Ác niệm trong 1 ngày gieo quả báo làm thân 850 triệu loài súc sinh | Đại Bảo Tháp Mandala Tây Thiên | Đại Bảo Tháp | Đại Bảo Tháp Tây Thiên

Ác niệm trong 1 ngày gieo quả báo làm thân 850 triệu loài súc sinh

Nẻo Súc sinh (Súc sinh đạo)

THUẬT DANH ĐẠI PHÁP TỰ KINH

Súc sinh tiếng Phạn gọi là Đế-ly-da-cù-du-ni. Từ này có nghĩa là bàng hành (đi ngang), còn gọi là bàng sinh (sinh ngang). Do chúng hình ngang nên đi cũng ngang. Vì quả báo của chúng là “bàng” cho nên gọi chúng là bàng sinh. Chúng đều cõng trời mà đi. Do trước kia tạo mười hạnh ác, chúng tăng thượng ngu si về thân, ngữ, ý, đến đâu sinh đó, bản tính ngu độn, không thể tự lập nên gọi là súc sinh. Song vì chúng thuộc đủ các loại: sinh từ bào thai, sinh từ trong trứng, sinh từ ẩm thấp, biến hóa mà sinh, hoặc đi trên bộ, hoặc đi trên không, hoặc đi dưới nước, đầy rẫy thế gian, núi đồng đầm ao, dục sắc giới Thiên, Tu-la, địa ngục, quỷ thú đâu cũng có chúng cho nên gọi là bàng sinh vì loại không được chăn nuôi nhiều hơn. Kinh Lâu Thán nói: súc sinh có ba loại: một là cá, hai là chim, ba là thú. Trong ba loại đó, thảy đều vô lượng.

Kinh Chính Pháp niệm nói: Súc sinh chủng loại khác nhau có đến bốn mươi ức. Lại chia thành nhiều loại nhỏ, có các loại trườn, bay, bò, lết, côn trùng bé nhỏ, chẳng có thể dùng số mà biết được. Tất cả đều gọi là bàng sinh. Hình dáng của chúng to nhỏ khác nhau, ăn uống cũng khác mà lớn nhất trong loài chim chẳng qua là kim xí, đại bàng, đầu đuôi cách nhau tám ngàn do tuần, cao thấp cũng thế, hai cánh mỗi cánh dài bốn ngàn do tuần, lấy rồng làm thức ăn. Trang Chu nói: Lưng chim đại bàng không biết đến mấy ngàn dặm, khi chúng định bay thì phải đập nước ba ngàn dặm, cánh như mây rủ từ trên trời xuống như một cơn lốc bay vút lên trên cách mặt đất chín vạn dặm mới có thể đi được. Muốn từ biển Bắc bay tới biển Nam phải bay một mạch suốt trong sáu tháng không nghỉ giữa đường. Căn cứ vào đó mà xét thì đây cũng chỉ là loại chim xí nhỏ. Lớn nhất trong loài thú chẳng qua là rồng. Hai vua rồng Nam Đà và Bạt Nam Đà thân cuốn được bảy vòng núi Tu Di, đầu tới đỉnh núi, đuôi ở giữa biển. Lớn nhất trong loài cá chẳng qua là con ma kiết tức là cá kình, thân dài ba trăm do tuần hoặc bốn trăm do tuần, có khi tới bảy trăm do tuần, mắt như một mặt trăng, mặt trời, mũi như núi lớn, miệng như hang đỏ, răng như núi trắng. Trang Chu gọi đó là cá nuốt thuyền vậy. Lại nói: loài thú lớn nhất dưới nước là loài rùa Cự Linh, đầu đội bồng lai, nhởn nhơ đùa rỡn trong biển.

Còn loại súc sinh nhỏ nhất thì hình thể còn nhỏ hơn mây bụi, chẳng thể nhìn thấy bằng mắt thường được. Cho nên Phật không cho dùng thiên nhãn để nhìn nước mà dùng mắt thịt mà nhìn nước, nếu không có trùng thì được uống, được sử dụng. Trang Chu nói: loài chim nhỏ nhất bất quá là chim tiêu liêu, nó nuôi con trên râu con ruồi, có trứng rồi thì nó ấp ngay trên râu con ruồi. Vậy mà trứng đó vẫn chẳng rơi. Dẫu rằng như vậy, nhưng đâu có nhỏ bẳng những loài mà thiên nhãn thấy được. Loại này đầy rẫy khắp mọi nơi. Như kinh đã nói chủng loại chúng sinh mỗi thứ một khác, nghiệp nhân được báo tốt xấu cũng mỗi thứ mỗi khác. Như rồng, ngựa kỳ, con lân, chim phượng, con công, con vẹt, gà rừng, chim trĩ đều được người quý, ước ao ưa chuộng. Còn các loài sài lang, hổ báo, khỉ đột, rắn rết, diều cắt…. thì lại bị người ta ghét, chẳng muốn nhìn, chẳng thích nghe tiếng kêu.

Về tuổi thọ thì dài nhất cũng không qua một kiếp như tuổi thọ các đại long vương. Còn ngắn nhất cũng không quá con vờ sáng sinh chiều chết chẳng đầy một ngày, giữa hai cực đó tuổi thọ dài ngắn sao mà có thể xác định hết được. Nếu nghiệp báo chưa hết thì bỏ thân này rồi lại nhận thân khác. Cho nên Ngài Xá Lợi Phất ngẫm quá khứ của một con chim câu bay qua trước sau mỗi giai đoạn đều tám vạn kiếp mà vẫn chưa thoát được cái thân chim câu. Lại nhìn đàn kiến vàng lúc nhúc trên đá trong rừng Kỳ Đà từ thời bảy Phật tới nay vẫn chẳng thoát được cái thân con kiến. Cho nên mới biết rằng: một khi bỏ mất thân con người thì đến muôn kiếp cũng khó bề khôi phục lại. Đó chính là nói về cái lý này chăng?

Nguyên chú: Thế tục coi Trang Chu là hoang đường, chẳng tin cái thuyết về con chim tiêu liêu, như vậy thì hãy lấy kinh hiển vi của Tây dương mà quan sát xem thì sẽ thấy râu mày, lông thân của con ruồi to dài, thế thì há chẳng có chuyện liêu tiêu đẻ trứng ấp trứng nuôi con trên cánh ruồi sao?

Kinh Đại Pháp Cự chép rằng: Phật dạy rằng: tất cả chúng sinh thảy đều tùy theo hình loại mà đặt ra tên gọi. Như chim chóc di sẻ chẳng hạn. Mà trong các loại ngã quỷ súc sinh kia lại không có tên gọi khác biệt dứt khoát. Chớ có nói rằng trời cứ dứt khoát là trời, người cứ dứt khoát là người, quỷ cứ dứt khoát là quỷ. Như ngay một sự việc cũng có biết bao tên gọi, ngay một con người cũng có biết bao tên gọi, ngay một cõi trời cũng có biết bao tên gọi. Thậm chí ngã quỷ, súc sinh có biết bao tên gọi thì cũng lại giống như thế có nhiều ngã quỷ hoàn toàn không có tên gọi. Trong một khoảnh khắc bằng cái búng tay, thân thể chuyển biến thành bao nhiêu hình vậy, làm sao có thể gọi tên hết ra được?

Kinh Pháp Cú Dụ nói: Xưa kia đức Phật ở nước Xá Vệ thuyết pháp cho người, cho trời nghe thì trong thành có một trưởng giả của cải giàu có nhiều vô kể, nhưng tính lại keo kiệt tham lam, không thích bố thí, ăn thường đóng cửa chặt, chẳng thích khách khứa. Nếu là lúc ăn thì đều sai người gác cửa đóng cửa thật chặt, không để có người ngoài tự tiện vào bừa trong cửa xin ăn.

Bấy giờ trưởng giả bỗng thèm ăn món ngon, bèn bảo vợ sai làm cơm, sai giết gà béo điều hòa gia vị cùng gừng, ớt đem nấu cho chín, tức thời xong ngay. Rồi sai bên ngoài đóng cửa cho chặt, hai vợ chồng cùng ngồi, đặt đứa con nhỏ vào giữa rồi cùng ăn uống. Cha mẹ gắp thịt gà bón cho đứa con bé, cứ thế liên tiếp, lúc đầu chẳng ngơi. Phật biết vị trưởng giả này vốn có phúc xưa đáng được hóa độ. Phật bèn hóa làm một vị Sa môn, rình lúc họ ngồi ăn bèn hiện ra ngay trước mặt rồi đọc chú cầu nguyện cho họ, đồng thời còn nói: “Bố thí nhiều ít đều được phúc lớn!”.

Trưởng giả ngẩng đầu lên thấy vị Sa môn đến khuyến hóa liền mắng rằng: “Người là đạo nhân mà không biết hổ thẹn. Nhà người ta đang ngồi ăn sao lại được phép đường đột như vậy?”. Sa môn đáp: “Chính ông mới là kẻ ngu si, không biết hổ thẹn”. Trưởng giả hỏi: “Ta cùng gia đình tự tu cùng nhau vui vầy, cớ sao lại bảo là đáng hổ thẹn?”. Sa môn đáp: “Ông giết bố lấy mẹ, nuôi kẻ oán thù, không biết xấu hổ lại còn bảo khất sỹ chẳng biết hổ thẹn”. Trưởng giả nghe xong sửng sốt hỏi: “Vì cớ gì mà đạo nhân lại nói như vậy?”. “Con gà trên bàn chính là cha ông trong kiếp trước, vì tham lam keo kiệt nên thường phải thác sinh vào trong loài gà, nên bị ông ăn thịt. Đứa trẻ con này kiếp trước là La sát. Ông là một nhà buôn lớn đi thuyền ra biển, thuyền bị lạc hướng vào nước La sát, bị La sát ăn thịt. Cứ như vậy đã năm trăm đời, thọ hết lại sinh, nay làm con ông, vì tội cũ của ông chưa hết, cho nên đến làm hại. Còn vợ ông ngày nay chính là mẹ ông trong kiếp trước, vì ân ái sâu bền nay lại về với ông làm vợ. Nay ông ngu si không biết túc mạng, giết gia nuôi thù, lấy mẹ làm vợ, sinh tử ở trong năm đường, luân hồi vô tận, xoay vần trong năm đường. Điều đó ai mà biết được, chỉ có đạo nhân nhìn thấy cái này, thấy cái kia. Kẻ ngu không biết được túc mạng của mình. Trưởng giả thấy, biết được túc mạng thì liền sám hối xin lỗi rồi thọ ngũ giới, được Phật thuyết pháp cho và chứng được quả Tu đà hoàn.

Nguyên chú: Vì đem A-tu-la thống nhiếp với trời, quỷ, súc sinh nên nói là năm đường (ngũ đạo). Nếu có ba đường ác (ác đạo) hẳn phải có ba đường thiện (thiện đạo), song người dịch lược đi.

LỤC CHÚ KINH VĂN

Tịnh Độ Tam Muội luận viết rằng: “Tội phúc chồng chất lên nhau, số tầng phân minh sau sẽ thụ báo về phúc hay tội, nhất nhất chẳng sai. Thiện niệm thì thụ báo làm thân trong loài người trên cõi Trời, ác niệm thì thụ báo làm thân trong ba đường ác. Trong một ngày một đêm số ác niệm tham, sân, si nhiều không tính xuể; gieo trồng gây mầm sinh tử cho kiếp vị lai thì sau sẽ thụ báo làm thân 850 triệu loài. Trong một trăm năm gieo mầm tai họa cho đời sau thật khó mà đếm xuể. Hồn thần theo giống thì thụ hình, đầy rẫy ba ngàn đại thiên thế giới.

Trí Độ Luận chép rằng: “Con người hiếu sát thì tất cả các loài có sinh mệnh đều chẳng thích nhìn. Nếu không hiếu sát thì hết thảy chúng sinh đều thích nương theo. Cho nên người mà giữ giới thì lúc sắp mất trong tâm yên vui, không nghi không hối. Dù sinh trên trời, dù sinh cõi người đều thường được trường thọ. Đó là nhân duyên đắc đạo. Thậm chí có thành Phật, trụ thọ vô lượng, người mà sát sinh thì đời nay đời sau phải chịu đủ loại đau khổ về thân tâm. Người chẳng sát sinh thì không có nhiều nỗi khổ đó.

Kinh Trì Địa viết: “Tội sát sinh có thể khiến chúng sinh sa vào ba nẻo ác. Nếu sinh trong loài người thì bị hai loại quả báo: một là chết yểu, hai là lâm bệnh, như vậy mười điều ác thảy đều đủ cả thì phải chịu năm loại quả báo.

Một là sát sinh vì sao phải chịu nỗi khổ ở địa ngục? Bởi lẽ sát sinh, làm khổ chúng sinh cho nên khi thân hoại, mệnh hết, mọi nỗi khổ ở địa ngục đều đến giày vò mình.

Hai là sát sinh vì sao lại làm súc sinh? Bởi vì sát sinh chẳng có lòng thương xót, làm trái với luân lý con người cho nên bị tội ở địa ngục xong, phải thụ báo làm thân súc vật.

Ba là sát sinh vì sao lại thành ngã quỷ? Bởi vì sát sinh ắt do lòng keo bẩn, tham lam, hám vị ngon, nên lại thành ngã quỷ.

Bốn là vì sao sát sinh nếu có được sinh làm người thì cũng đoản mệnh? Bởi vì kẻ sát sinh tàn hại sinh mệnh các vật nên bị đoản thọ.

Năm là sát sinh vì sao lại bị thêm quả báo là lâm bệnh? Vì sát sinh trái đạo, nhiều mối lo đua nhau nhau kéo đến, cho nên bị lâm bệnh. Nên biết rằng: sát sinh có những nỗi khổ như vật, thế thì giết người khác tức là tự giết mình. Lẽ nào bậc trí giả lại tự giết mình? (Chín điều ác khác, xem kinh văn).

Kinh tạng chép rằng: Thời quá khứ Đức Thích Ca Như Lai đã từng làm sư tử, làm voi, làm hươu, nai, làm khỉ, làm chim nhạn, chim sẻ một thân hai đầu, thậm chí làm con chuột, con rận…. Xưa kia có vợ một con ba ba có mang thì bị ốm, bèn bảo chồng rằng: “Tôi phải ăn tim gan khỉ thì bệnh mới khỏi được”. Voi nói: “Không kiếm được thì sẽ chết”. Chồng bèn vào trong núi thấy khỉ trên cây bèn nói: “Tôi làm bạn với anh, nếu núi này không còn quả, tôi có thể chở anh vượt qua sông nước sang quả núi khác, chỗ có nhiều hoa quả, há chẳng khoái ư?”. Khỉ ta bèn nhận lời. Bữa khác, khỉ cưỡi trên lưng ba ba vượt sông. Ra đến giữa dòng, ba ba mới nói: “Vợ tao muốn ăn tim mày nên tao mới làm bạn với mày”. Khỉ nói: “Sao không nói trước? Tim gan tôi còn treo ở trên cây, chưa mang đến! Hãy chở tôi quay về lấy!”. Ba ba bèn chở quay về tới bờ. Khỉ lao tót lên cây. Hồi lâu không thấy xuống, ba ba nói: “Bạn tốt ơi! Sao không xuống đi?”. Khỉ đáp: “Ai mà lại có cái tim rảnh rỗi treo ở cành cây”. Khỉ chính là tiền thân Đức Thích Ca Thế Tôn, ba ba chính là tiền thân Điều Đạt.

Thêm nữa, trước kia có một vị tiên họ là Ca Diếp tu hành ở trong núi bảo với con rận rằng: “Lúc nào ta nhập định thì mi chớ cắn ta khiến ta rối lòng. Khi nào ta xuất định thì cho ngươi tha hồ mà cắn”. Sau có một con rệp đến hỏi rận rằng: “Dì mày sao mà béo trắng ra thế?”. Rận đáp: “Em làm đúng như lời chủ dặn, khi ông ta xuất định cứ việc thả sức ăn uống”. Bữa khác, rệp bèn rình lúc vị tiên đó nhập định, bèn lẻn đến đốt vị tiên đó túi bụi. Tiên bèn nổi giần, đốt lửa rũ áo. Rệp liền nhảy đi, còn rận thì bị chết cháy. Rận đó chính là tiền thân Đức Thế Tôn, rệp kia chính là Điều Đạt.

Đến một kiếp khác, Phật và Điều Đạt là chim chung mình, một thân hai đầu, đứng dưới gốc cây độc. Đầu là Thế Tôn ngủ, còn đầu là Điều Đạt thì thấy hột hoa độc rơi xuống đất liền ăn vào, định làm đầu kia bị trúng độc mà chết. Chẳng ngờ cả hai đều chết. Cho nên mới biết rằng người nay chẳng thể kết oán thù với người khác, đời đời gặp nhau đều là thù oán. Phật chưa thành đạo đã như thế, chúng ta ở trong sáu đường sinh tử luân hồi, không ai là không thụ thân muôn loài. Nay nếu chẳng bỏ ác tu thiện, thân muôn loài kia làm sao mà tránh khỏi được. Người có trí tuệ cần phải tự suy nghĩ về điều này. Nhất nhất đều được trình bày cặn kẽ trong kinh văn, nhưng văn dài không thể trích hết.

Nguyên chú:

Sách Thống Ký viết rằng: tế trời đất, tế tông xá ắt phải sát sinh để làm lễ vật, từ thời vua chúa xa xưa đến nay đã thành phép tắc, được những bậc cố quốc gia giữ làm định lệ và không ai dám nghị luận gì. Nắm quyền hóa dục của trời đất cho nên gọi là thượng đế, là hoàng thiên hậu thổ. Các vị đó là những bậc chí thánh chí thần, làm gì mà lại có thành thần thích tàn sát sinh mệnh trâu bò gia súc, chịu ăn các thứ tanh hôi. Do thói tục thời thượng cổ ăn lông uống máu, đã lấy những thứ đó để nuôi thân thì ắt phải đem những thứ đó mà cúng thần, đó là kiến giải chất phác hủ lậu. Họ không biết rằng cúng bằng thịt súc vật tanh hôi là khinh nhờn đối với thần thánh.

Con người đã biết ăn hạt thóc hạt gạo rồi, nhưng lề thói đó vẫn không biến đổi. Thánh hiền dạy đời sung bái phép tắc đời xưa rồi chép vào trong Lễ Kinh. Thế là các vua chúa đời sau cứ tuân theo mà thi hành, không ai dám bàn cãi về cái lẽ phải chăng của lệ này để rồi việc nuôi dưỡng bản thân cũng cứ theo thời cổ. Không nghĩ đến chuyện thờ thần không được khinh nhờn.

Lại nói, dám giết mạng sống đó là bất nhân, cúng tế bằng vật tanh hôi đó là bất nghĩa.

Tập quán cũ tự nuôi mình bằng những bất nhân bất nghĩa nên nghĩ cách giảm bỏ đi để hòng bảo toàn bản thần linh của trời đất tổ tông, há lại có thể đem các vật hôi thối tanh tưởi là những gia súc bị giết làm thịt tế mà nhờn được? Từ khi Phật pháp thấm dần sang phương Đông, khuyến khích việc tu trai giới, Thượng Đế còn biết thờ Phật, con người thờ trời há lại chẳng biết thờ Phật ru? Biết cách thờ Phật thì không nên dùng cỗ bàn sát sinh để khinh nhờn đối với trời. Đó chính là điều xác đáng. Chỉ có vua Lương Vũ Đế và hai vua Ngụy Hiến Văn Đế, Ngụy Hiến Vũ Đế hạ lệnh giao nhiều tế tự không dùng tam sinh mà thay bằng rau mì rượu quả. Có thể nói cách làm đó trái với thời cổ nhưng lại đúng đạo, bởi lẽ cũng kê nếp kê tẻ, dâng nước trong đồ cúng là phép tế tự thời Tam đại cứ đâu phải là các lễ vật tanh hôi bằng thịt súc sinh.

Tề Tuyên Đế theo Tăng Trù thiền sư thụ Bồ tát giới, bỏ không ăn thịt, bỏ hết các dụng cụ sát sinh cùng chó săn chim ưng ở năm phương và cấm trong nước không được giết mổ súc vật.

Tùy Văn Đế năm thứ ba hạ chiếu cho thiên hạ vào các tháng giêng, tháng năm, tháng chín cùng sáu ngày ăn chay hàng tháng không được sát sinh.

Đường Cao Tổ năm Vũ Đức thứ hai lệnh trong các tháng giêng, năm, tháng chín cùng mười ngày ăn chay hàng tháng không được hành hình, mổ thịt, câu cá. Coi đó mãi mãi là phép nước. Năm đầu niên hiệu Như hạ lệnh ngừng việc mổ thịt, câu cá trong thiên hạ. Đời Vũ Hậu hạ lệnh thiên hạ chấm dứt việc mổ thịt, câu cá.

Đời Túc Tông hạ chiếu cho thiên hạ lập ao phóng sinh, tất cả tám mươi mốt ao. Nhan Châu Khanh soạn lời văn kia.

Đời Tống Thái Tổ hạ chiếu trong dân gian từ tháng hai đến tháng chín cấm không được phép đánh bắt săn bắn, coi đó là pháp lệnh.

Châu Tông hạ chiếu lấp mới, khôi phục tất cả các ao phóng sinh ở các châu, quận. Nơi không có ao, châu quận ven sông Giang, sông Hoài, các chỗ gần thành năm dặm đều cấm đánh cá.

(Trích "Lục đạo tập")

TT. Thích Viên Thành

Nguồn: NXB Hải Phòng)

 

Viết bình luận

Chúc mừng năm mới
Copyright © 2015 daibaothapmandalataythien.org. All Rights Reserved.
Xã Đại Đình, huyện Tam Đảo, tỉnh Vĩnh Phúc. Email: daibaothapmandalataythien@gmail.com

Đăng ký nhận tin mới qua email
Số lượt truy cập: 6437630
Số người trực tuyến: