Làm thiện hạnh với tâm đố kỵ chịu nỗi khổ tái sinh làm loài A-tu-la
Cõi A-tu-la có đặc điểm là tâm đố kỵ dày vò, vì vậy, chúng sinh ở cõi này luôn tranh đấu nhưng luôn bị thua cuộc. Hình ảnh minh họa trong Bức tranh luân hồi là cây Như ý (cây Đời sống) mọc lên ở cõi A-tu-la nhưng lại trổ quả Trường thọ ở cõi Trời, điều đó khiến loài A-tu-la ganh ghét, luôn gây chiến với chư Thiên. Nhân dẫn đến tái sinh ở cõi A-tu-la là sự tạo tác các thiện nghiệp nhưng vẫn còn tâm ganh đua, đố kỵ.
Bức tranh Luân hồi
Trong tiếng Phạn, “A-tu-la” còn đọc là “A-tố-la” hoặc “A-tu-luân”. Tiếng Hán có nghĩa là “phi thiên”. Cung điện, vườn rừng nơi đây đều làm bằng thất bảo, giống như trời mà chẳng phải là trời. Lại có nghĩa “không đoan chính”, ý nói ở đó nam thì xấu, nữ thì đoan chính. Hoặc còn có nghĩa là “không uống rượu”, mà là nơi có ngã quỷ, súc sinh và trời. Cai quản nẻo trời thì ở trong thành báu trên khoảng không ở núi Tu Di. Cai quản nẻo quỷ thì ở bên bờ biển cả hoặc trong vách đá của núi lớn. Cai trị nẻo súc sinh thì ở dưới đáy biển cả, có nước biển ở trên, không chảy vào cung được, như người nhìn lên trời. Chúng sinh cõi A-tu-la tuy do trước trì giới hiếu thắng bố thí, làm mười điều thiện hạ phẩm, được nghiệp cảm báo, nhưng tâm phần nhiều xiển mạn, không nhẫn nhục được, cho nên phải chịu làm thân đó. Do chính trì giới bố thí nên cung điện được làm bằng thất bảo, nhưng do không nhẫn nhục nên sinh tướng xấu xí, lại do xiển mạn hiếu thắng nên thường đánh nhau với Trời.
TẬP HỢP CÁC KINH VĂN
Kinh Khởi Thế nói: “Cách phía Đông núi Tu Di sơn vương một ngàn do tuần, dưới biển có cả đất nước của Bồ Ma Chất Đa A-tu-la vương, dài rộng tám vạn do tuần, cung điện trong thành lớn gọi là Thiết-ma-thí, ngang dọc một vạn do tuần có bảy lớp rào chắn, bảy lớp lưới nhạc bằng vàng bạc, bảy lớp hàng cây, trang hoàng đẹp đẽ, bảy lớp tường thành đều bằng thất bảo, vườn ao hoa quả, chim chóc véo von, rộng như trong kinh đã nói. Ở đây chẳng nói nhiều. Ở dưới biển cả, cách phía Nam núi Tu Di một ngàn do tuần có cung điện của Dũng Được A-tu-la vương, dài rộng tám vạn do tuần. Cách phía Tây núi Tu Di một ngàn do tuần có trụ xứ cung điện của La Hầu là A-tu-la vương, to rộng đẹp đẽ tương tự như trên. Thị nữ quyến thuộc nhiều không kể xiết, cùng nhau vui vầy tha hồ ái lạc. Còn số thần thiếp tả hữu, tôi tớ khác càng nhiều gấp bội, đúng như kinh nói, không thể kể hết. Tuổi thọ của A-tu-la vương không nhất định, ít khi tăng thêm mà nhiều khi giảm đi, bản thân cao một trăm do tuần, thậm chí bảy trăm do tuần, hóa thân cao mười sáu vạn tám ngàn do tuần, đứng dưới đáy biển cao bằng núi Tu Di, có huyền thuật lớn thường đấu với trời Đao Lợi. Mặt trời mặt trăng chiếu sáng vào mắt, lấy tay che đi. Người thế gian trông thấy cho là mặt trời, mặt trăng bị nhật thực, nguyệt thực che, do phúc không bằng được trời nên thường đánh thua, liền dẫn quân lẩn trốn trong lỗ tơ ngó sen.
Kinh Nghiệp Báo Sai Biệt nói:
Có đủ mười nghiệp sau đây thì sẽ được báo A-tu-la. Một là thân làm những điều ác nhỏ. Hai là khẩu làm những điều ác nhỏ. Ba là ý làm những điều ác nhỏ. Bốn là nảy ra thói tăng thượng mạn. Bảy là nảy ra thói đại mạn. Tám là nảy ra thói tà mạn. Chín là nảy ra thói mạn mạn. Mười là tránh các thiên căn, hướng về nẻo A-tu-la.
Kinh Chính Pháp Niệm nói:
A-tu-la ở tại năm nơi. Một là trên đất trong các núi non (thất kim sơn và trong vách đá các núi), loại này sức yếu nhất. Hai là ở núi Bắc núi Tu Di đi vào biển hai vạn một ngàn do tuần, có A-tu-la tên gọi La Hầu thống lĩnh vô lượng quân chúng A-tu-la. Ba là lại cách hai mươi mốt ngàn do tuần nữa thì có Tu-la gọi là Dũng Kiện. Bốn là cách hai mươi mốt ngàn do tuần nữa, có loại Tu-la gọi là Hoa Nam. Năm là cách thêm hai mươi mốt ngàn do tuần nữa có loại Tu-la gọi là Tỳ Ma Chất Đa. Bọn này ra tiếng vang tận ngoài biển, chúng nói: “Ta là Tỳ Ma Đa Chất Đa A-tu-la”. (Tỳ Ma Đa Chất Đa có nghĩa là giọng vang to).
Loại thứ nhất là vua A-tu-la La Hầu có bốn ngọc nữ từ ý niệm mà sinh ra. Bốn cô gái đó cô thứ nhất là Như Ảnh, cô thứ hai là Chủ Hương, cô thứ ba là Diệu Lâm, cô thứ tư là Thắng Đức. Bốn cô gái đó mỗi cô đều có mười hai na do tha thị nữ để làm quyến thuộc, đều quây quần quanh vua A-tu-la cùng nhau vui đùa, tha hồ ái lạc, không thể kể xiết.
Loại thứ hai gọi là Dũng Kiện, uy thế mạnh vừa.
Loại thứ ba gọi là Hoa Nam, uy thế mạnh hơn.
Loại thứ tư gọi là Tỳ Ma Đa Chất Đa, loại này uy thế quyến thuộc càng thêm nhiều lần, càng không thể kể xiết. Ngoài ra số thần thiếp tả hữu tôi tớ khác cũng không thể kể xiết, đã biết sang hèn khác nhau, không thể đánh đồng như nhau được.
Kinh còn nói rằng: “Thức ăn thức mặc của Tu-la tự nhiên mà có. Mũ mãng quần áo toàn làm bằng thất bảo tươi đẹp, tinh khiết, ăn thì như Trời, đồ ăn thức uống tùy theo ý niệm liền có trăm vị đầy đủ, được ngang với Trời. Như trong Đại Luận đã nói: “Ăn uống của Tu-la tuy có hơn loài người nhưng tới khi ăn lại không được bằng loài người. Bởi vì mỗi khi chúng ăn cứ đến miếng cuối cùng là lại biến thành bùn đen. Cũng như Long Vương tuy được ăn trăm vị, nhưng đến miếng cuối cùng nhất định sẽ biến thành cóc tía. Cho nên kinh mới nói rằng chẳng bằng con người.
Kinh A Hàm viết rằng: “A-tu-la có uy lực lớn bèn nảy ra ý nghĩ rằng: “Thiên Vương trên cõi trời Đạo Lợi cũng như chư thiên nhật nguyệt đi trên đầu ta. Ta thề lấy nhật nguyệt xuống làm khuyên tai”. Chư thiên nhật nguyệt thấy thế ai nấy trong lòng đều sợ hãi, không dám ở yên một chỗ vì hình dáng A-tu-la trông thật đáng sợ. Nhật nguyệt uy đức, có đại thần lực, thọ được một trung kiếp, lại là phúc đức che chở cho chúng sinh thế gian. A-tu-la không đụng chạm đến nhật nguyệt được. Bấy giờ A-tu-la dần dần càng căm tức bèn sai hai vua A-tu-la Xá Ma Lê và Tỳ Ma Chất Đa cùng bọn đại thần ai nấy sắm sửa binh khí để đi đánh nhau với Trời. Lúc đó hai Long Vương là Nan Đà và Bạt Nan Đà bản thân quây lấy núi Tu Di bảy vòng, núi rung mây tỏa. Long buông lấy đuôi quất nước khiến biển cả nổi song trùm lên cả núi Tu Di. Trời Đao Lợi bèn nói: “A-tu-la muốn đánh nhau đấy!”. Các rồng, quỷ, thần…. đều cầm binh khí lần lượt ra giao đấu. Phe Trời dường như núng thế đều chạy vào cung Tứ Thiên Vương để chuẩn bị cẩn thận đặng đi đánh tiếp.
Vô số thiên chúng cùng các rồng, quỷ trước sau xúm đến. Đế Thích bèn ra lệnh: “Quân ta nếu thắng sẽ dùng năm sợi dây thừng trói A-tu-la Tỳ Ma Chất Đa đem về Thiên pháp đường. Ta muốn xem mặt hắn!”. Tu-la cũng ra lệnh: “Nếu quân ta thắng thì sẽ dùng năm dây trói Đế Thích mang về Thất diệp đường. Ta muốn xem mặt hắn!”. Đại chiến một lúc, hai bên chẳng sát thương được nhau, chỉ lấy người xô xát nhau làm cho đau đớn.
Vua Trời Đế Thích bèn hiện thân có ngàn con mắt, tay cầm chày Kim Cương, đầu bốc khói lửa. Tu-la thấy thế liền phải thua chạy. Liền bắt Tỳ Ma Đa Chất trói mà mang về.
Kinh Quán Phật Tam muội viết: “Con trai của vua A-tu-la Tỳ Ma Đa Chất đó khôn lớn thấy các thái nữ của Trời quây quần liền thưa mẹ rằng: “Người ta đều có bạn lứa đôi, sao con chẳng có?”. Mẹ liền nói: “Hương Sơn có vị thần tên là Càn Thát Bà. Vị thần này có người con gái nhan sắc xinh đẹp, sắc hơn ngọc trắng, chân lông trên mình phát ra tiếng hay, rất hợp ý ta. Nay ta hỏi cho con, con có thích không?”. Người con đáp: “Hay lắm! Hay lắm! Mẹ đi hỏi đi!”. Bấy giờ bà mẹ bèn tới núi Hương Sơn nói với vị nhạc thần kia rằng: “Tôi có một thằng con uy lực tự tại, khắp bốn thiên hạ không ai sánh kịp, ông có ái nữ, xin gả cho con tôi”. Con gái nhạc thần nghe nói vậy liền bằng lòng ưng theo. Bấy giờ sau khi con trai A-tu-la lấy cô gái đó, không bao lâu cô gái đó liền có thai. Có thai một ngàn năm mới sinh ra một cô con gái. Cô gái này dung nhan đoan chính tuyệt vời, trên trời, dưới trời không ai sánh kịp, các chỗ xinh đẹp trên mặt đất có tới tám vạn bốn ngàn, đằng trước đằng xa cũng lại như vậy. A-tu-la nhìn thấy cho là khác thường như vầng trăng giữa trời sao, thật là kỳ lạ. Trời Đế Thích Kiều Thi Ca nghe thấy thế liền đến dạm người con gái đó về làm vợ. A-tu-la nghe nói rất mừng liền gả con gái cho. Đế Thích bèn đặt cho cô gái đó tên chữ là Duyệt Ý (tiếng Phạn là Xá Chi). Chư thiên nhìn thấy đều khen là chưa từng có, ai nấy nhìn Đông quên Tây, nhìn Nam quên Bắc, cho tới cái tơ cái tóc đều rất ưa nhìn.
Đế Thích tới vườn Hoan Hỷ cùng các thái nữ xuống ao đùa nghịch. Bấy giờ Duyệt Ý liền đâm ra ghen, sai năm Dạ xoa về tâu với vua cha rằng: “Nay gã Đế Thích này không còn yêu thương con nữa”. Cha nghe nói thế bụng đâm ra giận dữ, liền huy động bốn đội quân đi đánh Đế Thích, dựng nước biển cả, ngồi đỉnh núi Tu Di, chín trăm chín mươi chín tay đồng thời hoạt động, lắc thành Thiện Kiến, lay núi Tu Di, nước bốn biển cả đồng thời nổi sóng. Đế Thích sợ hãi không biết chạy đâu. Bấy giờ trong cung có một vị thần với Thiên Đế rằng: “Đừng quá kinh sợ. Phật trước đây thuyết kinh Bát Nhã Ba-la-mật, nhà vua nên trì tụng kinh này, quả binh tự khắc sẽ tan”. Lúc ấy Đế Thích bèn ngồi ở Thiên pháp đường, đốt các hương thơm, phát đại thệ nguyện rằng: “Bát Nhã Ba-la-mật đó là đại minh chú, là vô thượng chú, là vô đẳng chú, chân thực chẳng ngoa. Ta tu trì pháp này sẽ thành Phật đạo, khiến A-tu-la tự nhiên thoái bại!”. Khi nói câu đó, ở trong không tự nhiên có xe dao giáng xuống đúng trên người A-tu-la, lập tức tai mũi chân tay của hắn cùng một lúc bị chặt rơi hết khiến nước biển cả đỏ như ngọc trai. Bấy giờ A-tu-la mới hốt hoảng không đường tẩu thoát, bèn chui luôn vào lỗ tơ ngó sen.
(Trích "Lục đạo tập")
TT. Thích Viên Thành
Nguồn: NXB Hải Phòng)
- 3345
Viết bình luận