Triệu Văn Xương
Triệu Văn Xương
Viên Đại phủ tự thừa là Triệu Văn Xương trong năm Khai Hoàng thứ hai bỗng dưng bị chết đột ngột, chết đã mấy ngày mà tim vẫn còn ấm, người nhà không dám nhập liệm, sau đó lại nói được. Người nhà lấy làm lạ hỏi thì Xương đáp: “Tôi chết rồi thì có một người dẫn tôi tới chỗ vua Diêm Vương. Diêm Vương hỏi tôi rằng: “Từ khi người sinh ra đến nay đã làm những phúc nghiệp gì?” Tôi đáp: “Con nhà nghèo chẳng thể làm các việc công đức, tôi chỉ biết trì tụng kinh Kim Cương Bát Nhã. Diêm Vương nghe nói vậy liền chắp tay chụm gối khen rằng: “Tốt lắm! Ngươi đã biết thụ trì kinh Bát Nhã như vậy công đức rất lớn, chẳng thể nghĩ bàn. Diêm Vương bèn ra lệnh cho người đi bắt tôi phải rà soát lại thật cẩn thận đừng để bắt oan người ta. Sứ giả soát lại một lát, biết là bắt lầm liền bẩm lại với Diêm Vương rằng: “Người này quả thực bị bắt lầm, nếu tính tuổi thọ người này còn được sống thêm hơn hai mươi năm”. Diêm Vương nghe nói thế liền bảo sứ giả: “Ngươi dẫn Văn Xương đến trong kho lấy kinh Kim Cương Bát Nhã ra đây”.
Sứ giả nhận lệnh liền dẫn tôi đi về hướng Tây, đi chừng năm dặm thì tới chỗ để kinh. Tôi thấy có mấy chục gian nhà trông rất hoa lệ, kinh sách trong đó trồng chất đầy dẫy, thảy đều trục vàng bìa quý trang sức rất đẹp. Tôi nhìn thấy kinh rồi, càng phát thiện tâm, nhất tâm chắp tay, nhắm mắt thuận tay rút lấy một quyển to bằng quyển kinh cũ vấn tụng. Tôi luống cuống sợ không phải là kinh Bát Nhã, xin sứ giả đổi cho quyển khác. Sứ giả không nghe xong thấy đề rằng: Trong các công đức đây là đệ nhất. Tôi liền mở xem thì ra đúng là kinh Kim Cương Bát Nhã. Tôi rất vui mừng liền mang đến chỗ Diêm Vương. Diêm Vương sai một người cầm quyển kinh đứng ở phía Tây sai tôi đứng ở phía Đông nhìn vào quyển kinh, rồi bảo tôi đọc, sai người đối chiếu một chữ không sót và đều trôi chảy. Diêm Vương liền tha cho tôi về nhà và còn căn dặn tôi rằng: “Người phải siêng thụ trì kinh này, không được bỏ bê!”. Sau đó Diêm Vương sai dẫn tôi ra từ cửa Nam. Khi sắp tới cửa thì thấy vua Chu Vũ Đế đang ở trong căn phòng về phía Đông cửa, cổ bị ba tầng gông cùm, Vũ Đế liền gọi và bảo tôi rằng: “Ngươi là dân nước ta, tạm tới nơi đây. Ta cần phải nói chuyện với ngươi!”. Tôi thấy gọi liền chạy tới chỗ Vũ Đế và vái chào. Vũ Đế nói: “Ngươi có biết ta không?”. Tôi đáp: “Xưa hạ thần là người bề tôi túc vệ của bệ hạ, nên hạ thần biết bệ hạ”. Vũ Đế nói: “Ngươi đã là bề tôi cũ của ta, nay ngươi về nhà làm ơn giúp ta nói lại với Tùy Văn Đế rằng các tội của ta đều sắp hết rồi, chỉ có việc diệt Phật pháp là tội nặng, chưa giải thoát được. Đương thời vì Vệ Nguyên Tung bảo ta tiêu diệt Phật pháp gần đây nhiều lần truy nã Nguyên Tung mà chưa bắt được. Cho nên chưa xong được. Xương hỏi: “Vậy thì Nguyên Tung đi đâu mà Diêm Vương bắt chẳng được?”. Vũ Đế nói: “Đương thời ta không hiểu ý Nguyên Tung, diệt lầm Phật pháp. Nguyên Tung là người ở ngoài Tam giáo, không phải là người mà Diêm Vương có thể quản lý nổi. Do đó truy nã mãi mà không bắt được. Ngươi về nói với vua Tùy xin cho ta một ít vật, sửa lễ công đức để ta hy vọng nhờ được phúc nghiệp đó mà được ra khỏi địa ngục”. Xương nhận lời dặn ra về. Ít lâu sau thì ra khỏi cửa Nam, thấy một đống phân to trong đó có một người chìm nghỉm chỉ còn lòi ra một ít tóc. Xương hỏi người dẫn đường: “Đấy là vật gì vậy?” Đáp: “Đó là tướng Bạch Khởi thời Tần người đã từng chôn sống lính Triệu được đem giam nhờ ở đây, tội báo chưa hết”. Người dẫn đường đưa Xương về nhà và Xương được sống lại. Qua ba ngày thì bệnh dần dần khỏi hẳn. Xương bèn đem chuyện này tâu lại với Tùy Văn Đế. Văn Đế bèn hạ lệnh mỗi người trong cả nước mỗi người phải bỏ ra một tiền để tụng kinh Kim Cương Bát Nhã và làm chay ba ngày cho Chu Vũ Đế, đồng thời sai ghi lại chuyện này để đưa vào lịch sử nhà Tùy.
(Xem Minh Báo ký)
- 163
Viết bình luận