12. Bài thứ mười hai | Đại Bảo Tháp Mandala Tây Thiên | Đại Bảo Tháp | Đại Bảo Tháp Tây Thiên

12. Bài thứ mười hai

Bài Thứ Mười Hai

CHƯƠNG THỨ BA

PHẦN GIẢI THÍCH

A. ĐỐI TRỊ CÁC CHẤP SAI LẦM

CHÁNH VĂN

Tất cả các chấp sai lầm (tà chấp), đều do chấp ngã và chấp pháp mà sinh; nếu rời chấp ngã và chấp pháp thì không còn các chấp sai lầm.

I. CHẤP NGÃ (chấp bản ngã thật có)
 
Chúng phàm phu chấp ngã có 5 thứ:
 
1. Chấp “Hư không là chân tính của Như Lai”. Vì phá chấp của chúng sinh nên trong kinh Phật nói:” Pháp thân của Như Lai rốt ráo vắng lặng cũng như hư không”. Chúng phàm phu nghe nói như thế, không hiểu, lại lầm chấp:”Hư không là chân tính của Như Lai”.
 
Vì đối trị cái chấp sai lầm này, nên phải giải thích rằng:”Hư không là pháp hư đối, không có thật thể, do đối với sắc tướng mà thấy có hư không; nếu không có sắc tướng thì cũng không có tướng hư không. Nghĩa là từ hồi nào đến giờ, tất cả cảnh giới (sắc pháp) đều do vọng tâm biến hiện, không có pháp nào ngoài tâm; chúng sinh không biết vọng chấp (biến kế chấp) là thật có. Nếu vọng tâm hết, thì các cảnh giới cũng không còn. Lúc bấy giờ chỉ còn chân tâm hiện khắp tất cả. Đó là pháp thân quảng đại thuộc về tâm trí (tính trí) của Như Lai không phải như hư không, không có tri giác.
 
Lược giải
 
Đối trị chấp tà là phá trừ các sự chấp nhất sai lầm. Các sự chấp nhất sai lầm đều do chấp ngã, chấp pháp mà sinh. Nếu phá trừ được chấp ngã, chấp pháp thì các chấp sai lầm không còn.
 
Vì quan niệm thân tâm là thật, nên gọi là chấp ngã quan niệm vũ trụ vạn vật là thật, thì gọi là chấp pháp.
 
Chúng sinh chấp pháp thân của Phật có hình tướng như thế này, hoặc như thế kia v.v….Vì muốn phá các chấp sai lầm ấy, nên Phật nói: “Pháp thân của Phật rốt ráo vắng lặng, cũng như hư không”.
 
Nghe trong kinh nói như vậy, chúng sinh trở lại chấp: “Hư không là pháp thân của Như Lai” vì phá cái chấp sai lầm này, nên Ngài Mã Minh giải thích rằng: “Hư không là cái không thật thể, do các sắc tướng mà thấy có hư không. Nếu không có sắc tướng thì cũng không có hư không. Cả sắc tướng và hư không đều do vọng tâm biến hiện; rồi chúng sinh lầm chấp là thật có. Nếu vọng tâm hết thì sắc tướng và hư không cũng không còn. Lúc bấy giờ bản thể chân tâm hiện ra, rộng lớn bao la và trùm khắp tất cả. Đó là pháp thân thanh tịnh của Như Lai. Đây thuộc về phần tâm trí, không phải như hư không, không có tri giác.
 
CHÁNH VĂN

2. Chấp “Chân như hay Niết bàn, chỉ là không không, chẳng có chi hết”. Vì phá vọng chấp của chúng sinh, nên trong kinh Phật nói: “Các pháp thế gian rốt ráo không có thật thể; cho đến các pháp xuất thế gian, như Chân như hay Niết bàn rốt ráo, cũng không có thật thể; từ hồi nào đến giờ, nó không có các tướng”. Chúng phàm phu nghe nói như vậy không hiểu, trở lại chấp:”Chân như hay Niết bàn là không có chi hết”.
 
Vì đối trị sự chấp sai lầm này, nên phải giải thích rằng: “Chân như hay Pháp thân của Phật, chẳng phải không có tự thể; nó sẵn có và đầy đủ vô lượng công đức”.
 
Lược giải
 
Đoạn trên phá quan niệm sai lầm, chấp “hư không là chân tính của Như Lai”; đoạn này phá quan niệm sai lầm, cho rằng “Chân như hay Niết bàn là cảnh giới hư không ảo tưởng không có chi hết”.
 
Chúng sinh thường lầm tưởng:”Các pháp thật có”. Vì phá trừ quan niệm sai lầm ấy, nên trong kinh Phật nói: “Các pháp thế gian hư giả không thật, cho đến các pháp xuất thế gian như Chân như, Bồ Đề, Niết bàn v.v…rốt ráo cũng không có thật thể, vì không có các hình tướng”. Chúng phàm phu nghe nói như vậy không hiểu, trở lại chấp: “Chân như hay Niết bàn v.v…là cảnh giới hư vô ảo tưởng, chẳng có chi hết”.
 
Để đối trị sự chấp sai lầm này, nên Ngài Mã Minh Bồ Tát giải thích rằng: “Chân như, Pháp thân hay Bồ Đề, Niết bàn không phải là cảnh giới ảo tưởng hư vô, không có gì cả, mà nó sẵn có đầy đủ vô lượng đức tính, nhiều hơn số cát sông Hằng, như: thiện, thường, lạc, ngã, tịnh, giải thoát v.v….

CHÁNH VĂN
 
3. Chấp “Như Lai tạng” có các hình tướng sai khác như Sắc và Tâm. Nghe trong kinh Phật nói:”Như Lai tạng không tăng không giảm, sẵn đủ tất cả các công đức”; chúng phàm phu vì không hiểu nghiã này, nên trở lại chấp: “Như Lai tạng có đủ các hình tướng sai khác, như sắc và tâm v.v….”.
 
Để đối trị sự chấp sai lầm này, nên phải giải thích rằng: “Căn cứ về thể Chân như thì không có các tướng sai khác; còn theo tướng nhiễm ô sinh diệt, thì có các hình tướng sai khác”.
 
Lược giải
 
Đoạn này phá quan niệm sai lầm cho rằng: “Chân” đồng với “Vọng”.
 
Nghe trong kinh Phật nói: “Như Lai tạng không tăng không giảm, sẵn có đủ tất cả đức tính, chúng phàm phu không hiểu trở lại chấp: “Như Lai tạng cũng có các hình sắc sai khác”.
 
Để đối trị quan niệm sai lầm này, Ngài Mã Minh giải thích rằng: “Thể Chân như” (Chân như môn) thì thanh tịnh không có các hình tướng sai khác, còn về “tướng sinh diệt” (Sinh diệt môn) thì đủ các hình tướng sai khác”.
 
CHÁNH VĂN
 
4. Chấp “Trong Như Lai tạng thật có đủ các pháp sinh tử nhiễm ô”. Nghe trong kinh Phật nói: “Các pháp sinh tử nhiễm ô của thế gian, đều do Như Lai tạng mà có, tất cả các pháp đều không rời Chân như”, chúng phàm phu không hiểu nghĩa này, lại chấp: “Chính trong bản thể Như Lai tạng, sẵn có tất cả các pháp sinh tử nhiễm ô của thế gian”.
 
Để đối trị cái chấp sai lầm này, nên giải thích rằng: “Từ vô thủy tới giờ, trong Như Lai tạng, chỉ có các công đức thanh tịnh, nhiều hơn số cát sông Hằng. Các công đức này không lìa, không đoạn và cũng không khác với Chân như; còn hằng hà sa số các pháp phiền não nhiễm ô kia, chỉ là hư vọng, vốn không có thật tính. Bởi thế nên từ hồi nào đến giờ, trong Như Lai tạng chưa từng thật có các pháp nhiễm ô. Nếu trong bản thể Như Lai tạng (chân) thật có các phiền não nhiễm ô, rồi hành giả phải diệt trừ các phiền não nhiễm ô, mới chứng được chân như thanh tịnh, thì rất vô lý.
 
Lược giải
Chúng phàm phu nghe trong kinh Phật nói: “Các pháp sinh tử nhiễm ô đều do Như Lai tạng mà có, các pháp không rời chân như “: rồi họ chấp “Trong Như Lai tạng hay chân như, thật có sẵn các pháp sinh tử nhiễm ô”.
 
Để phá quan niệm sai lầm này, nên Ngài Mã Minh Bồ Tát giải thích rằng: “Từ hồi nào đến giờ, trong Như Lai tạng (chân) chỉ có hằng hà sa số đức tính thanh tịnh, các đức tính này không rời chân như; còn pháp sinh tử nhiễm ô, vì là hư vọng, không có thật thể, nên từ hồi nào đến giờ, không có ở trong Như Lai tạng”.
 
Như Lai tạng hay chân như, dụ như “tâm người đương thức tỉnh”: sinh tử nhiễm ô, dụ như “giấc ngủ mà có chiêm bao”. Đành rằng “cái nhủ chiêm bao” là nương nơi “tâm người thức tỉnh” mà có; song từ hồi nào đến giờ, trong “tâm người thức tỉnh” không bao giờ thật có chứa sẵn “cái ngủ chiêm bao”. Bởi “cái ngủ chiêm bao” hư vọng không thật, nên khi thức giấc rồi thì nó tự mất. Cũng thế, các pháp sinh tử nhiễm ô, vì hư vọng không thật, nên khi giác ngộ rồi, nó không còn.
 
Nếu quan niệm rằng: “trong Như Lai tạng thật sẵn có các phiền não nhiễm ô; hành giả phải diệt trừ hết các phiền não nhiễm ô, mới chứng được chân như thanh tịnh”, thì không phải. Cũng như nói “trong tâm người thức tỉnh, thật sẵn có “cái ngủ chiêm bao” phải diệt trừ hết “cái ngủ chiêm bao” rồi, mới được thức tỉnh”: nói như thế rất là phi lý.
 
Phải biết, các phiền não sinh tử, chỉ là cái mê vọng, không có thật thể. Phật đã dạy rằng: “Biết mình mê thì cái “mê” hết, cái “biết” đó không sinh mê trở lại” (Giác mê mê diệt, giác bất sinh mê). Cũng như người khi biết mình dại, thì không còn dại nữa. Lúc bấy giờ họ trở thành khôn; khi khôn rồi, thì cái “khôn” đó không sinh cái dại trở lại nữa.
 
Nếu cái “dại” (mê) này thật có, thì khi biết khôn (giác) rồi, cái “dại” đó trốn núp ở đâu? Cũng như “cái ngủ chiêm bao” nếu thật có, thì khi tỉnh thức rồi nó phải còn. Nhưng vì nó không còn, nên biết “cái ngủ chiêm bao” (mê dại) này không thật có.
 
Nếu nói “phải diệt trừ hết các pháp sinh tử nhiễm ô mới chứng được chân như thanh tịnh” thì cũng như nói “phải phá trừ cho hết “cái ngủ chiêm bao” rồi, mới được sự thức tỉnh”; nói như thế, đều phi lý.
 
Bởi thế nên từ hồi nào đến giờ, trong Như Lai tạng hay Chân như, không bao giờ thật có sinh tử nhiễm ô; cũng như trong “tâm người thức tỉnh”, không bao giờ thật có “cái mê ngủ chiêm bao” vậy.
 
CHÁNH VĂN

5. Chấp “Chúng sinh có thủy, chư Phật có chung tận”. Chúng phàm phu nghe trong kinh Phật nói: “Do Như Lai tạng mà có sinh tử, do Như Lai tạng mà đặng Niết bàn”. Vì họ không hiểu nên chấp: “Chúng sinh hữu thủy (có đầu tiên) và chư Phật chứng Niết bàn, sẽ có ngày chng tận, rồi trở lại làm chúng sinh”.
 
Để đối trị cái chấp sai lầm này, nên giải thích rằng: Như Lai tạng (Chân như tại triền) và vô minh đều có từ vô thủy (không có đầu tiên). Nếu nói chúng sinh (có sinh khởi đầu tiên) là kinh của ngoại đạo nói (kinh Đại hữu), không phải kinh Phật.
 
Lại nữa, Như Lai tạng không có chung tận: chư Phật chứng Niết bàn là thể nhập (tương ưng) Như Lai tạng, nên cũng không có chung tận.
 
LƯỢC GIẢI
 
Chúng sinh nghe trong kinh Phật nói: “Do Như Lai tạng mà có sinh tử, do Như Lai tạng mà chứng Niết bàn”; rồi họ suy luận và chấp rằng: vì do Như Lai tạng mà có sinh tử (Vô minh, chúng sinh); như thế thì chúng sinh (sinh tử, vô minh) tất phải có sự bắt đầu sinh khởi; (hữu thủy) và do Như Lai tạng mà chứng Niết bàn, vậy thì Niết bàn cũng có sự bắt đầu sinh khởi (hữu thủy). Do đó người ta kết luận: Chúng sinh đã hữu thủy nên cũng hữu chung, Niết bàn hữu thủy nê cũng hữu chung. Bởi thế nên họ chấp chư Phật chứng Niết bàn rồi, có ngày cũng cùng tận, phải trở lại làm chúng sinh.
 
Để đối trị với chấp sai lầm này, nên Ngài Mã Minh giải thích, đại ý nói “Chân như và vô minh đồng thời có từ vô thủy”. Cũng như chất ngọt và chất chát đồng thời có trong trái hồng. Song hành giả khi chuyển phiền não trở lại Bồ Đề, chuyển sinh tử trở lại Niết bàn, thì lúc bấy giờ chúng sinh không còn (chung tận), mà chỉ còn Chân như hay Phật. Cũng như khi trái hồng lớn chín, đổi hết chất chát chỉ còn chất ngọt. Khi trái hồng đã chín ngọt rồi, thì không bao giờ trở lại chát nữa. Cũng như khi đã thành Phật rồi, không bao giờ trở lại làm chúng sinh nữa.
 
Vậy nên biết, vô minh (chúng sinh) vô thủy mà hữu chung; Chân như (Phật) vô thủy và vô chung.
 
Kinh Phật thì chép “Chúng sinh vô thủy”; còn kinh Đại hữu của ngoại đạo lại chép “Chúng sinh hữu thủy”.
 
CHÁNH VĂN
 
II. CHẤP PHÁP (chấp thật có vũ trụ vạn hữu)
 
Đối với hàng Nhị thừa, vì độn căn chấp ngã, nên trong kinh Phật nói: “Chỉ có năm ấm sinh diệt, không có thật ngã”. Nghe như thế, hạng này trở lại chấp: “Thật có năm ấm sinh diệt” (chấp thật pháp), nên họ rất sợ khổ sinh tử và cầu vui Niết bàn.
 
Để đối trị cái chấp sai lầm này, nên phải giải thích rằng: “Tính của năm ấm, từ hồi nào đến giờ, vốn là Niết bàn, không sinh và cũng không diệt”.
 
Lược giải
 
Năm ấm thật sắc, thọ, tưởng, hành và thức. Vì năm đám mây này che khuất vừng trăng chân như, nên gọi là “Ấm” (che).
 
Để phá trừ chấp ngã của hàng Nhị thừa độn căn, nên Phật nói: “Chỉ có năm ấm sinh diệt, không có thậ ngã”. Lúc bấy giờ hạng nàykhông còn chấp ngã, mà trở lại chấp pháp; nghĩa là chấp thật có năm ấm, thật có khổ sinh tử và vui Niết bàn. Do đó, họ rất sợ sinh tử và thích thú vui ở mãi mơi cảnh Niết bàn.
 
Để phá trừ cái chấp thật Pháp của Nhị thừa, nên Ngài Mã Minh Bồ Tát giải thích, đại ý nói: “Tướng của các pháp không thật, tính nó là chân như, là Niết bàn, xưa nay không sinh, nên cũng không diệt”. Vì các pháp không thật có, nên Bồ Tát không sợ sinh tử và không yên vui ở mãi nơi Niết bàn”.
 
Nếu nói một cách đầy đủ, thì phải nói “vô ngã và vô pháp”. Nhưng đây vì đối với hành Nhị thừa, nên Phật chỉ mới nói “năm ấm vô thường”, chớ chưa nói đến “sinh tử tức chân thường”.
 
CHÁNH VĂN
 
Lại nữa, nếu người rốt ráo xa lìa các vọng chấp, thì mới biết rõ các pháp Nhiễm tịnh đều do đối đãi nhau mà thôi, thật ra không có cái tướng gì có thể kêu gọi được. Bởi thế nên, từ hồi nào đến giờ, tất cả các pháp, không phải sắc, không phải tâm, không phải trí, không phải thức, không phải hữu, không phải vô, rốt ráo không có tướng gì có thể gọi được. Song, sở dĩ Phật có nói năng kêu gọi như thế này hoặc như thế kia, là vì đức Như Lai khôn khéo, phương tiện tạm dùng lời nói để dẫn dắt chúng sinh, mục đích là làm cho chúng sinh xa lìa các vọng niệm (ly niệm) trở vể chân như; nếu còn vọng niệm thì tâm phải sinh diệt, nên chẳng nhập được trí Phật (thật trí: chân như)
 
Lược giải
 
Từ hồi nào đến giờ, tất cả các pháp, không phải sắc, không phải tâm, không phải trí, không phải thức v.v…chỉ vì chúng sinh vọng chấp phân biệt, so sánh (biến kế chấp) đối đãi với nhau mà thành thế này hoặc thế kia, như đối với hữu gọi là vô, đối với sắc gọi là tâm, đối với thức gọi là trí, đối với cao gọi là thấp, đối với lớn gọi là nhỏ, đối với tốt gọi là xấu v.v…Nếu chúng sinh rốt ráo xa lìa các vọng chấp thì thật không có một pháp gì có thể kêu gọi được. Lúc bấy giờ hành giả mới thấy rõ các pháp không thể kêu gọi (ly danh tự tướng), không thể nói năng luận bàn (ly ngôn thuyết tướng), hay suy nghĩ được (ly tâm duyên tướng).
 
Chư Phật đã hoàn toàn xa lìa các vọng chấp, song còn gọi pháp khổ, pháp vui, nhiễm tịnh, sinh tử, Niết bàn v.v…là vì Phật phương tiện tạm đặt ra những danh từ kêu gọi như thế, mục đích là để dẫn dắt chúng sinh lìa các vọng niệm chấp trước, đặng nhập vào chân như hay trí Phật. Khi chúng sinh đã nhập vào chân như hay trí Phật rồi, lúc bấy giờ cũng không còn danh từ gì để kêu gọi được.
 
Bài này nói về phần đối trị các chấp sai lầm rồi, đến bài thứ 13, sẽ nói về hành tướng phát tâm đến đạo.
 

 

Viết bình luận

Chúc mừng năm mới
Copyright © 2015 daibaothapmandalataythien.org. All Rights Reserved.
Xã Đại Đình, huyện Tam Đảo, tỉnh Vĩnh Phúc. Email: daibaothapmandalataythien@gmail.com

Đăng ký nhận tin mới qua email
Số lượt truy cập: 6328124
Số người trực tuyến: