Dâng bát
Dâng bát
Lời ghi: “Đã nghe xướng lời cảnh sách và tiếng khánh rồi, thì phải tay tả bưng bát hữu cập dựa miệng bát. Dâng lên, thầm niệm kệ chú này.
Cầm bưng ứng khí, nên nguyện chúng sinh trọn nên đồ pháp, chịu trời người cúng.
Án, chỉ rị chỉ rị phạ nhựt ra hồng phấn tra. (Câu chú niệm ba lần bưng bát ngang ngực mà thọ thực).
Lời ghi: “Cầm bưng” là tay dâng lên. Tiếng Phạn gọi là Bát Đa La, dịch là ứng lượng, nghĩa là thể, sắc và lượng ba việc đúng nhau với pháp. Thể, tuy cho bằng đất và sắt, nhưng chỉ trọng bằng ngói đất. Luật Thiện Kiến nói “Thánh nhân tam thừa đều cầm bưng bát đất, xin cơm nuôi sống, dùng bốn biển làm nhà, nên gọi Tỳ kheo”. Sắc, duy cho xông ra nhà cổ bồ câu, chẳng cho xanh, vàng, lục, trắng và vẻ vời tạp sắc. Lượng, thời tuy có ba bực thượng trung, hạ, nhưng Phật chế cho tuỳ phần lượng của thân. Trong ba điều có điều nào chẳng như pháp thì chẳng phải “ứng khí”.
“Cầm bưng ứng khí” ắt tụng kệ chú, hồi hướng cho chúng sinh thể nhận pháp này xưa nay đã thành tựu vậy. “Trọn nên đồ pháp” một câu mà không, giả, trung đủ cả, cho đến cái pháp chế độ, ý chỉ, tam đề ngũ quán đều từ trong ứng lượng mà ra, thì các pháp không pháp nào chẳng đủ.
Luật Tứ Phần Kiền Độ thọ giới nói: “Thế Tôn ngày xưa ở dưới cội Bồ đề, khi mới thành Phật, có hai khách buôn đem mật và lớ dâng Phật, Thế Tôn nghĩ: “Chư Phật quá khứ dụng bát mà thọ thực”. Khi ấy bốn vị Đại Thiên vương đều đem bát đá gấp dâng lên Phật. Như Lai lại nghĩ “Nếu nhận lãnh của một vị thì ba vị kia phiền hận: Ta nay thọ cả bốn bát, rồi thứ lớp chồng lên để trong tay tả, lấy tay hữu đè xuống, do sức thần của Phật hiệp thành một bát”. Nên nói “Trọn nên đồ pháp, chịu trời người cúng”. Nên trong luật chẳng cho Tỳ kheo chứa bát đá, nếu chứa phạm tội Thâu lan giá. Nếu chẳng biết pháp ứng lượng như thế, thì giọt nước còn khó tiêu, huống chi của trời người cúng ư.
Chánh khi thọ thực, phải đủ oai nghi. Luật Tăng Kỳ nói: “Tỳ kheo thọ thực phải như phép ăn của tượng Vương núi Tuyết, ăn vào miệng rồi lấy vòi phân hạng miếng sau, miếng trước nuốt rồi, đưa tiếp miếng sau, chẳng đặng lớn, chẳng đặng nhỏ, phải vừa miệng ăn. Thượng toạ phải ăn chậm chậm, chẳng đặng ăn mau rồi ngồi xem, làm cho Tỳ kheo tuổi trẻ lật đật ăn không no. Nếu vắt lớn lớn, phải hai tay chia ra cho vừa miệng, bánh cũng vậy. Khi thọ thực chẳng đặng cho một hột rớt đất. Nếu ăn cháo lỏng hay húp canh, chẳng đặng húp cho kêu tiếng, phải chậm chậm nuốt”.
Luật Căn Bản nói: “Chẳng chóc lưỡi ăn, chẳng nhóc nhách ăn, chẳng hà hơi ăn, chẳng thổi hơi ăn chẳng đặng rầy tay ăn”. Rộng như trong luật.
(Trích "Tỳ Ni Hương Nhũ"
Dịch giả: HT. Thích Thiện Chơn
Nguồn: NXB Tôn giáo 2010)
- 138
Viết bình luận