Xuất sinh
20/05/2016 - 10:20
Lượt xem: 127
Xuất sinh
Lời ghi: Thuở ấy Thế tôn vì mẹ con của quỷ não hại nhân dân, hung ác vô cùng, nên trước dùng oai bẻ, sau dùng tâm từ nhiếp hoá, dùng món ăn pháp thay vào miệng bụng nó chẳng cho mạng sống của nó vào cửa chết, nên gọi ra sống (xuất sinh). Lại e pháp hoá chẳng thường, thì bọ hung các vẫn hại sinh mạng, bèn dạy các đệ tử.
Phàm nơi tu hành, khi ăn trước thí pháp thực cho no đủ mừng pháp vậy.
Kinh Niết Bàn nói “Vị nào chẳng thí thực, chẳng phải đệ tử của ta”.
Sức pháp chẳng nghĩ bàn, từ bi nào ngăn cản, bảy bột khắp mười phương, thí khắp cùng các cõi.
Lời góp: Đem cơm trong muỗng, trao cho thị giả đem đi, muỗng day phía trong, thầm niệm chú rằng:
Án, độ lợi ích tá ha (3 lần mỗi lần khảy móng tay một tiếng).
Lời ghi: “Sức pháp” là sức kệ chú hạnh quán. “Không nghĩ bàn” là sức hạnh quán này không thể dùng tâm nghĩ, không thể dùng tiếng bàn, mà hay thành tựu bi, không nghĩ bàn.
Vì Từ mà no đủ tất cả, vì Bi mà trừ khổ đói khát.
“Ngăn cản” là ngạ quỷ có ba thứ ngăn:
1. Ngoài ngăn, nghĩa là ngạ quỷ thường chịu đói khát, da thịt huyết mạch đều khô khao, đầu tóc rối nùi, mặt mũi đen thui, môi miệng khô cháy, thường lấy lưỡi tự liếm trên mặt, sợ sệt, chạy rong đây đó kiếm đồ ăn, đến ao giếng liền thấy nước ao giếng biến thành máu huyết, muốn uống không được. Những quỷ như vậy do ngoài ngăn cản sự ăn uống, nên gọi là ngoại chướng.
2. Trong ngăn, là thứ ngạ quỷ họng kim miệng đuốc, bụng to phình, dù được đồ ăn cũng không thể ăn uống. Những quỷ như vậy do trong thân ngăn của sự ăn uống nên gọi là nội chướng.
3. Không ngăn, là có thứ ngạ quỷ tên là Tràng hoa cháy rực, tuy thấy đồ ăn uống không ngăn ngại, nhưng vật vừa ăn đều bị cháy rụi, biến thành tro than. Do duyên cớ đó đói khát khổ to, nên gọi là vô chướng.
Khổ lớn như trên, do sức “từ bi” mà đặng “không ngăn cản”. Vì không ngăn cản mà hay dùng cơm bảy hột, hoá ít thành nhiều “Khắp đều các cõi” khiến các quỷ thần mỗi loại hết các chướng ngại, đặng thấm vị pháp mà đặng giải thoát vậy.
Chim đại bàng cánh vàng, chúng quỷ thần khoáng dã, mẹ con quỷ La sát, cam lộ đều no đủ.
Án, mục đế ta ha (niệm 3 lần)
Lời ghi: Kinh Quán Phật Tam muội nói: “Chim vua cánh vàng tên là Chánh Âm, vui sướng thong thả trong các loài cánh lông, nơi cõi Diêm phù mỗi ngày ăn một rồng chúa và 500 rồng nhỏ, nơi bốn cõi thiên hạ đắp đổi ăn mỗi ngày số cũng như trên, giáp vòng đáo lại. Dầu trải 8.000 năm, tướng chết đã hiện, các rồng nhả độc không thể ăn được, đói bức hoảng sợ, cầu chẳng được an, bèn đến núi Kim Cương, từ trên nhào xuống đến lớp vầng nước to, từ vầng nước đến vầng gió bị gió thổi dội trở lên núi Kim Cương, như thế bảy lần, mạng mới chết. Vì chất độc của nó làm cho mười núi báu một lượt lửa cháy. Rồng chúa Nan Đà sợ cháy núi báu, bèn làm mưa to, giọt như cốt bánh xe, thịt chim tiêu hết duy còn trái tim. Trái tim lại lắng xuống bảy lần rồi nằm ở núi Kim Cương như trước. Long Vương Nan Đà lấy làm minh châu, vua Chuyển luân được châu ấy làm ngọc như ý. Nếu người niệm Phật, tâm (trái tim) cũng như vậy”.
Kinh Khởi Thế nói: “Rồng và chim vua cánh vàng, đều đủ bốn loại: Thai, noãn, thấp, hoá”.
Kinh Lầu Thán nói: “Bốn loại chim cánh vàng, bắt ăn bốn loại rồng”. Kinh Niết Bàn nói: “Duy chẳng ăn đặng người thọ Tam Quy”.
Kinh A Hàm nói: “Phía Bắc biển lớn có một cây to tên là Cư Tra Xa Ma Ly, cao 100 do tuần, nhánh lá de ra 50 do tuần. Chim và rồng này đều nương 4 phía cây ấy mà ở; bốn phía đều có cung điện vuông vức 600 do tuần, 7 lớp vách tường bằng bảy báu trang nghiêm. Chim chúa noãn sinh ở phía Đông cây khi muốn ăn rồng, bay lên, nhánh phía Đông xem nước biển lớn, bèn bay xuống, cánh quạt nước biển vẹt ra 200 do tuần, bắt rồng mà ăn; chim chúa này chỉ bắt được rồng noãn sinh thôi.
Chim chúa thai sinh ở phía Nam câu, khi muốn bắt rồng, bay lên nhánh Nam, vẹt nước 400 do tuần bắt rồng mà ăn. Chim này chỉ bắt được hai thứ rồng noãn sinh và thai sinh. Chim chúa thấp sinh ở phía Tây cây, khi muốn bắt rồng, bay lên nhánh Tây vẹt nước 800 do tuần bắt rồng mà ăn; Chim này chỉ bắt được ba thứ rồng noãn, thai, và thấp sinh. Chim chúa hoá sinh ở phía Bắc cây, khi muốn ăn rồng bay lên nhánh Bắc vẹt nước 1.600 do tuần bắt rồng mà ăn; chim này bắt được cả bốn thứ rồng noãn, thai, thấp và hoá sinh. Rồng chúa thưa Phật rằng: Bạch Thế Tôn, Như trong biển này vô số thứ rồng, chim chúa cánh vàng thường bắt ăn đi, chúng tôi ngày đêm lo sợ xin Phật cứu hộ cho chúng tôi được an ổn”.
Thế Tôn bèn giải cái y đen đang mặc trên mình, trao cho rồng chúa, dặn: “Ngươi lấy áo này về chia cho các rồng cho đều khắp, trong đó nhẫn đến rồng nào được một sợi, cũng không bị xúc phạm được”. Có con rồng con hoá ra, trong 6 ngày chay, thọ giới Bát Quan Trai, khi ấy chim cánh vàng muốn bắt ăn thịt, ngậm bay lên phía bắc Tu Di trên cây thiết thọ (sắt) lớn cao 16 vạn dặm, kiếm cái đuôi rồng cũng không thể được, chim nghe cũng đi thọ 5 giới. Như Lai dạy Sa Môn Thích Tử khi dùng bữa, trước thí nó một phần để nuôi mạng nó nên mới có nhân duyên này vậy.
“Chúng quỷ thần Khoáng Dã” là kinh Đại Niết Bàn nói: “Phật nói với các Tỳ Kheo rằng: “Ta lúc trước đi khất thực nơi tu lạc, thấy dưới cây có một quỷ thần tên là Khoáng Dã toàn dùng máu thịt làm món ăn, mỗi ngày ăn một người. Ta khi ấy nói những pháp mầu cho nghe, song quỷ đó ngu si không nghe lời Ta dạy, Ta bèn hoá thân làm quỷ đại lực, rung chuyển cung điện nó, cho nó mê man, tâm nó chẳng an. Ta bèn lấy tay từ bi vuốt ve thân nó, nó bèn ngồi dậy, sinh lòng tin thiện. Ta hiện lại thân cũ, nói pháp yếu cho nghe, bèn thọ giới bất sát. Quỷ bạch Ta rằng: “Tôi và quyến thuộc chỉ nhờ huyết nhục làm đồ ăn. Nay thọ giới rồi làm sao còn sống?” Ta nói: “Nay dạy đệ tử Ta, tuỳ chỗ tu hành, khi ăn thí trước một phần, cho các ngươi no đủ. Nếu chẳng xuất sinh chẳng phải đệ tử của ta”. Nên có duyên này vậy.
“Mẹ quỷ con” là cực phách trong loại La sát. Tiếng Phạn gọi là La sát, dịch là quỷ lẹ lẹ. Kinh A Hàm nói “Quỷ mẹ này kiếp trước là vợ của người chăn châu (bò) nhân có việc chẳng như ý, đem lòng giận hờn, phát nguyện ăn bao nhiêu nam nữ của người trong thành Vương xá. Bởi nguyện ác ấy, bỏ thân liền sinh trong loại Dược Xoa, mà có nghìn con đều làm chúa quỷ, gồm lãnh mấy vạn quỷ. 500 đứa ở trên trời thường quấy rối Chư Thiên. 500 đứa ở cõi thế gian, thường phá rối nhân dân ở trong cõi nước, hàng ngày ăn nam ăn nữ ở trong thành Vương Xá. Người trong thành ấy thường nói là tặc bắt đi mất. Thiện thần giữ thành nói: “Nam nữ của các ngươi chẳng phải tặc bắt lén đi, chính Dược Xoa Hoan Hỉ bắt mà ăn nốt”. Các người đáp “ Nếu bắt kẻ nam nữ chúng tôi mà ăn, thì là oán tặc, chứ sao gọi là Hoan Hỉ” cho nên tiếng Phạn gọi là Bà Ha Để Lợi, dịch là oán tặc có nghĩa là vị Thiên “mẹ quỷ con” trong chư Thiên vậy.
Người trong thành Vương Xá thưa Phật cầu cứu. Phật bèn dấu con út của nó tên là Ái Nhi. Bà mẹ ấy tìm con khắp nơi trên trời nhân gian mà không thấy, sau gặp ông Tăng Trưởng Thiên Vương chỉ đến chỗ Phật, Phật nói: “Ngươi thương Ái Nhi ư! Ngươi có ngàn đứa con, mất một còn thương huống chi người ta chỉ có một, hai đứa ngươi lại ăn đi, thì khổ dường nào?” Thế Tôn nói pháp giáo hoá bèn giở bát ra trả lại nó, bảo thọ Tam quy, Ngũ giới, đắc quả tu Đà Hoàn, ở nơi Tịnh Xá Phật. Người nào không con đến cầu con thì đặng con, người bệnh hoạn đến cầu thì mạnh giỏi, nên làm bà mẹ quỷ vương. Do thọ giới Phật bèn gọi nghìn con theo đồng nương chỗ Phật, nghe giáo pháp hoá, chẳng hại cõi Thiên Nhân nữa.
Bà mẹ thưa Phật rằng: “Đã thọ giới rồi, tôi và các con nay ăn món chi thế nào?” Phật nói “Phàm khi Tỳ kheo thọ thực, trước xuất một phần cho các ngươi no đủ”. Cho nên các chùa ở Tây Kiền, hoặc nơi cửa, hoặc nơi bếp nấu đặt một bàn nhỏ, để một dĩa hay tô, vẽ đắp tượng bà mẹ dắt một đứa con nơi dưới gối. Đại chúng khi thọ thực thì cho nó một phần, cho nó thoát ly khỏi khổ đói khát. Đó là quy tắc xuất sinh ở nước Tây Thiên Trúc vậy.
Do đó mà xem, mỗi người đều xuất sinh, vốn chẳng phải chánh chế, chỉ khiến một thị giả bưng đi, còn đại chúng thì niệm kệ chú, lòng thí khắp đã tốt vậy, vốn trọng phép chứ chẳng phải trọng đồ ăn nhiều hay ít.
Nếu khi đi đường, hoặc chỗ khất thực và nhà thí chủ, thì vị thượng toạ xuất sinh, vị Hạ tọa bưng thí đi, còn thí niệm kệ chú, lý hạp vậy. Nếu đi khất thực một mình, phải tự mình xuất sinh, ý rõ vậy.
Ba duyên trên đây, bạo ác hoành hành như vậy, thấy uy thần của Phật chẳng động thanh sắt mà hay hàng phục đặng. Nhưng ngài còn e tánh quen bạo ác của nó chưa hết nên dạy trước dùng pháp mầu cam lộ, rửa tâm ý nó sau dùng cơm nước cho nó no nê phủ phê.
Hai bài kệ trên vốn rút trong hai điển. Niết bàn và Thiên truyện, nên câu khác mà nghĩa đồng, phàm khi xuất sinh phải hiệp cả hai mà trì tụng.
Lời góp: Đời nay thường lấy tay ấn nêu dụ núi Tu Di, đem cơm quanh vòng vài lần, hoặc quanh vòng rồi trăn trở tay ấn, làm nhiều kiểu thức. Tìm xét kinh luật chẳng ra điển chương, toàn mất uy nghi. Nếu luận lý, chỉ tay tả bắt ấn, tay hữu múc cơm, trong miệng thầm tụng kệ chú, là phép chánh vậy. Xét chuyện Nam Hải Ký Qui nói: “ Tăng chúng ở Tây Vức, nơi chỗ ứng cúng thọ thực, trên đặt một Toà Thánh Tăng, bên cạnh để một ghết nhỏ để một mâm chén, cúng mẹ quỷ con. Phàm khi dọn cơm, trước cúng Thánh Tăng, kế cúng đại chúng hiện tiền, sau cúng mẹ con quỷ ăn, không có cách mỗi người đều xuất sinh. Nay thuận nghi xưa ở phương Đông, tuy mỗi người xuất sinh nhưng chẳng đặng làm nhiều kiểu thức”.
Chú thích:
Núi Kim Cương: Tiếng Phạn gọi là Bạt chiết la (Vajra) dịch là Kim Cương. Cũng gọi là Chước Ca La.
Mười núi báu: Núi Tu Di, núi Tuyết, núi Mục Chân Lân Đà, núi đại Mục Chân Lân Đà, núi Hương, núi Báu, núi Vàng, núi Đen, núi Thiết Vi, núi đại Thiết Vi.
Lớp vô sinh: Lý tịch diệt vậy.
Người huyễn tâm số dứt: Tâm số là tâm sở. Đại Thừa có 51 thứ tâm sở. Biến thành 5, Biệt cảnh 5, Thiện 11, Phiền não 6, Tuỳ phiền não 20, Bất định 4.
Mười điểm tốt: Ánh sáng đầy nhà, cam lộ đầy sân ao trôi 7 báu, đất mở kho ẩn, gà sinh con phụng, heo nghén lợn rồng, ngửa đẻ kỳ lân, trâu sinh bạch trạch, vựa biến lúa vàng, voi đủ sáu ngà.
Tiêu ớt: Ớt, tiếng Phạm gọi tất phát, vị cay, cay hơn tiêu, giống như trái xa tiền tử mà ngắn hơn.
Củi chiên đàn: Chiên đàn, dịch nghĩa là cho thuốc, vì nó hay trừ bệnh. Truyện Từ Ân nói: “Cây có giống cây dương trắng, chất nó mát mẻ, rắn ưa leo ở”.
Nước tám công đức: Là lóng sạch, trong mát, ngọt ngon, nhẹ nhàng, đượm nhuần an hoà, trừ bệnh, thêm bổ.
(Trích "Tỳ Ni Hương Nhũ"
Dịch giả: HT. Thích Thiện Chơn
Nguồn: NXB Tôn giáo 2010)
(Trích "Tỳ Ni Hương Nhũ"
Dịch giả: HT. Thích Thiện Chơn
Nguồn: NXB Tôn giáo 2010)
- 127
Viết bình luận