Thích nghĩa | Đại Bảo Tháp Mandala Tây Thiên | Đại Bảo Tháp | Đại Bảo Tháp Tây Thiên

Thích nghĩa

Thích nghĩa

Nước Tô Ma (So Ma) dịch là Nguyệt (trăng)

Bông đâu la:  (Tu la) dịch là trắng sạch, cũng dịch là tế hương (thơm nhỏ) lại dịch là hoa cây dương. Nghĩa là tay Phật mềm mịn như bông gòn vậy.

Thợ gốm: Tên thợ làm ngói

Chân không diệu hữu: Kinh Bát Nhã nói: “Không chẳng khác sắc: là diệu hữu vậy. “Sắc tức là không” là chân không vậy.

Ba quán: Không, giả, trung.

Nước Kiền đà:  (Gandhara) nhà Tuỳ dịch là nước Hương hành, trong khắp các nước sinh nhiều hoa thơm ở giữa bắc và trung Ấn Độ.

Lớp vô sinh: Lý tịch diệt vậy.

Người huyễn tâm số dứt:  Tâm số là tâm sở, đại thừa có 51 món tâm sở, biến hành 5, biệt cảnh 5, thiện 11, phiền não 6, tuỳ phiền não 20, bất định 4.

Ba đế: chân đế, tục đế, trung đế.

Mười điềm tốt: Ánh sáng đầy nhà, cam lộ đầy sân, ao trời bảy báu, đất mở kho ẩn. Gà sinh con phụng, heo nghén lợn rồng. Ngựa đẻ kỳ lân, trâu sinh bạch trạch. Vựa biến lúa vàng, voi đủ 6 ngà.

Tiêu ớt: Ớt, tiếng Phạm gọi Tất bạt, vị cay, cay hơn tiêu giống như trái xa tiền tử mà ngắn hơn.

Củi chiên đàn: Chiên đàn dịch là cho thuốc, vì nó hay trừ bệnh. Truyện Từ Ân nói: “Cây nó giống cây dương trắng, chất nó mát mẻ, rắn ưa leo ở”.

Nước 8 công đức: là lóng sạch, trong mát, ngọt ngon, nhẹ nhàng, đượm nhuần, an hoà, trừ bệnh, thêm bổ.

Núi Kim Cương: Tiếng Phạn gọi là Bạt Chiếc La (Vajra dịch là Kim Cương). Cũng gọi là Chước Ca La.

10 Núi báu: Núi Tu di, núi Tuyết, núi Mục Chân lân Đà, núi Đại mục chân lân đà, núi Hương, núi Báu, núi Vàng, núi Đen, núi Thiết vi, núi Đại Thiết vi.

Thi Lợi cừu đà: Dịch là Thắng Mật, đệ tử của ngoại đạo, hoặc gọi là Thi Lợi Cúc Đa.

Tôn giả Đề Bà: (Deva): Dịch là Thiên (trời), Tổ thứ 15 ở Tây Vức.

Nước Ca Tỳ La: (Kapilavastu) dịch là sắc vàng, hoặc gọi Ca Di La, dịch là xích trạch (ao đỏ).

Phạm Ma Tịnh Đức: Dịch là người thanh tịnh vì giữ đạo cư trinh vậy.

Cây Bồ đề: Tức là cây Tất  bát la (pipala) dịch là cao ngút, Phật ngồi dưới gốc cây này thành bậc chính giác, nhân đó gọi là cây Bồ đề vậy.

Cái dữ trong ác: (3 cõi) là kiến hoặc và tư hoặc.

Cái dữ ngoài giới: Là vô minh. Còn trần sa là chung trong và ngoài.

Ưu ba cấp đa: Dịch là Đại Hộ (lớn giữ gìn) Sau Phật diệt độ 100 năm ra đời, đặng quả vô học.

Phép chẳng chung: Nghĩa là 18 phép cọng của Như Lai, cùng với phép Tam thừa khác xa vậy.

Năm hành: vàng, cây, nước, lửa, đất.

Tám ruộng phước: Tam bảo, cha, mẹ, sư, tăng, người bệnh.

Lục sư ngoại đạo: 1) Phú lan na Ca diếp, 2) Mạc đà lê Cu xa lê, 3) San đa tỳ la chi, 4) A Kỳ đa thí xa Khâm bà la. 5) Ca la cưu đà chiên diên, 6) Ni Kiền đà Xà đề tử.

Lằn bánh xe ngàn chấu: Chấu là cây căm trong bánh xe vậy. Tướng lằn dưới chân Phật như bánh xe ngàn cây căm.

Ái kiến làm gốc: Lầm là mê lầm, ái là gốc tư hoặc, kiến là gốc kiến hoặc.

Tu phép quán đồ ăn sạch: Như Ngài cấp đa nói: “Phải xem tất cả pháp cũng như hỷ, mửa, vậy. Sinh tướng vô minh: là một phẩm hoặc vô minh tướng sinh, sau ngôi đẳng giác vậy”.

Ba cửa giải thoát: Không, vô tướng, vô nguyện.

Ma ha diễn: dịch là Đại Thừa.

Ngũ tạng: Tim, gan, phổi, bao tử, thận.

Tứ chi: Hai tay và hai chân

Ta bà:  Còn gọi là Kham Nhẫn. Vì chúng sinh ở cõi này hay nhẫn chịu các điều khổ.

Lưỡng túc: Phước và Huệ.

Thập Hiệu: Như Lai, Ứng cúng, cho đến Phật Thế Tôn.

Lục đạo: Thiên, Nhân, A tu la, Địa ngục, Ngạ quỷ, súc sinh.

Tứ ân: Phụ mẫu, Thầy cô, Quốc vương, Tam bảo.

Nan Đà: Còn gọi là Thiện Hoan hỷ: Do vì Ngài mến đạo lấy làm tên. Mẹ của Ngài rất tin Tam bảo.

Trầm thuý:  Tiếng Phạm là Ác Yết Rô, chất của nó cứng, đen, để vào nước thì chìm, xuất phát từ nước Chấn Đán.

Do tuần: Cũng gọi là Do Thiên. Bản Tan là Du Thiện Na: Hạn lượng, là số dặm ở nước Thiên Trúc. Có 3 bậc: Thượng: 80 dặm, Trung: 60 dặm, Hạ: 40 dặm.

Vương Xá Thành:  tức là Duyệt Kỳ, là tên một thành ở nước Ma Kiệt. Trong Luận Tát Bà Đa: Trong thành này có con rồng hay tạo ra các điều tai hoạ phá hoại nhà cửa nhân dân, chỉ có Vương cung là không bị phá.

Duy na: trị sự.

Ca Sa: Hoại sắc.

Tam thập thất Phẩm trợ đạo: Tứ niệm xứ, Tứ chánh cần, Tứ Như ý túc, ngũ căn, ngũ lực, thất giác chi, bát chính đạo.

Tam hữu: Cõi dục, cõi Sắc, cõi Vô sắc.

Thập thánh: Thập địa.

Tam thập tam thiên:  Tiếng Phạn gọi là Đao Lợi Thiên, ở trên đỉnh núi Tu di, cách nhân gian 8 vạn do tuần. Bốn phương đều có 8 cõi Trời, Trời Đế Thích ở chính giữa, cộng lại thành 33 cõi Trời.

Ngũ Nghịch: 1. Giết cha, 2. Giết mẹ, 3. Giết A La Hán, 4. Làm thân Phật chảy máu, 5. Phá Yết ma chuyển pháp luân tăng.

Kê viên: Miền Tây có Chùa Kê Đầu Ma, cách Lộc Uyển chẳng xa, nên Kinh Đại Phật Đảnh nói: “Tôi ở Lộc Uyển và nơi Kê Viên, xem thấy Như Lai trước tiên thành đạo”.

Thầy trò: Thầy có công năng khéo dạy nên, người học đủ đức tư bẩm nên cũng gọi là sư tư.

Đệ tử: Ngài Nam Sơn nói: “Học ở sau ta gọi đệ, biết từ thầy sinh gọi là tử”.

Ca Diếp: Dịch là Ẩm Quang.

A Nan: Dịch là Khánh Hỷ.

Mạc Điền Địa: (Madhyantika) dịch là Trung (giữa) đệ tử của ông A Nan.

Hoà Tu La: Người ở nước Ma Đột La, họ là Tỳ Xá đa, ở trong thai 6 năm mới sinh, có cỏ lành ứng.

Cúc Đa: Cũng gọi là Cấp Đa, nghĩa như trước giải.

Đàm vô đức: Dịch là Chính Pháp, đệ tử của ngài Cúc Đa chủ Luật Tứ phần.

Đàm Ma Ca La: Dịch là Pháp Thời. Sa môn nước Thiên Trúc, đầu tiên nương Tứ phần mười lăm người thọ giới, xa vâng ngài Pháp Chánh.

Pháp thông: Tứ phần tiêu thích nói: Đời nguyên nguỵ, vua Hiếu văn, gốc học luật Tăng kỳ, nhân xét thể thọ giới, mới mở luật Tứ Phần, xa vâng ngài Pháp Thời.

Đạo Phúc: Đệ tử của Ngài Pháp Thông, trước biên soạn 6 quyển sớ khoa, giải Tứ Phần.

Huệ Quang: Ban đầu theo Phật đà Thiền sư xuất gia. Phật Đà nói: “Ông này phải trước nghe Luật. Luật là nền huệ, không phải trí không thể vâng, nếu trước theo Kinh luận ắt khinh lưới giới”. Do đó y toàn bộ luật Tứ phần của Đạo Phúc, soạn sớ 10 quyển.

Đạo Vân: Theo Huệ Quang thọ học, soạn sớ sao 9 quyển phán  giải rộng văn.
     
Đạo Hồng:  Theo Đạo Vân thọ học cũng làm sớ văn.

Trí Thủ: Trước khi thọ giới, nơi trước pháp cổ Phật, dự cầu hiển nghiêm được Phật sờ đầu, thân tâm khoẻ khoắn, mới biết cảm giới bèn tìm bộ luật, nhiều hội văn ấy Theo Đạo Hồng thọ học, soạn sớ 20 quyển.

Đạo Tuyên: Tông thừa pháp ngài Trí thủ lập Tông Nam Sơn, đốt hương giới định làm hạnh ban châu.

Doãn Kham: Soạn bộ Hội chánh ký, nối Tông Nam Sơn, Vi Đà Thiên sứ Hiện ra, đất trồi giới đàn.

Ngươn chiếu: Soạn Tư trì ký từ Kham Luật sư.

Vương tố: Tiếng gọi bậc lớn rút trong lễ ký.

Cố tâm: Con họ Dương ở huyện Lật dương, xuất gia, huý là Như Hinh, hàm ân hiệu là Huệ Vân nhân Luật học hoang vu, đi bộ, lễ non ngũ Đài cầu gặp đức Văn Thù thọ giới. Đến trong nửa núi, thấy một bà bưng một y Tăng già lê hỏi rằng: “Ông cầu việc chi? Đáp: Cầu gặp Bồ tát Văn Thù để thân thọ đại giới. Bà nói: “Ông có đem y đến không? Đáp: Chưa. Bà nói: Y này cho ông. Sư tay tiếp y. Bà nêu chỉ rằng: “Ấy chẳng phải Văn Thù ư? Vừa một phen ngó lại, Bà đâu chẳng thấy. Bồ tát ở trong mây thò tay sờ đầu sư mà nói: “Cổ Tâm Tỳ Khưu, Văn Thù thọ giới cho ông rồi”. Sư nơi dưới lời trọn tỏ pháp môn tâm địa, xem luật Đại tiểu thừa như trong ngực tuôn ra, bèn trở về Kim Lăng, hưng lại giới pháp. Khi ấy pháp sư Tuyết Lãng phụng sắc tu bổ bảo tháp Trường Can,
Công làm gần xong, đỉnh tháp đem lên không nổi, trong lòng không vui. Chốc lát, dựa ghế mà nằm, có thần nhân trong mộng an ủi rằng: “Ngài khác tôn giả Ưu Ba Ly chấn tích nhiễu tháp, đảnh tháp tự hiệp, ông lo nghĩ làm chi!”.

Sáng ngày sau, khi sư dắt đệ tử cầm trượng đi quanh, đỉnh tháp quả tự cất lên. Người đời tin Ưu Ba Ly chuyển thân lại vậy. Khi ấy Thần Tông hoàng đế ngự sắc khen rằng: “Xem dáng ấy, biết người ấy nhập Tam muội, dứt lục trần, xưa Ba Ly, nay Cổ Tâm”.

Trường can: Tấm biển cũ chùa Báo Ân đất Giang Ninh.

Tam Muội: Huý là Tịch Quang, con họ Tiền ở đất Trảo trư. Ban đầu theo pháp sư Tuyết Lãng, tập giáo quán Hiền Thủ, kế đó cầu luật sử Cổ Tâm, thọ đại giới cụ túc nơi chùa Cam lộ, nhuận châu, gần học nhiều năm, duy luật ghi là nhiệm. Luật sư khen hạnh giới của ngài, truyền trao Tỳ ni, hoằng dương giáo pháp hành đạo đất dự chương, kẻ truy tố cần thỉnh ngài khai giới nơi chùa Đông Lâm đất bằng bỗng trồi lên hoa sen trắng ngàn cánh 18 đoá. Xét việc ghi nơi Lô Sơn rằng: “ Khi Ngài Viễn Công sắp diệt độ, đối chúng dạy rằng: “Nếu có Sen trắng nở lại, ta sẽ trở lại giáo hoá vậy”. Từ đời Tấn đến đời Minh, sen khô mà chẳng tươi, ao lâu thành đất. Ngài Tam Muội đến núi này hoa Sen trắng nở, người ta nhớ lời sấm xưa, đều gọi Ngài là Viễn Công tái lai vậy. Bèn ở núi Hoa, mười phương Hiền thánh kết khen rằng: “Sấm trước sen trắng mọc ngàn hoa” là nói chuyện ấy vậy. Còn nhiều thần dị, rõ như trong lời minh và truyện.

Khai vật thành vụ: Câu rút trong kinh dịch

Ngồi an: Câu văn rút trong kinh Lăng Nghiêm

Kẻ truy tố: Kẻ áo nâu, áo trắng.

Ma đột la: (Mathura)  dịch là khổng tước.

Mật thiện:  Việc tốt đẹp, thuở xưa, tên thành có tháp Ngài Xá Lợi phất, tháp Ngài Văn Thù v.v..có chùa núi, ông Ưu ba Cúc đa làm.

Tỳ xá đa: (Vesex) Tức là Tỳ xá dịch là thượng cổ, buôn bán.

Vả chăng bản này, Đại Đức chùa Xuân Lôi trong năm Giáp Tý, nhân đến Đại đức chùa Đơn Hội thỉnh đặng đem về. Tôi cầm đọc một bận trong ấy kệ chú giữ tâm làm phân minh, giải thích chính là chỗ cùng noi theo của người tam thừa, nhà Thiền nước ta (Việt Nam) vốn chưa có, mừng nay gặp đặng, kính bày lễ thỉnh, nhóm họp khắc lại, lược thuật tiểu dẫn để tỏ chỗ gốc do.

Huyện Võ Giang, xã Đại Tráng, Chùa Linh Sơn, giới Tỳ khưu hiệu Sanh Định, pháp danh Thanh Cao khắc bản lại (chữ Hán)
 

***HẾT***

Viết bình luận

Chúc mừng năm mới
Copyright © 2015 daibaothapmandalataythien.org. All Rights Reserved.
Xã Đại Đình, huyện Tam Đảo, tỉnh Vĩnh Phúc. Email: daibaothapmandalataythien@gmail.com

Đăng ký nhận tin mới qua email
Số lượt truy cập: 6387136
Số người trực tuyến: