Xuống đơn
Xuống đơn
Lời ghi: “Xuống” là sớm thức dậy rồi xuống, lẻ loi gọi là đơn, đây gọi giường chõng là đơn, nghĩa là người thụ giới mỗi việc đều tùy chúng Tăng, khi ngủ không nằm hai người vậy.
Lời góp: Khảy móng tay ba tiếng, thầm niệm kệ này:
Từ mai dần sớm đến chiều hôm, cả thảy chúng sinh tự giữ thân, nếu lỡ chân này đạp ngươi chết, nguyện ngươi cõi tịnh chóng về mau. Án dật đế luật ni tá ha.
(Chú niệm 3 lần. Đây là chú sinh thiên nữ)
Lời ghi: “Dần” là chưa sáng, “sớm” là đã sáng, tức là hừng sớm lúc tướng sáng vừa hiện. Tiếng Phạn gọi A lưu na, hoặc gọi Lầu na, hoặc gọi Tát đỏa, đời Hán dịch là Minh tướng, có nhiều tên khác nhau.
Luật Minh Liễu nói: “Hừng đông đã đỏ”, sách Thông Huệ Chỉ Huy nói: “Xứ này ước lúc mặt trời chưa mọc hai khắc là sáng, đó là minh tướng, lấy thấy chỉ tay làm hạn. Trong có ba màu sắc: Nếu mặt trời chiếu đến cây Diêm Phù Đề thì có sắc đen, nếu chiếu đến là cây thì có sắc xanh, nếu khỏi cây, chiếu đến mé cõi Diêm Phù thì có sắc trắng. Trong đây sắc trắng là chánh, tức là lúc dần sớm vậy. Lại trong Biệt Bộ nói: “Lúc đất rõ” nghĩa là thấy màu đất tỏ rõ.
“Chiều hôm” là lúc vầng kim ô rớt xuống hướng tây, mặt trời lặn. Luận Tát Bà Đa nói: “Lấy năm ấm làm ngày đêm, nếu mặt nhật đến ranh cõi Diêm Phù, gọi là mặt nhật lặn, tức là tối vậy”. “Cả thảy” là tiếng chỉ tổng quát.
Nhiều pháp họp nhau sinh gọi là “chúng sinh”, do tám phép năng và sở là đất, nước, lửa, gió, sắc, hương, vị, xúc mà thụ lấy hình vóc. Kinh Phổ Diệu nói: “Như Lai thuở quá khứ tâm sạch lìa dính, không khuấy não chúng sinh, chỗ Ngài đi, bàn chân không dấy, trùng kiến chẳng tổn”.
“Tự giữ thân” nghĩa là loài bò bay máy cựa côn trùng nhỏ nhít đều đủ tánh linh giác. Nên lời tự Kinh Viên Giác nói: “Vả, loài có huyết khí, ắt có tánh biết, hễ có tánh biết thì đồng thể với ta”.
Vì chúng ta hình chất phàm phu, tâm chưa lìa mắc, hạnh chưa bằng Thánh, khi sắp di động thì nguyện cho chúng nó tự giữ sinh mạng nó, nếu rủi hại chết thân nó, thì nhờ pháp lực kệ chú, tức thời sinh về cõi TInh, mà thoát luân hồi vậy.
“Cõi tịnh” Thế giới, trong sáng sạch gọi là “tịnh” thì chỗ ở sạch gọi là “Cõi”, cõi thuần châu báu thành ra, không có bốn đường dữ. Bộ Pháp Hoa Luận nói: “Chỗ của chúng sinh không phiền não ở gọi là cõi TỊnh; vì bởi chúng sinh hạnh có tốt xấu, nên cõi thành uế hay diệu. Cõi Ta bà năm trược, là do chứa dữ, mà có hố gò, cõi An dưỡng thất trân, bởi tập thiện mà sinh hoa quý”.
Kinh Tam Muội nói: “Phàm người cầu đạo an Thiền, trước phải dứt niệm, người ta sở dĩ chẳng đắc đạo, chỉ do tư tưởng niệm nhơ nhiều, nên thành cõi năm trược ô uế, chẳng gọi cõi Tịnh”.
Phật dạy: Người rủi làm chết hại, vì không tâm nên chẳng trị tội, đồng với Luật trong đời. Song cũng có lúc rủi hại trả lại bẳng rủi hại. Như sách Triêu Dã Thiêm chép: Đời Lương vua Võ Đế vốn kính tin sư Khạp Đầu, hôm nọ sai sứ dời đến, vua đang đánh cờ với người, toan giết một con cờ, hô rằng: “Giết đi!”, liền chém Sư.
Vua đánh cờ xong kêu Sư, người Sứ tâu: “Khi nãy bệ hạ bảo thần giết đi rồi”. Vua hỏi: “Sau khi chết có nói gì không?”. Sứ tâu: “Sư nói bần đạo kiếp trước lúc làm Sa di lấy dùi gạch đất, lầm đứt một con trùng, nay làm vua vậy”.
Báo này vốn đúng, cứ đó mà xem, lầm giết vẫn lấy làm thường, há chẳng dè dặt ư!
Dẫn chứng: Kinh Phân Biệt Công Đức nói: “Thứ nhất niệm Phật việc gì? Thân Phật là Kim Cương, không bị rót lọt phiền não vào, khi Đức Phật đi, chân cách mặt đất bốn tấc, lằng tướng ngàn châu, hiện dấu nơi đất, các loại trùng dưới chân, bảy ngày an ổn”.
Nếu nó mạng chung đều được sinh cõi Trời.
Xưa có một Tỳ khưu ác, gốc là ngoại đạo, mượn áo chê bai, đi theo sau Như Lai, tự giết trùng có cánh để vào dấu chân Đức Phật, nói là Đức Phật đạp chết. Song trùng ấy tuy chết mà gặp dấu chân Đức Phật liền đặng sống lại. Nên nói niệm Phật là nghĩa như thế!
(Trích "Tỳ Ni Hương Nhũ"
Dịch giả: HT. Thích Thiện Chơn
Nguồn: NXB Tôn giáo 2010)
- 80
Viết bình luận