Triệu Quân: Tuy Nhân Thiện | Đại Bảo Tháp Mandala Tây Thiên | Đại Bảo Tháp | Đại Bảo Tháp Tây Thiên

Triệu Quân: Tuy Nhân Thiện

Triệu Quân: Tuy Nhân Thiện


Thời nhà Đường, Tuy Nhân Thiện người ở Hàm Đan Triệu Quân, lúc ít tuổi theo đòi kinh học, chẳng tin quỷ thần thường muốn thử xem có quỷ thần hay không để đi gặp người chết, nhưng học hơn mười năm mà không thể nào được thấy. Sau rời nhà đến huyện khác, giữa đường gặp một người dáng như Thiên quan, áo quần rất lộng lẫy, cưỡi ngựa tốt, theo sau là hơn năm ngàn kỵ binh, nhìn Nhân Thiện chẳng nói chẳng rằng. Sau lại gặp nhiều lần, cứ như vậy suốt trong mười năm, tất cả gặp đến mấy chục lần. Sau người đó bỗng dừng lại gọi Nhân Thiện mà bảo rằng: "Gần đây gặp ông nhiều lần, lòng sinh ái mộ, muốn cùng ông giao du". Thiện liền vái tạ và hỏi: "Ngài là người thế nào?". Đáp: "Tôi là quỷ đấy! Tôi họ Thành, tên Cảnh, vốn ở Hoằng Nông, thời Tây Tấn làm chức biệt giả. Nay làm chức Trường sứ ở nước Hồ". Thiện hỏi nước đó ở đâu? Vua là họ gì?". Đáp: "Ở phía Bắc Hoàng Hà gọi chung là nước Lâm Hồ, kinh đô ở Lâm Phiên, ở phía Tây Bắc sa mạc. Vua nước này là vua Vũ Linh Vương của nước triệu cũ, nay cai trị nước này, cùng chịu chung sự khống chế của Thái Sơn, hàng tháng phải sai sứ giả đến chầu ở Thái Sơn. Cho nên tôi mới nhiều lần qua lại nơi đây và mới được gặp ông. Chính tôi có thể giúp ích cho ông, giúp cho biết trước hoạn nạn mà tránh trước để có thể miễn được họa hại, chỉ có mệnh sinh tử và các quả báo về họa phúc lớn là không thể xê dịch được mà thôi!". Nhân Thiện nghe theo. Cảnh bèn sai một kỵ sỹ tùy tùng thường nắm giữ công việc đến đem kỵ sỹ này tặng cho Thiện để đi theo Thiện, nếu có việc gì thì báo trước cho Thiện và dặn: "Nếu có việc gì mà người không biết phải đến báo với ta". Thế rồi từ biệt Thiện. Còn người kỵ sỹ kia thì luôn luôn đi theo Thiện như kẻ hầu, nếu có hỏi gì người đó thảy báo trước.

Bấy giờ là đầu niên hiệu Đại Nghiệp. Lăng Sấm Chí Tượng làm quan lệnh ở Hàm Đan, con là Văn Bản tuổi vẫn còn trẻ chưa tới hai mươi. Chí Tượng mời Nhân Thiện về nhà để dạy Văn Bản học. Thiện đem chuyện đó nói với Văn Bản và còn đề nghị: "Thành Trưởng sứ nói với tôi rằng: “Có một chuyện ngượng nói ra với ông, nhưng đã chơi với ông không thể không nói với ông. Đó là đạo quỷ thần cũng có ăn, nhưng không được ăn no. Thường khổ vì nỗi đói khát. Nếu được người cho ăn thì được no cả năm. Cho nên bọn quỷ thường ăn vụng của nhà người ta. Tôi đã ở địa vị quý trọng, không thể ăn vụng được. Vậy theo ông xin một bữa! Thiện nói chuyện lại với Văn Bản liền sửa soạn cỗ bàn, sắm đủ trân hào hải vị. Thiện nói: "Quỷ không muốn vào nhà người. Vậy có thể mang ra ngoài bờ sông, căng màn trải chiếu bày cơm rượu ở trên!. Văn Bản làm theo lời dặn. Đến giờ Cảnh cùng hai vị khách khác đến ngồi, theo sau là hơn một trăm lính kỵ. Ngồi xong đâu đấy, Văn Bản hướng vào bàn tiệc vái hai vái, xin lỗi vì cơm nước không được tinh tươm. Thiện truyền lại ý từ tạ của Cảnh. Trước đó, khi sắp mở tiệc, Nhân Thiện xin có vàng lụa để tặng cho quỷ. Văn Bản hỏi: "Đó là những vật gì?". Thiện đáp: "Những thứ quỷ dùng đều khác với người, chỉ có vàng và lụa là thông dụng mà thôi, nhưng cũng không bằng của giả. Lấy vàng mạ vào thiếc mà làm vàng, lấy giấy làm lụa là quý nhất". Văn Bản cứ làm đúng như lời. Tới khi Cảnh ăn xong bèn bảo những người tùy tùng thay nhau mà vào ngồi ăn. Văn Bản đem các thứ vàng bạc lụa là đã làm ra để tặng Cảnh. Cảnh mừng rỡ tạ ơn nói: "Nhân ông tuy Nhân Thiện mà lại phiền đến cậu được cung cấp. Vậy cậu có muốn biết thọ mệnh không?". Văn Bản từ chối đáp: “Không muốn biết". Cảnh cười rồi đi. Mấy năm sau Nhân Thiện bị ốm, tuy không nặng lắm nhưng hơn một tháng mà vẫn không dậy được. Thiện hỏi kỵ sỹ, kỵ sỹ không biết bèn hỏi Trưởng sứ. Trưởng sứ báo lại rằng: "Trong nước không biết. Tháng sau nhân chầu Thái Sơn sẽ hỏi giúp rồi báo lại".

Tới tháng sau Trưởng sứ đến bảo lại rằng: "Đó là do Triệu Mỗ là người đồng hương của ông hiện làm chủ bạ ở Thái Sơn, thấy Thái Sơn còn khuyết một viên chủ bạ đã tiến cử ông làm chức quan đó. Cho nên mới làm công văn giấy tờ để triệu ông đấy. Nếu giấy tờ làm xong thì ông sẽ chết!". Thiện hỏi xin đem giấy tờ ra. Cảnh nói: "Tuổi thọ của ông lẽ ra phải hơn sáu mươi, nay mới bốn mươi. Chỉ là do Triệu chủ bạ trưng tập bậy mà thôi. Để tôi sẽ vào xin cho!". Sau lại ra nói: "Triệu chủ bạ có lời hỏi thăm bác Tuy, nói rằng trước kia là bạn học cùng với bác, ân tình rất sâu, nay may mà được làm chức chủ bạ ở Thái Sơn, gặp lúc còn thiếu một viên quan, minh phủ đang chọn người. Tôi đã bẩm với phủ quân, phủ quân đã hứa sẽ trọng dụng. Bác đã chẳng có thể trường sinh, bệnh rồi sẽ chết, chết mà không gặp hội thì chưa chắc đã được làm quan. Vậy bác còn tiếc gì một hai chục tuổi để kéo dài cuộc sống tạm bợ ra làm gì. Nay văn thư đã ban ra, không thể thôi được. Mong bác dứt khoát sẽ đến, chớ có chần chừ!". Thiện lo sợ, bệnh càng thêm nặng. Cảnh bèn bảo Thiện rằng: "Triệu chủ bạ dứt khoát muốn ông phải đến. Ông hãy tự đến Thái Sơn để trình bày trước phủ thì mới có thể miễn được". Thiện hỏi: "Làm thế nào mà gặp được phủ quân?". Cảnh đáp: "Quỷ thì có thể gặp được. Đến miếu Thái Sơn rồi sang phía Đông, vượt qua một rặng núi nhỏ đến một bãi đất bằng thì đó là đô sở của phủ quân. Ông cứ đến, tự khắc được gặp". Thiện bèn nói lại với Văn Bản. Văn Bản bèn chuyển bị hành trang đầy đủ cho Thiện. Mấy ngày sau Cảnh lại bảo Thiện: "Văn bản sắp thành. Ông đến trình bày sợ cũng không được miễn. Vậy hãy làm gấp một tượng Phật. Văn thư đó sẽ được triệt tiêu!".

Thiện kể lại với Văn Bản. Văn Bản bỏ ra ba ngàn đồng vẽ một tòa tượng Phật ở vách Tây chùa. Vẽ xong thì Cảnh đến báo: "Miễn rồi!". Thiện tính chẳng tin Phật, ý vẫn còn nghĩ bèn hỏi Cảnh: "Phật pháp nói có nhân quả ba đời, điều đó hư thực ra sao?". Đáp: "Đều thực!". Thiện hỏi: "Tức như người này chết sẽ phải phân phối vào sáu đường, làm sao đều có thể làm quỷ hết cả? Thế mà sao Triệu Vũ Linh Vương và ngài này vẫn là quỷ?". Cảnh nói: “Huyện ông có mấy hộ?”. Thiện đáp: "Thường là từ 20 người trở xuống. Lại hỏi: "Trong một vạn hộ đó được làm quan ngũ phẩm hỏi có mấy người?". Đáp: "Không có ai!". Lại hỏi: "Quan tử cứu phẩm trở lên có mấy người?". Thiện đáp: "Được vài chục người". Cảnh nói: "Cái nghĩa của sáu nẻo, phân tích ra cũng giống như vậy thôi. Kẻ được lên nẻo Trời vạn người không có được một người. Như trong huyện ông không có một ai được làm quan ngũ phẩm. Người được thác sinh vào nẻo người một vạn cũng chỉ có mấy người như trong huyện ông chỉ có mấy chục người được làm quan cửu phẩm. Những kẻ phải sa vào địa ngục, trong một vạn cũng chỉ có mấy chục người như số tù trong ngục huyện ông. Chỉ có quỷ và súc sinh là đông nhất, như các hộ phải sưu thuế trong huyện ông. Ngay trong các đường này cũng lại có đẳng cấp. Cảnh chỉ vào kẻ tùy tùng mà bảo Thiện rằng: “Người này rất không bằng tôi. Những người kém hẳn lại còn nhiều hơn”. Thiện hỏi: “Quỷ có chết không?” Đáp: “Có chứ!”. Hỏi: “Chết rồi thì vào nẻo nào?”. Đáp: “Không biết! Như người biết sống mà không biết chết sẽ ra sao?”. Hỏi: “Thế thì việc việc sổ sách trị chung cả sáu nẻo (lục đạo). Gọi đó là Thiên tào, Diêm la vương như Thiên tử dưới trần gian. Phủ quân Thái Sơn như quan Thượng thư lệnh. Thần cai quản năm nẻo cũng như các Thượng thư. Còn những nước như nước tôi cũng tựa như châu, quận lớn. Mỗi khi xét xử công việc ở nhân gian, nhà đạo dâng sớ, cầu phúc cho người như cầu thần gia ơn. Thiên tào nhận lấy, sức xuống Diêm La Vương rằng: Ngày ấy tháng ấy nhận được lời khiếu tố của mỗ giáp… cần phải làm cho hết lý, không được uổng lạm. Diêm La Vương kính cẩn tiếp thu mà phụng hành, như người phụng chiếu vậy.

Nếu vô lý thì không thể cầu miễn. Nếu có điều oan uổng ắt sẽ được minh oan. Vậy thì việc sổ sách cầu cúng của đạo gia còn có ích gì?”.

Thiện hỏi: “Nhà Phật tu phúc như thế nào?”. Cảnh đáp: “Phật là bậc đại thánh không đưa công văn xuống dưới. Người tu phúc sẽ được thiên thần kính trọng, phần nhiều được khoan dung. Nếu người nào phúc dày thì tuy có công văn của nẻo ác cũng không được truy nã bắt bớ. Đó chẳng phải là điều tôi được biết và cũng chẳng ai biết tại sao lại như vậy”. Nói xong đi ngay. Một hai ngày sau, Thiện dậy được và khỏi hẳn. Cha Văn Bản mất. Thiện trở về quê quán và gửi thư cho Văn Bản rằng: "Quỷ thần quả thực là tham lam gia nịnh. Ngày xưa muốn xin cái ăn cái uống của cậu thì ân cần thế. Gần đây biết là không được lợi lộc gì nữa thì gặp nhau rất là thưa thớt đểnh đoảng. Tên kỵ sỹ thì hiện nay vẫn còn theo tôi. Huyện tôi bị giặc chiếm, bị giết gần hết. Tôi được tên kỵ sỹ đó dẫn đường thường là gặp giặc mà chúng không nhìn thấy cho nên rốt cuộc đã được vẹn toàn".

Ngày 8 tháng 9 năm Trinh Quán thứ mười sáu, các quan văn được đối sách ở cửa Huyền Vũ. Bấy giờ Văn Bản làm Trung thư thị lang, cùng với anh tôi làm chức Thái phủ khanh và Trị thư thị ngự sử Mã Chu, cấp sự trung vi còn ngồi coi đối sách.

Văn Bản đã thuật lại chuyện này với mọi người.

Nguyên chú:

1. Truyện trên có xuất xứ từ sách Minh Báo ký.

2. Xét thấy những người bị sa vào địa ngục tuy nhiên nhưng sao bằng được ngã quỷ và súc sinh. Quỷ thì người không thấy nhưng súc sinh thì từ những loài đi dưới nước trên cạn. trên không, các loài thai sinh, thấp sinh, hóa sinh đến những loài côn trùng bé nhỏ đều đầy rẫy trong pháp giới, cho nên nói là nhiều nhất.



 

Viết bình luận

Chúc mừng năm mới
Copyright © 2015 daibaothapmandalataythien.org. All Rights Reserved.
Xã Đại Đình, huyện Tam Đảo, tỉnh Vĩnh Phúc. Email: daibaothapmandalataythien@gmail.com

Đăng ký nhận tin mới qua email
Số lượt truy cập: 6329024
Số người trực tuyến: