6. Bài thứ sáu | Đại Bảo Tháp Mandala Tây Thiên | Đại Bảo Tháp | Đại Bảo Tháp Tây Thiên

6. Bài thứ sáu

Bài Thứ Sáu
 
PHẦN CHÁNH TÔNG (tiếp theo)
 
26. PHẬT NÓI CÔNG ĐỨC THỌ TRÌ KINH KIM CƯƠNG BÁT NHÃ
 
Phật dạy: “Tu Bồ Đề! Nếu có người tự đem thân mạng mình, nhiều như cát sông Hằng để bố thí, thì người đó phúc đức nhiều lắm. Nhưng nếu có người thọ trì đọc tụng hay giảng dạy kinh này, trọn quyển hay nửa quyển, cho đến tối thiểu là bốn câu kệ, thì phúc đức người này nhiều hơn người trước”.

Lược giải
 
Kinh này rất quý báu và lợi ích vô cùng, nên phật đã nhiều lần tán thán công đức, khuyên người thọ trì và giảng dạy cho người. Từ trước đến đây đã năm lần nói về công đức của kinh này.
 
Đoạn trước (19) nói, người dùng ngoại tài là 7 món báu, nhiều như số cát sông hằng đem bố thí, phúc đức của người này tuy nhiều, nhưng không bằng người thọ trì và giảng dạy kinh Kim Cương Bát Nhã phúc đức lại nhiều hơn.
 
Đoạn này nói, người đem nội tài là thân mạng của mình ra bố thí; chỉ bố thí một thân mạng phúc đức đã nhiều và ít ai làm được, huống chi là bố thí thân mạng của mình nhiều như số cát sông Hằng, thì phúc đức biết là bao nhiêu!
 
Nhưng nếu có người thọ trì đọc tụng hoặc giảng dạy kinh này từ một quyển hay nữa quyển cho đến tối thiểu là bốn câu kệ, thì người này phúc đức nhiều hơn người trước.
 
Bố thí thân mạng, tuy ít người làm được, nhưng phúc đức vẫn còn ở trong vòng hữu vi và hữu lậu. Người thọ trì đọc tụng hoặc giảng dạy kinh này, thì mình và người đều được ngộ nhập “Kim Cương Bát Nhã” và sẽ được thành Phật; rồi trở lại hoá độ vô số chúng sinh, nên phúc đức của người này, thuộc về vô lậu vô vi, nhiều hơn người trước.
 
Nói về công đức thọ trì kinh này, Ngài Trí Giả Đại sư có làm bài tụng:

Nguyên văn (dịch âm):
 
Hằng sa số thậm đa
Sa số cánh nan lương
Cử sa tề thất bảo
Năng trì bố thí tương
Hữu tướng giai vi huyễn
Đồ ngôn Trí tuệ cường
Nhược luận tứ cú đệ
Thử phúc mạt vi tường.

Dịch nghĩa:
 
Kể sông Hằng đã quá
Số cát lại nhiệu hơn
Chứa báu nhiều như thế
Thí tài số biết bao
Chấp mê theo giả tướng
Dẫu đặng phúc tuệ cao
Sánh với bốn câu kệ
Phúc kia có chút nào

ĐẠI Ý BÀI TỤNG

Chỉ đếm sông Hằng đã không hết, huống chi là đếm số cát trong vô số sông Hằng. Người đem của báu nhiều bằng số cát trong vô số sông Hằng ra bố thí, phúc đức tuy nhiều, nhưng thuộc hữu vi, hữu lậu.

Không bằng người thọ trì hoặc giảng dạy kinh này chừng bốn câu, thì phúc đức nhiều hơn người trước.
 
***

27. ÔNG TU BỔ ĐỀ BÙI NGÙI CẢM ĐỘNG RƠI NƯỚC MẮT

Sau khi thấy Phật nhiều lần ân cần, nhắc nhở khuyên dạy, ông Tu Bồ Đề nghe hiểu được nghĩa lý thâm thuý của kinh này, nên lúc bấy giờ, ông cảm động bùi ngùi và sa nước mắt!
 
Ông Tu Bồ Đề bạch Phật rằng: “Bạch Thế Tôn! Con tuy đặng tuệ nhãn đã lâu, nhưng từng được nghe Phật nói kinh điển, nghĩa lý cao siêu huyền diệu, quí hoá như thế này !”.
 
Lược giải

Chúng ta mỗi khi bị xúc cảm một việc gì quá mạnh, hoặc buồn hay vui, đều có rưng nước mắt. Ông Tu Bồ Đề vì thấy Phật đã nhiều lần ân cần nhắc nhở thọ trì và khuyên dạy những nghĩa lý thâm thuý cao siêu của kinh này, mà từ hồi nào đến giờ ông chưa từng được nghe, nên ông cảm động rơi nước mắt.
 
***

28. NGƯỜI NGHE KINH NÀY SINH LÒNG TIN NGƯỜI ẤY ĐẶNG CÔNG ĐỨC THỨ NHẤT

Ông Tu Bồ Đề thưa Phật: “Bạch Thế Tôn! nếu có người nghe kinh này, sinh lòng tin trong sạch, ngộ được thật tướng (tính Bát Nhã) thì người ấy sẽ đặng thành tựu công đức hy hữu thứ nhất.

Bạch Thế Tôn! Như Lai nói “thật tướng” tức là không phải “thật tướng”, chỉ tạm gọi là “thật tướng”.

Lược giải

Đoạn này ông Tu Bồ Đề nói: người nghe kinh này mà ngộ được “thật tướng Bát Nhã”, thì người ấy đặng công đức hi hữu. Và ông phá luôn cái chấp “thật tướng”.
 
Người có cái khiếu (theo Duy thức học gọi là hạt giống) âm nhạc, nghe âm nhạc mới biết hay. Người có cái khiếu thi thơ, nghe thi thơ mới biết thích. Cũng thế, người có cái khiếu hay hạt giống Bát Nhã, nghe đến kinh Bát Nhã mới sinh lòng tin và ngộ nhập được “Thật tướng Bát Nhã”. Bởi thế nên người này công đức vô lượng.

Vừa nói đến “thật tướng”, ông Tu Bồ Đề sợ người chấp “thật tướng”, nên ông liền phá luôn cái chấp ấy, bằng cách dẫn lời Phật dạy: “Như Lai nói thật tướng, tức là không phải thật tướng, chỉ tạm gọi là thật tướng”.
 
GIẢI DANH TỪ

THẬT TƯỚNG: Phật nói: “Phàm sở hữu tướng giai thị hư vọng”, phàm cái gì có hình tướng đều là hư vọng).

Vậy thì cái không hình tướng mới là chân thật. Kinh chép: “Vô tướng chi tướng, cố danh thật tướng”, (cái tướng mà không có hình tướng mới gọi là thật tướng).

Căn cứ theo lời giải thích này, thì “thật tướng” là không còn các vọng tướng và vọng chấp, tức là “Bát Nhã chân không”.
 
***

29. NGƯỜI CÓ HẠT GIỐNG BÁT NHÃ MỚI TIN VÀ HIỂU ĐƯỢC KINH NÀY

Ông Tu Bồ Đề thưa: “Bạch Thế Tôn! Hiện nay con nghe đặng kinh này, hiểu được, tin được và thọ trì, chẳng lấy làm khó. Khi Đức Như Lai nhật diệt, 500 năm về sau, nếu có người nghe kinh này, mà được hiểu ngộ, tin theo và thọ trì, thì người đó mới là hy hữu!

Tại sao vậy? Vì người này không còn chấp bốn tướng: ngã, nhân, chúng sinh và thọ giả.

Bạch thế Tôn! Nói bốn tướng, không phải thật có bốn tướng, chỉ giả gọi bốn tướng là ngã, nhân, chúng sinh và thọ giả. Tại sao vậy? Vì phải xa lìa tất cả các chấp tướng, mới gọi là chư Phật”.

Lược giải

Đoạn này tiếp với đoạn văn trên, nói người có hạt giống Trí tuệ Bát Nhã, phá trừ được bốn tướng, mới tin và hiểu được kinh này.

Khi Phật còn tại thế, chúng sinh căn tính Đại thừa rất nhiều, nên nghe kinh này hiểu và tin không khó. Đến sau khi Phật nhập diệt, chúng sinh căn tính Đại thừa rất ít, nên nghe hiểu và tin được kinh này rất khó. Vì người nghe phải không còn chấp bốn tướng: ngã, nhân, chúng sinh và thọ giả, mới hiểu được kinh Kim Cương Bát Nhã này.

Nói đến bốn tướng, ông Tu Bồ Đề sợ người chấp thật có bốn tướng, nên ông liền bác rắng: “Nói bốn tướng, không phải thật có bốn tướng, chỉ giả gọi bốn tướng mà thôi”.

Kết luận, ông nói rằng: “Phải rời tất cả các vọng chấp, vọng tướng, ngộ nhập Kim Cương Bát Nhã, mới gọi là chư Phật”.
 
***

Ngài Cảo Thiền sư, ngộ được câu: “Lìa tất cả các vọng chấp, mới là chư Phật”, nên có làm hai bài tụng rằng:

Nguyên văn (dịch âm):
 
Thân khẩu ý thanh tịnh
Thị danh Phật xuất thế
Thân khẩu ý bất tịnh
Thị danh Phật diệt độ
Tức tâm thị Phật vô dư Pháp
Mê giả đa ư tâm ngoại cầu
Nhất niệm quách nhiên qui bản tế
Hoàn như tẩy khước thượng thuyền đầu.

Dịch nghĩa:
 
Thân, khẩu ý thanh tịnh
Đó là Phật xuất thế.
Thân, khẩu ý bất tịnh
Đó là Phật nhập diệt.
Tức tâm là Phật, Phật tại tâm
Kẻ mê rong ruổi, ngoại tâm cầu
Nhất niệm giác ngộ về đến Phật
Dễ như rửa chân bước lên thuyền.

ĐẠI Ý BÀI TỤNG

Ba nghiệp: Thân, miệng và ý đều thanh tịnh, đó là Phật xuất thế. Trái lại, ba nghiệp không thanh tịnh tức là Phật nhập diệt. Phật tức tâm, tâm tức Phật. Người mê muội không biết, lại tìm Phật ngoài tâm. Nếu trong nhất niệm mà tâm giác ngộ thì tức thành Phật; rất dễ như người rửa chân bước lên thuyền.

30. PHẬT XÁC NHẬN LỜI NÓI CỦA ÔNG TU BỔ ĐỀ LÀ PHẢI

Phật dạy: “Tu Bồ Đề! Đúng như vậy. Nếu có người nghe kinh này mà không nghi ngờ hay kinh sợ, thì người này rất là hy hữu”.

Lược giải

Đoạn này vẫn còn tiếp với hai đoạn văn trên, Phật xác nhận lời nói của ông Tu Bồ Đề là phải: Người có hạt giống Kim Cương Bát Nhã, không chấp các tướng mới hiểu và tin được kinh này.
 
***

31. PHẬT PHÁ CÁI CHẤP: “BÁT NHÃ LÀ ĐỆ NHẤT BA LA MẬT”

Phật dạy: “Tu Bồ Đề ! Như Lai nói Bát Nhã là đệ nhất Ba la mật, không phải Bát Nhã là đệ nhất Ba la mật, thế mới thật Bát Nhã là đệ nhất Ba la mật”.

Lược giải

Đoạn này Phật phá cái chấp “Bát Nhã là pháp Ba la mật thứ nhất”. Đây là lần thứ hai, Phật phá cái chấp Bát Nhã Ba la mật (lần thứ nhất ở đoạn 22).

Trong 6 pháp Lục độ, tức là 6 pháp Ba la mật, thì Trí tuệ Bát Nhã là bao trùm tất cả, nên Phật nói: “Bát Nhã là đệ nhất Ba la mật”

Nhưng, nếu người còn chấp mình đặng “Bát Nhã là đệ nhất Ba la mật”(chấp pháp) thì không phải thật đặng “Bát Nhã là đệ nhất Ba la mật” nữa, vì còn chấp ngã (minh đặng) chấp pháp (Ba la mật). Bởi thế nên Phật dạy tiếp: “Không còn thấy (chấp) mình đặng Bát Nhã là đệ nhất Ba la mật, thì mới thật đặng Bát Nhã là đệ nhất Ba la mật”.

GIẢI DANH TỪ

Bát Nhã: (đã giải ở trước, đề mục kinh)

Ba la mật: (đã giải ở trước, đề mục kinh)

***

32. PHẬT PHÁ CÁI CHẤP “NHẪN NHỤC BA LA MẬT”

Phật dạy: “Tu Bồ Đề! Như Lai nói người Nhẫn nhục Ba la mật (rốt ráo) mà không thấy mình Nhẫn nhục Ba la mật, như thế mới thật là Nhẫn nhục Ba la mật”.
 
Lược giải

Đoạn này Phật phá cái chấp “Người tu Nhẫn nhục Ba la mật, mà còn chấp mình đặng Nhẫn nhục Ba la mật”.

Nếu hành giả tu hạnh nhẫn nhục rốt ráo (Ba la mật) mà còn chấp minh tu hạnh nhẫn nhục rốt ráo, tức nhiên hành giả còn chấp chân (người làm nhục) chấp ngã (ta bị nhục) thì chưa phải là nhẫn nhục rốt ráo. Hành giả phải lìa tất cả vọng chấp: nhân, ngã, bỉ, thử v.v…nhập Kim Cương Bát Nhã, mà tu pháp nhẫn nhục thì pháp nhẫn nhục đó mới hoàn toàn rốt ráo, gọi là nhẫn nhục Ba la mật.
 
***

33. PHẬT NÓI TIỀN THÂN NGÀI LÀ MỘT VỊ TIÊN NHÂN TU HẠNH NHẪN NHỤC BA LA MẬT

Phật dạy: “Tu Bồ Đề! Về quá khứ, ta làm vị Tiên nhân tu hạnh nhẫn nhục đến 500 đời. Bị vua Ca Lợi cắt xẻo thân thể từng đoạn, nhưng ta không sân hận; Vì ta không còn chấp bốn tướng: ngã, nhân, chúng sinh và thọ giả”.

Lược giải

Đoạn này tiếp theo đoạn trên (32) nói về việc tu hạnh nhẫn nhục Ba la mật. Muốn giải thích rõ ràng: thế nào là “nhẫn nhục rốt ráo” (nhẫn nhục Ba la mật), Phật dẫn bằng chứng điển hình, là tiền thân Ngài làm vị Tiên nhân tu hạnh Nhẫn nhục. Bị vua Ca Lợi cắt xẻo thân thể ra từng mảnh, nhưng Ngài không hề sân hận. Vì ngài không còn chấp bốn tướng: ngã, nhân v.v…nên mới đặng nhẫn nhục rốt ráo (nhẫn nhục Ba la mật).

Sách chép, một hôm vua Ca Lợi dẫn cung phi mỹ nữ lên núi để yến tiệc. Sau buổi yến tiệc say sưa, vua nằm nghỉ, các cung phi lén vua đi dạo núi.

Qua một đồi khác, thấy một vị Tiên nhân ngồi tu dưới một gốc cây đại thọ, các cung phi rủ nhau đến chiêm bái.

Sau khi thức dậy, không thấy cung phi, vua liền đi tìm. Đến một đồi núi, thấy các cung phi đang ngồi xoay quanh hỏi đạo vị Tiên nhân dưới một gốc cây cổ thụ, vua tức giận hỏi:

Người là ai mà dám quyến rủ cung phi mỹ nữ của ta?

Tôi là Tiên nhân tu hạnh Nhẫn nhục rốt ráo.

Có thật không?

Thật, tôi tu Nhẫn nhục rốt ráo (Ba la mật). Vua liền rút gươm xẻo mũi, lóc tai, chặt tay v.v…vị Tiên nhân, mà không thấy vị Tiên nhân có chút gì phản ứng hay sân hận v.v…

Sau cơn nóng giận, vua hối hận và hỏi:

Có lẽ vì thế lực của nhà Vua nên Tiên nhân Nhẫn nhục, không dám chống lại, chứ trong tâm làm sao khỏi buồn giận?

Tiên nhân thề rằng: Nếu tôi không thiệt tu Nhẫn nhục rốt ráo, trong tâm còn chút giận hờn, thì tôi chết luôn theo với tay chân bị cắt xẻo; trái lại, nếu tôi thật tu Nhẫn nhục rốt ráo, tâm không sân hận thì tay chân của tôi bị cắt, đều hoàn y nguyên trở lại như xưa.

Lời thệ của Tiên nhân vừa dứt thì mũi, tai, thân thể của Tiên nhân đều hoàn lại như trước. Vua hết sức ăn năn sám hối tội lỗi của mình và thỉnh cầu Tiên nhân tha thứ.

Tiên nhân đã không hờn giận, lại còn phát nguyện: “Sau khi đắc đạo ta sẽ độ người trước”.
 
***

34. BỔ TÁT PHÁT TÂM BỔ ĐỀ PHẢI XA LÌA TẤT CẢ CÁC VỌNG CHẤP

Phật dạy: “Tu Bồ Đề! Bồ Tát phát tâm Bồ Đề, phải xa lìa tất cả các chấp tướng. Bồ Tát không nên sinh tâm trụ chấp nơi sắc trần, thinh trần, hương trần, vị trần, xúc trần và pháp trần v.v…

Nói tóm lại, Bồ Tát đừng sinh vọng tâm trụ chấp một nơi nào cả. Nếu Bồ Tát tân còn trụ chấp một nơi nào, thì không phải thật an trụ chân tâm”.

Lược giải
 
Đây là lần thứ hai (lần thứ nhất ở đoạn 17), Phật dạy các vị Bồ Tát đừng sinh vọng tâm trụ chấp một nơi nào.

Tâm Bồ Đề là tâm Phật (xem đoạn 2). Bồ Tát phát tâm Bồ Đề, phải xa lìa tất cả các vô minh vọng chấp: Không chấp ngã, chấp nhân, chấp chúng sinh, thọ giả, không chấp sáu căn, sáu trần và sáu thức v.v…Nói chung là không chấp ngã, chấp pháp.

Khi các vọng chấp hết rồi, thì tâm Bồ Đề hay tính Bát Nhã v.v…hiện ra. Đó là “Hàng phục vọng tâm và an trụ chân tâm”.

Nếu tâm còn có chỗ trụ chấp, tức là tâm còn vọng động; tâm còn vọng động thì trụ nơi điên đảo, chứ không phải an trụ chân tâm hay tính Bát Nhã. Bởi thế nên Phật dạy: “Nếu Bồ Tát tâm còn trụ chấp một nơi nào thì không phải thật an trụ chân tâm.

Ngài Xuyên Thiền sư làm bài tụng, nói về việc không trụ chấp nơi sắc, thanh, hương, v.v…

Nguyên văn (dịch âm):
 
Kiến sắc phi can sắc
Văn thinh bất thị thinh
Sắc thinh vô ngại xứ
Thân đáo pháp vương thành.
 
Dịch nghĩa:

Thấy sắc không mê sắc
Nghe tiếng chẳng nhiễm tiếng
Sắc tiếng đều không ngại
Mới đến pháp vương thành.

ĐẠI Ý BÀI TỤNG

Trong khi sáu giác quan tiếp xúc với sáu trần cảnh, mà không khởi vọng niệm phân biệt, nhiễm ô mê hoặc (trụ chấp) nơi trần cảnh, thì hành giả sẽ được vào cảnh giới Phật (thành pháp vương).
 
***

35. PHẬT DẠY BỔ TÁT BỐ THÍ HAY LÀM CÁC VIỆC LỢI ÍCH CHÚNG SINH ĐỀU KHÔNG NÊN CHẤP TƯỚNG

Phật dạy: “Tu Bồ Đề! Bồ Tát khi bố thí hay làm các việc lợi ích cho tất cả chúng sinh, không nên sinh tâm trụ chấp các tướng (mình bố thí, người thọ thí, vật bố thí).

Tu Bồ Đề! Như Lai nói các tướng không phải thật (các pháp) chỉ giả gọi các tướng. Như Lai nói chúng sinh, không phải thật chúng sinh, chỉ giả gọi chúng sinh”.

Lược giải

Đây là lần thứ hai (lần thứ nhất về đoạn 4), Phật dạy các vị Bồ Tát bố thí hay làm các việc lợi ích chúng sinh, đều không nên chấp tướng (xem đoạn 4 ở trước).

Hành giả khi làm lợi ích các chúng sinh, mà tâm còn trụ chấp các tướng, nghiã là còn thấy mình bố thí, người thọ thí và vật bố thí, tất nhiên hành giả còn chấp ngã (mính, người) chấp pháp (vật bố thí), thì hành giả chỉ được phúc hữu lậu nhiễm ô, nên không phải là bố thí Ba la mật (bố thí rốt ráo).

Bởi thế nên Phật dạy, các vị Bồ Tát, khi bố thí hay làm lợi ích cho các chúng sinh, phải nhập Kim Cương Bát Nhã mà làm; nghĩa là không có chấp các tướng: ngã, nhân, chúng sinh, thọ giả thì được phúc đức vô lậu thanh tịnh. Bố thí như vậy, mới phải là bố thí Ba la mật (bố thí rốt ráo).

Đoạn trước nói về Nhẫn nhục, đoạn này nói về bố thí. Muốn giúp cho qui vị Phật tử hiểu thêm và để thật hành, thế nào là “Nhẫn nhục rốt ráo” và thế nào là “bố thí rốt ráo”, chúng tôi xin nói thêm một thí dụ như sau.

Hành giả muốn đặng Nhẫn nhục Ba la mật hay bố thí Ba la mật, thì phải quán chúng sinh và mình đồng một bản thể, mới không thấy ta có bố thí và chúng sinh thọ thí hay người làm nhục và ta thọ nhục.

Thí dụ như tay mặt với tay trái, đồng thấy chung một thân, nên khi tay mặt lỡ làm tổn thương tay trí, (đóng đinh trợt tay) tay trái không giận. Vì tay trái tự nhận mình cùng với tay mặt đồng một thân, nên tay trái không thấy dó tay mặt làm nhục và mình bị nhục. Nhẫn nhục như thế mới là Nhẫn nhục rốt ráo (nhẫn nhục Ba la mật).

Trái lại, tay mặt lo lấy bông gòn và thuốc để băng cho tay trái, nhưng nó không kiêu hảnh, vì tay mặt cũng tự nhận mình cùng với tay trái đồng một thân, nên nó không thấy mình (tay mặt)là người ban ơn và tay trái là kẻ thọ ơn. Bố thí như thế, mới là bố thí rốt ráo (Bố thí Ba la mật).
 
***

36. NHƯ LAI NÓI THẬT, KHÔNG NÓI DỐI

Phật dạy: “Tu Bồ Đề! Như Lai nói thật, nói chân chính, không nói dối, không nói sai khác. Như Lai có đắc pháp, nhưng pháp ấy không thật không hư”.

Lược giải
 
Đến thời Bát Nhã, thì Phật phá hất các vọng chấp từ lâu của chúng sinh, để chúng sinh tiến lên một bậc cao hơn nữa. Vì thế nên phần lý thuyết cũng như phần tinh thần của thời kinh Bát Nhã, rất lạ lùng hơn các thời thuyết pháp khác.
 
Sợ chúng sinh nghi ngờ lời Phật nói không chân thật, khi nói vầy, khi nói khác, thya đổi không chừng, nên Phật gọi ông Tu Bồ Đề dạy rằng: “Như Lai nói thật, nói chân chính, không nói dối, không nói sai khác”.
 
Đức Như Lai được đạo Bồ Đề, nhưng nếu chấp đạo Bồ Đề này là hư hay thật thì không phải là Bồ Đề. Vì thế nên Phật dạy: “Như Lai có đắc pháp, nhưng pháp ấy không thật không hư”.
 
***
 
37. TRỤ TƯỚNG BỐ THÍ NHƯ VÀO NHÀ TỐI, VÔ TƯỚNG BỐ THÍ NHƯ ĐI BAN NGÀY

Phật dạy: “Tu Bồ Đề! Nếu Bồ Tát bố thí mà tâm còn trụ chấp nơi pháp bố thí, thì như người vào nhà tối, không thấy gì cả. Trái lại, nếu Bồ Tát bố thí mà tâm không trụ chấp nơi pháp bố thí, thì cũng như người có mắt sáng tỏ, lại nhờ ánh sángcủa mặt nhựt chíêu soi, được thấy tất cả mọi vật”.

Lược giải

Đây là lần thấy thứ ba (lần thứ nhất và hai ở đoạn 4 và 35), Phật dạy Bồ Tát bố thí không nên chấp tướng bố thí.

Người bố thí, nếu còn chấp tướng, nghĩa là còn thấy ta là người ban ơn, kia là kẻ thọ ơn, đó là vật bố thí, thì bị mây vô minh ngã, pháp che mờ Trí tuệ Bát Nhã, nên Phật thí dụ: “như người đi vào nhà tối không thấy gì cả”.

Trái lại, nếu bố thí mà không chấp tướng, trong kinh gọi là “tam luân không tịch”; nghĩa là không thấy mình bố thí, (ban ơn) người thọ thí (thọ ơn) và vật bố thí (xem thí du tay mặt bó tay trái ở đoạn 35) thì mây vô minh ngã, pháp đều hết, nên mặt trời Trí tuệ Bát Nhã hiện ra, chiếu soi khắp tất cả pháp. Bởi thế nên Phật nói: “Như người có mắt sáng tỏ, lại nhờ ánh sáng của mặt nhật chiếu soi, được thấy mọi vật”.
 

 

Viết bình luận

Chúc mừng năm mới
Copyright © 2015 daibaothapmandalataythien.org. All Rights Reserved.
Xã Đại Đình, huyện Tam Đảo, tỉnh Vĩnh Phúc. Email: daibaothapmandalataythien@gmail.com

Đăng ký nhận tin mới qua email
Số lượt truy cập: 6483559
Số người trực tuyến: