Lót giường ngồi thiền
Lót giường ngồi thiền
Lời ghi: “Lót” là trải ngang. Tiếng Phạn gọi là Thiền Na, Trung hoa dịch là Tịnh Lự, nghĩa là lặng, soi, chẳng hai.
Nghĩa là tâm trong không nhiễm, cảnh ngoài chẳng kéo, dứt các duyên mà thường an, thấy một tâm mà chứng đạo, nên gọi Thiền Na.
Bằng lót giường tòa, nên nguyện chúng sinh,
Mở trải pháp lành, thấy tướng chân thật.
Lời ghi: Mở trải vật ngồi là “lót”, có thể trở duỗi thân hình là “giường”, ba thước, năm thước là chõng, tám thước là giường, có thứ giường giây, giường cây, mỗi thứ có năm thứ là: cẳng cặn, cẳng ngay, cẳng co, không cẳng, thanh tự ráp. “Tòa” là chõng, chỗ của người học đạo, trên ấy ngồi bện chân, dứt lòng ngưng nghỉ, xét tỏ việc lớn vậy.
Hai câu sau là nơi sự hiển lý, nghĩa là xác huyễn này từ lâu bị vô minh đóng kín, làm sao hiểu đặng chân lý, cần phải dùng Giới làm nền, nơi đây (giới) ngồi thiền định thì vọng tâm tuyệt dứt, trí huệ hiện bày. Tức có câu: “Mây mờ tan rỗng trên không, châu báu gieo vào nước đục, vẹt lưới ái của vô minh thấy tướng thật của nhất thừa”.
“Nên gọi mở bày pháp lành, thấy tướng chân thật” Song thật tướng này tức là tên khác của nguồn gốc tâm địa chư Phật, vì nó lìa tất cả tướng, tức tất cả pháp, vượt các hý luận, không thể phá hoại, không tướng chẳng tướng, nên gọi “tướng thật”.
Vững mình ngồi ngay, nên nguyện chúng sinh, ngồi toà Bồ đề, lòng không dính mắc.
Án, phạ tắc ba ra, a ni bát ra ni, ấp đa da tá ha (niệm 3 lần)
Lời ghi: “Vững mình ngồi ngay” là hình ngay dáng thẳng. Đây là uy nghi của thân, nghĩa là nhắm mắt lóng lòng hai tay giao nhau mà chồng lên. Dáng mạo đĩnh đạc, như cây tòng một, nên gọi vững mình, thân vững thì tâm chánh. Quyển Thiền Ba la mật có nói rõ pháp ngồi, cần thì hãy tìm xem, trong dùng tròn quán, lại thêm đọc tụng như dầu giúp lửa vậy.
“Toà” là cái toà vị không vương vốn có tự ngộ. “Bồ đề” Trung Hoa dịch là Giác Đạo. Toà này mỗi người sẵn đủ, nên gọi “đương nguyện”. Như hoa sen không nhiễm, nên gọi “không dính mắc”.
Kinh Hoa Nghiêm nói: “Tâm Bồ đề cũng như hạt giống, hay sinh tất cả pháp chư Phật”. Dưới có 118 ví dụ, cũng không ngoài một kệ này. Lại “Bồ đề” nghĩa là ngoài tu hạnh quán, trong tỏ lý trí, muôn duyên đều lặng, một lòng hướng đạo vậy. Mà gọi là “tòa” vì Bồ đề là lý chỗ chứng, nên kinh nói: “Nước lòng chúng sinh sạch, bóng Bồ đề hiện trong”.
Lại “lòng không dính mắc” là kinh Pháp Hoa nói: “Các pháp” “không” làm “tòa”.
Lại nói: “Chuyển phiền não mà làm Bồ đề” nghĩa là tu các công đức, vượt nốt các hữu, thức tình nhơ bẩn đã sạch, thì vô minh dứt hết, chân lý tự hiện.
Kinh Viên Giác nói: “ Huệ thanh tịnh vô ngại, đều từ thiền định sinh”. Nên biết: Vượt phàm vào Thành ắt nhờ duyên sạch, ngồi thoát đứng vong phải nương sức định, tất cả lo xong, còn e dần dà, huống chi chần chờ, lấy chi chống nghiệp.
Luận Trí Độ nói: “Thấy vẻ ngồi bện chân, vua ma còn kinh sợ, huống chi người vào đạo, thân ngay chẳng động lay”. Lại vì năm nhân duyên chánh quán nên ngồi kiết già bện chân: Một do ngồi yên ấy, thân tâm nhiếp liễm mau phát nhẹ an, rất là hơn cả. Hai do ngồi yên ấy, hay vững lâu giờ, chẳng khiến thân tâm mau mỏi mệt. Ba do ngồi yên ấy, là phép chẳng chung, đạo khác luận khác đều không có như thế. Bốn do ngồi yên ấy, hình tướng nghiêm sạch, khiến người thấy rồi rất kính tin vậy. Năm do ngồi yên ấy, đệ tử của chư Phật đều cùng nghe mừng, tất cả Hiền Thánh, đều thảy khen ngợi.
(Trích "Tỳ Ni Hương Nhũ"
Dịch giả: HT. Thích Thiện Chơn
Nguồn: NXB Tôn giáo 2010)
- 188
Viết bình luận