Nuôi bệnh | Đại Bảo Tháp Mandala Tây Thiên | Đại Bảo Tháp | Đại Bảo Tháp Tây Thiên

Nuôi bệnh

Nuôi bệnh

Lời ghi: Thăm nom gọi là “nuôi”, tật khổ gọi là “bệnh”. Thân là cội khổ, hữu tình khó khỏi, người xuất gia dứt ái từ thân, mười phương hội tụ, cần nên có sự tương quan khi đau bệnh, săn sóc lẫn nhau. Sở dĩ trong tám ruộng phước, Bi điền thứ nhất, nếu thấy người bệnh, phải lấy lòng lành, trước sau chăm nom, không trái ý Phật.

Lời góp: Luật dạy người đủ năm đức mới cho nuôi bệnh. Một, biết người bệnh ăn đặng chẳng ăn đặng, ăn đặng nên cho. Hai, chẳng gớm nhờm đại tiểu khạc nhổ của người bệnh.

Ba, có tâm lành, thương xót không vì y thực. Bốn, có thể lo sắm thuốc thang; cho đến mạnh hoặc chết. Năm hay vì người bệnh mà thuyết pháp, tự thân nơi pháp lành thêm ích. Tuy chẳng thăm nuôi bệnh lâu, hễ một khi thấy thì tụng kệ chú này, vì trong tám ruộng phước, thăm bệnh là ruộng phước thứ nhất.

Thấy người tật bệnh, nên nguyện chúng sinh, biết thân luống vắn, lìa pháp trái giành.

Án, thất rị đa, thất rị đa, quân tra rị (lợi) tá phạ hạ (câu chú niệm 3 lần. Đây là chú tiêu muôn bệnh).

Lời ghi: Hoạn gấp là tật. “Tật” nặng là bệnh, là lúc sầu đau đều bởi bốn đại chẳng điều hoà mà ra. Luật tăng kỳ nói: “Thân người mượn đất, nước, gió, lửa, hoà hiệp mà thành bốn đại”. Địa đại là da, lông, xương, thịt; Thuỷ đại là tinh dịch, nước mắt, nước miếng. Hỏa đại là hơi ấm châu thân; Phong đại là sức vận chuyển lay động.

Trong một đại chẳng điều hòa thì sinh ra một trăm lẻ một thứ bệnh. Song bệnh có hai thứ:

1) Thân bệnh, dùng rễ cỏ da cây có thể trị lành.

2) Tâm bệnh, không thuốc pháp thì không thể cứu trị. Cho nên giới luật Đại Tiểu thừa nghiêm dạy phải nuôi bệnh.

Như Lai căn dặn rằng: “Nếu có người cúng dường ta, hãy khuyên cúng dường  người bệnh và nói nuôi bệnh có năm món công đức”. Nên Bồ Tát thấy tất cả  người bệnh, khởi tưởng tự mình bệnh, chẳng những dùng thuốc rễ cỏ da cây trị lành, mà thêm dùng lời dịu hiền, an ủi lòng người bệnh, thì thân tâm hai bệnh đều có thể lành vậy.

Nhưng chúng sinh nhiều tình kiến chấp, bệnh của họ mới không đồng, bên Bồ Tát ứng bệnh cho thuốc, dứt bệnh khổ cho họ vậy.

“Biết thân luống vắng” lìa phép trái giành chẳng hoà gọi là “giành” tức là phương đối trị bệnh vậy. Do họ quán “không” hiện ra rõ thân này, như huyễn như hoá, nên nơi tất cả cảnh không dính mắc. Nơi tự tánh lìa ngã sở, khi quán xét như vậy thì biết thân nầy đều luống rỗng vắng lặng. Lời sớ Kinh Hoa Nghiêm nói: “ Bốn đại trái trống thành “bịnh”. Biết “không” thì không chỗ trái. Nên nói lìa phép trái giành”.

Phàm hễ thấy người tật bệnh, chẳng những niệm kệ chú này thôi, đều phải mãnh tỉnh lấy mình sinh tử kề tay, sang hèn như bụi, đâu nên tiếc nó. Đã biết thân huyễn chẳng lâu, cần phải thêm câu niệm, nỗ lực làm đạo.

(Trích "Tỳ Ni Hương Nhũ"
Dịch giả: HT. Thích Thiện Chơn
Nguồn: NXB Tôn giáo 2010)

Viết bình luận

Chúc mừng năm mới
Copyright © 2015 daibaothapmandalataythien.org. All Rights Reserved.
Xã Đại Đình, huyện Tam Đảo, tỉnh Vĩnh Phúc. Email: daibaothapmandalataythien@gmail.com

Đăng ký nhận tin mới qua email
Số lượt truy cập: 6328391
Số người trực tuyến: