Năm tướng không trái | Đại Bảo Tháp Mandala Tây Thiên | Đại Bảo Tháp | Đại Bảo Tháp Tây Thiên

Năm tướng không trái

Năm tướng không trái

Lời ghi: “Không trái” là lý và sự không ngại. Nghĩa là Quán trung, tức sự tức lý, nghĩ kỹ dung hội vậy. Nếu người học đạo khi thọ thực chẳng giữ chánh niệm, như con bò ăn cỏ khác chi. Nên ngài Loại Am Thiền sư nói: “Tăng vật mười phương nặng núi non. Nghìn đời muôn kiếp khó hoàn hoàn, miệng vàng nói rõ người chưa tín. Thánh sắt ngày kia khó phóng buông”. Lại nói:” Thân người khó đặng hãy suy lường. Đầu đội lông sừng ngày tháng trường. Cười bấy tham kia một hột gạo. Dần dà mất cả nửa năm lương”. Do đấy mà xem, ba học chẳng tu, bị đọa vì phẩm thực, há chẳng dè ư!

Một, kể công nhiều ít, so chỗ đến kia

Lời ghi: “Kể công nhiều ít” nghĩa là tưởng cơm trong một bát đầy, chẳng phải là dễ, xét gốc có ra từ gieo cấy gặt hái, nhà nông dãi nắng dầm mưa, trời hạn nước lụt, cuốc cày bừa trục, cho đến vo nấu v.v….người làm mồ hôi như xối, cơm ít, mồ hôi nhiều, công nặng như thế. Xưa nói “Cuốc ruộng lúc đang ngọ, mồ hôi nhỏ xuống mạ, ai biết cơm trên mâm, mỗi hột đều cay khổ”. Nên trong Luật nói: “Một hột gạo trăm công lao” vào miệng liền thành bất tịnh, chốc lát biến thành cứt đái, gớm không muốn thấy. Ta nếu tham đắm, phải đoạ địa ngục nuốt hòn sắt nóng, ra rồi làm súc sinh, đền nợ trước cho người. Xét tưởng như vậy rồi, tâm sinh nhàm chán mới nên thọ thực.

“So chỗ đến kia” là trong Luật Tăng Kỳ nói: “Đều là của Đàn Việt tín tâm, bớt phần miệng bụng, vì cầu phước mà bố thí chúng ta”. Nên có câu “mỡ dầu của tín thí, nước máu của hành nhân, nếu không tu hành, hột gạo khó tiêu”.

Nên Kinh Văn Thù Vấn nói: “Bồ Tát nếu không ngầm nghĩ, thì cơm cũng chẳng nên dùng”

Phàm khi thọ thực hãy tưởng pháp quán này.

Hai, xét đức hạnh mình, đủ thiếu chịu cúng

Lời ghi: “Xét đức hạnh mình đủ thiếu” nghĩa là chúng ta là người xuất gia, phải siêng tu ba học, lợi mình và lợi người”.

“Xét” là so tính, hãy tự nghĩ ngợi so tính đức hạnh mình đủ hay thiếu, song đức hạnh tuy đủ, cũng phỉa cần phép quán mới tiêu của tín thí. Nên ngài Thiên Thai nói: “Chẳng luận khất thực các món ăn nào, đều phải tưởng quán, nếu không nhập quán thì nhuận sinh tử”, tức câu “Học đạo chẳng thông lý” vậy. Đức hạnh đủ còn vậy, huống chi người thiếu đức hạnh. Phàm khi thọ thực phải tưởng pháp quán này.

Ba, ngừa lòng lìa lỗi, tham, sân, si, gốc

Lời ghi: “Ngừa lòng lìa lỗi, tham sân si gốc” là do ba độc tham, sân, si, là cội gốc sinh tử nhân duyên tạo nghiệp của tất cả chúng sinh. Nghĩa là tâm này có đủ vô lượng vô biên lỗi loạn phiền não mà tham sân si là gốc cội. Nên nói “gốc” là cội  gốc. Kinh Di Lặc Vấn nói: “Tất cả ác pháp đều từ tham sân si mà khởi”. Chúng ta vì đạo bỏ nhà, phải cẩn thận phòng ngừa, cội gốc nếu dứt thì các ác lìa xa. Nên nơi mỹ vị không khởi thưởng tham, nơi món dở chẳng sinh giận hờn, nơi món chẳng dở chẳng ngon chẳng sanh lòng si.

Phàm khi thọ thực phải tưởng pháp quán này.

Bốn, chánh là thuốc hay vì chữa thân gầy

Lời ghi: Chánh là thuốc hay, vì chữa thân gầy nghĩa là chúng ta do bốn đại thành thân, thường bị bệnh đói khát, nếu không ăn uống thì hình khô sắc héo, không do đâu tấn tu đạo nghiệp. Cho nên ăn uống là “thuốc hay” nuôi thân trị bệnh, là cơ quan tu hành tấn đạo nếu có tham nhiễm thì trở thành bệnh nặng vậy.

Kinh A Dục Vương nói: “Tổ Ưu Ba Cấp Đa lấy một bát đựng đầy cháo sữa, lại lấy một bát không, để cả nơi trước một Tỳ kheo tham ăn. Dặn rằng “Ông hãy đợi nguội, thủng thẳng mà húp”. Nhưng Tỳ Khưu nặng lòng tham ăn, bèn thổi cho nguội, rồi ăn hết. Tổ Cấp Đa nói “Cháo sữa tuy nguội, lòng ông vẫn nóng, phải lại nguội lòng đi, hãy dùng ‘quán chẳng sạch” làn nước, rửa tâm nóng ấy. Nếu thấy đồ ăn uống, tưởng như uống thuốc”. Tỳ khưu ăn xong bèn mửa cả ra đầy một bát không. Tổ Cấp Đa nói “Ông hãy ăn lại” Tỳ khưu nói “Chẳng sạch rồi, ăn lại thế nào được!” Tổ Cấp Đa nói “Ông quán tưởng tất cả pháp cũng như đồ mửa” nhân đó nói pháp. Tỳ kheo tinh tấn ngẫm nghĩ xem xét, được quả A La Hán. Phàm khi thọ thực phải tưởng phép quán này.

Năm, vì nên đạo nghiệp, phải thọ cơm này

Lời ghi: “Vì nên đạo nghiệp phải thọ cơm này”, nghĩa là người xuất gia vô vi vô dục (không làm, không muốn) trong sạch tự giữ, tuỳ duyên ăn uống để nuôi hình mạng mà tu đạo nghiệp ba thừa. Nếu không ăn thì hình gầy sắc biến, đạo nghiệp khó nên. Nay vì thành tựu đạo nghiệp, nên thọ cơm này, nếu chẳng làm đạo thời hột gạo khó tiêu. Ngài Từ Ân nói “Vì nên đạo mới thí đem đến, đạo nghiệp chưa thành đâu tiêu đặng”.

Có thể thấy ăn uống là duyên chánh giúp đạo, nên mới thọ, nếu tự biết mình đạo nghiệp chưa thành, rất sinh tâm hổ thẹn. Nên sách Hành Hộ nói: “Lúc ăn phải sinh hổ thẹn, thường tưởng phép quán”. Luận Ma Đắc Lặc Giả nói “Nếu khi đặng đồ ăn, mỗi miếng phải tưởng niệm, nếu chẳng dùng lòng như vậy thì gọi là luống hao của tín thí”. Phàm khi thọ thực, phải tưởng phép quán này.

Lời góp: Một là kể công nhiều ít. Luận Trí Độ nói “Cơm này cây cấy gặt hái xay giã vo gút xôi nấu đến công dụng rất nhiều”. “So kia chỗ đến”, Luật Tăng kỳ nói: “Thí chủ bớt phần vợ con họ, vì cầu phước mà thí”. Phàm khi thọ thực phải tưởng phép quán này.

“Hai, xét đức hạnh mình đủ thiếu chịu cúng” là trong Luật Tỳ Ni Mẫu nói “Nếu chẳng ngồi thiền, tụng kinh, lo việc Tam bảo và chẳng giữ giới, mà thọ đồ tín thí của người, thì bị của mà đoạ, thời chẳng nên thọ thực”.

Đức hạnh nếu đủ thì nên ứng cúng thọ thực. Phàm khi thọ thực phải tưởng phép quán này. “Ba ngừa lòng lỗi, tham sân si gốc”. Luận Minh Liễu sở nói “Xuất gia trước phải ngừa ba lỗi nơi tâm, nghĩa là nơi món ăn thượng vị khởi tham, món ăn hạ vị khởi sân, món ăn trung vị khởi si, vì đó chẳng biết hổ thẹn đoạ ba đường dữ”.

Phàm khi thọ thực phải tưởng pháp quán này.

“Bốn chính là thuốc hay vì chữa thân gầy”, nghĩa là đói khát là bệnh chủ. Bốn trăm lẻ bốn bệnh là bệnh khách, nên phải dùng đồ ăn làm phương thuốc để giúp nơi thân. Phàm khi thọ thực phải tưởng phép quán này. Bốn trăm lẻ bốn bệnh là thân người mượn đất nước gió lửa bốn đại thành ra. Một đại chẳng điều hòa thì sinh 101 thứ bệnh, bốn đại cộng lại thành 404 bệnh.

“Năm vì thành đạo nghiệp nên thọ cơm này”, nghĩa là chẳng ăn thì sinh bệnh đói khát, đạo nghiệp làm sao nên. Kinh Tăng Nhất A Hàm nói “Ăn nhiều sinh khổ hoạn, ăn ít khí lực suy, vừa bực trung mà ăn, như cân chẳng cao thấp”.

Phàm khi thọ thực phải tưởng phép quán này.

Lời ghi: Năm pháp quán này gốc Kinh Di Giáo văn nói “Thọ các đồ ẩm thực, hãy như uống thuốc” là nghĩa của quán thứ tư. Kế nói “ Dù ngon dù dở chớ sinh thêm bớt”. là nghĩa là quán thứ ba.

Ba nói “Vừa đặng đỡ thân cho khỏi đói khát” là nghĩa quán thứ năm.

Bốn nói “Chịu người cúng dường miễn là khỏi đói” là nghĩa quán thứ hai. Năm nói “Không nên cầu nhiều, mất tâm lành của họ đi” là nghĩa quán thứ nhất.

Vị Cổ Đức nói “Năm quán nếu gìn, nghìn vàng khó đổi”. Cho nên Hoà Thượng rộng dẫn kinh luận để phát minh vậy.

(Trích "Tỳ Ni Hương Nhũ"
Dịch giả: HT. Thích Thiện Chơn
Nguồn: NXB Tôn giáo 2010)

Viết bình luận

Chúc mừng năm mới
Copyright © 2015 daibaothapmandalataythien.org. All Rights Reserved.
Xã Đại Đình, huyện Tam Đảo, tỉnh Vĩnh Phúc. Email: daibaothapmandalataythien@gmail.com

Đăng ký nhận tin mới qua email
Số lượt truy cập: 6386429
Số người trực tuyến: