1. Dịch bản | Đại Bảo Tháp Mandala Tây Thiên | Đại Bảo Tháp | Đại Bảo Tháp Tây Thiên

1. Dịch bản

NGUYÊN VĂN
 
(Bản dịch thứ nhất)
 
Ngài Quán Tự tại Bồ Tát, sau khi đi sâu vào Trí tuệ Bát Nhã rồi, Ngài thấy năm uẩn đều “không” (Bát Nhã) nên không còn các khổ.
 
Ngài gọi ông Xá Lợi Tử dạy rằng: “Này Xá Lợi Tử! Năm uẩn (sắc, thọ, tưởng, hành, thức) chẳng khác với “không” chẳng khác với năm uẩn; năm uẩn tức là “không”, “không” tức là năm uẩn.
 
Này Xá Lợi Tử! “Tướng không” (Bát Nhã) của các pháp đây, nó không sinh không diệt, không nhơ không sạch, không thêm không bớt.
 
Bởi thế nên, trong “Tướng không” (Bát Nhã) này, không có năm uẩn là: sắc, thọ, tưởng, hành, thức; không có Sáu căn là: nhãn, nhĩ, tỵ, thiệt, thân, ý; không có Sáu trần là: sắc, thanh, hương, vị, xúc, pháp; không có Sáu thức là: nhãn thức, nhĩ thức, tỵ thức, thiệt thức, thân thức và ý thức;
 
Không có mười hai nhân duyên; nghĩa là không có “vô minh” và cũng không có “hết vô minh”; cho đến không có “Lão tử” và cũng không có “hết Lão tử”;
 
Không có Tứ đế là: khổ, tập, diệt, đạo; cũng không có “trí” tu chứng và đạo quả để chứng (dắc). Tóm lại, không có “đặng” cái gì cả.
 
Các vị Bồ Tát nhờ y theo Trí tuệ Bát Nhã (Tướng không) mà xa lìa được cá mộng tưởng điên đảo, nên tâm không còn ngăn ngại, lo sợ và chứng được rốt ráo Niết bàn.
 
Các đức Phật quá khứ, hiện tại và vị lai cũng đều y theo Trí tuệ Bát Nhã (Tướng không) mà đặng đạo Vô thượng Bồ Đề.
 
Vì Trí tuệ Bát Nhã (Tướng không) có khả năng diệt trừ hết các khổ, chắc chắn như vậy, không hư dối, nên gọi là thần chú Bát Nhã Ba La Mật; cũng gọi là “chú Đại thần, chú Đại minh, chú Vô thượng và chú Vô đẳng đẳng”.
 
Ngài Quán tự tại Bồ Tát liền nói Thần chú Bát Nhã: “Yết đế yết đế, Ba la yết đế, Ba la tăng yết đế, Bồ Đề tát bà ha”.
 
***
 
NGUYÊN VĂN
 
(Bản dịch thứ hai)
 
Sau khi đi sâu vào Trí tuệ Bát Nhã rồi, Ngài Quán Tự Tại Bồ Tát thấy các pháp đều là Bát Nhã (không), nên không còn các khổ.
 
Ngài gọi ông Xá Lợi Tử dạy rằng: “này Xá Lợi Tử ! các pháp chẳng khác với Bát Nhã (không), Bát Nhã chẳng khác với các Pháp; các Pháp tức là Bát Nhã (không), Bát Nhã tức là các Pháp.
 
Này Xá Lợi Tử! Bát Nhã (tướng không) là tính của các Pháp. Nó không sinh không diệt, không nhơ không sạch, không thêm không bớt.
 
Bởi thế nên trong Bát Nhã (không), không có các Pháp thế gian như: Năm uẩn (sác, thọ, tưởng, hành, thức), sáu căn (nhãn, nhĩ, tỵ, thiệt, thân, ý), sáu trần (sắc, thanh, hương, vị, xúc, pháp), sáu thức (nhãn thức, nhĩ thức, tỷ thức, thiệt thức, thân thứ và ý thức).
 
Và trong Bát Nhã, cũng không có các Pháp xuất thế gian như: Tứ đế (khổ, tập, diệt, đạo), Mười hai nhân duyên (không có vô minh và vô minh tận; không có Lão tử và Lão tử tận), không có “trí” tu chứng và đạo quả để chứng (dắc). Tóm lại, trong Bát Nhã không có cái gì cả.
 
Các vị Bồ Tát nhờ y theo Trí tuệ Bát Nhã (không) mà xa lìa được các mộng tưởng điên đảo, nên tâm không còn ngăn ngại, lo sợ và chứng được đạo quả Niết bàn.
 
Các đức Phật quá khứ, hiện tại và vị lai, cũng đều y theo Trí tuệ Bát Nhã (không) mà đặng đạo vô thượng Bồ Đề.
 
Vì Trí tuệ Bát Nhã có khả năng diệt trừ hết các khổ, chắc chắn như vậy không hư dối, nên cũng gọi là Thần chú Bát Nhã, cũng gọi là chú Đại thần, chú Đại minh, chú Vô thượng và chú Vô đẳng đẳng”.
 
Ngài Quán Tự Tại Bồ Tát, liền nói thần chú Bát Nhã:
 
“Yết đế yết đế, Ba la yết đế, Ba La Tăng Yết đế, Bồ Đề tát bà ha”.
 

 

Viết bình luận

Chúc mừng năm mới
Copyright © 2015 daibaothapmandalataythien.org. All Rights Reserved.
Xã Đại Đình, huyện Tam Đảo, tỉnh Vĩnh Phúc. Email: daibaothapmandalataythien@gmail.com

Đăng ký nhận tin mới qua email
Số lượt truy cập: 6484519
Số người trực tuyến: