Thuận Đức: Mã Ông Chi
Thuận Đức: Mã Ông Chi
Mã Ông Chi ở thôn Hoàng Liên, Thuận Đức là người không tin điều thiện, tính thích ăn thịt chó. Con trai Chi lấy con gái của Ngũ Hầu Sáng ở Lặc Lâu. Con trai út của Sáng tên chữ là Mục Tu, tu ở chùa Khánh Vân trên đỉnh núi Đỉnh Hồ. Đêm ngày 14 tháng chạp năm Canh Thân, Tu nằm mơ thấy mình đang ở trong cửa hiệu của người cháu tại thôn Hoàng Liên. Bỗng thấy Chi hốt hoảng chạy tới nói: “Thầy phải cứu tôi!”. Tu hỏi việc gì? Chi nói: “Có người bắt tôi”. Tu bảo: “Hãy vào trong phòng này, tôi sẽ đóng cửa lại cho”. Liền sau đó có mấy người đuổi tới nơi, nói là đến bắt Chi. Tu nói đây là cửa hiệu bỏ không của cháu tôi, trong đó không có ai cả. Chỉ có tôi giữ nhà hộ nó mà thôi. Mấy người đó liền bỏ đi. Sáng hôm sau Tu kể với các sư tăng ở cùng chùa rằng: “Tôi có người thân thích ngoài thế gian tên là Mã Ông Chi chết đã gần 20 năm. Tôi chưa từng nhớ tới anh ta. Cớ sao mà hôm qua lại có giấc mộng kỳ lạ như vậy”. Xế trưa hôm đó có mấy người phường săn đem chó từ phía núi kéo tới rượt theo một con nai. Con nai hốt hoảng nhảy vào trong chùa, mệt quá lăn kềnh ra đất không thể dậy nối. Tăng chúng bèn chú nguyện phù hộ cho nai. Chập tối, Tu bế nai về phòng mình, trải cỏ cho nai, lấy áo đắp cho nai, xoa bóp vỗ về nai tới nửa đêm nai mới đứng dậy được. Sớm hôm sau Tu dùng lá gói rau chay, đậu phụ cho nai ăn. Nai theo Tu vào ra ngoan ngoãn như chó nuôi trong nhà. Lúc đó Tu mới hiểu ra giấc mộng trước kia. Mấy ngày sau Tu dẫn nai ra ngoài chùa rồi thả đi, nhưng nai một mực không đi. Tu bảo nai: “Nếu quả là người thân của tôi nên đi đi! Sau này nếu có tai nạn gì thì tôi lại cứu người!” Bấy giờ nai ta mới miễn cưỡng ra đi.
Bấy giờ người hiểu biết thấy lông nai lưa thưa mới bảo rằng con nai đó đã gần 20 tuổi. Ít lâu sau nai trở về bên ngòi phía bên chùa và chết ở đó. Thự nhìn thấy định lột da nhưng chưa tìm được dao. Tu nhân có việc, ngẫu nhiên đến bên ngòi, thấy Thự cầm dao đang định mổ liền đến cứu cho, rồi lại đem toàn thân nai đi chôn cất. “Nếu có tai nạn gì sẽ lại cứu lần nữa”, câu nói đó của Tu quả không sai. Truyện này do Tham ghi lại.
Ôi! Hết thảy chúng sinh tính khôn lường. Xưa kia chỗ rạch sau phưong trượng ở Đỉnh Hồ có một con cóc to bằng cái bát màu vàng xỉn lốm đốm và bụng rất to, nhìn rất đáng ghét. Thị giả bèn xách ra khỏi ba lần cửa, tới thả bên ngòi. Đêm đến nó liền quay về chỗ cũ. Cứ như vậy đến hai ba lượt. Sau phải xách ra chỗ vách đá cao đến mấy trượng ở ngoài núi, vứt xuống bụi cây ở phía dưới. Ba ngày sau cóc lại quay về được chỗ cũ. Tôi liền dặn thị già không được đem đi thả, cứ mặc cho nó muốn ở đâu thì ở. Sau có người trong làng đưa tới cho một con chó, chó ngày ngày đến sủa dọa cóc. Cóc mới lên chỗ gốc cây mai trên núi đào một cái hố để ẩn, nhưng đầu vẫn hướng về phía phương trượng.
Thêm nữa, bươm bướm trên núi La Phù, con nhỏ cũng tới tám tấc, còn con lớn tới hai ba thước, màu sắc khác nhau, có con đủ cả năm màu, vừa to vừa đẹp nhìn rất thích mắt. Kén bướm to như ngón tay cái, có khi bằng quả trứng gà, người ta lấy kén đem về đi xa tới hàng mấy trăm dặm, có khi đến mấy ngàn dặm, cất đi đến một hai tháng hoặc dăm ba tháng, tới tháng thứ ba đem kén đó ra treo ở bậc thềm hoặc bên cây có hoa quả. Đêm kén sắp nở liền có con bướm bay đến làm bầu bạn. Nếu trong kén nở ra là con cái thì con đực bay đến, nếu là con đực thì con cái bay đến. Một hai giờ, hoặc nửa ngày, hoặc một ngày sau cả hai đều bay đi. Con người dẫu là khôn thiêng nhất trong muôn vật nhưng làm sao mà có thể như thế được.
Như xưa kia Thái Kinh được tiến phong chức thái sư Sở quốc công. Tính Kinh thích ăn thịt chim cút, luôn luôn nuôi sẵn trong lồng để giết thịt. Có lần Kinh mơ thấy hàng mấy ngàn chim cút đến tố cáo trước Kinh, một con lên đọc bài thơ rằng:
Thực quân lẫm trung túc
Sung quân trước hạ nhục
Nhất canh sổ bách bệnh
Sinh Tử do chuyển cốc
Khán quân thọ thiên xuân
Họa phúc tương ỷ phục.
Dịch thứ nhất:
Ăn thóc trong cót của ông
Để làm thịt dưới đũa của ông
Một nồi canh thịt hàng mấy trăm mạng
Sống và chết xoay vần như trục xe quay.
Xem ông có thọ được nghìn xuân không
Họa và phúc thứ nọ nương vào thứ kia
Tiềm phục thứ kia.
Dịch thứ hai:
Ăn thóc trong kho ông
Làm thịt dưới đũa ông
Nồi canh mấy trăm mạng
Sống chết vẫn xoay vần
Họa phúc đều đắp đổi
Xem ông sống ngàn xuân.
Kinh nghe xong rất sợ.
Nguyên chú:
Truyện này có xuất xứ từ sách Hán Khê thi thoại.
Tập này khác trước, chuyện Ông Chi có sau, cho nên biên tiếp vào đây. La Phù thuộc phủ Huệ Châu, Quảng Đông.
- 81
Viết bình luận