Chính Kiến Kinh | Đại Bảo Tháp Mandala Tây Thiên | Đại Bảo Tháp | Đại Bảo Tháp Tây Thiên

Chính Kiến Kinh

Chính Kiến Kinh
 
Kinh Chính Kiến viết: Lúc bấy giờ có một vị Tỳ Kheo tên là Chính Kiến, có ý nghi ngờ muốn nói rằng: “Phật giảng là có kiếp sau nhưng tới lúc người ta chết rồi thì đều không có gì để báo cho nhau, vậy căn cứ vào đâu để mà biết được?”. Câu hỏi dẫu vẫn chưa được phát biểu ra, song Phật đã biết trước, Phật bèn bảo với đệ tử rằng: “Ví như nguồn gốc của một cây kia vốn là do một cái hạt đem gieo trồng, được tứ đại nuôi dưỡng tự thành to lớn, mầm lá cội cành xoay vần biến đổi rồi thành cây to. Cây lại sinh quả, quả lại thành cây, năm tháng tăng thêm, vô số như vậy. Nếu muốn như cũ thì thử hỏi liệu có được không?”. Các đệ tử đáp: “Không thể được, cây kia vì chuyển biến ngày càng đi đến chỗ mục nát. Hạt giống lại mọc, cứ như vậy không biết đến bao giờ là cùng cực, càng sinh càng khác chung quy sẽ nát, không thể quay lại thành cái hạt xưa”.

Phật bèn bảo các đệ tử rằng: “Sự sinh tử cũng giống như vậy, vốn là do si mà sinh ra, dần dần hợp thành mười hai nhân duyên, thần thức biến đổi theo hành xui khiến, lại có cha mẹ, lại nhận hình thể, không còn biết đến cái cũ nữa, không trở về báo được nữa. Ví như người thợ rèn, nấu quặng thành sắt, rèn sắt thành đồ dùng. Đồ dùng đã thành có thể khiến nó trở lại thành quặng được không?”. Chính Kiến đáp: “Thực không thể nào biến sắt đã rèn thành đồ dùng trở lại thành quặng được”. Phật nói: “Thức kia biến chuyển trụ ở Trung ấm, như quặng thành sắt, chuyển thành thể khác như sắt thành đồ dùng. Hình thể bị tiêu ma biến đổi không thể trở lại được nữa. Thức cũ bẩm thụ thân người, lại có cha mẹ, có cha mẹ rồi thì có Lục bế. Một là trụ ở Trung ấm chẳng quay lại được. Hai là tuỳ theo phong bào thai của thân được thụ sinh. Ba là lúc mới sinh bị bức bách đau đớn, quên mất tưởng cũ. Bốn là sinh ra bị đoạ xuống đất, thức niệm cũ bị diệt, khiến tưởng mới nảy sinh. Năm là sau khi sinh ra rồi thì chỉ nghĩ đến ăn, nên thức niệm cũ bị đoạn tuyệt. Sáu là sau lúc sinh càng ngày càng khôn lớn thì quen với cái mới mà không còn thức cũ nữa”.

Phật còn nói: “Thức thần tuỳ theo làm việc thiện hay làm việc ác mà khi sắp chết đi tới đây thì cũng tuỳ theo điều đã trông thấy, chẳng phải là thân cũ nữa, nên không thể quay trở lại diện tướng của thức cũ để mà báo đáp nhau được. Chưa có đạo ý, chưa có tịnh nhãn, thân chết Thức đi, biến hoá theo Hành chuyển thụ thể khác, làm sao mà báo với nhau được? Siêng năng tu hành Giới luật, Kinh luận nghiền ngẫm sâu xa về sự sinh tử vốn là từ đâu tới, chung quy về đây, được thanh tịnh trừ hết mọi kiết sử, thì điều nghi hoặc tự nhiên sẽ được giải quyết”. Chính Kiến nghe xong liền hoan hỉ phụng hành.
 
Nguyên chú:

Lục bế, tức: Mắt, tai, mũi, lưỡi, thân, ý. Trung ấm: xem giải thích ở phần sau.

 

Viết bình luận

Chúc mừng năm mới
Copyright © 2015 daibaothapmandalataythien.org. All Rights Reserved.
Xã Đại Đình, huyện Tam Đảo, tỉnh Vĩnh Phúc. Email: daibaothapmandalataythien@gmail.com

Đăng ký nhận tin mới qua email
Số lượt truy cập: 6336603
Số người trực tuyến: