Vũ Xương: Đái Thiên Trụ
Vũ Xương: Đái Thiên Trụ
Thượng thư bộ Hộ Vũ Xương công Đái Thiên Trụ người ở Vũ Xương vốn chơi thân với Thẩn Dụ làm chức biệt giá ở Thu Châu. Trụ mất vào năm Trinh Quán thứ bày. Tới tháng tám năm thứ tám, Dụ ở Châu nằm mơ thấy bạn thân mình đi tới phố Tây Nam phường Nghĩa Ninh thấy Trụ bận quần áo cũ rách, vẻ mặt rất tiều tụy, thấy Dụ thì vừa buồn, vừa mừng. Dụ nói: “Ông bình sinh làm những điều phúc đức, vậy nay làm gì?”. Đáp: “Đương thời tôi tâu
lầm làm chết người. Sau khi chết rồi, người khác giết dê để tế tôi. Do hai việc này mà tôi phải biện bạch giải đáp rất vất vả, không thể nói hết được. Nay việc cũng đã xong rồi!”. Nhân đó bèn bảo Dụ rằng: “Bình sinh tôi là bạn tốt của ông, nhưng rốt cuộc tôi đã không tiến cử cho ông thăng quan tiến chức được, tôi vẫn rất ân hận trong lòng. Ông nay sẽ được thăng lên ngũ phẩm. Giấy tờ đã đưa lên Thiên Tào duyệt qua. Giúp được nhau nên cũng vui mừng, bởi vậy xin tin cho ông biết”. Trụ nói dứt lời thì Dụ tỉnh dậy, bèn đem chuyện này kể với người khác, những mong những điều trong mộng được ứng nghiệm. Mùa đông năm đó Dụ vào kinh để dự kỳ thăng tuyển. Nhưng bị phạt về vụ đồng nên không được thăng quan. Bây giờ Dụ lại nói với người khác là giấc mộng trước đây không ứng nghiệm. Mùa xuân năm thứ chín, Dụ sắp về Giang Nam, đi tới Từ Châu bỗng nhận được chiếu thư phong cho Dụ hàm ngũ phẩm, làm chức Trị trung Vụ Châu. Anh của Lâm làm chức Lại bộ thị lang nghe biết chuyện đó bèn mời Dụ đến hỏi, nên đã biết được tường tận như vậy.
Nguyên chú:
Nay người thế gian sát sinh để tế tự, đặt ra lệ cúng tế hàng năm nhìn cái gương của Đái Công thì cũng nên tự xét mình. Cho nên phần chú thích của kinh Vu Lan Bồn nói: “Dẫu có tỏ lòng hiếu thảo, suốt đời chăm lo cho phần mộ, cả kiếp dốc sức vào việc tế tự, song cũng chẳng có thể giúp được gì cho thần thức của tổ tiên ở cõi âm, rốt cuộc chỉ vô ích mà thôi. Nếu lúc sống mà có phụng dưỡng dù là chút ít, song vẫn còn có ích lợi được chút ít, chứ như lễ trưng lễ thường (tức là việc cúng tế bốn mùa - ND) thì hoàn toàn chẳng có ích gì. Nếu tế lễ chỉ dùng rau dưa thì còn không làm song thân bị tội lỗi. Còn như việc sát sinh để cúng tế thì trái lại sẽ gây ra tai họa cho cha mẹ. Cách làm đó chỉ để nêu hư danh, không giúp gì cho đạo quỷ thần. Nếu cha mẹ ở nẻo quỷ thần thì còn có thể tế tự. Nhưng nếu đã sinh vào nẻo khác, thì làm sao mà có thể thụ tế được. Hơn nữa trong nẻo quỷ có nhiều chướng ngại, thấy thức ăn thì liền hóa thành tro than như mẹ Mục Liên vậy. Cuối Hiếu kinh có câu: Thờ lúc sống thì bằng cách kính yêu. Thờ lúc chết thì bằng cách buồn thương. Như thế là đã hết cái gốc của sinh dân, là đã có đầy đủ cái nghĩa tử sinh vậy, Thế là công việc của người con hiếu thờ phụng cha mẹ đã kết thúc rồi vậy”.
Đã biết thân bị diệt mà thân chẳng diệt, như vậy thì há có thể coi trọng thân hình mà coi nhẹ tinh thần được! Thần còn thì kính thì nuôi, ốm thì lo. Đó là coi trọng thân hình, ơn cha mẹ lớn như trời mà lại tế cha mẹ như tế quỷ thần như vậy là coi khinh thần linh cha mẹ. Từ đó suy ra chớ nên câu nệ vào Nho giáo tạm bày biện tế lễ, mà nên theo Phật giáo báo đáp bằng thực lý, tích tập phúc đức để giúp cho người thân, chớ có sát sinh để cúng tế, như vậy sẽ càng làm cho cha mẹ ở cõi âm bị khố sở hơn.
- 77
Viết bình luận