Lễ Phật
Lễ Phật
Lời ghi: “Lễ” là lý, nghĩa là nghi thức tấn thối có độ, tôn ty có phần. Kinh Tăng Nhất A Hàm nói: “Lễ Phật có năm điều công đức. Một, Đoan chính, vì thấy Phật tướng tốt sinh lòng tôn thượng; Hai được tiếng giọng tốt, vì khi thấy Phật, tự nói ba lần rằng: “Nam mô Như Lai chí chân đẳng chánh giác; Ba, nhiều của báu trời vì khi thấy Phật, sắm hoa hương đèn sáng tùy sức cúng dường; Bốn được sinh vào nơi cao quý, được thấy Phật, biết quỳ gối chắp tay lễ bái, thân tâm thanh tịnh. Năm đặng sinh trên cõi Trời, tu phép niệm công đức Phật tự nhiên như vậy”.
Bộ Quán Âm Huyền Ký nói: “Phật Để Sa có hai đệ tử, một là Thích Ca, ưa tu hạnh lợi người, cơ giáo hóa thành đạo trước; Hai là Từ Thị (Di Lặc) ưa tu hạnh tự lợi, cơ giáo hóa thành đạo sau.
Phật ấy nghĩ: “Nhiều người đến với một người thì khó, một người đến với nhiều người thì dễ”. Muốn cho Thích Ca thành đạo trước, bèn bỏ hai người đệ tử mà vào núi. Khi ấy Bồ Tát Thích Ca theo sau vào núi tìm thầy mà không thấy tông tích, đang đi, bỗng thấy Phật Để Sa ở trong khám (khánh) báu, nhập định “hỏa giới” uy quang chói lọi, khác thường, đang giở bước quên chấm bước xuống, trải 7 ngày, nói một bài kệ. Bởi tinh tấn ấy, vượt qua chín kiếp, thành Phật trước “Di Lặc”.
Kinh Bổn Hạnh nói: Phật nói với A-nan: “Thuở xưa có vị Như Lai xuất hiện ra đời, hiệu là Phật Phất Sa. Khi ấy Phật ở trong gộp đá Tạp Bảo. Ta thấy Phật ấy, lòng sinh vui mừng, chắp tay co chân bảy ngày bảy đêm, dùng bài kệ này ca ngợi. A-nan, ta dùng bài kệ khen Phật rồi phát nguyện như vậy, đến khi Phật ấy nói với thị giả rằng: “Người này qua chín mươi bốn kiếp sẽ đặng thành Phật hiệu là Thích Ca Mâu Ni”. Ta khi đó đặng thọ ký rồi chẳng bỏ tinh tấn, thêm lớn công đức, trong vô lượng, đời làm vị Phạm Thiên Vương, Chuyển Luân Thánh Vương, vì sức nhân duyên nghiệp lành ấy, Ta đặng 4 món biện tài, không có một người nào luận với Ta, hàng phục Ta đặng, nên Ta đặng thành A nậu Bồ đề, chuyển bánh xe pháp vô thượng”.
Đã biết Thánh giáo dạy phép lễ tán công đức không thể nghĩ bàn, cho nên người tu thường phải khởi ý, chẳng đặng tự biếng nhác, e vô thường xảy đến không chỗ chiêm lễ. Hễ khi thấy Phật thì phải dùng tâm này và kệ này khen lễ.
Trên trời dưới đất chẳng ai bằng Phật, khắp cả mười phương cũng không ai sánh, những việc trong đời tôi thấy rõ, không ai đặng như Đức Như Lai. Chân ngôn lạy khắp: Án phạ nhật ra hộc (khen niệm 3 lần lạy 3 lần)
Lời ghi: “Trên trời dưới đất chẳng ai bằng Phật” là chỉ 3 cõi mà nói: “Vì trong chín pháp giới đều là quả báo chúng sinh. Chư Thiên đắm vui mà mù, không thể sâu tỏ lý Phật, còn chúng sinh thì bị vô minh che lấp không thể soi biết gốc nguồn, duy Như Lai là Trời trong Trời, Thánh trong Thánh, tôn quý nhất 3 cõi, không ai sánh đặng; chẳng những bề đứng tột ba lớp không ai bằng Phật, mà bề ngang khắp mười phương cũng không ai sánh đặng. Tóm mà nói, cùng hư không, khắp pháp giới cũng không ai bằng Thế Tôn trăm nghìn tướng tốt, muôn đức trang nghiêm, ba giác đều tròn, mười hiệu đầy đủ.
Câut thứ nhất khen lớn, câu thứ hai khen nhiều, cấu thứ ba khen thắng (hơn), câu thứ tư khen cả (lớn) nhiều, thắng. Nên Phẩm Hạnh Nguyện nói: “Tất cả bao nhiêu Nhân sư tử, trong mười phương ba đời tôi dùng thân miệng ý trong sạch, lạy khắp tất cả không còn sót”. Kinh Bát Nhã nói: “Trí huệ của Phật như hư không, thấy cả tướng đi lại các loài. Mười phương tất cả đều thấy. Nay tôi phải cúi đầu lễ vua Pháp”.
Nay người lễ Phật phát nguyện, nếu đặng như Phật Thích Ca khen Phật Phất Sa cũng dùng bài kệ này bảy ngày bảy đêm co một chân mà khen Phật Thích Ca, người ấy ắt định thân thấy phật Thích Ca mà được thọ ký, lại thấy nghìn trăm ức Phật Thích Ca, chẳng ngoài tự tâm vậy.
Kinh Phổ Hiền Quán nói: “Nếu có người ngày đêm sáu thời, lễ mười phương Phật, tụng kinh Đại thừa, nghĩ nghĩa đệ nhất, “pháp không” rất sâu chừng trong một khảy móng tay, trừ tội sinh tử trong trăm muôn ức na-do-tha hằng hà sa kiếp. “Người làm phép này thật là con Phật”.
Kinh Nghiệp Báo Sai Biệt nói: “Lễ Phật một lạy, từ đầu gối đo xuống đến lớp Kim Cang, mỗi hạt bụi là một ngôi Chuyển Luân Vương, được mười việc công đức:
1) Được sắc thân mầu
2) Thốt lời người tin
3) Ở đông người không sợ
4) Chư Phật hộ niệm
5) Đủ uy nghi lớn
6) Nhiều người nương gần
7) Chư Thiên ái kính
8) Đủ phước báo lớn
9) Mạng chung vãng sinh
10) Mau chứng Niết bàn
Lời góp: Lễ khen phải tin thành quán tưởng, năm vóc sát đất. Kinh kể 7 thứ lễ, chẳng nên chẳng biệt.
1) Ngã mạn lễ, nghĩa là nương ngôi thứ, vì không cung kính, tâm theo ngoại cảnh, 5 vóc không đủ, như chày giã gạo lên xuống.
2) Lễ xướng hòa, nghĩa là mất chánh uy nghi lòng không lặng tưởng, thấy người thì thân nhẹ lạy mau, người đi thì thân nặng lòng mỏi, bởi tâm xao lãng mà miệng xướng vậy.
3) Thân tâm cung kỉnh lễ, nghĩa là nghe xướng hiệu Phật, liền tưởng niệm Phật, tâm thân cung kỉnh, ròng chẳng nhàm trễ.
4) Lễ phát trí thanh tịnh, nghĩa là thấu cảnh giới Phật, theo hiện lượng của tâm. Lễ một vị Phật, là lễ tất cả Phật. Lễ một lạy là lễ pháp giới, vì pháp giới thân Phật dung thông.
5) Lễ khắp vào pháp giới, nghĩa là tự xem thân tâm các pháp, từ xưa đến nay chẳng lìa pháp giới, Phật và ta bình đẳng, nay lễ một vị Phật, tức lễ khắp chư Phật pháp giới.
6) Lễ chánh quán, nghĩa là lễ Phật tự mình không duyên qua Phật khác, vì sao? Bởi tất cả chúng sinh đều có tính Phật, chính giác bình đẳng.
7) Lễ thật tướng bình đẳng, nghĩa là trước có lễ có quán, tự và tha khác nhau; nay một lễ này không tự không tha. Phàm Thánh như một, thể dụng chẳng hai. Đức Văn Thù nói: “Hãy lạy chỗ lạy tánh rỗng vắng”. Ba phép trước sự, bốn phép sau về lý.
Trong Kinh Đại Phương Quảng Bảo Kiếp, Ngài Trí Đăng Thanh Văn hỏi Đức Văn Thù rằng: “Nếu thấy pháp tịnh, gọi là thấy Phật tịnh. Dù thân hay tâm chẳng thấp chẳng cao, chính trực mà ở chẳng động chẳng lay, khởi tâm vắng lặng, khởi hạnh vắng lặng, gọi là lễ Phật”.
Tỳ khưu chẳng nên mặc Cà sa phủ hai vai lễ Phật, chết đọa địa ngục giáp sắt, trừ khi ngồi thiền, dùng cơm, phủ hai vai chẳng phạm. Tỳ khưu chẳng đặng mặc áo Thiền lễ Phật, tụng kinh, kinh hành và lễ vị Tôn túc, đi trước Tháp điện, chết biến làm đoàn ngư (cá hình tròn), loài rùa trạnh. Và chẳng đặng che đầu, phải đầu trần, trái thời kết tội, duy trừ khi bệnh, khi rất lạnh. Phàm người chính tính xuất gia thọ giới, rất phải cẩn thận.
Lời ghi: “Năm vóc mọp đất y trong Kinh Ly Cấu Huệ, phải mỗi vóc mỗi phát nguyện. Trước hết nguyện chung rằng: Tôi nay năm vóc làm lễ nơi Phật, vì dứt năm đường, lìa năm món, đây nguyện các chúng sinh thường được an ổn, chẳng mất năm thần thông, đầy đủ năm mắt. Nguyện gối hữu tôi khi đặt xuống đất, khiến các chúng sinh đặng đạo chính giác. Nguyện gối tả tôi khi đặt xuống đất, khiến các chúng sinh nơi pháp ngoại đạo chẳng khởi tà kiến, đều đặng an lập trong đạo chính giác. Nguyện tay hữu tôi khi đặt xuống đất, cũng như Thế Tôn ngồi tòa Kim Cang, tay hữu chỉ đất, rúng động hiện điềm lành, chứng đại Bồ đề.
Tôi nay cũng vậy, cùng các chúng sinh, đồng chứng đạo giác.
Nguyện tay tả tôi khi đặt xuống đất, khiến các chúng sinh lìa các ngoại đạo, người khó điều phục thì dùng bốn phép nhiếp mà nhiếp độ họ, khiến vào chính đạo. Nguyện đầu tôi khi đặt xuống đất, khiến các chúng sinh, lìa tâm kiêu mạn, phát ý vô thượng, đều đặng thành tựu, tướng Vô Kiến đảnh. Còn nghĩa khác dễ hiểu.
Chú thích:
Phật Đề Sa: Dịch là Minh (sáng) lại dịch là thuyết độ, là nói pháp độ người vậy. Cũng gọi Phất Sa, dịch là Tăng Thịnh, tỏ thấu thắng nghĩa vậy.
Chính pháp giới: Trong mười pháp giới, trừ Phật vậy.
Lớp Kim Cang: Nền dưới rốt của đất vậy.
Năm vóc: Hai tay, hai gối, và trán vậy. Cũng gọi là năm luân (vừng)
(Trích "Tỳ Ni Hương Nhũ"
Dịch giả: HT. Thích Thiện Chơn
Nguồn: NXB Tôn giáo 2010)
- 164
Viết bình luận