Mặc áo | Đại Bảo Tháp Mandala Tây Thiên | Đại Bảo Tháp | Đại Bảo Tháp Tây Thiên

Mặc áo

Mặc áo

Lời ghi: Tiếng Phạn gọi là Chấn Việt, dịch là “y phục”. Đời rất xưa mặc bằng da, vua Huỳnh Đế mới chế ra y phục. Trên gọi là y (áo), dưới gọi là thường (xiêm, quần). Sách Bạch Hổ Thông nói: “Áo là ẩn vậy, quần là che vậy”. Nên Kinh Niết Bàn nói: “Như áo quần trong đời để che hình thể, che đậy hình ảnh nên gọi là áo quần”. Lại áo là nương, muôn công đức lành, đều nương Tịnh giới làm căn bản. Nên Luận Tát Bà Đa nói: “Tất cả đệ tử Phật đều nương giới mà ở, muôn lành do đó mà sinh trưởng, nếu hay nương Giới tu hành, thì đặng các căn lành thắng diệu, thì biển khổ có thể qua, bờ kia có thể tới.

Bằng mặc áo trên, nên nguyện chúng sinh, đặng căn lành thắng, đến bờ kia pháp.

Lời ghi: “Bằng” là tiếng định chắc, nghĩa là định chắc khi mắc áo này. “Áo trên” tục gọi áo trường là Trực chuyết, Thiên Sam, Hải Thanh. Ông Thái Bạch làm thi nói: “Phất phới múa tay rộng, như chim qua biển Đông”. Một tên là áo đạo bào cũng gọi áo cung kỉnh.
Lại gọi áo Hướng thượng, để nêu cái áo tối thắng trong một thân. Ý nói mặc cái áo thắng nhất phải phát cái tâm thắng nhất và phát nguyện thắng nhất, hãy biết tâm đó nguyện đó tức là “căn lành thắng” vậy. Bởi tất cả chúng sinh mất căn lành đó mà ngập chìm trong sinh tử, nên phải phát nguyện như thế cho căn lành không bị ngập chìm mà được đến “bờ kia pháp” nơi địa vị cứu cánh vậy. Như bậc Nhị thừa, Tam thừa đều chẳng gọi rốt ráo, duy một bậc Phật mới gọi rốt ráo bờ kia vậy.

Khi mặc quần dưới, nên nguyện chúng sinh, mặc các căn lành, khẳm đủ hổ thẹn.

Lời ghi: Trong tiếng Phạn gọi “Nê phược ta na”, đời Đường dịch là “quần”, Luật Căn Bản nói: “Nê Bà Sa lại nói Khuyết Tô lạc ca, bề đứng 2 cánh chỏ, ngang 5 cánh chỏ, tức là “quần dưới”, cũng nói là Nê hoàn tăng, hoặc gọi là Xá lặc, dịch là “áo trong”, lại dịch là quần ngắn, tức xiêm dưới.
“Quần” là bầy, nghĩa là may nối tiếp liền miếng vào thành quần.
Xưa gọi Niết bàn tăng, là sai vậy. Đã không dây lưng, thì khi mặc chỉ gộp lưng quần buộc lại bằng lằn xếp lưng quần.
Luật Nhiếp nói: “Nghĩa là từ bên lung quần xếp nhỏ thành những lá sen, rồi ém cả vào giữa lung hình như lá Đa la trên eo dưới phình vậy”.
“Mặc” như đeo mang “các căn lành” là tất cả gốc cội giới thiện. Trong Luật nói 7 điều giới thiện, là thân 3, miệng 4 giới thiện.
Lại Kinh Niết Bàn nói 7 thiện pháp: 1- Biệt thiện pháp, là 12 bộ kinh, 2- Biết nghĩa thiện, là lời nói văn tự, 3- Tri thời thiện là theo lúc tu hạnh lục độ, 4- Tri túc thiện là cơm nước áo thuốc, 5- Tri tự thiện, biết mình sẵn có căn lành tin giới, 6- Tri chúng thiện, là đi lại ngồi đứng, nói pháp hỏi đáp, 7- Tri tôn ti thiện, người tin là lành, người không tin là không lành, v.v…
“Hổ thẹn” là hai ghép trong bảy phép tài là “tin, giới, văn, xả, huệ, tàm, quý”. Trong bảy phép tài thì hổ và thẹn là người giữ tài (của). Trong lòng sinh mắc cỡ là hổ, đối ngoài sinh mắc cỡ là thẹn. Lại nói “chẳng tự mất tiếc, là hổ, lòng không dùng quấy là thẹn.
Nếu chẳng mặc quần dưới thì thân hình bày lộ, không có hổ thẹn, tức không có người giữ gìn, thì pháp công đức không đầy đủ. Nay khi mặc quần, pháp lành hiện ra, chỗ nhớ nghĩ không tà, tức là chỗ hổ thẹn đầy đủ, chỗ đầy đủ hổ thẹn, tức là chỗ gốc nguồn trong sạch.
Người ta sở dĩ mê trong năm dục, không thể trong sạch được, chỉ bởi không biết hổ thẹn, nếu hổ thẹn đầy đủ hời phép lành trong sạch đâu hề thiếu thốn, nên nói: Mặc các căn lành, khẳm đủ hổ thẹn.

Sửa y buộc dây, nên nguyện chúng sinh, tóm buộc căn lành, chẳng cho tan mất.

Lời ghi: Buộc dây bằng điều sợi hay lá sen thì các bộ đều khác nhau, màu thì vàng hay đỏ chẳng đồng. Quần không dây thì không thâu nhiếp cái thân, người không giới (điều răn) thì không thể hàng phục cái tâm. Sửa là nghiêm chỉnh nó lại, buộc là thâu nhiếp; nghĩa là phải tóm buộc các căn thì dáng ngoài nghiêm chỉnh cái thân. Pháp trong thâu nhiếp cái tâm, thân tâm nghiêm nhiếp thì các đạo pháp lành sẽ tự lần lượt thêm tới, là cái dụng để thấy đạo vậy.

(Trích "Tỳ Ni Hương Nhũ"
Dịch giả: HT. Thích Thiện Chơn
Nguồn: NXB Tôn giáo 2010)

Viết bình luận

Chúc mừng năm mới
Copyright © 2015 daibaothapmandalataythien.org. All Rights Reserved.
Xã Đại Đình, huyện Tam Đảo, tỉnh Vĩnh Phúc. Email: daibaothapmandalataythien@gmail.com

Đăng ký nhận tin mới qua email
Số lượt truy cập: 6408522
Số người trực tuyến: