Nghe tiếng chuông chùa với tâm thanh tịnh giải trừ 500 ức kiếp trọng tội
Kinh Sư: Thích Trí Hưng
Thích Trí Hưng ở chùa Đại Trang Nghiêm tại kinh đô là người Lạc Chân. Trí Hưng là người khiêm tốn giản dị, kiên trì đạo hạnh, nương thủ luật sư mà tụng kinh giữ luật, tâm nghĩ miệng niệm đều cầu nguyện cho chúng sinh, sớm tối chẳng ngơi. Tới tháng mười một giữa mùa đông giá năm Đại Nghịch thứ năm đến lượt Trí Hưng làm Duy na. Trí Hưng đã đánh chuông đúng lúc, các Tăng tùng chùa nhờ vậy mà không bị phiền nhiễu gì.
Cùng chùa có một vị Tăng tên là Tam Quả có người anh trai theo Tùy Dương Đế để hộ giá tới Giang Đô giữa đường bị chết. Thoạt đầu lúc chưa cáo phó cho gia đình, hồn người anh liền thác mộng về báo cho vợ y rằng: “Tôi đi đến Bành Thành, chẳng may ốm chết. Vì trai giới chẳng giữ, nay bị đọa vào địa ngục; chịu đủ mọi năm nỗi khổ, đau đớn không sao tả xiết. Nỗi khổ của tôi ai mà biết được. Nay may nhờ có vị Tăng là Trí Hưng ở chùa Thiên Định ngày mồng mấy tháng mấy đã đánh chuông kêu vang thấu tới địa ngục, cho nên tôi cùng những người cùng chịu cảnh khổ trong đó đều cùng một lúc được giải thoát nay đã được thác sinh ở nơi sung sướng. Nay tôi muốn báo đền công ơn đó của thầy Trí Hưng, vậy mình hãy sắm sửa cho đủ mười tấm lụa, sớm mang đến cho dâng thầy và trình bày lại cái ý của ta tỏ lòng chân thành kính trọng thầy”. Vợ anh ta giật mình tỉnh dậy, lấy làm lạ không biết nguyên do vì sao lại mộng như vậy; bèn kể lại cho người ta nghe, lúc đầu ai nấy không tin, ít lâu sau lại mộng một lần nữa, thấy vẫn nói như trên.
Qua mười ngày sau, tin cáo phó mới đưa về, giống hệt như điều trong mộng. Thế là chị ta quả nhiên đem lụa đến biếu Hưng. Hưng tự trình bày nói là bản thân chẳng có công đức gì, rồi đem số lụa đó biếu đại chúng. Viện chủ là cùng Thiền sư… cùng tất cả các vị Đại đức trong chùa đều hỏi Hưng: “Làm sao đánh chuông mà lại có hiệu quả linh ứng như vậy được?”. Hưng đáp: “Tôi chẳng có thuật gì khác. Thấy Phó Pháp Tạng viết: “Vua Kế Tân khổ, do đánh chuông mà được dừng!” và thấy Kinh Tăng nhất A Hàm viết rằng: “Đánh chuông, đọc kệ sẽ được phúc”, tôi bèn kính cẩn tuân theo, nên đã cố gắng hết sức để làm công việc đó. Trời rét mùa đông lên trên lầu, gió rét cắt da cắt thịt, tăng bèn cấp cho tôi ống tay áo bằng da cừu để tôi mặc vào mà nắm dùi chuông. Hưng này đã tự mình quyết chí cứ để tay trần mà cầm dùi đánh chuông, lòng bàn tay bị nứt toác ra cũng vẫn chẳng cho là khổ. Thêm nữa khi bắt đầu đánh chuông, trước hết bao giờ Hưng cũng phát thiện nguyện. Nguyện chư hiền Thánh đồng nhập đạo tràng, đồng thụ pháp thực. Sau đó mới đánh ba tiếng. Lúc sắp đánh một hồi dài cũng trí kính như trước nguyện cho các chúng sinh ở mọi nẻo ác nghe thấy tiếng chuông này đều lìa được khổ, chóng được giải thoát. Nguyện hạnh như thế, Hưng này vẫn thường kính cẩn tu tập, chứ có phải là định chí thành để có thể đạt được sự cảm ứng xa xôi như vậy đâu?”. Mọi người nghe lời Hưng nói rất phục, lại càng nghiệm thấy đó chẳng là chuyện sai ngoa.
Tháng ba năm Trinh Quán thứ sáu, Hưng bị ốm ít lâu, tự biết đời sau sẽ bỏ duyên thân, liền mời thày bạn đến rồi nhân lúc ăn uống ngỏ lời từ biệt. Ít lâu sau thì Hưng mất.
(Có xuất xứ từ Tục Cao Tăng truyện)
Ngày xưa vua nước Kế Tân tính thích chém giết, ác báo lẽ ra phải đọa vào địa ngục, nhân nghe Mã Minh Bồ tát thuyết pháp, nên tội biến thành nhẹ sau khi chết đọa vào trong biển lớn làm con các ngàn đầu có xe gươm quấn quanh mình để chặt đầu, cứ chặt đến đâu lại mọc đến đấy, chỉ trong chốc lát đầu đầy biển cả. Ấy thế mà khi nghe thấy trong chùa đánh chuông, xe gươm lập tức dừng lại nên được đỡ đau. Bấy giờ có vị La Hán làm chức Duy na giữ việc đánh chuông gõ khánh, vua Kế Tân bèn nhờ người nhắn với vị La Hán đó xin đánh đổ hồi dài. La Hán bèn đánh hồi dài để cho tiếng chuông ngân nga thật lâu. Thế là qua bảy ngày như vậy, mọi nổi khổ đều hết.
Kinh Tăng nhất A Hàm còn nói: “Nếu lúc đánh chuông mà cầu nguyện cho mọi nỗi khổ ở mọi nẻo ác đều được chấm dứt thì nếu được nghe tiếng chuông và tiếng tụng niệm kinh kệ, ắt sẽ giải trừ được tội nặng sinh tử cửa năm trăm ức kiếp”.
Trong mỗi thời khóa hô chuông tại các chùa, các Tổ thường dạy phải gióng lên 108 tiếng chậm rãi, sâu lắng, để viên âm ấy xua tan hết 108 trần lao phiền não quấy nhiễu tâm thức của mỗi chúng sinh, từ đó hạt giống Bồ đề sớm được trổ cành xanh lá. Tiếng chuông không chỉ có giá trị giới hạn đối với người sống nơi cảnh nhân gian, mà còn vượt xa vang lên đến trời Hữu Đỉnh và dưới thấu xuống tận cõi địa ngục A Tỳ. Mỗi vang âm đều có khả năng thức tỉnh và cứu độ chúng sinh đang vô minh tăm tối trong sáu nẻo luân hồi.
(Trích "Lục đạo tập")
TT. Thích Viên Thành
Nguồn: NXB Hải Phòng)
- 515
Viết bình luận