Tạp Sự Luật | Đại Bảo Tháp Mandala Tây Thiên | Đại Bảo Tháp | Đại Bảo Tháp Tây Thiên

Tạp Sự Luật

Tạp Sự Luật

Tạp Sự Luật viết: Phật bảo Tôn giả Nan Đà rằng: Tôi sẽ nói cho ông biết quá trình đầu thai vào bụng mẹ. Này ông Nan Đà: Ông hãy lắng nghe! Dẫu có thai mẹ, song có khi nhập, có khi chẳng nhập. Vì vậy việc thụ sinh nhập vào thai trong bụng mẹ như thế nào. Nếu cha mẹ nhiễm tâm cùng làm điều dâm ái, bụng mẹ sạch sẽ, lúc nguyệt kỳ tới thì Trung uẩn hiện ra sẵn. Phải biết rằng lúc đó gọi là nhập mẫu thai. Hình Trung uẩn đó có hai loại: một loại hình sắc đoan chính, một loại dung mạo xấu xí. Trung hữu ở địa ngục thì dung mạo xấu xí như gốc cháy dở. Trung hữu bàng sinh thì sắc như khói hun. Trung hữu ngã quỷ thì sắc như nước, Trung hữu Người, Trời thì hình tựa sắc vàng, Trung hữu sắc giới thì hình sắc trắng tươi, còn Trời vô sắc giới vốn không có Trung hữu vì không có sắc. Cho nên loài hữu tình Trung uẩn hoặc có hai chân hai tay, hoặc có bốn chân nhiều chân, hoặc loại không chân tùy theo nghiệp trước ứng với nơi thác sinh mà Trung hữu được cảm ứng thì sẽ có các hình như vậy (trên cõi Trời vô sắc giới không có sắc thân, nên không có Trung hữu, tùy theo nghiệp trước phải đọa vào đường nào, cho nên Trung hữu được cảm ứng sẽ theo như hình của đường ấy. Bàng sinh tức là súc sinh). Nếu là Trung hữu sinh ở cõi Trời thì đầu hướng trở lên. Người, quỷ, súc sinh thì cứ ngang mà đi. Trung hữu Địa ngục thì đều hướng trở xuống. Tất cả Trung hữu thì đều có thần thông, cưỡi lên tầng không mà đi, giống như thiên nhã, xem xét được nơi sinh từ xa. Nói nguyệt kỳ tới là chỉ sự thời kỳ nạp thai. Này ông Nan Đà! Có những phụ nữ hoặc trải qua ba ngày, hoặc trải qua năm ngày, nửa tháng, một tháng hoặc còn có duyên phải đợi qua thời gian lâu kinh nguyệt mới tới.

Người phụ nữ nào thân không có uy thế, chịu nhiều nỗi đắng cay khổ sở hình dung xấu xí, ăn uống chẳng tốt, kinh nguyệt dẫu ra rất nhanh rồi tắt, như miếng đất khô lúc đem rẩy nước cũng rễ khô ngay. Còn nếu là người phụ nữ có uy thế, thường được an lạc, dung nghi đoan chính, giống như đất ướt tới khi tưới nước thì sẽ khó khô. Tại sao chẳng nhập? Nếu lúc tinh cha xuất mà tinh mẹ không xuất, hoặc tinh mẹ xuất mà tinh cha chẳng xuất hoặc cả cha lẫn mẹ đều không xuất thì đều chẳng nhập thai. Nếu mẹ chẳng sạch, còn cha sạch, hoặc nếu cha không sạch mẹ sạch, hoặc nếu cả hai đều không sạch thì cũng chẳng thụ thai. Nếu căn mắc phải bệnh phong, mắc hoàng bệnh hoặc mắc bệnh đàm ấm (1), hoặc có huyết khi thai kết, hoặc là thịt u, hoặc đang phục thuốc hoặc bệnh mạch phúc, hoặc bệnh thót lưng hoặc sản môn như cửa giốc, hoặc ở trong như cây lắm rễ, hoặc như lưỡi cày, hoặc như càng xe, hoặc như nhánh cây mây, hoặc như lá cây, hoặc như cây lúa mỳ, hoặc bụng dưới sâu, hoặc ở trên sâu, hoặc chẳng phải là dụng cụ thụ thai. Hoặc như mỏ quạ, mở mãi chẳng khép, hoặc trên dưới bốn bên rộng hẹp không đều, hoặc cao thấp lồi lõm, hoặc trong có giòi ăn thối rữa bẩn thỉu; Nếu mẹ mà có các khuyết tật trên thì cũng đều không thụ thai. Hoặc cha mẹ tôn quý mà Trung hữu ti tiện hoặc Trung hữu tôn quý mà cha mẹ ti tiện các trường hợp như vậy thì cũng chẳng thành thai. Nếu cha mẹ và Trung hữu cùng tôn quý nhưng nghiệp chẳng hòa hợp thì cũng chẳng thành thai. Nếu ở trước tiên cảnh của Trung hữu không có sự yêu nhau của nam nữ thì cũng chẳng thụ sinh.

Này ông Nan Đà! Vậy thế nào là Trung hữu nhập được vào mẫu thai. Nếu bụng mẹ sạch sẽ, Trung hữu hiện ở ngay đằng trước thấy khi làm chuyện sinh dục không có các khuyết tật như đã nói trên, cha mẹ với con có nghiệp tương cảm thì mới nhập mẫu thai. Thêm nữa, Trung hữu đó lúc định nhập thai tâm thường điên đảo, nếu là trai thì sinh lòng yêu mẹ ghét cha. Nếu là gái thì sinh lòng yêu cha ghét mẹ. Đối với các nghiệp được gây ra trong kiếp quá khứ, nảy ra vọng tưởng, thành ra cái tâm tà giải, nảy ra cảm tưởng rét mướt, mưa to, gió lớn cùng mây mù u ám. Hoặc nghe tiếng huyên náo của đại chúng, nảy ra cảm tưởng đó rồi còn tùy theo nghiệp hơn kém mà nảy ra loại cảm tưởng hư vọng. Mười loại đó là những gì? Đó là: Ta lên giường lên tòa, Ta vào am cỏ, ta vào nhà tranh, Ta chui bụi cỏ, Ta vào trong rừng, Ta vào hốc tường, Ta chui vào dậu. Này ông Nan Đà! Bấy giờ Trung hữu sau khi nẩy ra các ý niệm đó rồi liền nhập mẫu thai. Nếu biết rằng thụ thai gọi là Yết-la-lam. Tinh cha máu mẹ chẳng phải vật thừa. Do nhân duyên hòa hợp của tinh cha huyết mẹ, làm duyên cho thức nương tựa trụ lại, ví như dựa vào bình sữa mà khuấy, sức người chuyển động không ngừng mới đánh ra bơ, khác thế thì chẳng sinh. Phải biết rằng tinh huyết mẹ cha không sạch thì thân Yết-la-lam cũng lại như thế.

Này ông Nan Đà có bốn ví dụ, ông nên nghe cho kỹ. Như nương vào cỏ xanh, sâu mới sinh được. Cỏ chẳng phải sâu, sâu chẳng lìa cỏ nương vào cỏ, nhân duyên hòa hợp, sâu mới sinh được, thân thành màu xanh. Này ông Nan Đà nên biết tinh cha huyết mẹ, thân Yết-la-lam cũng lại giống thế: nhân duyên hòa hợp, đại-chủng-căn-sinh. Như nương vào phân trâu mà sinh ra bọ, phân chẳng phải bọ, bọ chẳng lìa phân, bọ mới sinh được, thân thành mầu vàng. Này ông Nan Đà, phải biết rằng tinh cha huyết mẹ, thân Yết-la-lam cũng lại giống thế: nhân duyên hòa hợp, đại chủng căn sinh. Ví như dựa vào táo mà sinh ra sâu, táo chẳng phải sâu, sâu chẳng lìa táo, nhưng nương vào táo thân thành màu đỏ. Này ông Nan Đà! Ông nên biết rằng, tinh cha máu mẹ, thân Yết-la-lam cũng lại giống thế: nhân duyên hòa hợp, đại-chủng-căn-sinh. Lại như dựa vào sữa mà sinh ra giòi, thân thành màu trắng, nói rộng cho tới nhân duyên hòa hợp, đại-chủng-căn-sinh. Thêm nữa, vì Yết-la-lam nương vào cha mẹ chẳng sạch, Địa giới hiện ra mang tính cứng rắn. Thủy giới hiện ra mang tính ướt át. Hỏa giới hiện ra mang tính ấm áp. Phong giới hiện ra mang tính khinh động. Này ông Nan Đà: Nếu thân Yết-la-lam cha mẹ chẳng sạch, chỉ có Địa giới, không có Hỏa giới, thì sẽ khô khan, thảy đều phân tán, ví như tay nắm tro lúa mỳ kho. Nếu chỉ có Thủy giới không có Địa giới thì liền ly tán như dầu rỏ xuống nước. Chính do Thủy giới, Địa giới chẳng chảy. Này ông Nan Đà! Thân Yết-la-lam có Địa giới, Thủy giới mà không có hỏa giới thì liền rữa nát như cục thịt để chỗ kín vào dịp thàng hè. Này ông Nan Đà! Thân Yết-la-lam chỉ có Địa, Thủy, Hỏa giới mà không có Phong giới thì cũng không thể tăng trưởng to lớn. Các thứ này đều lấy từ nghiệp trước làm nhân tự chúng lại làm duyên lẫn cho nhau, cũng chiêu cảm lẫn nhau. Thức mới sinh được. Địa giới biết giữ, Thủy giới biết thu, Thủy giới biết chín, Phong giới biết lớn. Này ông Nan Đà! Lại có người như đệ tử kia quấy kỹ đường cát rồi dùng hơi mà thổi cho nó phồng to ở trong trống giỗng như rễ xốp, đại chủng trong thân Địa Thủy Hỏa Phong nghiệp lực tăng trưởng cũng lại như thế. Này ông Nan Đà! Chẳng phải cha mẹ không sạch có hình thể Yết-la-lam, cũng chẳng phải bụng mẹ, cũng chẳng phải nghiệp kia, chẳng phải do nhân, chẳng phải do duyên mà do nhiều duyên như vậy hòa hợp với nhau thì mới có thai. Như hạt giống mới không bị nắng gió làm tổn hại, rắn chắc không lép, cất đi lấy ra đúng cách, gieo xuống ruộng tốt lại được tưới bón, nhân duyên hòa hợp mới có mầm, cội, cành, lá, hoa, quả lần lượt mọc thêm. Này ông Nan Đà! Hạt giống đó mà nảy mầm ra được chẳng phải là lìa duyên hợp. Như vậy đủ biết: chẳng phải chỉ có cha mẹ, chẳng phải chỉ có nghiệp cùng các duyên khác mà thai sinh được mà phải do nhân duyên hòa hợp của tinh huyết cha mẹ thì mới có thai.

Này ông Nan Đà! Cũng giống như người mắt sáng muốn lấy lửa thì phải đem hỏa quang châu (tức là một loại sương dùng để lấy lửa từ ánh nắng mặt trời- ND) đặt ra ngoài nắng rồi đem phân bò khô đặt lên trên thì mới xòe lửa. Như vậy thì phải biết rằng nhờ nhân duyên hòa hợp của tinh cha huyết mẹ, mới có thai sinh. Cha mẹ chẳng sạch thanh Yết-la-lam gọi là Sắc, Thụ, Hành, Tưởng, Thức. Dựa vào các danh hiệu đó của chúng, cho nên gọi là danh sắc. Cái danh sắc đáng ghét do các uẩn họp lại đó thác sinh vào chư hữu, thậm chí chỉ một phần nhỏ của sát na, ta không bao giờ ca ngợi. Vì thác sinh vào trong chư hữu thì đó là nỗi khổ lớn. Ví như phân giải dù ít cũng thôi! Như vậy thì phải biết rằng đã sinh vào trong vòng chư-hữu thì dù ít lâu cũng gọi là khổ. Năm thụ uẩn: Sắc, Thụ, Tưởng, Hành, Thức đều có sự sinh, trụ, tăng trưởng và suy hoại. Sinh tức là khổ. Trụ tức là bệnh, tăng trưởng và suy hoại. Suy hoại tức là lão, tử. Ông Nan Đà này! Vì thế cho nên ở trong biển chư-hữu mà lại sinh mùi ái, cứ nằm trong bụng mẹ mà chịu nỗi cực khổ đó.

Này ông Nan Đà! Như vậy phải biết rằng phàm là nhập thai nếu tính đại khái cũng phải mất ba mươi lần bảy ngày. Bảy ngày đầu tiên thai trong bụng mẹ, như nêm như nhọt, nằm giữa phân giải như ở trong nồi, thân căn và Thức cùng ở một chỗ, nóng nực nung nấu, cực kỳ khổ sở, gọi là Yết-la-lam, như dạng nước cháo hoặc như sữa nước. Trong bảy ngày đó, nhiệt trong nung nấu, tính rắn của Địa giới, tính ẩm của Thủy giới, tính ấm của Hỏa giới, tính động của Phong giới mới bắt đầu xuất hiện (từ hai lần bảy ngày trở đi cho tới tuần bảy ngày thứ ba mươi bảy, thảy đều có phong danh, cùng vị trí hình tướng, tên gọi của thai. Nhưng vì văn nhiều nên không trích lục).

Này ông Nan Đà! Tới tuần bảy ngày thứ ba mươi tám, ở trong mẫu thai, có phong danh gọi là Lam Hoa. Phong này có thể khiến thai xoay thân xuống phía dưới, duỗi dài hai tay hướng về phía sản môn. Sau nữa lại có phong danh gọi là Thú hạ. Nhờ có nghiệp lực, phong thổi thai xuống khiến đầu hướng xuống dưới, hai chân hướng lên trên, sắp sửa ra khỏi sản môn. Này ông Nan Đà! Nếu cái thai đó trong kiếp trước tạo các nghiệp ác và phải đọa làm thai người, do nhân duyên đó lúc sắp sửa ra, chân tay ngang ngược, không thể xoay chuyển, liền phải mệnh chung ngay trong bụng mẹ. Mẹ cũng vì thế phải chịu đựng những điều không vừa ý, vô cùng đau đớn, do con mệnh chung, mặc dù còn sống cũng như chết rồi. Này ông Nan Đà! Nếu cái thai đó mà được nghiệp thiện cảm ứng, thì dù có bị ngang ngược, cũng chẳng có hại gì đến mẹ, sẽ yên ổn mà sinh ra, không bị đau đớn. Này ông Nan Đà! Dù là đẻ thường không bị tai ách gì như vậy kế nữa thì tới tuần bảy ngày thứ ba mươi tám lúc sắp sinh đẻ, người mẹ cũng rất khổ sở, tính mệnh như cơ hồ sắp mất, mới tống được thai ra. Này ông Nan Đà! Ông hãy nghĩ kỹ đi và nên cầu xuất ly.

Ông Nan Đà này! Phàm là thai nhi, đều cực kỳ khổ não. Lúc mới sinh ra hoặc nam hoặc nữ, rơi vào trong tay người, hoặc bị bọc bịu bằng áo quần đặt ra ngoài nắng, hoặc ở chỗ râm, hoặc đặt trong xe nôi, hoặc ở trên giường chiếu, hoặc ôm ấp trong lòng. Do các nhân duyên đó đều phải chịu đau đớn cực khổ. Ông Nan Đà này! Cũng giống như trâu bị lột da, nếu ở gần tường thì bị sâu bọ trên tường cắn, nếu ở gân cây cỏ thì bị sâu bỏ ở cây cỏ cắn, đều bị khổ não. Sơ sinh cũng thế, bị tắm bằng nước nóng nên rất khổ sở khác nào người bị bệnh hủi da dẻ rữa nát, máu mủ đầm đìa, lại bị đánh đạp rất là đau đớn. Thân sinh ra rồi, uống nhớp máu mẹ mà được lớn lên (nhớp máu nói đấy là sữa mẹ).

Này ông Nan Đà! Đã có nỗi cực khổ vô biên, không sung sướng nỗi gì như vậy thì những bậc trí giả thử hỏi còn ai mà còn sinh ra ưa mến đối với biển khổ đó, để luôn luôn bị lưu chuyển, không bao giờ ngơi vì cái biển khổ đó làm gì!

Nguyên chú:

Nếu muốn biết rộng hơn thì xem bộ Luật (tập sự) này. Tiếng Phạn "Nan Đà" có nghĩa là "Hoan hỷ". Đó là em trai ruột của Phật.


 

Viết bình luận

Chúc mừng năm mới
Copyright © 2015 daibaothapmandalataythien.org. All Rights Reserved.
Xã Đại Đình, huyện Tam Đảo, tỉnh Vĩnh Phúc. Email: daibaothapmandalataythien@gmail.com

Đăng ký nhận tin mới qua email
Số lượt truy cập: 6336367
Số người trực tuyến: