15. Bài thứ mười lăm | Đại Bảo Tháp Mandala Tây Thiên | Đại Bảo Tháp | Đại Bảo Tháp Tây Thiên

15. Bài thứ mười lăm

Bài Thứ Mười Lăm
 
CHƯƠNG THỨ TƯ
 
PHẦM TÍN TÂM, TU HÀNH
 

CHÁNH VĂN
 
Chương này là căn cứ vào nhóm chúng sinh chưa vào chánh định mà nói về việc tín tâm tu hành. Về tín tâm thì ước lược có bốn món, còn tu hành lại có năm món.
 
A. NÓI VỀ BỐN MÓN TÍN TÂM
 
1. Tin căn bản, tức là ưa nghĩ nhớ pháp chân như.
 
2. Tin Phật có vô lượng công đức; hành giả thường phải nghĩ tưởng, gần gũi, cung kính và cúng dường chư Phật, để pháp khởi căn lành và nguyện cầu đặng “Nhất thế trí”.
 
3. Tin Pháp của Phật có lợi ích lớn; hành giả phải thường nhớ tu hành các pháp Ba la mật.
 
4. Tin Tăng là người chân chính tu hành, tự lợi lợi tha, và hành giả thường ưa thân cận các vị Bồ Tát để cầu học cái hạnh chân thật.

Lược giải

Luận này có năm chương, ba chương đầu là phần lý thuyết, chương thứ tư nói về thật hành, tức là việc khởi tín tâm tu hành, nên chương này rất cần thiết cho hành giả.
 
Vậy người nào mới có thể khởi tín tâm tu hành? Bồ Tát Mã Minh nói: “Phải chúng sinh chưa vào chính định, mới có thể khởi tín tâm tu hành”. Tại sao thế? Vì những người tà định (ngoại đạo) không thể khởi tín tâm tu hành theo Đại thừa; còn những người đã vào chính định rồi, thì không cần phải nói nữa; duy có người bất định (không nhất định Đại thừa hay Tiểu thừa) chưa vào chính định, mới có thể khởi tín tâm tu hành theo Đại thừa được.
 
Vậy hành giả phải tin cái gì? Có bốn món: Trước nhất hành giả phải tự tin nơi bản tính chân như của mình, tức là tin mình saün có tính Phật (khả năng thành phật), cũng gọi là tin tâm Đại thừa. Tin như thế nào? Phải luôn luôn tin tưởng và nghĩ nhớ tâm chân như của mình, Thể nó lớn, Tín nó to, Dụng nó đại. Đó là điều tin căn bản, còn ba điều tin sau này, cũng do tin căn bản mà ra, tức là tin Tam bảo: Tin Phật là người đã chứng được chân như; tin Pháp là phương pháp để thực hiện chân như; tin Tăng là người đang thật hành theo chân như.
 
Hành giả tin Phật để cầu được nhất thế trí; tin Pháp để tu hành theo các pháp Ba la mật; tin Tăng để học theo hạnh chân thật.
 
CHÁNH VĂN
 
B. NÓI VỀ NĂM MÔN TU HÀNH
 
1. Bố thí
 
2. Trì giới
 
3. Nhẫn nhục
 
4. Tinh tấn
 
5. Chỉ, quán (Định, Tuệ)
 
Thế nào là tu Bố thí? Nếu thấy có người đến xin, hành giả có những tài vật gì tuỳ theo sức mình, đem bố thí cho người, thì sẽ được hai điều lợi ích: tự mình bỏ được lòng tham lam bỏn xẻn, và người thọ thí được vui mừng. Nếu thấy người bị tai nạn, sợ hãi lo buồn, hành giả tận khả năng của mình cứu giúp, làm cho họ hết lo sợ; gọi là thí vô uý (bố thí cái không sợ). Nếu có người đến cầu nghe Phật pháp, hành giả tuỳ theo sự hiểu biết của mình, phương tiện thuyết pháp; thuyết pháp với tâm niệm tốt đẹp là nghĩ vì tư lợi lợi tha và hồi hướng về đạo Bồ Đề, không vì danh lợi hoặc cầu người cunh kính.
 
Lược giải
 
Về việc tu hành, hành giả chỉ tu pháp Lục độ thì những hạnh tự lợi và lợi tha đều được đầy đủ.
 
Bố thí có ba thứ: thí tài, thí pháp và thí không sợ.
 
1. Thí tài, tức là thí của, có hai thứ của: a) Đem tiền bạc của cải của mình giúp cho người, gọi là thí ngoại tài (của ngoài thân); b) Hy sinh thân mạng để cứu người, như cho máu những người thiếu máu v.v…gọi là thí nội tài (của trong thân). Thí ngoại tài thì hành giả sẽ trừ được tâm bỏn xẻn về tiền của. Thí nội tài thì hành giả sẽ bớt được tâm chấp ngã và tự ái.
 
2. Thí pháp, tức là thí phương pháp, có hai phần: a) Chỉ dạy cho người những phương pháp (nghề nghiệp) chân chính để tự nuôi sống, gọi là thí về pháp thế gian; b) Dạy người những phương pháp tu hành để giải thoát sinh tử luân hồi, gọi là thí về pháp xuất thế gian. Thí pháp, hành giả sẽ trừ được tâm bỏn xẻn về pháp.
 
3. Thí không sợ, tức là thí cái không lo sợ, cũng có hai phần: a) Về phần tiêu cực, mình không làm cho người lo sợ, gọi là thí không sợ, b) Về phần tích cực, thấy người bị hoạn nạn, đang lo sợ, mình tận lực cứu giúp, làm cho người hết lo sợ, cũng gọi là thí không sợ. Bố thí không sợ, hành giả sẽ nuôi lớn được lòng từ bi.
 
CHÁNH VĂN
 
Thế nào là tu Trì giới? Không sát sinh, trộm cắp, dâm dục, không nói lời dâm thọc, nói lời độc ác, không nói dối, nói thêu dệt, không tham sân si, tật đố, dua nịnh, dối trá và tà kiến. Nếu là người xuất gia thì, vì còn dẹp trừ phiền não, nên phải xa lánh chỗ ồn ào, thường ở chỗ thanh vắng, tu hạnh thiểu dục tri túc, hoặc tu hạnh đầu đà v.v…Cho đến một lỗi nhỏ, hành giả cũng phải sinh tâm hổ thẹn, ăn năn sám hối và kiêng sợ; không dám khinh giới luật của Phật. Hành giả phải giữ gìn, đừng để cho người chê bai khinh hiềm, tại mình mà họ tạo tội lỗi.

Lược giải
 
Giới luật của Phật chế ra, tổng quát có ba phần, gọi là “Tam tụ tịnh giới” (ba phần giới thanh tịnh):
 
1. Bỏ các điều tội lỗi, gọi là “Nhiếp luật nghi giới”;
 
2. Làm các việc lành, gọi là “Nhiếp thiện pháp giới”;
 
3. Làm lợi ích chúng sinh, gọi là “Nhiêu ích hữu tình giới”.
 
Hành giả tu theo Đại thừa, một mặt là phải giữ ba phần giới này cho thanh tịnh; một mặt nữa là đừng làm những điều sái trái, để cho thế gian đàm tiếu, mà họ mang lấy tội lỗi.
 
CHÁNH VĂN
 
Thế nào là tu Nhẫn nhục? Nhẫn chịu những điều người ta làm cho mình khổ não trong tâm hành giả cũng không nghĩ tưởng đến việ trả thù; và nhẫn chịu tám hướng gió của trần gian thổi đến: 1. Thịnh lợi, 2. Suy bại, 3. Huỷ báng, 4. Danh dự, 5. Khen, 6. Chê, 7. Khổ, 8. Vui.
 
Lược giải
 
Tất cả những hoàn cảnh, làm cho hành giả tạo các tội lỗi, không ngoài tám điều, gọi là “Bát phong” (tám ngọn gió); nhưng tóm lại thì có hai cảnh: thuận và nghịch.
 
Tài lợi, danh vọng, khen ngợi và vui là bốn ngọn gió thuận cảnh, nó thổi vào biển tâm của hành giả, làm cho nổi lên vô lượng sóng tham lam. Suy bại, huỷ báng (công kích lỗi người), chê bai (nói xấu) và khổ là bốn ngọn gió nghịch cảnh, nó thổi vào biển tâm của hành giả, làm cho nổi lên vô lượng sóng tham lam. Suy bại, huỷ báng (công kích lỗi người) chê bai (nói xấu) và khổ là bốn ngọn gió nghịch cảnh, nó thổi vào biển tâm của hành giả, làm cho nổi lên không biết bao nhiêu sóng sân hận.
 
Hành giả khi gặp các thứ gió, dù thuận hay nghịch, cũng đều phải giữ gìn biển tâm mình cho yên lặng, đừng để các sóng phiền não như tham lam hay sân si v.v…nổi lên. Như thế gọi là tu pháp Nhẫn nhục Ba la mật.
 
CHÁNH VĂN
 
Thế nào lá tu Tinh tấn? Lập chí kiên nhẫn, tu các việc lành, tâm không trễ nãi và không khiếp nhược. Hành giả phải thường nhớ rằng, từ quá khứ nhiều kiếp lâu xa đến nay đã thọ không biết bao nhiêu thân tâm hư giả và chịu không biết bao nỗi khổ lớn lao, đều không có lợi ích gì cả. Bởi thế nên đời nay, ta siêng năng tu các công đức, làm những việc tự lợi lợi tha, để mau xa lìa các khổ.
 
Lại nữa, nếu người tín tâm tu hành mà bị các nghiệp chướng đời trước làm chướng ngại, hoặc bị các tà ma ác quỉ nhiễu hại, hay bị việc đời ràng buộc, hoặc bị bịn khổ làm não bức v.v…thì hành giả phải tinh tấn dõng mãnh, ngày đêm sáu thời lễ Phật tụng kinh, thành tâm sám hối, thường hành không bỏ phế; khuyên thỉnh Phật trụ thế và tuỳ hỷ các việc công đức, để hồi hướng về đạo quả Bồ Đề. Phải làn như thế, hành giả mới khỏi các điều chướng ngại và căn lành tăng trưởng.
 
Lược giải
 
Tinh tấn là một yếu tố để thành công trên đường đời cũng như trên đường Đạo. Người tu hành nếu thiếu tinh tấn thì không bao giờ thành đạo chứng quả được. Tinh là tinh chuyên một việc; Tấn là tiến tới không dừng.
 
Hành giả lập chí dũng mãnh, chuyên tu các pháp lành, tâm không khiếp nhược, phải thường nhớ rằng: Từ vô lượng kiếp đến nay ta thọ biết bao nhiêu thân, chịu biết bao nhiêu khổ, nhưng không làm được điều lợi ích gì cả! Vậy đời này ta phải tu các công đức, đề xa lìa các tội khổ. Nếu người bị nghiệp chướng đời trước nặng nề, hoặc tà ma ác quỉ nhiễu loạn, hay việc đời ràng buộc, bệnh hoạn làm khổ não, v.v…khó hành đạo được, hành giả phải ngày đêm 6 thời, tụng kinh sám hối, không nên bê trễ, thì các chướng ngại sẽ hết và căn lành tăng trưởng.
 
CHÁNH VĂN
 
Thế nào là tu Chỉ, Quán? “Chỉ” nghĩa là đình chỉ tất cả các vọng tưởng (định), để tuỳ thuận theo quán không (xa ma tha); “Quán” nghĩa là quán sát các tướng nhân duyên sinh diệt (tuệ) để tuỳ thuận theo quán giả (tỳ bác xa na).
 
Sao gọi là tuỳ thuận? Do hành giả từ từ tu tập, một lần cả Chỉ và Quán, đều không rời nhau, nên gọi là tuỳ thuận.
 
Lược giải
 
Tu Chỉ, Quán tức là tu Thiền định và trí tuệ. “Chỉ” là đình chỉ các vọng tưởng, tức là Định; “Quán” lá quán sát để thấu rõ chân lý của các pháp, tức là Tuệ. Tu Chỉ, Quán sẽ được Định, Tuệ; vì Chỉ, Quán là Nhân, mà Định, Tuệ là Quả.
 
Trong Lục độ, chia riêng ra Thiền định và Trí tuệ, là muốn cho hành giả thấy rõ hành tướng, công dụng và kết quả của hai pháp môn khác nhau. Trong Luận này về chương “Tín tâm tu hành”, Bồ Tát Mã Minh cũng dạy tu Lục độ, nhưng hai độ sau lại chung làm một và không gọi tu Định, Tuệ mà lại gọi là tu Chỉ,Quán? Vì Bồ Tát muốn cho hành giả phải hiểu rằng: Về phần tu nhân thì hai pháp này rất liên quan với nhau; nghĩa là hành giả phải đồng thời tu cả Chỉ và Quán. Trong Chỉ có Quán, trong Quán có Chỉ.
 
Thế nào là trong Chỉ có quán? Nghĩa là muốn ngăn ngừa đình chỉ không cho các vọng tưởng nổi lên, thì hành giả phải quán sát các pháp là không; bởi các pháp là không, nên hành giả chẳng chấp có, và không khởi tâm tham sân v.v…
 
Thế nào là trong Quán có Chỉ? Nghĩa là hành giả quán sát các pháp đều do nhân duyên hoà hiệp, sinh không phải thật sinh, mà diệt cũng không phải thật diệt. Vì các pháp do nhân duyên hoà hiệp giả có, nên hành giả chẳng chấp không, và chẳng sinh các phiền não.
 
NÓI VỀ TU CHỈ (ĐỊNH)
 
CHÁNH VĂN
 
Nếu tu “Chỉ” (định) hành giả phải ở chỗ thanh vắng, ngồi ngay thẳng, tâm chân chính, chẳng nương hơi thở, chẳng nương hình sắc và hư không, chẳng nương đất, nước, gió, lữa; chẳng nương thấy, nghe, hay biết, cho đến các tưởng niệm đều diệt trừ, rồi hành giả dẹp luôn cái “tâm niệm” trừ tưởng niệm nữa.
 
Do tất cả các pháp từ hồi nào đến giờ, mỗi niệm không sinh, mỗi niệm không diệt, nên hành giả phải không các tưởng niệm và cũng không tưởng cảnh giới ngoài tâm, rốt sau rồi lấy tâm trừ tâm. Nếu tâm vọng tưởng rong ruỗi, thì hành giả phải liền đem trở lại chánh niệm. Phải biết “Chính niệm” đây, tức là “Duy tâm”, không có ngoại cảnh. Và cái tâm này cũng không hình tướng gì có thể tưởng niệm được.
 
Lược giải
 
Hành giả tu Định (Chỉ), phải ở chỗ thanh vắng, tránh xa nơi ồn ào náo nhiệt; thân ngồi ngay thẳng, không ngước không cúi; tâm phải chân chánh, tỉnh táo sáng suốt và tịch tịnh, không phù không trầm; phải thoát ly thân, nghĩa là không nương hơi thở (không sổ tức); không nương hình sắc; phải thoát ly thế giới, không nương hư không, tứ đại; và phải thoát ly tâm, không nương thấy nghe hay biết.
 
Hành giả phải trừ hết các tưởng niệm rồi cái tâm niệm trừ các tưởng đó cũng dứt luôn; phải biết các pháp từ hồi nào đến giờ, chỉ là nhất tâm (Duy tâm), không sinh không diệt, không có cảnh giới ngoài tâm. Bởi thế nên tâm vừa vọng động rong ruổi theo trần cảnh, thì hành giả phải thu lại đem về chính niệm tức là nhất tâm, gọi là “dùng nhất tâm diệt các vọng tưởng”; rốt sau cái “tâm” này (nhất tâm) cũng không còn, gọi là “dùng tâm trừ tâm”.
 
Các vị Cổ đức dạy rằng: “Người tham thiền, trong phải thoát ly thân tâm, ngoài xa lìa cảnh giới; nghĩa là phải rời tâm, ý, thức mà tham cứu, phải ra khỏi con đường thánh phàm mà tu học, phải viễn ly các cảnh giới vọng tưởng mà cầu đạo”. Tóm lại, là phải phóng xả tất cả.
 
CHÁNH VĂN
 
Lại nữa, trong tất cả thì giờ, khi đi đứng nằm ngồi, tới lui qua lại, làm tất cả việc, hành giả phải thường nhớ phương tiện (phương tiện tuỳ duyên chỉ), nghĩa là tuỳ thuận quán sát. Hành giả tu tập như vậy lâu ngày thuần thục, thì tâm được an trụ; do tâm an trụ lần lần mạnh mẽ, nên dẹp sâu phiền não, tín tâm tăng trưởng, đặng tuỳ thuận vào chân như tam muội, mau thành vị Bất thối. Chỉ trừ những người nghiệp chướng sâu dày, nghi ngờ bài báng không tin, hoặc ngã mạn biếng nhác, thì không thể nhập Chân như tam muội được.
 
Và hành giả nhờ nương pháp Chân như tam muội này mà biết được pháp giới duy nhất; nghĩa là nhận rõ Pháp thân của chư Phật và thân chúng sinh bình đẳng không hai, nên cũng gọi là Nhất hạnh tam muội.
 
Phải biết Chân như là căn bản của các pháp tam muội; nếu hành giả tu pháp tam muội này, thì lần lần sẽ được vô lượng pháp tam muội.
 
Lược giải
 
Đoạn này nói về “Phương tiện tuỳ duyên Chỉ”; nghĩa là tu Thiền định không những thường ngồi, mà còn phải phương tiện tuỳ duyên tu tập, không cho gián đoạn. Khi đi đứng nằm ngồi làm các việc, hành giả cũng phải luôn luôn quán sát tu tập; như thế lâu ngày tâm được an trụ, nhân đó định lực lần lần mạnh mẽ nên tín tâm tăng tấn, dẹp sâu phiền não, được tuỳ thuận vào Chân như tam muội, thành bậc Bất thối. Chỉ trừ những người huỷ báng không tin, thì không được vào Chân như tam muội.
 
Hành giả được Chân như tam muội rồi, thì biết pháp giới là một, chúng sinh và chư Phật bình đẳng không hai, mê ngộ đồng một tính, nên cũng gọi là Nhất hạnh tam muội (Tam muội đồng nhất thể).
 
Chân như tam muội là căn bản của các pháp tam muội, nên người ngộ được Chân như tam muội rồi thì sẽ được các pháp tam muội khác.
 
Chữ “Tam muội”, Tàu dịch là Chính định hay Chính thọ; Nghĩa là tu Định đã đến lúc thuần thục hay đúng mức.
 
(Đã nói tu thiền định rồi, tiếp sau đây sẽ nói các việc ma).
 

 

Viết bình luận

Chúc mừng năm mới
Copyright © 2015 daibaothapmandalataythien.org. All Rights Reserved.
Xã Đại Đình, huyện Tam Đảo, tỉnh Vĩnh Phúc. Email: daibaothapmandalataythien@gmail.com

Đăng ký nhận tin mới qua email
Số lượt truy cập: 6437404
Số người trực tuyến: