Toại Châu: Khổng Khác
Toại Châu: Khổng Khác
Khổng Khác làm chức ký thật tham quân phủ tổng quản Toại Châu khoảng niên hiệu Vũ Đức đã bị ốm chết đột ngột, nhưng sau một ngày lại sống lại và tự kể lại rằng: “Khác bị bắt đến cửa quan. Quan hỏi: “Vì sao mà ngươi giết hai con bò?”. Khác đáp: “Tôi không giết!”. Quan nói: “Em trai ngươi làm chứng nói là ngươi giết, vì sao ngươi không nhận”. Rồi gọi em trai Khác đến. Người em này đã chết được mấy năm. Khi người em trai tới nơi, Khác thấy em bị gông cùm rẩt khổ, Quan hỏi người em: “Người bảo anh ngươi giết bò, thế thực hay hư?”. Em đáp: “Anh tôi trước đây phụng mệnh đi sứ để chiêu dụ bọn giặc Liêu, sai tôi giết trâu để hội họp với chúng. Tôi quả thực là vâng lệnh anh tôi, chứ chẳng phải là tự ý tôi muốn giết chúng”. Khác nói: “Sai em giết bò để hội họp là chuyện có thực, song là việc nước, vậy thử hỏi Khác này có tội gì trong chuyện đó”. Quan nói: “Ngươi giết bò hội họp với Liêu coi việc chiêu dụ là công dụng để cầu quan thưởng, để lợi cho mình, sao lại nói là việc nước!”. Nhân đó bảo em trai Khác rằng: “Vì ngươi còn phải làm chứng về việc anh ngươi, cho nên phải giữ ngươi lâu. Nay anh ngươi đã sai ngươi giết thì ngươi là vô tội. Vậy tha cho ngươi để ngươi tùy ý thị sinh”. Vừa nói dứt lời, người em đã bỗng biến mất, và thế là cuối cùng anh em cũng chẳng chuyện trò hàn huyên được với nhau. Quan lại hỏi Khác: “Vì sao mà lại còn giết hai con vịt?”. Khác đáp: “Viên huyện lệnh nhiệm kỳ trước giết vịt để đãi quan khách. Đó đâu phải là tội của Khác”. Quan nói: “Quan khách tự có thức ăn rồi nhưng không có vịt, ngươi đã đem vịt cung cấp cho họ định để được tiếng khen, như vậy chẳng phải là tội thì còn là gì?”. Lại hỏi: “Cớ sao lại còn giết sáu trứng gà?” Khác đáp: “Bình sinh tôi không ăn trứng gà. Chỉ nhớ là năm lên chín gặp tết Hàn thực được mẹ cho sáu quả trứng gà và tôi đã đem luộc ăn”. Quan hỏi: “Thế ngươi định đổ tội cho mẹ ngươi ư?”. Đáp: “Tôi không dám thế! Mà chỉ kể lại nguyên nhân mà thôi! Đó là tự Khác này giết!”. Quan phán: “Ngươi giết sinh mệnh của kẻ khác, ngươi phải tự mình gánh chịu lấy tội báo!”.
Nói xong, bỗng thấy mấy chục người xúm đến bắt Khác lôi đi. Khác kêu to: “Quan phủ cũng rất uổng lạm”. Quan nghe nói thế bèn từ xa hỏi với rằng: “Uổng lạm những gì?”. Khác đáp: “Lúc sống có tội tình gì đều không bỏ sót. Lúc sống tu phúc đức gì đều không được ghi! Thế chẳng phải là lạm ư?”. Quan hỏi viên Chủ ty: “Khác có những phúc gì? Tại sao không ghi”. Chủ ty đáp: “Phúc cũng đều ghi. Nhưng phải xem tội nhiều hay ít. Nếu phúc nhiều tội ít thì để hưởng phúc trước. Nhưng nếu tội nhiều phúc ít thì phải thụ tội trước”. Song Khác phúc ít tội nhiều nên không bàn đến phúc của hắn. Quan giận mắng: “Dù có phải thụ tội trước đi nữa, sao lại không nêu phúc lên để cho hắn biết”. Rồi quan sai đánh viên Chủ ty một trăm roi, một loáng đánh xong. Viên Chủ ty bị đánh máu vọt cả ra đất, sau đó mọi phúc đức mà Khác đã tu lúc bình sinh, không bỏ sót một tý nào. Quan bèn bảo Khác rằng: “Trước hết ngươi phải thụ tội báo đã, rồi sau ta sẽ cho ngươi về nhà bảy ngày! Ngươi hãy khuyên người ta truy phúc!”. Thế rồi sai người đưa Khác ra và cuối cùng Khác đã sống lại. Khác bèn tập hợp rất đông Tăng ni hành đạo sám hối, tinh cầu khổ hành, tự mình kể lại chuyện này. Tới ngày thứ bảy Khác cùng người nhà từ biệt, lát sau thì mất. Anh ruột của Lâm là thuộc hạ của phủ tổng quản Toại Châu, cho nên đã biết rất rõ chuyện này.
- 59
Viết bình luận