Thuật các Kinh văn
09/06/2016 - 16:06
Lượt xem: 199
Thuật các Kinh văn
Sách Tam giáo bình tâm luận của Tĩnh Trai học sỹ đời Tống viết rằng: Trương Hoành Cừ (tức Trương Tải – một nhà Tống nho thời Bắc Tống – ND) không tin thuyết luân hồi, nói rằng: Phật bảo các giống hữu thức khi chết lại thụ sinh luân hồi là chưa nghĩ kỹ. Đó chính là kiến giải “Dẹp ta để chết” của Trang Tử, ý nói chết tức là dẹp lại để nghỉ ngơi, không còn việc gì khác nữa. Trương Hoành Cừ không biết rằng sự sinh tử là không có giới hạn, luân hồi không ngừng. Tứ sinh, lục đạo, thụ báo theo nghiệp mà bảo là không có luân hồi thì có được không? Nam sử chép chuyện Lương Vũ Đế nằm mơ thấy có vị Tăng chột mắt tay cầm lò sưởi đi vào trong cung muốn thác sinh vào trong cung vua. Tỉnh dậy thì hậu cung sinh con trai, ngay lúc lọt lòng đã bị đau mắt, chữa mãi không khỏi, cuối cùng bị trột. Đó là Nguyên Đế Sách Danh thần ngôn hạnh lục ghi rằng khi Phạm Tô Vũ sắp sinh, mẹ ông nằm mơ thấy một người đàn ông lớn đứng ở bên cạnh nói: “ Tôi là tướng quân Đặng Vũ đời Hán”. Khi tỉnh dậy bèn sinh con trai, nên đặt tên nó là Tô Vũ. Vì Đặng Vũ đức hạnh thuần tuý nên đặt tên chữ (cho Tô Vũ) là Thuần Phu. Ấy chuyện này làm bằng chứng thì thấy trong sách của nhà Nho vốn dĩ đã có thuyết luân hồi rồi. Vậy mà lại còn cho thuyết luân hồi của Đức Thích Ca là sai. Sao mà họ lại không biết tự xét đến mức như vậy. Trình Minh Đạo không tin thuyết Địa Ngục, nói rằng đức Phật đã bày đặt ra ngụy giác này cho những kẻ thấp kém về căn cơ, doạ cho họ sợ để khiến họ làm điều thiện. Đế tức là tiểu nhân với kiến giải cho rằng những điều ác nhỏ là không có tác hại gì. Ý nói lúc sống làm điều ác sai trái, đến lúc chết rồi thì còn ai trừng trị đến nữa! Thật không biết rằng thiên địa thần minh soi thấu mọi chỗ, thưởng thiện phạt ác, như bóng theo hình, vậy mà bảo rằng không có Địa ngục, hỏi có được không?
Danh thần ngôn hạnh lục chép truyện con trai Vương Kinh Công (tức Vương An Trạch – ND) tên là Phương làm những điều không tốt. Phàm những việc trái lý hại đạo của Kinh Công phần nhiều đều do Phương xướng xuất. Tới sau khi Phương chết, Kinh Công phảng phất thấy Phương phải mang gông sắt, đứng ở bên cửa. Thế là Kinh Công liền phải bỏ ra một nửa núi chỗ ông ở, xây chùa Chung Sơn để gây quả phúc cho Phương ở cõi âm. Cứ lấy việc làm này làm bằng chứng thì sách vở nhà Nho đã có thuyết Địa ngục rồi.
Như vậy, mà lại bác thuyết Địa ngục của nhà Phật là không có căn cứ, sao mà lại thiếu suy nghĩ đến như vậy. Nếu nói rằng: thuyết Nhân quả là không đáng tin, vậy thì các câu: “Làm điều thiện sẽ được trăm sự tốt lành, làm điều bất thiện sẽ phải chịu trăm nỗi tai ương. Tích thiện sẽ có dư phúc lành, tích điều bất thiện sẽ có thừa tai hoạ” là những điều mà nhà Nho vốn dùng nhân quả để giáo dục người, như vậy há lại có thể nói rằng sự giáo dục đó chẳng đáng để thực hành, rằng làm việc tàn bạo cũng chẳng hề gì, như thế mà lại là biết đạo ư?
Nếu nói thuyết chay tịnh chẳng đáng đếm xỉa, thế thì Khổng Tử coi sự không ăn mặn là cách trì giới khi tế tự và ăn chay suốt ba ngày. Sách Lễ Ký đã coi đó là đức trong sáng. Như vậy tức là nhà Nho vốn dĩ đã đem trai giới để dạy cho người ta, há lại có thể coi việc thịt treo nhiều như rừng, một ngày ăn tốn vạn bạc là chuyện tốt đẹp được sao?
Nếu nói giới sát sinh là không đúng, thế thì việc vua Khang khấn lưới (cầu cho chim muông lọt lưới khi săn bắn –ND). Triệu Tuyên Tử phóng sinh đều mang ý nghĩa răn cấm việc sát sinh.
Tề Tuyên Vương không nỡ giết một con bò, được Mạnh Tử khen là nhân thiện. Tống Giao cứu cho đàn kiến được người quân tử ngợi ca. Qua các việc đấy thì thấy nhà Nho có bao giờ không coi việc bảo vệ sinh linh là việc phúc đức đâu?
Nếu nói việc giới tửu là sai. Thế nhưng việc vua Đại Vũ ghét rượu ngon, vua Hán Quang Vũ không uống rượu là ngụ ý cái giới tửu. Rượu chè say khướt đến nỗi Tiên Vương trừng phạt. Say rồi hò hét để bị đâm giữa đám khách khứa tiệc tùng. Xem thế thì thấy nhà Nho có bao giờ không coi việc rượu chè be bét là nguồn gốc gây tai hoạ đâu?
Nếu nói: Giới trộm cắp, không phải là điều nhà Nho ưa chuộng, thế thì câu của Y Doãn nói rằng không đúng đạo, không đúng nghĩa thì mảy may cũng không bao giờ lấy của người khác. Câu của Tô Đông pha nói rằng trong vòng trời đất mọi vật đều có chủ, nếu chẳng phải của mình thì mảy may cũng chớ có lấy. Câu đó hỏi là thuyết gì?
Nếu nói rằng: Lời răn dạy về việc nói láo chẳng phải là việc cấp thiết của nhà Nho, thế thì việc học thuyết Chí thành của Tư Mã Ôn Công bắt đầu từ việc không nói láo. Thêm nữa, tác phẩm Tự Trị thông giám của ông kể lại các chuyện Tần Hiếu Công không bỏ (lời hứa) khen thưởng về việc đời vậy. Tề Hoàn Công không phụ lời thề ước với Tào Mạt, Tấn Văn Công chẳng tham cái lợi về việc đánh đất Nguyên, những điều nói trên quả là có dụng ý gì?
Nếu nói: Điều cấm giới về tà dâm chỉ là ức chế thuyết thế, nhưng trong lời ca vịnh ở kinh lại khen ngợi những hành động quay về với con đường chân chính, châm biếm những hành động dâm dật. Như vậy, chứng tỏ nhà Nho chưa hề buông thả cho con người ta theo thói tà dâm.
Nếu nói rằng: Thuyết bố thí là lối nói ngông cuồng, thế thì sao việc cho kể bần cùng, cứu người thiếu thốn lại được chép trong Đời Lễ. Như vậy chứng tỏ nhà Nho không hề ngăn cấm người ta bố thí vậy.
Nếu nói: Chết là vĩnh viễn bị tiêu diệt chẳng còn biết gì nữa. Vậy sao Thiên Hộ Từ lại nói: “du hồn biến hoá”. Sách Hiếu kinh cũng nói: “để quỷ hưởng thụ”. Còn Tả truyện thì ghi: “quỷ còn đòi ăn”; Và Trương Thư Dương thì nói: “chết đi sẽ làm quỷ dữ để giết giặc”. Qua đó thì thấy sau khi chết rồi, vốn dĩ vẫn còn được các tính chất kiến văn giác tri (tức còn tri giác như lúc sống – ND).
Nếu nói: Sau khi chết rồi tuy vẫn còn biết, song không còn có tội nữa. Thế sao Kinh Thư lại nói: Đạo Trời ban phúc cho người thiện, giáng họa cho kẻ tà dâm gian ác; còn Kinh Dịch thì nói: Quỷ thần làm hại kẻ doanh mãn (tức tự mãn) giáng phúc cho người khiêm hư. Sách Tả truyện thì nói: “ai phụ lời thề này thì quỷ thần sẽ tru diệt”. Và Trang Tử cũng nói: “Làm điều bất thiện thì ở trong cõi u minh, quỷ cũng có thể bắt được mà tru diệt”. Như vậy thì thấy rằng trong cõi âm phủ u minh vốn dĩ cũng có chuyện thưởng người thiện phạt kẻ ác. Ngay ở thế gian nếu có những người có tài phát hiện ra kẻ gian bắt chúng phải nhận tội thì cũng chẳng đến nỗi buông tha kẻ có tội, nống cho kẻ gian ác, huống chi là quyền cân nhắc thưởng phạt lại đích thực do thần minh nắm giữ? Các vị thần minh đó thông minh chính trực, chẳng thể bưng bít che đậy, chẳng thể bị lừa dối, chẳng tư tình theo thói thế gian, chẳng sợ quyền thế dương gian thế thì kẻ có tội làm sao mà tránh khỏi hình phạt được!
Thuyết về địa ngục trên đây đã nói rồi.
Còn việc chết rồi biến thành súc sinh thì cũng thấy chép nhan nhản trong sách vở của nhà Nho.
Cổn hoá thành rồng vàng. Bàng sinh hoá ra lợn, các chuyện này được ghi trong Tả truyện. Bao Quân hoá rồng, chuyện này được ghi trong Sử ký. Truyện Triệu Vương Như ý hoá chó được ghi trong Tiền Hán Thư. Đó là trước khi Trung Quốc chưa có Phật giáo mà đã có các chuyện được ghi chép trong sách của nhà Nho như vậy, chứ chẳng phải nhà Phật cố bịa ra thuyết này.
Giả Nghị nói: “Đời người thấm thoắt, cố níu chi! Hoá thành vật khác, nào có lo ghì!”. Nếu quả đúng như câu nói này thì đủ biết rằng con người ta có cái thân này như không thể giữ mãi được, làm trái với điều thiện, hùa theo đường ác, thì không khỏi sẽ trở thành loài khác. Thông minh cũng chẳng địch nổi nghiệp, giàu sang há tránh khỏi luân hồi. Bữa nay cưỡi ngựa béo mặc áo gấm, bữa khác sẽ bị ngậm hàm thiếc mang yên cương. Ngày nay cầm bút viết nhăng, kiếp khác phải đội sừng trên đầu, mình đầy lông lá. Đó là cái lý tất nhiên vậy. Cho nên đức Phật đem tâm quảng đại mà dạy bảo cho đạo năm thừa. Nhân thừa thì dạy người ta giữ năm giới và luôn luôn giữ gìn thân người để không đoạ vào loại khác. Thiên Thừa thì dạy người ta tu mười điều thiện để học làm thân Trời, không chỉ dừng ở chỗ làm người. Còn ba thừa sau thì dạy con người ta bằng con đường tu từ các bậc Thanh Văn, Duyên Giác cho tới thành Phật mà vĩnh viễn dứt được sinh tử, thường trụ chẳng diệt, chứng được Vô thượng giác và quay trở lại độ cho chúng sinh. Đạo lý xa hơn trong thiên hạ, còn có gì hơn được nữa? Trên đời có đạo lớn lý xa mà u mê chẳng biết, lại còn cậy mình thông minh ỷ vào thanh thế, phỉ báng đả kích Thánh giáo, gây nhiều tội lỗi, tự mình đi vào con đường ác, thật cũng đáng buồn thay! Đại để con người ta có cái thân này rất khó, mà cái chết rất dễ. Đức Thế Tôn nắm nắm đất giơ cho đệ tử xem với ngụ ý nói rằng: Luân hồi trong tứ sinh, lục đạo thì việc có được thân người cũng ví như nắm đất trong tay, còn việc để mất thân người cũng ví như đất của trái đất. Đại để nói lúc làm việc thiện thì ít, thời gian làm việc ác thì nhiều. Cho nên lúc được làm thân người thì ít, lúc làm mất thân người thì nhiều. Như vậy thì sao lại có thể không chăm chăm chú chú, đem ngày lo lắng tìm kế giải thoát cho được? Đức Phật đem pháp môn giải thoát ra chỉ bảo cho thiên hạ phàm là những ai có tính chất khuyết khí tâm chi đều có thể hướng theo mà ngộ nhập. Song chỉ có những người căn khí chẳng tầm thường, trí thức siêu việt, có được chính tri kiến mới có thể biết được điều này mà thôi.
Lý Sỹ Khiêm nói: Đỗ Vũ là chim để quyết, Ngưu Ai là hổ, Quân Tử là chim hồng hộc, tiểu nhân là vượn, Hoàn Mẫu là con giải, Đặng Ngải thành con ba ba, Từ Bá hoá cá. Những lời lẽ đó có xuất xứ từ trong các kinh điển của nhà Nho, chứ đâu phải do Phật giáo bày đặt ra.
- 199
Viết bình luận