Phù Phong: Phó Dịch | Đại Bảo Tháp Mandala Tây Thiên | Đại Bảo Tháp | Đại Bảo Tháp Tây Thiên

Phù Phong: Phó Dịch

Phù Phong: Phó Dịch

Phó Dịch vốn người Thái Nguyên, cuối đời Tùy mới đến Phù Phong, lúc nhỏ Dịch chăm học, học rộng giỏi thiên văn, lịch số, thời Tùy làm đạo sỹ rất bất đắc chí. Thái sử lệnh Dĩu Kiệm không thích làm chức thuật quan, bèn tiến cử Dịch thay mình. Thế là Dịch được bổ nhiệm, được đắc chí ở trong triều đình, từ niên hiệu Vũ Đức đến niên hiệu Trinh Quán được giữ chức Thái Sử lệnh. Tính Dịch không tin Phật, thường khinh Tăng ni, thậm chí coi tượng Phật bẳng đá cũng chỉ có tác dụng như gạch ngói. Dịch cùng đồng bọn là đạo sỹ phó Nhân Quân, Tiết Di đều làm Thái sử lệnh, họ hùa với nhau bảy lần dâng sớ xin bài trừ Phật giáo. Do đó Cao Tổ biết rõ việc Dịch ca ngợi đạo giáo, phỉ báng Phật giáo chẳng qua là để chiều ý hùa theo các đại thần, cho nên bất đắc dĩ đành thi hành chính sách phế cả hai tôn giáo đó.

Một hôm, Thái Tông hoàng đế triệu Dịch đến cho ăn com, nhân đó bảo Dịch rằng: “Đạo Phật vi diệu thánh tích đáng làm bậc thày. Hơn nữa báo ứng hiển nhiên, có nhiêu sự linh nghiệm, thế mà riêng một mình người không hiểu được cái nghĩa lý đó là làm sao?”. Dịch tâu: “Phật là bậc Kiệt hiệt ở Tây Phương lừa dối mê hoặc Di Dịch. Tới khi đạo Phật truyền vào Trung Quốc, những kẻ tôn sùng đều là bọn tiểu nhân gian nịnh mô phỏng huyền ngôn của Lão Trang để tô vẽ thói yêu vọng của chúng, chẳng bổ ích gì cho quốc gia, lại còn có hại cho trăm họ”. Vua nghe Dịch nói ghét lắm, không thèm đáp. Từ đó về sau suốt đời Dịch không được đếm xỉa nữa.

Tiết Di trước kia có nợ Nhân Quân năm ngàn đồng chưa trả thì Nhân Quân đã chết. Sau Di mơ thấy Nhân Quân đến nói chuyện như lúc bình sinh. Di bèn hỏi: “Trước đây có nợ ông một số tiền, vậy nên trao cho ai?”. Nhân Quân nói: “Có thể trao cho người nê (Nguyên văn Nê nhân: Nghĩa đen người bùn - ND)!”. Di hỏi: “Người Nê là ai?”. Đáp: “Là Thái sử lệnh Phó Dịch”, thế rồi Di tỉnh giấc. Cũng đêm đó viên thiếu phủ giám là Phùng Trường Mệnh mơ thấy xuống âm phủ gặp rất nhiều người đã quá cố. Trường Mệnh hỏi những người đó rằng: “Trong kinh Phật có nói đến báo ứng về phúc tội, chẳng biết có chuyện đó không?”. Đáp: “Thảy đều có cả!”. Lại hỏi: “Như Phó Dịch lúc sống không tin Phật. Lúc chết sẽ bị quả báo gì?”. Đáp: “Phó Dịch đã bị đày đến Việt Châu làm người Nê-lê rồi!”. Sáng hôm sau Trường Mệnh vào cung, gặp Tiết Di bèn kể lại những điều thấy ở trong mộng, Di cũng thuật lại chuyện người Nê. Hai người trong cũng một đêm nằm mộng giống nhau, bèn cùng nhau than thở và nói: Chuyện phúc tội không thể không tin. Di thấy được ứng nghiệm rồi, liền đem tiền đến trao cho Dịch và kể lại những điều trong mộng. Sau đó mấy ngày thì Dịch bị ác tật, khắp người lở loét thổi rữa, kêu gào mà chết. Lúc Dịch mất là mùa thu năm Trinh Quán thứ mười bốn. Lâm ở trong cung đình đích thân được nghe hai quan (Tiết Di và Phùng Trường Mệnh) kể lại chuyện mộng mị khớp nhau về Phó Dịch.

Nguyên chú:

1. Truyện trên có xuất xứ từ Minh Báo ký và các sách Thống Kỷ, Thông Tải.

2. Đây chính là như người ta thường nói: Nếu không muốn vào ở ngục Vô gián, thì chớ có phỉ báng việc Như Lai chuyển Pháp Luân (Dục đắc bất chiên Vô gián nghiệp. Mạc báng Như Lai chuyển pháp luân).

Viết bình luận

Chúc mừng năm mới
Copyright © 2015 daibaothapmandalataythien.org. All Rights Reserved.
Xã Đại Đình, huyện Tam Đảo, tỉnh Vĩnh Phúc. Email: daibaothapmandalataythien@gmail.com

Đăng ký nhận tin mới qua email
Số lượt truy cập: 6387359
Số người trực tuyến: