh) phải tiêu diệt. Do vọng tâm tiêu diệt, nên pháp thân hiện ra; rồi pháp thân lại khởi diệu dụng, huân tập trở lại nữa, nên chân như không có cùng tận.

Lược giải

Chân như và vô minh đồng một bản thể và có từ vô thủy. Song vô minh rốt sau bị chân như tiêu diệt, nên hữu chung; còn chân như sau khi ra khỏi triền phược rồi, lại được nuôi lớn nên vô chung.

Thí như trong trái hồng, cả chất chát và ngọt đều đồng thời có. Song khi trái hồng còn non, chất ngọt bị chất chát lấn át (chân như tại triền), nên người ta chỉ thấy chất chát (vô minh); đến khi lớn dần, thì chất chát bị chất ngọt huân tập, nên chất chát mỗi ngày mỗi ít, mà chất ngọt mỗi ngày mỗi thêm, rồi cuộc rồi chát hết (vô minh diệt mà chỉ còn ngọt (chân như). Khi trái hồng đã chín ngọt rồi, thì không bao giờ trở lại chát nữa, chúng sinh khi đã thành Phật, không trở lại làm chúng sinh nữa).

Trên đã nói về “Nhân duyên sinh diệt” rồi, dưới đây sẽ nói về ba đại nghĩa của Tâm là: Thể, Tướng và Dụng.

M. NÓI VỀ 3 ĐẠI NGHIÃ CỦA TÂM

(Trong bài này mới nói hai nghĩa thể và tướng rộng lớn của tâm)

CHÁNH VĂN

Lại nữa, tất cả phàm phu, Thanh văn, Duyên giác, Bồ Tát và Phật, từ hồi nào đến giờ, đều tự saün có thể tướng chân như này. Tính chân như không tăng, không giảm, không trước, không sau, không sinh, không diệt, rốt ráo thường hằng, đầy đủ tất cả công đức (đức tính), như là:

1. Đại trí tuệ sáng suốt

2. Chiếu khắp cả pháp giới.

3. Chân thật hay biết.

4. Tâm tính thanh tịnh.

5. Thường, lạc, ngã, tịnh.

6. Trong mát (thanh lương), không biến đổi và tự tại v.v..

Tóm lại, nó không rời, không đoạn, không khác, đầy đủ pháp Phật không thể nghĩ bàn, và có vô lượng công đức, nhiều hơn số cát sông Hằng. Vì nó đầy đủ tất cả, không thiếu một công đức nào, nên gọi là Như Lai tạng, cũng gọi là Như Lai Pháp thân.

Lược giải

Trước kia, trong phần “Định danh nghĩa” có nói: “Tướng nhân duyên sinh diệt tức là Thể, Tướng và Dụng của Đại thừa …”. Đến bài này nói rõ Thể lớn, Tướng lớn và Dụng lớn của Đại thừa, tức là tâm Chân như vậy.

Nhưng trong bài này, chỉ mới nói Thể rộng lớn của tâm, là tính bình đẳng không vọng động, và Tướng rộng lớn của tâm, là có đủ hằng sa công đức; còn Dụng rộng lớn của tâm, sẽ nói tiếp trong bài thứ 11.

Tất cả Thánh phàm, đều sẵn có tâm chân như và cũng đều từ tâm này sinh ra. Tâm chân như ở nơi Thánh không thêm, ở nơi phàm chẳng giảm, không trước không sau, không sinh không diệt, đầy đủ hằng sa đức tính:

Đại trí tuệ sáng suốt (tức là đức tính thường quang của Pháp thân Phật).

Chiếu khắp cả pháp giới (tức là Thật trí chiếu suốt lý tính. Quyền trí soi khắp tất cả sự vật).

Chân thật hay biết (rời các vọng thức phân biệt, chỉ còn chân giác).

Tâm tính thanh tịnh ( chân tâm thanh tịnh, xa lìa các vọng hoặc nhiễm ô).

Đủ bốn đức Niết bàn: Chân thường (thuần nhất không thay đổi), Chân lạc (không có các khổ làm não loạn), Chân ngã (không bị hai món sinh tử bức bách), Chân tịnh (không bị trần lao phiền não làm nhiễm ô).

Trong mát (vĩnh viễn xa lìa phiền não).

Không biến đổi (không sinh, trụ, dị, diệt).

Tự tại (không bị các nghiệp triền phược).

Không rời (hằng sa công đức không rời chân như).

Không đoạn (từ vô thủy đến giờ không hề gián đoạn)

Không khác (một vị, không khác).

Và không thể nghĩ bàn v.v... (sự lý viên dung, nhiễm tịnh không hai, không thể nghĩ bàn được).

Tóm lại, vì tâm chân như bao trùm vô lượng hằng sa công đức, nên gọi là Như Lai tạng và làm chỗ nương cho tất cả các Pháp, nên cũng gọi là Pháp thân của Như Lai.

CHÁNH VĂN

Hỏi: Trước đã nói “Thể chân như bình đẳng và xa lìa tất cả các tướng”, tại sao đến đây lại nói “Thể chân như có đủ các đức tính sai khác”?

Đáp: Tuy đủ các đức tính, mà thật ra không có hình tướng gì sai khác; chỉ đồng một vị chân như bình đẳng mà thôi.

Hỏi: Nghĩa này thế nào?

Đáp: Vì bản thể chân như vô phân biệt, và xa lìa các hình tướng sai biệt, cho nên không có tướng gì sai khác (vô nhị).

Hỏi: Vậy thì căn cứ theo nghĩa gì, mà nói là sai khác?

Đáp: Căn cứ theo tướng sinh diệt của nghiệp thức, mà nói có sai khác vậy.

Lược giải

Đoạn này Luận chủ lập những câu vấn đáp, để giải thích các nghi ngờ. Trong phần vấn đáp thứ nhất, về câu hỏi:”Thể chân như đã bình đẳng và xa lìa tất cả tướng, tại sao lại có đủ các đức tính sai khác?” Luận chủ trả lời, đại ý:”Tướng” không khác với “Tính”, Tướng tức là Tính, đều đồng một vị chân như bình đẳng, nên không khác; cũng như sóng không khác với nước, sóng tức là nước, đều đồng một vị.

Trong phần vấn đáp thứ hai, ngoại nhân vì chưa hiểu câu trả lời trên, nên hỏi gạn lại, để được giải thích thêm. Luận chủ đáp, đại ý như sau: chân như xa lìa tất cả các tướng, và tất cả sự phân biệt, cho nên không có hai tướng sai khác; sở dĩ có sự sai khác là do đổi vọng tâm phân biệt (nghiệp thức) mà có.

Trong phần vấn đáp thứ ba, đại ý về câu hỏi:”Thể và Tướng chân như đã không hai, vậy căn cứ vào đâu mà nói có sự sai khác?”. Đại ý câu đáp: Căn cứ vào nghiệp thức sinh diệt, mà chỉ Tướng sai khác. Vì nghiệp thức sinh diệt có đủ hằng sa pháp nhiễm ô, cho nên khi chuyển nhiễm ô trở lại chân như thanh tịnh, tất nhiên cũng phải có đủ hằng sa tướng sai khác về đức tính thanh tịnh.

CHÁNH VĂN

Hỏi: Căn cứ theo tướng sinh diệt của nghiệp thức thế nào, mà nói có các đức tính sai khác?

Đáp: Từ hồi nào đến giờ, tất cả các pháp thật ra không có tướng gì sai khác (thật vô ư niệm), chỉ một chân tâm mà thôi. Song vì vô minh bất giác, tâm vọng niệm khởi lên, thấy có các cg, nên gọi là “vô minh”.

Vì đối với nghiệp thức (vọng tâm) có khởi niệm; trái lại chân như không khởi niệm nên chân như có đức tính Đại trí tuệ quang minh (đức tính thứ nhất).

Vì đối với nghiệp thức có thấy, nên có cái không thấy; trái lại chân như vì xa lìa các cái thấy, nên chân như có đức tính chiếu khắp cả pháp giới (đức tính thứ hai).

Vì đối với nghiệp thức có vọng động, nên không chân thật hay biết, và tự tính không thanh tịnh; trái lại chân như vì không vọng động, nên chân như có đức tính Chân thật hay biết và Tâm tính thanh tịnh (đức tính thứ ba và tư).

Vì đối với nghiệp thức thì không thường, không lạc, không ngã, không tịnh, nhiệt não, suy biến và không tự tại; trái lại chân như không có các việc trên, nên chân như có những đức tính: chân thường, chân lạc, chân ngã, chân tịnh, thanh lương (trong mát) bất biến và tự tại (đức tính thứ 5 và 6 v.v…)

Tóm lại, vì đối với nghiệp thức có hằng hà sa số nhiễm ô, còn chân như thì trái lại, không có các nhiễm ô, nên chân như hiện ra đủ các đức tính thanh tịnh, cũng nhiều hơn số cát sông Hằng. Vì nghiệp thức (vọng tâm) có khởi động, còn thấy có các pháp hiện tiến để phân biệt, nên còn có chỗ thiếu sót; trái lại, chân như là pháp thanh tịnh, chỉ nhất tâm, không có vọng niệm, nên đầy đủ vô lượng công đức. Bởi thế nên gọi là Như Lai tạng, cũng gọi là Pháp thân của Như Lai.

Lược giải

Đoạn vấn đáp này là tiếp theo 3 đoạn vấn đáp trên, để giải thích thêm về câu hỏi:”Thể chân như đã bình đẳng, lìa tất cả tướng, tại sao lại có đủ các đức tính sai khác?”. Đoạn vấn đáp trên đã trả lời rằng:” Căn cứ theo tướng sinh diệt của nghiệp thức, nên nói có các đức tính sai khác”. Bởi thế nên đến đoạn này, mới có câu hỏi:”Căn cứ theo nghiệp thức thế nào mà nói chân như có các đức tính sai khác?”.

Đại ý trong câu trả lời của đoạn văn này: Tất cả các pháp tức là chân như, nên không có tướng gì sai khác. Song vì vô minh bất giác, tâm vọng niệm nổi lên (nghiệp thức), nên thấy (chuyển thức) có cảnh giới (hiện thưc sai khác).

Nghiệp thức có vô số tướng nhiễm ô như: Khởi vọng niệm, có tướng thấy, tướng không thấy, có động, vô thường, vọng ngã, khổ, nhiệt não, suy biến, không tự tại, có chỗ thiếu sót v.v…Vì đối với các tính nhiễm ô của nghiệp thức, nên chân như mới có vô số đức tính thanh tịnh sai khác, như là:

1. Đại trí tuệ quang minh

2. Chiếu khắp cả pháp giới

3. Chân thật hay biết

4. Tính thanh tịnh

5. Chân thường, chân lạc, chân ngã, chân tịnh

6. Trong mát (thanh lương) không biến đổi (không sinh, lão, bịnh, tử) và tự tại v.v…

Tóm lại, vì đối nghiệp thức có các tướng nhiễm ô, nhiều hơn số cát sông Hằng, nên chân như cũng có đủ các đức tính thanh tịnh, nhiều hơn số cát sông Hằng.

Đã nói Thể lớn, Tướng lớn của chân như rồi, tiếp đến bài thứ 11 sau đây, sẽ nói Dụng rộng lớn của Tâm chân như.

 


 

Viết bình luận

Chúc mừng năm mới
Copyright © 2015 daibaothapmandalataythien.org. All Rights Reserved.
Xã Đại Đình, huyện Tam Đảo, tỉnh Vĩnh Phúc. Email: daibaothapmandalataythien@gmail.com

Đăng ký nhận tin mới qua email
Số lượt truy cập: 6328184
Số người trực tuyến: