Ký Châu: Triệu Nhi
Ký Châu: Triệu Nhi
Thời nhà Tùy, quãng đầu niên hiệu Khải Hoàng ở một ấp ngoài Ký Châu có đứa trẻ mười ba tuổi thường ăn trộm trứng của láng giềng rồi nấu nướng mà ăn. Sau đó một buổi sáng kia lúc người trong ấp còn chưa dậy thì đã có tiếng người gõ cửa gọi tên đứa trẻ đó. Bố nó bèn bảo nó ra mà trả lời thì thấy một người nói: “Quan cho gọi mày”, rồi dẫn đứa trẻ ra ngoài cánh đồng phía Nam thôn, vốn là nơi ruộng dâu cũ đã cày xong nhưng chưa trồng. Đứa bé bỗng nhìn thấy ở bên phải đường có một tòa thành nhỏ, lầu trên cửa ở bốn mặt đê son trắng trông rất trang nghiêm đứa bé lấy làm lạ nói: “Thành này là có từ bao giờ nhỉ?” Sứ giả quát: “Đừng nói”. Rồi tới cửa Bắc thành đó bảo đứa trẻ vào trước. Sau khi đứa trẻ vào xong, cửa thành bỗng nhiên bị đóng lại. Trong thành không thấy bóng một ai, chỉ là một tòa thành rỗng, trên mặt đất chỗ nào cũng đầy tàn lửa và tro nóng, dày nghập lút mắt cá. Đứa trẻ bỗng gào lên rồi chạy về cửa Nam nhưng gần tới thì cửa đóng lại. Lại chạy sang cửa Đông, cửa Tây cũng đều như vậy. Lúc chưa tới nơi thì còn mở. Lúc tới nơi liền đóng lại.
Bấy giờ nam nữ trong thôn đổ ra hái dâu rất đông đều nhìn thấy đứa bé chạy giữa ruộng cày miệng như khóc. Lúc chạy cuống cuồng về bốn phía, họ đều bảo nhau: “Thẳng nhóc này điên rồi chắc? Mới sáng sớm mà đã ra đây đùa giỡn”. Cứ như vậy mãi tới bữa cơm, mọi người đều đã về hết. Bố đứa bé mới hỏi họ: “Có thấy thằng con tôi không?”. Những người hái dâu đáp thấy thằng bé đang ở phía Nam thôn, gọi nó chẳng chịu tới!”. Người bố ra ngoài thôn, từ xa đã nhìn thấy con chạy, gọi tên nó thật to một tiêng nó mới dừng lại. Thế là tro thành bỗng nhiên không thấy nữa, nó nhìn thấy bố rồi ngã vật xuống, khóc lóc và kể lại câu chuyện. Nhìn chân nó thì thấy một nửa từ mắt cá trở lên máu thịt xém khô, từ đầu gối trở xuống nát nứt như bị đem nướng chả bế về chạy chữa từ đùi trở lên thịt lành như cũ từ đầu gối trở xuống thì bị teo lại trở thành xương khô. Làng xóm nghe tin đổ xô đến hỏi nguyên do, đều nói như trên. Mọi người ra xem chỗ nó chạy thì dấu chân vẫn còn in rành rành, không hề có tro than lửa củi. Quả là do tội nghiệp, đụng đâu cũng là địa ngục. Thế là nam nữ trong miền bất kể già trẻ lớn bé đều giữ trai giới đến chết vẫn không sai phạm. Có vị đại đức Tăng là pháp sư Đạo Tuệ vốn là người Ký Châu đã kể đầu đuôi câu chuyện này cho Lâm nghe, cũng giống như lời thuật lại của hàng xóm láng giềng của đứa bé.
Nguyên chú:
1. Truyện trên có xuất xứ từ Minh Báo ký.
2. Qua câu chuyện này thì thấy địa ngục chỗ nào cũng có nhưng chỉ có những kẻ bị tội mới tự mình thấy được mà thôi.
- 89
Viết bình luận