Vì sao kiếp này con người thọ 100 tuổi? | Đại Bảo Tháp Mandala Tây Thiên | Đại Bảo Tháp | Đại Bảo Tháp Tây Thiên

Vì sao kiếp này con người thọ 100 tuổi?

Loài người trên địa cầu đã trải qua tám kiếp, nay đang là kiếp thứ chín và là giảm kiếp; con người thọ khoảng 100 tuổi, người cao bảy thước (theo thước nhà Chu). Cứ như vậy trụ đủ 20 tiểu kiếp thì tới Hoại kiếp. Thoạt đầu là hỏa tai, thứ đến là thủy tai, sau đến phong tai. Hủy hoại như vậy suốt trong 20 tiểu kiếp, sơn hà, đại địa, các núi Tu Di, Thiết Vi đều bị nát vụn rồi trống không (trống rỗng) suốt 20 tiểu kiếp, mới lại bước vào Thành kiếp, lại trải qua 20 kiếp mới được thành lập, một vòng như vậy sau khi kết thúc, vòng khác lại bắt đầu, cứ thế mà xoay vần đến vô cùng.


Đồ hình núi Tu Di và các cõi giới

Kiếp là gì?

Kiếp, dịch âm kiếp-ba từ chữ Phạn Kalpa. Danh từ Kalpa không phải do Phật giáo sáng tạo, mà là tên gọi chung một đơn vị thời gian của Ấn Độ cổ đại, để tính những khoảng thời gian dài. Thông thường, từ "kiếp" được dùng để chỉ khoảng thời gian dài của thế giới sa bà, nơi chúng ta ở, kinh Phật nói kiếp có 3 cấp:

Thứ nhất là kiếp nhỏ (tiểu kiếp) được tính theo thọ mệnh của loài người trên địa cầu này. Từ mức thọ mệnh dài nhất là 84.000 tuổi, cứ quá 100 năm, giảm một tuổi, giảm tới khi thọ mệnh người chỉ còn 10 tuổi, giai đoạn này gọi chung là giảm kiếp. Rồi, từ thọ mệnh 10 tuổi, qua 100 năm, tăng thêm một tuổi, cho đến khi đạt mức thọ mệnh 84.000 tuổi, gọi chung là tăng kiếp. Quá trình thời gian một lần giảm, một lần tăng như vậy gọi là một kiếp nhỏ (tiểu kiếp).

Cấp thứ hai là kiếp trung bình (trung kiếp). Hai mươi tiểu kiếp gộp lại thành một trung kiếp. Địa cầu nơi chúng ta ở, diễn biến qua bốn giai đoạn lớn: Thành (hình thành), Trụ (tồn tại), Hoại (hủy hoại), Không (thành hư không). Trong bốn giai đoạn nói trên, chỉ có giai đoạn trụ là có người ở. Trong giai đoạn sơ Thành địa cầu có thể lỏng và thể khí, và từ thể lỏng khô cứng dần dần. Vì vậy mà người không thể ở được. Đến giai đoạn "Hoại", trái đất bị phá hoại kịch liệt, dữ dội, người cũng không thể ở được. Trong giai đoạn này, trái đất phải trải qua 49 lần hỏa tai lớn, 7 lần thủy tai lớn, một lần gió bão lớn (phong tai), sau đó đất bị băng hoại. Sau khi "Hoại kiếp" kết thúc thì bắt đầu "Không kiếp", là kiếp không có vật gì tồn tại, kéo dài 20 tiểu kiếp nữa. Rồi một địa cầu mới lại dần dần hình thành. Một giai đoạn "Thành" khác lại bắt đầu. Như vậy, bốn giai đoạn "thành, trụ, hoại, không" của trái đất là bốn trung kiếp, gọi là thành kiếp, trụ kiếp, hoại kiếp, không kiếp.

Cấp thứ ba là kiếp lớn. Bốn trung kiếp gộp lại thành một đại kiếp. Nói cách khác, một lần sinh diệt của địa cầu là một đại kiếp.

Nhân đạo (Đường người)

Tiếng Phạn Na-la-ma-nạp có nghĩa là “người”. Mà người là nhân, tức nhẫn vậy. Bởi vì, muốn nói rằng về tình cảm có thể an nhẫn được đối với mọi cảnh thuận nghịch của thế gian. Lập thế luận nói rằng: vì sao gọi là Đường người (Nhân đạo)? Vì có tám nghĩa: một là thông minh, hai là vi thắng, ba là ý vi tế, bốn là chính giác, năm là trí tuệ tăng thượng, sáu là biết phân biệt thực hư, bảy là Thánh đạo chính khí, tám là do nghiệp thông tuệ mà sinh ra. Lại do trung phẩm Tăng trưởng tạo tác trước kia mà diệu hạnh thân, ý, đưa tới con đường đó, sinh ở đường đó. Khiến sự sống trong con đường đó được liên tục cho nên gọi là nẻo người (Nhân thú: tức là loài người – ND). Lại hay kiêu mạn nên gọi là người. Trong sáu nẻo luân hồi, thứ kiêu mạn nhiều không gì bằng con người. Lại biết khiến cho tâm ý tịch tĩnh, không gì bằng người.

Song thân người khó có thể có được, chính pháp không dễ gì được nghe. Nay đã được thân người rồi, lại còn được nghe chính pháp. Nếu không nghe chính pháp thì sẽ bị trói buộc vào kiến giải của thế gian, làm sao có thể biết được sự luân hồi của sáu nẻo, ba đời để rồi tu cái nhân của Nhân, Thiên, tạo ra con đường Niết Bàn.

Hơn nữa, thời gian thấm thoát như bóng ngựa trăng vụt qua trước khe cửa, không lo tu cho sớm thì còn đợi tới lúc nào? Chỉ qua một hơi thở tức là đã sang đời khác, làm sao mà xác định được là sẽ sinh ở phương nào? Nhân thiện chưa gây ra quả ác đã rành rành. Một khi mất thân người chẳng còn bàn được tới kiếp số. Cho nên kinh Phó Pháp Tạng nói: Thân người không bền, thối rữa mảnh dẻ giống như đám bọt nước họp lại, có thể biến diệt trong chốc lát. Tới kỳ vô thường ai mà còn mãi được. Hơi thở ở miệng không ra thì sẽ thâm tím trương phềnh thối rữa, tóc lông, răng móng bừa bãi trên đất. Cho nên mới biết, thân người là khổ, chỉ là vô thường. Lại còn có đủ mọi thứ bất bình đẳng như người ngu, kẻ sáng, người nghèo kẻ giàu, người sang kẻ hèn thảy đều do sự khác biệt về nghiệp thiện, nghiệp ác được tạo ra từ kiếp trước.

Cho nên, quả báo khác nhau và nơi ăn chốn ở của mỗi người mỗi khác. Đó là có bốn châu lớn, cùng tám châu vừa và các châu nhỏ, có đường lối ranh giới được phân chia, song đều không tránh khỏi ba mối tai họa, tám đường khổ sở. Bậc trí giả thấy thế, lẽ ra phải phát ngán, mong sao chóng được giải thoát. Bởi lẽ, xét từ cái thuở ban đầu lúc thế giới ngày mới thành mặt đất chỉ là một biển nước bị gió kích động mà hòa hợp thành một loại giống như sữa chín. Sau khi lạnh rồi thì ngưng kết kết lại mà sinh ra. Trên mặt nước biển cũng lại như vậy, trên có vị đất thảy đều có đủ sắc, hương, mỹ vị.

Nguồn gốc loài người trong cõi Sa bà

Lúc bấy giờ chư Thiên Quang Âm ở Sắc giới hoặc có vị nào hết phúc mà đến thác sinh ở chốn này, hoặc thích xem đất mới mà xuống chốn này. Các vị đó tính tình phần nhiều bộp chộp, bèn lấy ngón tay quệt nếm thẻ vị đất ở đây, cứ như vậy ba lần (bảy lượt) liền tìm được vị ngon ngọt, thế rồi ăn mãi mà dần dần trở nên to béo, để mất đi tính chất quang minh thần túc diệu sắc của Trời, trở nên cực kỳ tối tăm u mê. Sau đó có trận hắc phong thổi vào nước biển đó làm nổi lên đôi vầng nhật nguyệt. Đất ở cạnh núi Tu Di, rồi đưa mặt trời vào quỹ đạo, quanh quay núi Tui Di, chiếu cho bốn bên thiên hạ. Bấy giờ loài người thấy mặt trời mọc ra thì mừng, thấy lặn đi thì sợ. Từ đó về sau, ban ngày ban đêm, ngày hối ngày sóc, xuân thu đắp đổi, năm tháng xoay vần, năm tháng cũ hết lại sang thời mới.

Lúc kiếp mới thành, chư Thiên xuống dưới (hạ giới) làm người, đều là hóa sinh, thân quang tụ lại, thần túc phi hành, không có sự phân chia nam nữ tôn ti, mọi chúng cùng sinh ở đời, cho nên gọi là chúng sinh. Kẻ ăn nhiều vị đất thì nhan sắc thô xấu tiều tụy, người ăn ít thì sáng sủa mượt mà, cho nên mới sinh ra sự hơn kém. Do nhân duyên hơn kém, bèn sinh ra vấn đề phải trái. Vị đất dần cạn, khiến tất cả đều ảo não. Thế rồi lại sinh ra vỏ đất (địa bì – ND) dáng như tấm bánh mỏng. Vỏ đất lại bị hủy diệt và lại sinh ra da đất (địa phu). Vì da đất bị hủy diệt, nên lại sinh ra màu đất tự nhiên (tự nhiên địa phì). Màu đất chẳng sinh thì lại sinh ra hai cành nho vị cũng ngon ngót. Càng ăn uống nhiều thì càng sinh ra giải đãi. Nho chẳng sinh nữa thì lại sinh ra gạo tẻ, không trồng mà mọc, không có cám bã. Sớm tối gặt hái, gặt hái đến đâu lúa lại sinh đến đấy, rồi tối sớm tối khác lúa gạo lại chín. Dẫu cứ lấy mãi cũng không thay dổi. Lấy đó mà ăn, trường thọ mà trụ.

Lúc bấy giờ, các loài hữu tình do dùng món ăn đoàn thực, cặn bã đọng lại trong người, vì muốn loại bỏ đi, nên thành ra hai đường và cuối cùng sinh ra nam căn, nữ căn. Thế rồi sinh ra nhiễm trược, cho nên mới thân cận nhau, nhân đó mới gây ra những điều phi pháp. Các chúng sinh nhìn thấy chuyện này bèn đua nhau ruồng bỏ như quét dọn đất đá không thèm ở chung với họ, đuổi họ ra khỏi đám đông. Xưa coi phân như đất nên liệng bỏ, thì cũng giống như ngày nay khi con cái lấy chồng, lấy vàng bạc vừng đậu mà đua nhau ném. Vì bị người thời đó xua đuổi, những kẻ thích làm điều ác, bèn cùng nhau tụ tập lại, xây dựng nhà cửa, che đậy bản thân mà làm điều phi pháp. Đó là những người đầu tiên xây dựng gia trạch, rồi có gia đình.

Thời bấy giờ, hoặc sớm hoặc tối cứ đói lúc nào thì đi gặt lúa lúc đó, dùng đủ một ngày, không để dư thừa. Có một chúng sinh do tính lười nhác nên sáng đi gặt lúa, gặt luôn cả lúa cho bữa chiều. Đến chiều có một bè bạn đến gọi đi gặt lúa, anh ta bèn bảo rằng: “Anh cứ đi gặt đi. Sáng nay tôi đi gặt lúa đã kiếm luôn lương thực cho cả hai bữa rồi”. Lúc đó người bạn này nghe nói thế thì khen thầm trong bụng rằng: “Cách này cũng rất tốt. Hôm nay ta đi gặt sẽ kiêm luôn lương thực cho cả hai ngày”. Thế rồi họ cứ như thế mà bắt chước học tập nhau, gặt lúa cho cả hai ngày, ba ngày, bảy ngày, thậm chí nửa tháng, một tháng mà đem về, dần dần gấp bội số trước. Vì lòng tham đó ngày càng mạnh thêm, cho nên cuối cùng đã khiến cho lúa sinh ra cám bã, cằn cỗi gặt xong một lần không mọc lại được nữa. Mà có mọc lại thì hạt cũng xấu dần.

Thế là, mọi người lại tranh nhau mà hái lượm. Do tham tâm tích tụ, cám bã, cỏ rả ngày càng nhiều, lúa má không còn sức nữa, hái lượm đi rồi rễ không mọc lại. Nếu có chỗ nào còn sót lại, mọi người nhìn thấy liền bảo nhau: “Chúng mình phải chi ranh giới ra mà gặt lấy”. Ai nấy đều chia. Nhân ý nghĩa đó mà điền địa thế gian bắt đầu được cày cấy rồi đặt ra bờ cõi.

Bấy giờ có một chúng sinh tuy tự mình có ruộng, song lại lén lút ăn trộm lúa của người khác, hai ba lần vẫn không chừa. Cuối cùng bị đẩy ra giữa đám đông để trình bày sự việc. Nhưng y lại ca cẩm nói: Chỉ vì thiếu lúa mà làm nhục tôi trước đám đông. Do duyên cớ đó nên đại chúng cùng họp lại mà bàn nhau rằng: “Không biết hai người đó ai là người có tội. Chúng ta có ý định chọn một trong chúng sinh trong đại chúng mà nhan sắc đoan chính, hình dung đầy đủ, trí tuệ thông đạt, lập làm điền chủ để trừng phạt kẻ có lỗi, nuôi nấng kẻ vô tội. Ruộng nương mà chúng ta cày cấy, ai nấy đều phải theo đúng phép cứ sáu phần thì phải trích ra một phần để cho điền chủ”.

Bấy giờ, trong đại chúng bèn chọn ra được một người có đủ đức độ bèn lập ra làm chúa đất. Chúa đất cứ theo đúng phép tắc mà trừng phát, dưỡng dục dân chúng. Dân chúng lập ra chúa đất rồi, thì do nhân duyên đó mà thế gian có giống vua Sát Đế Lợi.

Bấy giờ, có một chúng sinh nảy ra ý nghĩ rằng: “Mọi thứ gia đình vạn vật ở thế gian đều là gai góc, ung nhọt. Nay nên lìa bỏ vào núi hành đạo, ở nơi yên tĩnh để mà suy ngẫm”. Thế là bèn vào núi ngồi nghiền ngẫm dưới gốc cây, ngày ngày ra khỏi núi vào thôn xin ăn, người trong thôn thấy thì kính trọng cúng dàng, mọi người đều cùng khen là thiện. Người đó bèn lìa bỏ sự trói buộc của gia đình, vào núi cầu đạo. Vì người đó có khả năng lìa được các điều ác, các pháp bất thiện, giữ đạo ngay thẳng, luyện cho phẩm hạnh được trong sạch, nhân đó được gọi là Bà-la-môn. Do đó mà thế gian có dòng giống Bà-la-môn.

Trong chúng sinh lại còn có hạng người quen làm đủ các nghiệp thiện cư, trục lợi, để tự mưu sinh, nhân thế mà thế gian có dòng giống Tỳ Xá (tức là hạng lái buôn).

Trong chúng sinh kia, lại có hạng dốc sức vào đồng ruộng, thạo mọi tạp nghệ để sinh sống, nhân đó  mà thế gian có giống Thủ-đà-la (tức nông dân vậy).

Do các nhân duyên đó, cho nên có bốn chủng tính và chủng tính Sát Đế Lợi là hơn cả, họ trường thọ và ở với nhau, tuổi thọ vô lượng, lúc tuổi thọ giảm đến mức tám vạn bốn ngàn tuổi thì người cao 16 trượng. Qua 100 năm thì giảm 1 tuổi. Cứ như vậy giảm tới 10 tuổi thì người chỉ con cao 1 thước. Lại qua 100 năm tăng thêm một tuổi. Cứ như vậy tăng tới 84.000 tuổi, mỗi lần tăng giảm như vậy là một Tiểu kiếp, cộng là một ngàn sáu trăm tám mươi vạn năm. Tăng giảm 20 lần như vậy gọi là Trung kiếp. Tổng cộng là ba vạn ba ngàn sáu trăm vạn năm.

Song tám kiếp đã qua, nay đang là kiếp thứ chín và là giảm kiếp; con người thọ khoảng 100 tuổi, người cao bảy thước (theo thước nhà Chu). Cứ như vậy trụ đủ 20 tiểu kiếp thì tới Hoại kiếp. Thoạt đầu là hỏa tai, thứ đến là thủy tai, sau đến phong tai. Hủy hoại như vậy suốt trong 20 tiểu kiếp, sơn hà, đại địa, các núi Tu Di, Thiết Vi đều bị nát vụn rồi trống không (trống rỗng) suốt 20 tiểu kiếp, mới lại bước vào Thành kiếp, lại trải qua 20 kiếp mới được thành lập, một vòng như vậy sau khi kết thúc, vòng khác lại bắt đầu, cứ thế mà xoay vần đến vô cùng.

Nguyên chú:

Cõi Trời Quang Âm thiên tức là cõi Nhị thiền thiên trong Sắc giới. Người ta từ Phạm thiên mà xuống hạ giới, cho nên tiếng nói của họ là tiếng Phạm, chữ viết của họ là chữ Phạm. Sau này người di chuyển theo đất, nên ngôn ngữ mỗi nơi mỗi khác, chỉ có nước Thiên trúc là còn bảo tồn được.

Theo Kinh Trường A Hàm, kinh Sơ Đại Bản Duyên: Thời đức Phật Tỳ Bà Thi (Vipassi) nhân loại sống đến 8 vạn tuổi, thời đức Phật Thi Khí (Sikhi) 7 vạn tuổi, thời đức Phật Tỳ Xá Phù (Vessabhù) 6 vạn tuổi, thời đức Phật Câu Lưu Tôn (Kakusandha) 4 vạn tuổi, thời đức Phật Câu Na Hàm (Konàgamana) 3 vạn tuổi, thời đức Phật Ca Diếp (Kassapa) 2 vạn tuổi, và thời đức Phật Thích Ca (Sàkyamuni) 100 tuổi.

(Trích "Lục đạo tập")

TT. Thích Viên Thành

Nguồn: NXB Hải Phòng)

 

 

 

Viết bình luận

Chúc mừng năm mới
Copyright © 2015 daibaothapmandalataythien.org. All Rights Reserved.
Xã Đại Đình, huyện Tam Đảo, tỉnh Vĩnh Phúc. Email: daibaothapmandalataythien@gmail.com

Đăng ký nhận tin mới qua email
Số lượt truy cập: 6224858
Số người trực tuyến: