Sinh làm thân heo để trả nợ trộm cắp
Nghi Châu: Hoàng Phủ Thiên
Đời Tùy, cách thành Nghi Châu hơn bốn mươi dặm về phía Đông Nam, có một nhà họ Hoàng Phủ, trong nhà có bốn anh em. Người em thứ hai tên là Thiên chơi bời với các bạn xấu, chẳng chịu làm lụng. Năm đại nghiệp thứ tám, mẹ ở trên nhà, lấy ra sáu mươi đồng, định sai người đem đi chợ sắm sửa. Mẹ ra sau nhà, vẫn để món tiền đó trên giường. Thiên từ ngoài vào, nhìn quanh nhìn quẩn chẳng thấy có ai bèn lấy cắp món tiền đó đem tiêu riêng. Mẹ về tìm không thấy, không biết là con đã cuỗm bèn khám xét tất cả mọi người xung quanh nhà nhưng không thấy.
Mẹ giận vì không tra ra được bèn đánh đòn lớn bé cả nhà. Mọi người lớn bé đều oán. Tới sau năm Thiên mất, đầu thai vào trong bụng con lợn sề trong nhà, qua dăm ba tháng, đẻ được một con lợn con. Lúc được hai tuổi, tháng tám tới kỳ tế thần xã nhà cần tiền tiêu bèn bán cho một nhà đăng cai tế thần xã tại một thôn xa lấy sáu trăm đồng. Xã quan bắt lợn đem đi. Tới lúc chập tối, cả nhà lớn bé đều ngủ mơ thấy lợn trước hết lấy mũi húc vợ đang ngủ mơ rằng: “Ta là chồng nàng, vì lấy của bà sáu mươi đồng làm cho cả nhà bị oan, bị đánh đập khổ sở, cho nên ta bị đọa làm thân con lợn, nay đến trả nợ đã bị bán cho nhà đám. Nhà đám trói ta định giết. Nàng là vợ ta nỡ nào chẳng nói với cả nhà để chuộc ta ra!”. Mới mộng lần đầu, giật thót tỉnh giấc, vợ còn chưa tin. Lại đi ngủ lại thấy vẫn mộng như cũ, vẫn lại thấy lợn húc vào vợ. Vợ tỉnh giấc kinh ngạc mặc quần áo lên nhà báo với mẹ chồng. Mẹ chồng đã dậy ngồi đấy và cũng mộng như nàng dâu. Con cái cũng đều mộng như thế. Thế là cả nhà ngay trong đêm đó sắm sửa hành trang sai con trai Thiên và anh của Thiên cùng cầm một vạn hai ngàn đồng tiền ra đi. Mẹ bảo hai đứa con đó: “Xã quan có khi không chịu thả ra mà đòi giá đắt gấp đôi. Lại sợ trời sáng sẽ đem giết thịt. Cho nên phải cưỡi ngựa mà phóng nhanh đi cho kịp”.
Đi cách nhà ba mươi dặm thì người con tới nơi, không nói đó là bố mình, sợ nhục đến gia môn, chỉ nói: “Xin đừng có giết, nay muốn chuộc lợn!”. Nhà đám không chịu, nói: “Nay tôi đã đến lúc phải tế rồi, không thể cho anh chuộc lại lợn được”. Năn nỉ năm lần bảy lượt họ vẫn không nghe. Anh và con trai của Thiên cuống cuồng chỉ sợ giết mất, bèn ngầm nhờ người hiểu biết, thành tín đã từng làm huyện lệnh, thuật hết thực tình uẩn khúc, sau mới chuộc được. Chuộc được lợn rồi, lùa ra ngoài đồng, người anh bảo lợn rằng: “Mày quả thực nếu là em tao thì hãy chạy mau đi trước về nhà!”. Người con cũng nói với lợn: “Nếu đúng thực là cha tôi, thì cũng nên tự mình đi trước về nhà”. Lợn nghe nói thế phóng trước về nhà. Sau đó hồi lâu, làng xóm đều biết chuyện. Con cái xấu hổ, xóm giềng nếu có hiềm khích gì với nhà này đều đem lợn ra mà mỉa mai chửi bới. Con cái bèn bảo với lợn rằng: “Bố nay làm nghiệp chẳng lành, bị làm thân con lợn, con cái sẽ không ngóc đầu lên được. Lúc bố còn sinh thời thường chơi thân với nhà Từ Hiền. Vậy nay bố hãy đến nhà Từ Hiền, con cái sẽ mang thức ăn nước uống đến cung phụng bố”. Lợn nghe nói thế liền ứa nước mắt rồi phóng thẳng đến nhà Từ Hiền.
Thế mới tin rằng nghiệp báo chẳng chừa thân sơ, rành rành trước mặt, không cẩn thận mà sao được. Pháp sư Tĩnh Lâm chùa Hoằng Pháp tại Tràng An là hàng xóm láng giềng của Thiên đích thân thấy con lợn và pháp sư thuật lại câu chuyện này với tôi.
(Trích ấn phẩm: "Lục đạo tập"
TT. Thích Viên Thành
Nguồn: NXB Hải Phòng)
- 672
Viết bình luận