Người Giác Ngộ Không Cầu Sinh Cõi Trời
Thiên đạo (Đường trời)
Tiếng Phạn là Đề-bà, Hán dịch là Thiên (trời). Thiên tức là thiên nhiên (sẵn sàng đầy đủ mọi thứ) trong sạch, sáng sủa, tinh khiết. Cõi này đặc biệt nhất, vui sướng nhất, tốt nhất (thiện nhất), mầu nhiệm nhất, tôn quý nhất, cao thượng nhất ở trong các thú (bảy thú trong tam giới: Thiên, Tiên, Nhân, A Tu La, Súc Sinh, Ngã Quỷ, Địa Ngục)
Cho nên mới gọi là “Thiên” (Trời). Nếu những chúng sinh này không trồng nhân tối thắng (đặc biệt nhất) thì không thể được sinh ra vào nơi tối thắng tinh khiết. Nhân tối thắng tức là mười thiện nghiệp thì ở thân có ba điều (bất sát, bất đạo, bất dâm), miệng có bốn điều (bất vọng ngôn, bất ỷ ngữ, bất lưỡng thiện, bất ác khẩu) và ý có ba điều (bất tham, bất sân, bất si). Do những điều thiện này của ba nghiệp ngăn ngừa được tội lỗi, thuận với nghĩa lý của Thánh đạo, trái với bất thiện đạo. Vì mười thiện nghiệp này vận ra năm thú. Cho nên pháp giới pháp thập thiện gọi là Thiên Thừa. Chư Thiên dẫu đông nhưng không thể ra ngoài ba cõi là Dục giới, Sắc giới, Vô sắc giới. Nếu chia ba cõi là ra thành từng khu vực thì gồm có hai mươi tám xứ.
Dục giới có sáu cõi Trời:
Cõi thứ nhất là Tứ Thiên Vương (gồm bốn nước trời có bốn vua trời), ở bốn phương quanh núi Tu Di cai quản tính từ dưới lên cao bốn mươi hai ngàn do tuần, cõi này ở lưng chừng núi Tu Di (Diệu cao). Đây là cõi Trời đầu tiên kể từ hạ giới lên. Trụ xứ thứ nhất ở phía Đông núi Tu Di. Nước này tên là Bạch Ngân (Đất bằng bạc trắng). Trong nước có một tòa thành tên là Thượng Hiền. Vị vua Trời ở nước này tên là Trì Quốc thống lĩnh hai bộ quỷ thần là:
1. Càn-thát-bà (Hán dịch là Hương âm tức là tần âm nhạc của Thiên đế)
2. Tỳ-xá-xà (Hán dịch là Hám tinh khí quỷ - Quỷ hút tinh khí).
Vị Thiên Vương này ủng hộ người ở Châu Đông Thắng Thần.
Trụ xứ thứ hai ở phía Nam núi Tu Di, nước này tên là Thanh Lưu Ly (đất ở đây bằng ngọc lưu ly thương tỏa hào quang xanh). Trong nước này có một tòa thành tên là Thiện Hiệu. Vị vua Trời ở nước này tên là Tăng Trưởng, thống lĩnh hai bộ quỷ thần là:
1. Cưu-bàn-trà (Hán dịch là Yểm mị quỷ)
2. Tiết-liệt-đa (Hán dịch là Ngã quỷ)
Vị vua Trời này ủng hộ người ở Châu Nam Thiệm Bộ (Nam Diêm Phù Đề).
Tăng Trưởng Thiên Vương
Trụ xứ thứ ba ở phia Tây núi Tu Di. Nước này tên là Hoàng Kim (Đất ở đây toàn bằng vàng ròng). Trong nước có một tòa thành tên là Chu La. Vị vua Trời ở nước này tên là Quảng Mục thống lĩnh hai bộ quỷ thần là:
1. Long (rồng)
2. Phú-đan-na (Hán dịch là Xú ngã quỷ)
Vị vua Trời này ủng hộ người ở Châu Tây ngưu hóa.
Quảng Mục Thiên Vương
Trụ xứ thứ tư ở phía Bắc của núi Tu Di. Nước này có tên là Thủy Tinh (đất ở đây trong suốt như thủy tinh pha lê). Trong nước này có ba tòa thành. Tòa thành thứ nhất tên là Khả Úy, thứ hai tên là Thiên Kính, thứ ba tên là Chúng Quy. Vị vua Trời ở nước này tên là Đa Văn thống lĩnh 2 bộ quỷ thần là:
1. Dạ-xoa (Hán dịch là Tật hành)
2. La-sát (Hán dịch là Bạo ác)
Vị vua Trời này ủng hộ người ở Châu Bắc Câu Lư.
Bốn vị vua Trời này cộng lại thì có ba mươi hai vị tướng quân (để giúp đỡ). Mỗi vị vua Trời này, vị nào cũng có chín mươi mốt người con. Người nào cũng có uy lực lớn đủ ủng hộ đủ mười phương. Một ngày một đêm ở trên cõi Tứ Thiên Vương này thì bằng năm mươi năm ở dưới nhân gian. Người trên đó đều thọ năm trăm tuổi (tính theo năm ở nhân gian thì bằng chín trăm vạn năm).
Kể từ cõi trời Tứ Thiên Vương đi lên bốn mươi hai ngàn do tuần là cõi Trời thứ hai của Dục giới, tên là Đao Lợi (Đao Lợi, Hán dịch là Tam thập tam thiên – cõi Trời có ba mươi ba nước). Cõi này ở đỉnh núi Tu Di. Đỉnh núi này rộng khoảng tám mươi tư ngàn do tuần. Trong đó chỗ bằng phẳng ở được thì chỉ khoảng độ bốn mươi ngàn do tuần. Bốn mặt (của đỉnh núi) mỗi mặt đều có tám nước Trời. Nước ở giữa có một tòa thành lớn tên là Thiện Hiện. Trong tòa thành lớn đó lại có một thành bằng vàng đó là trụ xứ của Thiên Đế Thích (Thích Ca Đề Bà Nhân Đà Là tức là Sắc Kha. Hán dịch là Năng Tác Thiên Chúa). Cộng lại có ba mươi ba nước Trời. Một ngày một đêm ở trên cõi Trời này thì bằng một trăm năm ở dưới nhân gian. Người ở đây đều thọ một ngàn tuổi (tính theo năm ở nhân gian thì bằng ba ngàn sáu trăm vạn năm), ở trên đó cũng lấy 30 ngày, 12 tháng một năm – Kinh Trường A Hàm (phần Tê Túc) lấy hoa sen đỏ cụp lại, hoa sen xanh nở ra làm đêm và hoa sen xanh cụp lại, hoa sen đỏ nở ra làm ngày.
Đức Phật bước xuống cõi Sa bà từ cung trời Đao Lợi
Từ cõi Trời Đao Lợi này đi lên trên mười sáu vạn do tuần, có một cõi như mây (như mây: cõi ở lơ lững giữa hư không, không bám víu vào đâu) do bảy thứ báu (vàng, bạc, lưu ly, pha lê, xà cứ, xích châu, mã não) hợp lại mà thành cũng giống như mặt đất. Cõi này rộng tám vạn do tuần đó là cõi Trời thứ ba tên là Giạ-ma (Giạ-ma tiếng Hán dịch là Thời phận). Một ngày môt đêm ở trên cõi Trời này bằng hai trăm năm ở nhân gian. Người ở đây đều thọ hai ngàn tuổi (tính theo năm ở nhân gian thì bằng một vạn bốn nghìn bốn trăm năm).
Từ cõi Trời Giạ-ma này đi lên trên ba mươi hai vạn do tuần thì lại có một cõi như mây, dài rộng hai vạn do tuần. Đó là cõi Trời thứ tư tên là Đâu Suất (Đâu Suất: Hán dịch là Hỷ Túc). Một ngày một đêm ở trên cõi này bằng bốn trăm năm ở nhân gian. Người ở đây đều thọ bốn nghìn tuổi (tính theo năm ở nhân gian thì bằng năm nghìn bảy trăm sáu mươi vạn năm).
Từ cõi Trời Đâu Suất này đi đến sau mươi tư vạn do tuần, có một cõi như mây, dài rộng ba mươi hai vạn do tuần, đó là cõi Trời thứ năm tên là Hóa Lạc. Hóa Lạc là hóa ra năm trần (sắc, thanh, hương, vị, xúc pháp) để tự tưởng sự vui sướng. Một ngày một đêm ở trên cõi này thì bằng tám trăm năm ở dưới nhân gian. Người ở đây đều thọ tám nghìn tuổi (tính theo năm ở nhân gian thì bằng hai ức ba vạn không nghìn bốn trăm vạn năm).
Lại từ cõi Trời Hóa Lạc đi lên trên mười hai ức tám vạn do tuần, có một cõi như mây, dài rộng sau mươi tư vạn do tuần đó là cõi Trời thứ sáu tên là Tha hóa tự tại (Tha hóa tự tại là hóa ra cung điện, vườn rừng, và tất cả nhạc cụ, người trong đó tha hồ thụ dụng). Cõi Trời này là đỉnh của Dục giới. Một ngày một đêm ở đây bằng một nghìn sáu trăm năm ở nhân gian, người ở đây thọ một vạn sáu nghìn tuổi (tính theo năm ở nhân gian thì bằng chín ức, hai vạn, một ức sáu trăm vạn năm).
Từ cõi Trời Tha hóa tự tại này đi lên gấp hai lần hai mươi nhăm ức sáu vạn do tuần. Có một cõi như mây, dài rộng mười hai ức tám vạn do tuần là trụ xứ của chư Thiên cõi Trời Sắc giới. Cộng lại có đến mười tám cõi trời đều gọi chung một cái tên là “Tứ Thiền”. Sở dĩ gọi như vậy vì chúng sinh ở trên cõi này xa lìa được mọi sự tán loạn, vọng động. Cũng gọi là Phạm thế bởi vì người cõi này xa lìa được mọi dục nhiễm. Ở đây đều lấy kiếp số để tính tuổi thọ, thân thể trắng như bạch ngân (bạc trắng), hình thể chỉ có một thứ chứ không có hình tướng nam nữ.
Đức Phật cảm hóa Phạm Thiên Baka
Ở trên Sơ thiền có ba cõi Trời: Một là cõi Trời Phạm chúng tạo nửa kiếp (1 kiếp – Tiểu tiếp là mưới sáu triệu tám trăm ngàn năm) đó là dân. Hai là cõi Trời Phạm Phụ thọ một kiếp đó là các quan (quan trên cõi Trời). Ba là cõi Trời Đại Phạm thọ một kiếp rưỡi, đó là vua. Cõi Phạm chúng là của nhân dân (Thiên chúng) trên cõi Trời Sơ thiền. Đại phạm là của các vua (Thiên Vương trên cõi Sơ thiền). Từ cõi Sơ thiền này lên phía trên cứ tăng gấp mãi lên, xin kể ra đây để cho biết. Cõi Nhị thiền có ba cõi Trời (một là cõi Trời Thiểu Quang thọ hai kiếp. Hai là cõi Trời Vô Lượng Quang thọ bốn kiếp. Ba là cõi Trời Quang Âm thọ tám kiếp).
Cõi Tứ thiền có chín cõi Trời:
1. Cõi Trời Vô Vân thọ một trăm hai lăm kiếp
2. Cõi Trời Quảng Quả thọ năm trăm kiếp
3. Cõi Trời Phúc Sinh thọ hai trăm năm mươi kiếp
4. Cõi Trời Vô Tưởng thọ năm trăm kiếp (giống như trên)
5. Cõi Trời Phiền thọ một ngàn kiếp (có bản ghi là hai ngàn kiếp)
6. Cõi Trời Vô Nhiệt thọ hai ngàn kiếp
7. Cõi Trời Vô Thiện thọ bốn ngàn kiếp
8. Cõi Trời Thiện Hiện thọ tám ngàn kiếp
9. Cõi Trời Sắc Cứu Kính thọ mười sáu ngàn kiếp.
Cõi Trời Sắc Cứu Kính này là đỉnh của Sắc Giới. Phía sau cõi này có năm cõi Trời gọi là Tịnh Cư thiên là cõi của những vị thánh đã chứng được quả thứ ba đó (quả thứ ba là quả Tu Đa Hoàn: Hán dịch Bất Lai. Không trở lại cõi Dục giới nữa. Ở đây chứng A La Hán rồi nhập Niết Bàn luôn).
Từ cõi Tứ thiền (Sắc cứu kính) đi lên trên gấp một lần nữa (gấp đôi) là cõi Vô sắc giới. Cộng lại có bốn cõi Trời cũng gọi là Tứ không thiên. Người ở đây toàn ở trong thế giới biện lạc (thân thể của chúng sinh ở cõi này như là hư không, chỉ có bốn ấm là: Thụ, tưởng, hành và thức chứ không có sắc ấm, cho nên mới gọi là Vô sắc giới (cõi Trời không có sắc ấm). Bốn cõi đó là:
1. Cõi Trời không Vô Biên Xứ thọ hai mươi ngàn đại kiếp
2. Cõi Trời Thức Vô Biên Xứ thọ bốn vạn đại kiếp
3. Cõi Trời Vô Sở Hữu Xứ thọ sáu vạn đại kiếp
4. Cõi Trời Phi Tưởng, Phi Phi Tưởng xứ thọ tám vạn đại kiếp.
Song, số thọ chư thiên ở trong ba cõi trên dẫu định mức như thế nhưng trong đó cũng có người yểu (chết sớm hơn định mức đã ghi). Chỉ có hai cõi Trời trong số đó là Đâu Suất và Vô Tưởng là tuổi thọ được như định mức tất cả. Không thấy có nói đến trong hai cõi này có chết yểu.
Kinh Chính Pháp niệm chép rằng: “Nếu giữ được giới không sát sinh thì được sinh lên cõi Trời Tứ Thiên Vương. Nếu giữ được hai giới: Không sát sinh, không trộm cắp thì được sinh lên cõi Trời Tam Thập Tam thiên. Nếu giữ được ba giới: Không sát sinh, không trộm cắp, không tà dâm thì được sinh lên cõi Trời Giạ Ma. Nếu giữ được các giới: Không sát sinh, không trộm cắp, không tà dâm, không vọng ngữ, không ỷ ngôn (nói thêu dệt), không lưỡng thiệt (nói lưỡi đôi chiều), không ác khẩu (tức là ba điều ở thân, bốn điều ở miệng) thì được sinh lên cõi Trời Đâu Suất. Nếu lại vâng giữ giới của Phật và kiêm giữ được bảy điều về thân và miệng như nói trên thì được sinh lên hai cõi Trời Hóa Lạc và Tha hóa Tự tại.
Kinh nghiệp báo sai biệt chép rằng: Nếu chúng sinh nào tu đủ mười thiện nghiệp tăng thượng mười thiện nghiệp: Bảy điều ở thân, khẩu nói trên và thêm ba điều ở ý là: Không tham, sân, si thì được quả báo ở các cõi Trời Dục giới. Nếu tu mười thiện nghiệp hữu lậu, kết hợp với thiền định thì được quả báo ở các cõi Trời vô sắc giới”. Luận Thuận Chính Lý chép rằng: “Chư thiên ở sáu cõi Trời Dục giới khi mới sinh lên đó lần lượt sau năm, sáu, bảy, tám, chín, mười tuổi thì thân hình của người mới sinh ấy mới được đầy đủ. Những người ở trên cõi Trời Sắc giới thì ngay khi mới sinh ra, thân hình và trí đã chu viên, đầy đủ, những thứ tốt đẹp màu nhiệm như quần áo….”
Lại tất cả những thiên chúng, khi nói ra đều là những lời nói của Thánh nhân, không cần phải do học tập mà tự nhiên hiểu được sách vở ngôn ngữ. Con trai thì sinh ra ở đầu gối phải của cha (Thiên phụ), con gái thì sinh ở đầu gối trái của mẹ (Thiên mẫu). Tất cả đều là hóa sinh. Hoặc có khi bỗng hóa sinh ra từ bông hoa mà bà mẹ (Thiên mẫu) đang cầm trên tay.
Kinh A Hàm chép: “Đứa trẻ (ở trên cõi Trời) vừa ra đời chưa bao lâu thì đã biết đói khát. Tự nhiên có trăm thứ (trăm mùi) thức ăn đựng trong bảo khí (bát quý báu) hiện ra. Nếu người nào nhiều phúc thì có thức ăn màu trắng, người nào phúc trung bình thì màu vàng, còn người nào phúc kém thì màu đỏ. Nếu khát thì uống nước cam lộ, đựng trong chén báu, thức ăn và nước vào bụng thì dần dần tiêu đi như vị tô đun trên lửa, không còn hình ảnh gì nữa, cũng không phải đi đại tiện, tiểu tiện gì cả…”. Khi chết thì như đèn đuốc tắt không có thi hài, bởi vì là hóa sinh.
Kinh Khởi Thế chép: “Chư thiên ở Dục giới bằng đoàn thực (thức ăn có miếng). Chư thiên ở Sắc giới thì từ cõi Trời Sơ thiền đến cõi Trời Biến Tịnh đều lấy “Hỷ” (vui mừng) làm thức ăn. Chư thiên ở trên cõi Trời Vô Sắc giới lấy ý nghiệp làm thức ăn. Có chỗ nói: “Chư thiên ở cõi Trời Vô Sắc giới lấy Thiền duyệt pháp hỷ làm thức ăn”.
Kinh Niết Bàn chép rằng: “Dẫu cho có được cái thân ở trên cõi Trời như Tứ Thiên Vương, hay cái thân Trời Tha Hóa tự tại, cho đến cõi Trời Phạm Thiên, ở cõi Trời Phi Phi Tưởng Xứ đi nữa thì sau khi mệnh chung lại sa vào trong ba đường ác. Khi phúc báo ở trên cõi Trời hết, năm tướng suy hiện ra, thì thân phải chịu khổ lớn, cũng giống như cái khổ ở địa ngục không sai khác gì”.
Vua trời Phạm Thiên ba lần thỉnh cầu Đức Phật chuyển Pháp luân
Luận Thành Thực hỏi rằng: “Sinh lên cõi Trời là tính thiện, xa lìa cái ác, tại sao khi báo hết lại phải đọa vào tam đồ (tam đồ: Hỏa đồ, Đao đồ, Thang đồ tức là địa ngục, ngã quỷ, súc sinh)?”. Đáp rằng: “Phàm phu từ vô thủy tới nay, nghiệp ác nhiều vô cùng: Tham, sân trong một ngày còn phải chịu hàng nghìn hình phát, huống chi nghiệp ác chất chứa đã nhiều, tạm thời ẩn nấp ở bên trong chưa phát sinh ra. Đến khi phúc báo hết, nghiệp ác xưa đã đến lúc chín mùi thì lại phải đọa vào Tam đồ. Vậy có gì mà phải nghi hoặc nữa. Nếu là người đã thức tâm đạt bản phá được hai mươi lăm hữu trong ba cõi (người giác ngộ không cầu sinh Thiên). Cho nên nói: Nếu người nào cũng nhận thức được bản tâm thì địa cầu sẽ không còn một tấc đất”. Kinh nói: “Một người phát chân quy nguyên (phát được chân tâm, quay trở về với bản tính) thì thế giới ở trong mười phương đều tiêu mất cả. Nếu như chưa thể đạt bản quy nguyên thì cứ nhất tâm niệm Phật, phát nguyện vãng sinh Tịnh Độ, nghe Phật thuyết Pháp, ngộ được vô sinh nhẫn thì cũng vượt qua được ba cõi dứt hết luân hồi vậy”.
TT. Thích Viên Thành
Nguồn: NXB Hải Phòng)
- 22144
Viết bình luận