Vũ Xương: Trình Đạo Huệ
Vũ Xương: Trình Đạo Huệ
Trình Đạo Huệ tự Văn Hòa ở Vũ Xương đời đời theo đạo năm đấu gạo, không tin là có Phật. Thường nói: “Chính đạo xưa nay đều không hơn được đạo của cụ Lý. Sao lại tin nhảm vào lời bọn rợ Hồ, coi đó là đạo hay”. Năm Thái Nguyên thứ mười lăm Huệ ốm chết, nhưng tim còn ấm nên người nhà vẫn chưa khâm liệm. Được mấy ngày thì Huệ hồi tỉnh và thuật lại rằng: “Lúc mới chết thấy mười mấy người đến bắt trói lôi đi, gặp một vị Tăng, vị này nói: “Người này có phúc từ các kiếp trước, chưa thể bắt được’’ bèn cởi trói cho, nhưng vẫn lùa đi; đường đi vừa dài vừa bằng phẳng, nhưng hai bên thì gai góc um tùm không thế lách chân vào đâu được. Các tội nhân bị lùa đi phải chụp bừa vào trong đó, gai đâm vào thịt khóc rền rĩ nghe điếc cả tai. Họ thấy Huệ đi trên đường bằng phẳng đều tấm tắc nói: “Đệ tử của Phật có khác, đi đường cũng được hơn người”. Vị Tăng nói: “Ông quên đấy thôi”. Huệ bèn tự mình nhớ lại thì ra thân trước đã từng thờ Phật, trải qua năm lần sinh tử nên quên mất chí xưa. Nay sinh ở đời lúc nhỏ gặp phải kẻ ác, chưa hiểu rõ chính tà, cho nên mói bị mê hoặc vì tà đạo.
Tới một tòa thành lớn, đi thẳng đến chỗ sảnh đường, có một người ngồi ngoảnh về Nam thấy Huệ liền kinh ngạc mà bảo rằng: “Ông không phải đến!”. Có một người mặc áo đơn đầu đội khăn, cầm sổ đối chiếu nói: “Người này chặt cây ở đền Xã, lại giết người. Tội phải đến đây”. Vị Tăng gặp lúc nãy cũng theo Huệ vào cãi lý rất hăng nói: “Chặt cây ờ đền Xã không phải là tội. Người này phúc xưa rất nhiều, tội giết người tuy nặng nhưng chưa tới lúc quả báo!”. Người ngồi quay về Nam nói: “Đúng, phạt kẻ đi bắt”. Rồi bảo Huệ vào chỗ ngồi và xin lỗi nói: “Bọn tiểu quỷ nhầm lẫn bắt bừa, nên bắt lầm. Nhưng cũng do ông quên mất mệnh xưa không biết phụng chính pháp lớn”.
Sắp để Huệ về, bèn để Huệ xem qua địa ngục một lượt. Huệ vui vẻ đi ra, theo người dẫn vòng mà đi, đi tới các thành, người đông muôn ức thảy đều bị tội báo thấy có chó ngao cắn xé người thịt xương trăm đốt tung toé máu me đầy đất. Lại có đàn chim mỏ sắc như lưỡi kiếm, bay đến rất nhanh bay vụt vào trong miệng người mà mổ thủng suốt từ ngoài vào trong, người đó quằn quại kêu la, gân cốt nát rơi rụng lả tả, xem khắp một lượt rồi cho Huệ về gặp lại vị Tăng gặp trước kia, vị Tăng đó cho Huệ một vật bằng đồng hình giống cái nhạc con và dặn: “Ông về tới nhà hãy vứt vật này ở ngoài cửa, chớ mang vào nhà. Ngày ẩy tháng ấy ông sẽ gặp tai ách. Nếu giữ gìn cẩn thận qua được tai ách thì ông sẽ thọ tới chín mươi”. Bấy giờ nhà Huệ ở phía Nam phố lớn kinh thành, Huệ tự nhìn thấy nhà mình mà quay về tới cầu Táo giáp sắp sửa vào cổng bèn đặt cái vật bằng đồng vừa rồi ở ngoài cổng thế là cây ngoài cổng có hào quang bốc lên tỏa sáng bay đến tận trời một hồi lâu rồi nhỏ dần và biến mất. Tới cửa thấy mùi xác thối ngập ngừng không muốn nhập xác. Bấy giờ thân bằng cố hữu đến phúng viếng huých cả vào Huệ rất đông. Huệ không còn có thể chần chừ nữa bèn tiến vào nhập xác và bỗng nhiên sống lại. Sau Huệ tới chức đình uỷ, sắp sửa đến Tây đường để xử án, nhưng chưa kịp thì bỗng nhiên bị ngất đi bất tỉnh nhân sự, một nửa ngày mới khỏi. Tính ngày giờ thì đúng vào kỳ hạn mà vị Tăng đã dặn. Ít lâu sau Huệ về làm Thứ sử Quảng Châu. Đến năm Nguyên Giao thứ sáu mói mất.
Nguyên chú:
1. Truyện trên trích từ sách Minh Tường ký.
2. Vị Tăng kia ắt hẳn là thầy kiếp trước của Huệ, nếu không thì việc chi phải ân cần, vất vả lo cho Huệ như vậy.
3. Xưa Trương Đạo Lăng ở đất Thục bắt mỗi nhà góp năm đấu gạo. Nếu không nghe thì liền sai quỷ đến nhà, thế nên thế gian gọi đạo đó là (ngũ đầu mễ đạo) đạo Năm đấu gạo.
4. Cụ Lý: nguyên văn là Lý Lão, chỉ Lão Tử Lý Đam được đạo giáo suy tôn là giáo chủ.
- 63
Viết bình luận